| Hotline: 0983.970.780

Nóng đấu thầu lại đất trang trại ở Văn Giang

[Bài 1] Xã ra văn bản đột ngột, chủ trại phải bán tháo vật nuôi

Chủ Nhật 21/07/2024 , 08:06 (GMT+7)

Giữa cao điểm đại dịch Covid-19, Chủ tịch UBND xã Xuân Quan ra thông báo yêu cầu 5 chủ trang trại di dời toàn bộ tài sản trên đất trong thời hạn 30 ngày.

Các chủ trang trại nhận được thông báo yêu cầu di dời tài sản, vật nuôi trên đất của Chủ tịch UBND xã Xuân Quan (huyện Văn Giang, Hưng Yên) đúng thời điểm đại dịch Covid-19 đang hoành hành. Ảnh: Kiên Trung.

Các chủ trang trại nhận được thông báo yêu cầu di dời tài sản, vật nuôi trên đất của Chủ tịch UBND xã Xuân Quan (huyện Văn Giang, Hưng Yên) đúng thời điểm đại dịch Covid-19 đang hoành hành. Ảnh: Kiên Trung.

Thông báo này khiến 5 hộ nông dân thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra, suốt 4 năm qua, chuồng trại, ao nuôi bỏ hoang, xuống cấp… khiến những điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế vườn ao chuồng một thời ở Văn Giang lâm vào khó khăn, không dám tái đầu tư.

Buộc di dời chuồng trại, vật nuôi… giữa cao điểm chống dịch Covid-19

Ngày 30/8/2021, các ông Nguyễn Văn Toàn, Đàm Ngọc Hân, Đàm Văn Lụa, Đỗ Thanh Tùng, Nguyễn Văn Khôi là các chủ trang trại tại xã Xuân Quan (huyện Văn Giang, Hưng Yên) nhận được Thông báo yêu cầu di dời toàn bộ tài sản trên đất, trả mặt bằng để xã tổ chức… đấu thầu lại khu đất nông nghiệp mà các hộ đang thuê để sản xuất theo mô hình VAC (vườn - ao - chuồng).

Thông báo do ông Lê Quý Đôn, Chủ tịch UBND xã Xuân Quan ký ban hành, ông Đôn yêu cầu các hộ gia đình phải di chuyển toàn bộ tài sản, cây cối, vật nuôi, chuồng trại trên đất trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ra thông báo.

Đây là các chủ hộ đang triển khai sản xuất mô hình trang trại (VAC) từ năm 2005, đã lập Dự án Chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp từ trồng ngô sang mô hình trang trại chăn nuôi, trồng cây ăn quả, được UBND huyện Văn Giang phê duyệt và đã thuê mặt bằng ổn định từ năm 2005 tới nay, thời hạn hợp đồng 5 năm/lần, tổng diện tích mà các hộ đang sử dụng, canh tác trên 6ha.

Điều đáng nói, thời điểm xã ra thông báo đúng vào giai đoạn cao điểm dịch Covid-19 bùng phát, cả nước đang thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội, cấm tụ tập đông người, dừng tất cả các hoạt động không thiết yếu để tập trung chống dịch… theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Ao nuôi cá phải tháo cạn nước, bỏ không, trơ đáy suốt 4 năm qua do xã không tái ký hợp đồng cho các hộ dân thuê đất nông nghiệp. Ảnh: Kiên Trung.

Ao nuôi cá phải tháo cạn nước, bỏ không, trơ đáy suốt 4 năm qua do xã không tái ký hợp đồng cho các hộ dân thuê đất nông nghiệp. Ảnh: Kiên Trung.

Thế nhưng, trong bối cảnh cả nước dồn sức chống dịch, Chủ tịch UBND xã Xuân Quan Lê Quý Đôn vẫn ký ban hành thông báo nói trên. Nó không những trái với Chỉ thị chống dịch Covid-19 của Thủ tướng mà còn giống như một “tối hậu thư”, dồn các chủ trang trại vào đường cùng. Trong khi đó, các hộ đang sử dụng ổn định mặt bằng sản xuất 15 năm qua, bà con đã đầu tư số tiền hàng chục tỷ đồng để cải tạo, xây dựng vườn - ao - chuồng và vẫn đang có nhu cầu thuê đất.

