| Hotline: 0983.970.780

Bồi bổ cho nguồn lợi thủy sản nước ngọt

[Bài 1] Thủy sản nội đồng trở nên khan hiếm

Chủ Nhật 28/04/2024 , 08:53 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Đến nay, nhiều loại tôm, cá… nước ngọt đã trở nên hiếm gặp. Thậm chí nhiều loại đã nhiều năm vắng bóng…

Khai thác dùng kích điện là tận diệt nguồn lợi thủy sản. Ảnh: T. Phùng.

Khai thác dùng kích điện là tận diệt nguồn lợi thủy sản. Ảnh: T. Phùng.

Quảng Bình với lợi thế có hệ thống sông ngòi dày đặc, vùng đầm phá lớn nên các loại tôm, cá trên đồng, song luôn phong phú, đa dạng. Nhiều loại tôm, cá… được xếp vào hàng đặc sản có giá trị kinh tế rất cao.

Tuy nhiên, hơn chục năm trở lại đây, người dân chỉ nghiêng về khai thác, còn việc bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản không được coi trọng nên lượng tôm, cá ngày càng ít đi.

Ông Ngô Văn Chước (80 tuổi ở xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh), cho chúng tôi hay, cả thời gian dài, tình trạng khai thác trái phép nguồn lợi thủy sản trên địa bàn như dùng thuốc nổ, thuốc bảo vệ thực vật, xung điện, lưới mắt dày… mang tính hủy diệt nên con cá, con tôm, con rạm cũng dần cạn kiệt đi.

“Lúc tôi còn khỏe đi đóng đáy (một nghề khai thác thủy sản), trên sông Kiến Giang có đêm sản lượng được vài tạ tôm bạc hay vài tạ rạm chứ không ít đâu. Mà lúc đó là cả làng đi làm nghề đóng đáy chớ không chỉ nhà tôi. Ai cũng trúng mùa như vậy đó. Nhưng bây giờ thì mong được đôi ký là may rồi”- ông Chước bộc bạch.

Một trong những dụng cụ đánh bắt thủy sản mang tính tận diệt và nguy hiểm đến tính mạng con người hiện nay là dùng xung điện. Mặc dù đã có quy định cấm, nhưng tình trạng người dân sử dụng xung điện để bắt cá vẫn thường xuyên xảy ra, nhất là vào ban đêm trên các cánh đồng lúa, trên sông, đầm phá…

Nói về lý do mạo hiểm dùng xung điện, anh Lê Văn Dũng (xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy), một người dân chuyên đánh bắt cá trên phá Hạc Hải nhưng bây giờ không còn đi chuyên như trước đây nữa cho hay: “Lý do là vì vài năm trở lại đây, cá tôm trên sông chẳng còn là mấy. Nếu dùng câu, lưới như chục năm về trước thì giăng suốt ngày có khi không có con cá nào”.

Theo thống kê của Phòng NN - PTNT huyện Lệ Thủy, năm 2023, lực lượng chức năng huyện đã xử phạt vi phạm hành chính 15 trường hợp khai thác thủy sản nước ngọt bằng xung điện. Các đối tượng vi phạm tập trung ở các xã An Thủy, Hoa Thủy, Hồng Thủy, Phong Thủy, Xuân Thủy, thị trấn Kiến Giang…

Mặc dù các địa phương đã mở nhiều cuộc ra quân kiểm tra, xử lý, tuyên truyền, song lực lượng tại các địa phương hiện nay vẫn còn mỏng, phương tiện kiểm tra còn hạn chế nên công tác quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản vẫn chưa thật sự hiệu quả.

Khai thác với hình thức kéo lưới mắt dày cũng làm cạn kiệt thủy sản. Ảnh: T. Phùng.

Khai thác với hình thức kéo lưới mắt dày cũng làm cạn kiệt thủy sản. Ảnh: T. Phùng.

Chúng tôi đã có dịp đi thuyền ngược sông Kiến Giang từ huyện Quảng Ninh lên huyện Lệ Thủy. Con sông trước đây nước trong xanh, hai bên bờ các loại rong cỏ mọc nổi lòa xòa trên mặt nước.

