Trên nhiều thửa ruộng xơ xác, thất thu nặng, ông Lê Khắc Long - Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Đỗ Động (xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) cho biết, địa phương có tổng diện tích lúa 426ha. Năm nay lúa nhiễm rầy mật độ rất cao, có chỗ từ 3.000 - 5.000 con/m2 trong khi thông thường chỉ 200 - 300 con/m2, chủ yếu là ở các giống Bắc thơm số 7, Nếp 87, Nếp 97.
Sâu bệnh cộng với thời tiết bất thuận nên lúa mùa năm nay ở Đỗ Động giảm năng suất rõ rệt. Năm ngoái bình quân Bắc thơm số 7 đạt 200kg/sào (360m2) nhưng năm nay trung bình chỉ 90kg/sào, có nhà chỉ 60 - 70kg/sào. Đây cũng là tình hình chung của một số xã trong huyện chứ không chỉ riêng Đỗ Động. Mất mùa nên chưa bao giờ giá lúa khô lên cao như thế. Bắc thơm số 7 mới đầu vụ 12.000đ/kg, giờ có nhà đã bán 14.000 - 15.000đ/kg nên HTX Đỗ Động không thể thu mua đuổi theo giá được với tư thương.
Theo một cán bộ nông nghiệp ở huyện Thanh Oai thì nhiều xã như Tam Hưng, Thanh Văn, Đỗ Động, Kim Bài… giống Bắc thơm số 7 được nông dân ưa chuộng. Rất nhiều giống lúa mới được đưa vào rồi lại bị đưa ra, nông dân cuối cùng vẫn quay lại với Bắc thơm số 7.
Vụ mùa thời tiết khắc nghiệt nên huyện không khuyến cáo cấy Bắc thơm số 7 bởi dễ dính rầy, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn... nhưng nông dân cứ trồng thì đành phải chịu. Tỷ lệ Bắc thơm số 7 chiếm khoảng hơn 20% trên tổng diện lúa hơn 6.000ha của Thanh Oai. Nông dân trong huyện thích cấy Bắc thơm số 7 vì cơm ngon, dễ làm, dễ bán, giá cao.
Giờ thì nhiều người đã biết sợ Bắc thơm số 7 qua việc mất mùa vừa rồi, nhất là những nơi để nước lưu cữu thường xuyên rất dễ dính sâu bệnh. Ở thị trấn Kim Bài (huyện Thanh Oai) có chỗ mật độ rầy lên đến cả vạn con/m2, người dân hoảng hốt, mời cán bộ đến tư vấn thuốc BVTV và đã xử lý khá thành công.
Ở xã Thanh Văn (huyện Thanh Oai) nông dân trồng nhiều Bắc thơm số 7, tuy không bị rầy nhưng cây lúa đẻ ít nên năng suất chỉ hơn 100kg/sào. Không chỉ ở huyện Thanh Oai mà một số huyện ngoại thành Hà Nội cũng xảy ra hiện tượng mất mùa rải rác trên giống Bắc Thơm số 7 do dính sâu bệnh.
Bắc thơm số 7 là giống thuần có nguồn gốc nhập khẩu từ Trung Quốc, được công nhận ở Việt Nam vào năm 1998. Giống gieo cấy được cả hai vụ, có thời gian sinh trưởng tại các tỉnh Bắc bộ vụ xuân 125 - 130 ngày; vụ mùa 100 - 105 ngày, tại các tỉnh Bắc Trung bộ thời gian rút ngắn 3 - 5 ngày so với khu vực Bắc bộ. Tại Nam Trung Bộ, thời gian sinh trưởng của giống lúa này trong vụ đông xuân từ 105 - 110 ngày; vụ hè thu 95 - 100 ngày. Năng suất trung bình 5,0 – 5,5 tấn/ha.