| Hotline: 0983.970.780

Câu chuyện thành công của trái khóm Tân Phước

[Bài 1] - Trái khóm mọc lên, cả vùng ‘rốn phèn’ thay da đổi thịt

Thứ Tư 27/10/2021 , 14:47 (GMT+7)

Từ một huyện nghèo, hoang sơ, nhiễm phèn mặn, nhờ áp dụng KHKT vào sản xuất, người trồng khóm Tân Phước biến vùng đất ‘rốn phèn’ thành nơi canh tác cho quả ngọt quanh năm.

Rộn rã cánh đồng khóm ngọt

Sau chuỗi ngày tháng giãn cách vì dịch Covid -19, chúng tôi tìm về huyện Tân Phước (Tiền Giang). Những ngày này, từ trên đường, dưới đồng ruộng khắp nơi người dân đang khẩn trương bước vào vụ thu hoạch khóm (dứa, thơm). Trên bến, dưới thuyền, những ghe, xuồng chất đầy khóm chín ngọt đang tấp nập vận chuyển về tập kết dọc theo hai bên đường để chờ thương lái, doanh nghiệp tới thu mua, vận chuyển lên thành phố và về các nhà máy chế biến.

Người trồng khóm Tân Phước tất bật thu hoạch. Ảnh: Trần Trung.

Người trồng khóm Tân Phước tất bật thu hoạch. Ảnh: Trần Trung.

Khí thế lao động của người nông dân sau thời gian dài giãn cách trông hồ hởi, phấn khởi hẳn. Cả cánh đồng luôn rộn rã tiếng cười nói rôm rả, bàn tay cắt khóm thoăn thắt rồi lại chất đầy ghe kéo vào bờ cho những chiếc xe tải đang đậu nối dài chờ “ăn hàng”.

Tân Phước là địa phương nằm trong vùng Đồng Tháp Mười, nên đất đai, nguồn nước đều bị nhiễm phèn, ngoài ra nơi đây còn thường xuyên bị ảnh hưởng của lũ lụt và hạn mặn, khó có cây nào phát triển được. Tuy nhiên, chỉ có cây khóm vẫn bám trụ rất tốt trên vùng đất “rốn phèn” này. Cũng nhờ trồng khóm, nông dân nơi đây từ lâu đã có cuộc sống ấm no ổn định.

Năm 1995, gia đình Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, huyện Chợ Gạo quyết tâm vào lập nghiệp ở vùng đất “khỉ ho cò gáy” này. Khi đó cuộc sống của gia đình bà Tuyết cũng như nhiều nông dân di cư vào đây gặp vô vàn khó khăn vì phải cải tạo đất phèn mặn để thử canh tác lúa. Tuy nhiên, cây lúa không hợp trên đất phèn, có cố gắng trồng thì thu nhập từ lúa cũng không thể nuôi nổi con người. Do đó, bà con bắt đầu chuyển qua trồng khóm và tràm để tìm hướng định canh. Với cây tràm tuy thích hợp với đất phèn, nhưng hiệu quả kinh tế lại không cao, nhất là càng về sau cừ tràm không còn thông dụng cho xây dựng. Ấy thế mà chỉ riêng cây khóm thì vẫn bám trụ ổn định trên vùng đất hoang hóa phèn chua.  

Cánh đồng khóm Tân Phước trên vùng đất phèn chua nhiễm mặn. Ảnh: Minh Sáng.

Cánh đồng khóm Tân Phước trên vùng đất phèn chua nhiễm mặn. Ảnh: Minh Sáng.

Để trồng khóm thành công, bà Tuyết đã kiên trì theo đuổi các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác, xử lý cho cây ra trái theo ý muốn để tránh “trúng mùa, mất giá”, học tập thêm kinh nghiệm của những nông dân sản xuất giỏi đi trước và tìm hiểu từ các kênh thông tin khác để về áp dụng trên đất nhà trong quá trình sản xuất.  “Trước mùa thu hoạch, tôi luôn chủ động điện thoại cho các mối thương lái hẹn lịch đến thu mua khóm để tránh tình trạng “thừa hàng dội chợ”. Nhờ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đã giúp bà con chúng tôi thành công trong việc canh tác khóm trên vùng đất phèn này”, bà Tuyết chia sẻ.