Trước thông báo trên, các chủ trang trại hoang mang, phải phá đàn vật nuôi, bán tống bán tháo đàn bò sữa đang khai thác, bán non với giá rẻ đàn lợn chưa đến tuổi xuất chuồng hay bán vội cả ao cá chưa đến kỳ thu hoạch…, sau đó bỏ hoang chuồng trại trong suốt 4 năm qua, không dám tái đầu tư khiến chuồng trại bị xuống cấp nghiêm trọng!

Tan tác đàn bò sữa đang kỳ khai thác

Ông Đàm Ngọc Hân (SN 1963, thôn 10, xã Xuân Quan) bần thần trước khu chuồng trại xây dựng nuôi bò sữa kiên cố, quy mô, rất khoa học, thoáng mát của gia đình. Ông Hân là một trong những nông hộ đầu tiên mạnh dạn nuôi bò sữa theo chủ trương phát triển “nông nghiệp trắng” của tỉnh Hưng Yên từ năm 2002.

Năm 2004, gia đình ông lập Dự án chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ trồng ngô sang mô hình trang trại chăn nuôi, trồng cây ăn quả theo hướng dẫn của Phòng NN-PTNT huyện Văn Giang, quyết tâm làm ăn bài bản. Năm 2005, khi chính quyền có chủ trương cho đấu thầu diện tích đất công điền khu vực Phần Làng, ông tham gia đấu thầu và trúng thầu diện tích 46,2 sào (tương đương 16.632m2).

Ông Đàm Ngọc Hân (SN 1963, thôn 10, xã Xuân Quan) phải bán 2/3 đàn bò sữa đang cho khai thác khi nhận được thông báo yêu cầu di dời vật nuôi của chủ tịch xã Xuân Quan Lê Quý Đôn. Ảnh: Kiên Trung.

Ông Đàm Ngọc Hân (SN 1963, thôn 10, xã Xuân Quan) phải bán 2/3 đàn bò sữa đang cho khai thác khi nhận được thông báo yêu cầu di dời vật nuôi của chủ tịch xã Xuân Quan Lê Quý Đôn. Ảnh: Kiên Trung.

Có đất đai, tư liệu sản xuất, có kinh nghiệm nuôi bò sữa, ông Hân quyết định mở rộng quy mô đàn bò. Thời kỳ cao điểm, trang trại bò sữa của ông có tới 70 con, trong đó có 50 con cho khai thác sữa, còn lại là bò sinh sản, bê giống và bò nuôi gối…

Để có thức ăn chăn nuôi, ông quy hoạch 8 mẫu ruộng trồng cỏ voi. Phân bò được ngâm ủ cho hoai, xử lý vi sinh làm phân bón cỏ. “Nông nghiệp tuần hoàn” đã được gia đình ông áp dụng từ nhiều năm trước.

“Một con bò sữa có kỳ khai thác 10 tháng/một năm, mỗi ngày cho 18kg sữa. Với giá bán 14.000 đồng/kg sữa, mỗi ngày tôi thu được khoảng 250.000 đồng tiền sữa/con. Với 50 con, thu hoạch đều đặn mỗi tháng được khoảng 300 triệu đồng. Trừ chi phí, thu nhập mỗi tháng được 50%, tương đương 150 triệu đồng/tháng”, ông Hân cho hay.

Giai đoạn mới bắt đầu chăn nuôi bò sữa, ông phải mua bò giống về gây đàn. Khi có kinh nghiệm, ông tự nhân giống, cho bò đẻ rồi tiếp tục gây thành đàn bò mới.

