Nhà ở thành phố Đào Sơn, ở thủ đô thì ông không thiếu nhưng ông không thích ở. Ông muốn có không gian thật rộng rãi, muốn có thiên nhiên để hòa mình trong đó.
Cách đây 2 năm, ông đã chỉ đạo con trai mình, đang là trưởng một phòng của Sở Kế hoạch tỉnh, chuẩn bị đất ở huyện Sông Hiên, một nơi có địa thế rất đẹp.
Một là cách thành phố Đào Sơn chỉ vài chục cây số. Hai là nơi đó nằm tại một ngã ba sông, giáp ranh giữa ba tỉnh Thái Hòa, An Khang và Đào Sơn.
Chỉ trong vòng 6 tháng, thằng Quỳnh, con trai ông, đã mua lại của dân được trên hai mươi ngàn mét vuống đất canh tác, và làm thủ tục xin chuyển đổi hơn năm ngàn mét vuông đất canh tác trong số đó thành đất ở, chuyển đổi số còn lại thành đất vườn, với giá trị gần ba chục tỷ đồng. Đủ điều kiện để làm một khu biệt thự sinh thái có nhà, có ao, có vườn…
Tất cả diện tích ấy đều do thằng Quỳnh đứng tên hết. Nhưng ông vẫn chần chừ chưa muốn khởi công ngay, vì còn mấy việc chưa làm xong…
Tuy là ngày Chủ nhật, nhưng ông Luyến không về nhà mà đến thẳng phòng làm việc ở trụ sở rồi bấm máy cho Giám đốc Sở Công an tỉnh Trần Thanh. Mươi phút sau, Trần Thanh đã có mặt. Ông Luyến hỏi ngay:
- Cái gì mà cậu làm như cháy nhà thế?
- Anh… Anh kiểm tra xem nhà mình, hay phòng làm việc của mình, xem có mất mát cái gì không?
- Nhà thì chắc không. Vì có mất mát gì thì nhà tôi đã điện báo. Còn phòng làm việc. Thì cậu thấy đấy. Mọi thứ vẫn nguyên xi.
Tuy nói vậy, nhưng ông Luyến cũng đứng dậy, đi quanh phòng làm việc của mình. Chợt ông cúi xuống cái tủ ngăn bàn làm việc của mình. Mọi ngày, cái tủ đó vẫn được khóa. Nay sao cửa lại hơi he hé ra. Ông kéo cánh tủ. Cánh cửa bật ra một cách nhẹ nhàng. Trong tủ rỗng không. Mặt ông Luyến chợt tái đi. Ông bảo Trần Thanh:
- Mất… mất… cậu ạ.
- Mất cái gì, anh?
- À… mất… mất mấy thứ lặt vặt ấy mà.
Trần Thanh mở cặp, rút ra một cái phong bì khá dầy, đã bị bóc, đặt trước mặt ông Luyến.
- Có phải mất mấy thứ này không, anh?
Ông Luyến chết lặng. Cái phong bì in tên Vũ Văn Hoành, Giám đốc Cty may Sông Hương, với dòng chữ ghi bằng bút bi “Chúc mừng anh nhân ngày sinh nhật lần thứ 55”. Ngày lễ, ngày Tết, ngày sinh nhật… ông đều không cho ai đến nhà, để tránh tiếng. Nhưng những ngày trước đó, lãnh đạo các ngành, giám đốc các doanh nghiệp trong tỉnh đều lần lượt đến phòng làm việc gặp ông để đưa phong bì chúc mừng.
Rồi chủ đầu tư các dự án trong tỉnh, ngoài tỉnh đến xin ông giúp chỉ đạo bên ủy ban tỉnh giải quyết việc này việc nọ để khơi thông dự án, cũng mang phong bì đến. Độ nặng nhẹ của phong bì tùy theo mức độ quan trọng của công việc...
Tất tật các loại phong bì đều được ông nhét vào cái ngăn tủ bàn làm việc ấy. Mấy tháng một lần, ông mới lấy ra, cho vào cái cặp mang về đưa cho vợ để vợ bóc ra, phân loại. Tiền Việt, tiền đô la Mỹ. Thường thì tiền Việt rất ít, chủ yếu là đô la Mỹ.