Theo bà Tuyết, từ 5 công đất ban đầu, đến nay gia đình bà đã đầu tư phát triển được lên 5 ha đất chuyên canh trồng khóm, mỗi năm sau khi trừ chi phí vẫn đem lại thu nhập từ 100 đến 300 triệu đồng,

Không vất vả như thời kỳ khai hoang, 3 năm trước, chị Đặng Kim Hoa ở quận Bình Tân, TP.Hồ Chí Minh quyết định bỏ phố về quê lập nghiệp. Nhận thấy việc trồng khóm rất có tiềm năng và cho hiệu quả kinh tế cao, giá đất Tân Phước cũng tương đối “mềm” nên chị đầu tư mua 15 ha đất để trồng khóm. Theo chị Hoa, khóm là loại cây dễ chăm sóc, chịu hạn tốt, lại thích hợp ở những vùng đất phèn, mặn, ít sâu bệnh. Đồng thời, nếu áp dụng các biện pháp xử lý cho cây ra trái quanh năm thì hiệu quả đạt được rất cao.

Vụ mùa này giá khóm dao động từ 5.000 đến 8.000 đồng/kg, nhà nông phấn khởi. Ảnh: Trần Trung.

Vụ mùa này giá khóm dao động từ 5.000 đến 8.000 đồng/kg, nhà nông phấn khởi. Ảnh: Trần Trung.

Theo đó, trung bình mỗi ha khóm cho năng suất từ 14 - 15 tấn trái, giá bán từ 5 – 10 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, người sản xuất vẫn còn lợi nhuận từ 100 – 150 triệu đồng/năm. “Để nâng cao thu nhập, hiện gia đình tôi đang tiến hành xử lý để khóm cho trái đầu hoặc cuối vụ nhằm bán được giá cao; đồng thời đăng ký tham gia vào HTX tại địa phương giúp tìm đầu ra ổn định cho trái khóm”, chị Hoa chia sẻ.

Liên kết với các Viện, Trường

Theo Phòng NN-PTNT huyện Tân Phước, trước đây, khi huyện mới thành lập, cây khóm chỉ xuất hiện rải rác ở các xã Mỹ Phước, Thạnh Mỹ, Hưng Thạnh… nhưng đến nay, hầu hết các xã, thị trấn trong huyện đều có mặt cây khóm với tổng diện tích hơn 16.000 ha, sản lượng đạt khoảng 260.000 tấn/năm. Đầu ra đối với cây khóm hiện nay khá lớn, ngoài các thương lái đến từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh khác, thì các HTX tại địa phương cũng góp phần tiêu thụ sản lượng khóm cho bà con với giá cả ổn định.

Doanh nghiệp đến tận ruộng tìm hiểu giá cả thu mua cho bà con. Ảnh: Minh Sáng.

Doanh nghiệp đến tận ruộng tìm hiểu giá cả thu mua cho bà con. Ảnh: Minh Sáng.

Ông Huỳnh Văn Bườn, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tân Phước cho biết, không chỉ được xác định là cây kinh tế chủ lực, khóm Tân Phước còn được tỉnh Tiền Giang chọn là một trong bảy loại trái ngon để tập trung đầu tư mở rộng phát triển sản xuất. Do đó, để phát triển cây khóm một cách bền vững, những năm qua tỉnh, huyện không ngừng đầu tư hoàn thiện hệ thống ô đê bao khép kín và mạng lưới điện ba pha phục vụ sản xuất, bơm tát, bảo vệ an toàn cho cây khóm mỗi khi lũ về. Ðồng thời, tiến hành liên kết với các Viện, Trường để được chuyển giao, áp dụng các tiến bộ KHKT nhằm nâng cao năng suất và chất lượng của trái khóm thương phẩm.

Vùng chuyên canh khóm Tân Phước không ngừng thay da đổi thịt. Ảnh: CTV.

Vùng chuyên canh khóm Tân Phước không ngừng thay da đổi thịt. Ảnh: CTV.

“Hiện nay, 100% diện tích khóm chuyên canh trên địa bàn huyện Tân Phước đều có đê bao khép kín ngăn lũ bảo vệ, đảm bảo phòng tránh thiên tai và chủ động nguồn nước tưới tiêu. Chúng tôi đang tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp về đầu tư xây dựng nhà máy, kho, bãi, thu mua sản phẩm khóm của bà con nông dân để chế biến. Đồng thời, phối hợp với các nhà khoa học chuyển giao kỹ thuật, trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, xử lý cho cây ra trái nghịch vụ để tiếp tục khẳng định được vị thế cây khóm trên vùng đất Tân Phước đầy phèn mặn này. Dự kiến đến năm 2020 diện tích khóm của huyện đạt trên 20.000 ha”, ông Bườn chia sẻ.

“Nhờ quy hoạch đúng hướng, chính quyền hỗ trợ tích cực về vốn, kỹ thuật,… cùng với sự cần cù lao động của bà con nông dân, tất cả đã tạo nên một vùng chuyên canh khóm rộng lớn, dồi dào mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc trên một vùng quê đã từng được xem là vùng đất hoang, nghèo khổ, khó khăn nhất của tỉnh Tiền Giang”, ông Huỳnh Văn Bườn nói.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.