Nhưng bây giờ, nước sông đổi màu đục lờ nhờ. Hai bên bờ sông không còn loại rong, cỏ nào. Hai bên bờ, có những giàn rớ quay đang dựng lên phơi nắng. Anh Nguyễn Tây (chủ một giàn rớ quay ở xã Gia Ninh) cho hay, tôm cá cũng đã ít gần đi nên có ngày cũng không kiếm nổi tiền công, tiền lãi đầu tư.

Anh Tây cũng cho hay, một phần do thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng và dư lượng được đổ ra sông khiến các loài thủy sản bị ảnh hưởng .

 “Mặt khác, những năm gần đây nạn cào chắt chắt ở hai bên bờ sông khiến cho các loại rong, cỏ bị cào xới nhiều lần nên bạt gốc hết sinh sôi không kịp. Họ cứ khai thác như thế mà không bị ngăn cấm nên hai bên bờ sông giờ chỉ còn đáy bùn thôi. Rong, cỏ là nơi trú ngụ, đẻ trứng của tôm, cá mà hết đi thì các loại thủy sản cũng hết dần theo thôi”, anh Tây nhìn nhận.

Theo ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Bình, nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm nguồn lợi thủy sản là do việc khai thác quá mức nên dẫn đến suy thoái hệ sinh thái sông ngòi, đầm phá. Người dân sử dụng các phương pháp khai thác hủy diệt và các công cụ khai thác bất hợp pháp.

Nhiều người dân sử dụng mắt lưới quá nhỏ nên tận diệt các loài thủy sản, không cho chúng có cơ hội lớn. “Ngoài ra, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp quá nhiều của người dân cũng đã dẫn đến môi trường nước trên các sông suối, đầm phá ảnh hưởng, một số loài thủy sản nước ngọt như cá ngạnh, tôm đất, cá diếc… giảm đáng kể”, ông Linh nhấn mạnh.

Nói về những đặc sản nổi tiếng trên sông Kiến Giang, ông Ngô Văn Chước nói giọng trầm như hoài niệm: “Đó là những con tôm sú to bằng cổ tay trẻ con, hay con cua, con cá bò nước ngọt. Ngoài ra, những loài như cá trồi le, cá bống trắng, con còng, con gia… cũng đã lâu lắm rồi không có ai đánh bắt được hay nhìn thấy nó nữa rồi”.

Xem thêm
Vĩnh Phúc đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Chăn nuôi

Tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Chăn nuôi, nhất là quy định mật độ chăn nuôi vùng để phù hợp với thực tế chăn nuôi tại các địa phương.

Công bố lưu hành thương mại vacxin dịch tả lợn Châu Phi Dacovac - ASF2

BẮC NINH Dacovac - ASF2 là sản phẩm vacxin dịch tả lợn Châu Phi thứ 3 tại Việt Nam được Bộ Nông nghiệp và Môi trường cấp phép lưu hành thương mại.

Không để hết tiền là hết dự án

Nhìn từ dự án tăng cường chuỗi cây trồng an toàn phối hợp cùng JICA, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia gợi mở một số điểm khi xây dựng mô hình sắp tới.

Đại sứ Colombia: ‘Chính sách tốt bắt nguồn từ cơ sở khoa học vững chắc’

Bà Camila nhấn mạnh điều này khi trao đổi với CIAT và cho rằng Chính phủ các quốc gia phải có trách nhiệm trong việc nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.

Cơ hội từ Nghị quyết 57: Phải giữ được người tài

Với Nghị quyết 57, cơ hội phát triển đang rộng mở với các viện, trường, cơ sở nghiên cứu khoa học. Nhưng trước hết, các viện, trường phải giữ chân được người tài.

Sơn La khai thác tiềm năng hơn 1 triệu tín chỉ carbon từ rừng

Sơn La Với hơn 671.000 ha rừng, tỷ lệ che phủ đạt 47,6%, Sơn La có tiềm năng đạt khoảng gần 1,2 triệu tín chỉ carbon từ rừng hằng năm.