Hợp tác xã nông sản hữu cơ Rạch Giá đã liên kết với các tổ chức nông dân để sản xuất, đưa sản phẩm hữu cơ đến tay người tiêu dùng.
Liên kết với các hợp tác xã
Mô hình lúa - tôm tại các huyện ven biển của tỉnh Kiên Giang rất có tiềm năng để phát triển sản xuất hữu cơ nên nông dân hào hứng tham gia. Để tạo đầu ra cho sản phẩm, ông Kim Dương Liễu đã đứng ra liên kết nông dân lại để thành lập hợp tác xã.
“Tôi chủ động kết nối chính những nông dân đã từng tham gia mô hình sản xuất lúa hữu cơ - tôm sạch lại, trình bày ý tưởng và họ đồng ý tham gia. Điều kiện thành lập hợp tác xã theo luật mới khá thoáng, thế là tháng 9/2016, Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Rạch Giá ra đời, với 9 thành viên ban đầu, sau tăng dần lên”, ông Liễu nhớ lại.
Sản xuất hiệu quả do đã có sẵn quy trình làm lúa hữu cơ, nông dân cũng đã nắm vững quy trình kỹ thuật nhưng kinh doanh của hợp tác xã luôn gặp khó khăn do chưa có thị trường đầu ra.
Ông Liễu kể: “Trong khoảng 2 năm đầu, với sự hỗ trợ của Trung tâm xúc tiến thương mại tỉnh, Liên minh hợp tác xã Kiên Giang, đơn vị liên tục đi chào hàng, tham dự các sự kiện… Thậm chí là biếu, tặng để khách hàng dùng thử, làm quen với sản phẩm. Đến năm 2019, thương hiệu gạo hữu cơ của hợp tác xã đã được các hệ thống siêu thị Co.opmart, Mega Market đưa lên kệ kinh doanh toàn quốc. Nhờ đó, tình hình kinh doanh dần khởi sắc, tạo được uy tín trên thị trường”.
Tham gia mô hình liên kết sản xuất, các xã viên là nông dân sẽ được hỗ trợ tập huấn, đào tạo, xây dựng các mô hình khuyến nông, hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm. Được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác lúa hữu cơ và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi giá trị.
Nhu cầu thị trường tăng lên, đầu ra ổn định, hợp tác xã đã thành lập 2 Tổ sản xuất để phát triển vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, việc tiếp tục kết nạp thêm thành viên, mở rộng vùng sản xuất lại gặp khó về khâu quản lý.
Theo ông Liễu, để khắc phục hạn chế này, “Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Rạch Giá đã chọn hình thức liên kết với với các hợp tác xã ở địa phương, để làm vệ tinh phát triển vùng nguyên liệu. Đây là hình thức liên kết hiệu quả, vì các hợp tác xã họ có sẵn tài nguyên đất đai, có bộ máy tổ chức sản xuất, có chức năng ký kết hợp đồng thương mại… Vì vậy, có thể phát triển vùng nguyên liệu không hạn chế theo nhu cầu”.
Hiện nay, Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Rạch Giá đang phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang triển khai chương trình liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã của tỉnh Kiên Giang.
Theo đó, mô hình này sẽ phát triển sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ, sử dụng vật tư đầu vào 100% đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Dự kiến trong 3 năm (2021-2023), sẽ triển khai sản xuất 300 ha lúa hữu cơ. Mỗi năm 1 vụ lúa trên nền đất nuôi tôm của các hợp tác xã nông nghiệp, gồm 100 ha tại xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng và 200 ha tại xã Vĩnh Phong và Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang.
Riêng vụ lúa - tôm 2021, Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Rạch Giá đã ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản lượng lúa sản xuất theo quy trình hữu cơ của một số hợp tác xã thuộc huyện Vĩnh Thuận và U Minh Thượng, với tổng diện tích 130 ha.