Sau khi bóc, những phong bì đó đều được vợ ông mang đốt. Ba tháng nay ông chưa lấy những phong bì trong tủ mang về cho vợ, dù nó đã đầy đến hai phần ba. Thế mà bỗng chốc, tủ rỗng không. Đáp lại cái nhìn dò hỏi của ông, Trần Thanh hắng giọng rồi báo cáo:
- Thưa anh. Sáng nay có một anh dân quê cầm mấy tờ 100 đô la Mỹ đến cửa hàng vàng Nguyên Phong trên đường Trần Hưng Đạo, thành phố Đào Sơn, hỏi chủ hàng: “Tiền này là tiền gì?”. Chủ hàng xem kỹ, trả lời rằng đó là đô la Mỹ. Anh ta hỏi chủ hàng có đổi ra tiền Việt không.
Thấy một người không biết đồng đô la là gì mà lại có đến năm sáu tờ 100 đô la. Chủ hàng vàng sinh nghi, trả lời anh ta là có đổi, nhưng tìm cách kéo dài thời gian, bí mật điện cho công an phường Trần Hưng Đạo. Công an phường đến, bắt quả tang anh ta vi phạm quy định về quản lý ngoại tệ. Anh ta khai buổi sáng đi thăm ruộng ngô nhà mình ở bãi sông Đào, thấy một đống phong bì đã bị bóc hết, nằm trắng xóa cả góc ruộng.
Tò mò, anh ta nhặt từng cái một lên xem, và thấy cái phong vì này còn sót chưa bóc. Anh ta bóc ra, đếm được 50 tờ. Không biết là tiền gì nhưng đoán tiền đó có giá, nên đem đến cửa hàng vàng hỏi. Rồi anh ta đưa cái phong bì này ra.
Công an phường lập biên bản thu giữ tại chỗ, mời anh ta về phường. Tình cờ lúc đó có một nhà báo cũng có mặt ở cửa hàng vàng, chứng kiến toàn bộ sự việc. Tay nhà báo này đã chụp ảnh người nhặt được cái phong bì, sau đó chạy đến ruộng ngô, và đã chụp ảnh toàn bộ đống phong bì, đưa luôn lên một tờ báo điện tử, khiến cả thành phố xôn xao lên.
Chỉ vài tiếng đồng hồ sau, nhiều báo điện tử khác cũng đăng lại tin đó, với câu hỏi: Chủ nhân của những phong bì đó là ai? Chỉ một cái phong bì bỏ sót đó đã có giá trị 5.000 đô la Mỹ, tương đương với trên 100 triệu đồng, thì giá trị của hàng trăm chiếc phong bì kia còn lớn đến mức nào? Phải chăng chủ nhân của những phong bì đó là một quan chức rất lớn của tỉnh?
Ông Luyến trầm ngâm:
- Số phong bì đó là của mình. Anh em người ta cho, mình nể tình mà nhận nhưng cũng chẳng bóc. Chẳng biết bên trong nó là bao nhiêu. Đây là một vụ trộm. Nhưng vấn đề là kẻ trộm là ai? Kẻ đó đột nhập vào phòng mình khi nào? Cổng cơ quan có bảo vệ gác 24/24 giờ. Kẻ trộm đột nhập vào phòng mình bằng cách nào, khi cửa phòng, cửa sổ đều không có dấu hiệu bị cạy phá? Cậu nghĩ thế nào về những câu hỏi đó?
- Dạ, thưa anh. Những câu hỏi của anh thật xác đáng. Cái này, em sẽ chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát Điều tra, phải có câu trả lời sớm nhất.
- Thế còn người nhặt được cái phong bì này?
- Dạ, anh ta tên là Trần Văn Thà, 42 tuổi, có hộ khẩu thường trú tại thôn Văn Quan, xã Tiền Phong, ngoại thành thành phố Đào Sơn. Hiện vẫn bị tạm giữ ở công an tỉnh. (còn nữa)