Theo đó, đơn vị sẽ cung ứng lúa giống, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học… cho nông dân thiếu đến cuối vụ. Đồng thời chuyển giao quy trình kỹ thuật để triển khai thực hiện và cam kết thu mua lại toàn bộ lúa hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng theo chuẩn Organic, với giá cố định là 7.200 đồng/kg lúa tươi cắt máy gặt đập liên hợp.
Kết nối người mua, người bán
Ngoài lúa gạo, Hợp tác xã nông sản hữu cơ Rạch Giá còn sản xuất, cung ứng rau sạch trồng theo công nghệ cao, theo quy trình khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.
Giám đốc Kim Dương Liễu cho biết: Tất cả các loại rau cửa hàng cung cấp tới tay người tiêu dùng đều đảm bảo tiêu chí “5 không”: Không giống biến đổi gen, không phân bón hóa học, không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, không thuốc kích thích sinh trường và không chất bảo quản”.
Vì rau được trồng bằng công nghệ thủy canh trong nhà màng, sử dụng chế phẩm dung dịch hữu cơ có nguồn từ Nhật Bản. Ngay cả nguồn nước sử dụng là nước máy, còn được lọc qua hệ thống RO để loại bỏ kim loại, vi khuẩn. Hiện hợp tác xã đang sở hữu khu nhà màng chuyên sản xuất các loại rau ăn lá như: xà lách, cải ngọt, cải rổ, cải bẹ dúng, rau muống... để cung cấp ra thị trường hàng ngày.
Ngoài tự sản xuất, đơn vị còn liên kết với các hợp tác xã chuyên sản xuất rau tại các xã vùng ven đô của TP Rạch Giá và huyện huyện Châu Thành, để sản xuất, cung ứng rau cho các đầu mối tiêu thụ lớn, các siêu thị trên địa bàn.
Theo ông Liễu, nhờ tham gia liên kết đã làm thay đổi nhận thức, quy trình sản xuất của bà con xã viên nơi đây. Trước họ tự sản xuất rau không đạt chuẩn và không có đầu ra ổn định nên thu nhập bấp bênh. Nhưng hiện nay đã đạt chuẩn rau sạch và vào được hệ thống các siêu thị.
Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội vì dịch bệnh Covid -19 bùng phát, Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Rạch Giá vẫn duy trì sản xuất ổn định, đảm bảo nguồn cung liên tục cho các đầu mối. “Với số lượng nhân công ít nên chúng tôi thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” rất thuận lợi. Vận chuyển thì đi theo xe luồng xanh nên không gặp khó khăn. Nhờ đó, luôn đáp ứng đủ đơn hàng mà các siêu thị đặt. Thậm chí có tháng lượng hàng chúng tôi cung cấp còn tăng gấp đôi so với bình thường trước khi dịch bệnh xảy ra”, Giám đốc Kim Dương Liễu vui mừng cho biết.
Để thích ứng với thời buổi công nghệ số, Hợp tác xã nông sản hữu cơ Rạch Giá còn đang xây dựng kết nối giao dịch chuỗi cung ứng trên nền tảng công nghệ 4.0 liên kết giữa người mua và người bán gắn với truy xuất nguồn gốc. Qua đó, nhằm nhân rộng các mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, sản xuất có chứng nhận, mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái.
Hợp tác xã nông sản hữu cơ Rạch Giá hiện đã có 3 sản phẩm được tỉnh Kiên Giang cấp chứng nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao, với thương hiệu gạo “Kim Thiên Lộc”. Gồm sản phẩm gạo Nàng hương, gạo lứt đen và gạo lứt đỏ. Đơn vị đang làm hồ sơ, nâng cao chất lượng sản phẩm để nâng hạng lên 5 sao. Ngoài ra, có 2 sản phẩm mới là gạo lứt tím và bột gạo lứt hữu cơ đã được TP Rạch Giá thẩm định đạt 4 sao, đang làm hồ sơ chờ hội đồng tỉnh thẩm định, công nhận.