Khu chuồng nuôi bò sữa được xây dựng theo kiểu nhà cấp 4, lợp ngói Fibro xi măng với hai dãy chuồng hai bên, lối đi ở giữa. Hai mé chuồng đều để hở sáng cho không khí lưu thông. Ông Hân phân thành các khu vực riêng biệt: chuồng bò cho khai thác; khu vực chuồng bò sinh sản, chuông nuôi giữ bê con, chuồng nuôi bò dựng đàn…

Dành 8 mẫu ruộng để trồng cỏ voi nuôi bò sữa, đến nay do đã phá đàn, ruộng cỏ voi của gia đình ông Hân cũng đang bỏ hoang, không chăm sóc. Ảnh: Kiên Trung.

Dành 8 mẫu ruộng để trồng cỏ voi nuôi bò sữa, đến nay do đã phá đàn, ruộng cỏ voi của gia đình ông Hân cũng đang bỏ hoang, không chăm sóc. Ảnh: Kiên Trung.

Thành công trong nuôi bò sữa khiến ông Hân đã trở thành… hiện tượng. Nhiều cơ quan báo, đài về quay phim, tuyên truyền điểm sáng, nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tình tìm đến học hỏi kinh nghiệm, phổ biến kiến thức. Tỉnh Hưng Yên chủ trương nhân rộng mô hình chăn nuôi bò sữa của ông Hân tới các hộ khác, giúp nông dân xóa đói, giảm nghèo.

Không dừng lại chăn nuôi bò sữa, ông Hân đào ao nuôi cá với diện tích 5.000 - 6.000m2, xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn. Trang trại của ông thường xuyên có tới hơn chục công nhân, ăn nghỉ tại chỗ để chăm sóc bò, lợn, cá…

Thế nhưng, thông báo của chủ tịch xã Văn Quan như "gáo nước lạnh" dội xuống đúng thời điểm việc chăn nuôi chuồng trại đang ổn định, phát triển. Lo xã “làm thật”, cùng với thời hạn phải di dời toàn bộ tài sản trên đất là trong vòng 30 ngày, ông Hân cuống cuồng bởi 70 con bò sữa, hàng trăm con lợn, vài chục tấn cá dưới ao…, nếu buộc phải di chuyển cũng không có chỗ nhốt thả.

Cực chẳng đã, ông Hân phải gọi thợ đến bán bò sữa theo giá… bò thịt 20 triệu đồng/con, chỉ dám giữ lại 28 con. Vừa mất nguồn thu từ bán sữa bò, vừa phải bán với giá thấp bởi giữa cao điểm Covid-19, thương lái không ai mua, vì đúng giai đoạn chống dịch, các địa phương cấm việc vận chuyển, đi lại từ vùng này sang vùng khác…

“Chỉ vì thông báo thu hồi đất, bắt di dời tài sản trên đất trong thời gian 30 ngày mà tôi phải bán tống bán tháo đàn bò, thiệt đơn thiệt kép lên tới vài trăm triệu đồng”, ông Hân chua chát.

Ông Đàm Văn Lụa và ông Nguyễn Văn Khôi (2 chủ trang trại tại xã Văn Giang). Ảnh: Kiên Trung. 

Ông Đàm Văn Lụa và ông Nguyễn Văn Khôi (2 chủ trang trại tại xã Văn Giang). Ảnh: Kiên Trung. 

Cùng chung hoàn cảnh với trang trại của ông Đàm Văn Hân, 4 nông hộ khác cũng nhận được thông báo tương tự, buộc di dời toàn bộ tài sản, cây trồng, vật nuôi… trong thời gian 1 tháng, và giữa cao điểm dịch.

Ông Đàm Văn Lụa (SN 1947) trúng đấu giá thuê đất công ích phục vụ nông nghiệp của xã với diện tích 12.600m2 để thực hiện mô hình trang trại sản xuất nông nghiệp VAC, mô hình ao cá, chăn nuôi lợn, trồng cây ăn quả, cây cảnh.

Diện tích nuôi thủy sản nước ngọt của ông Lụa có quy mô lớn nhất với khu ao rộng 6.500m2. Khi nhận được thông báo yêu cầu di dời, ông phải bán toàn bộ cá chưa đến kỳ thu hoạch.

“Giai đoạn ấy đến khốn khổ. Vài chục tấn cá nếu phải di dời, tôi biết lấy đâu chỗ thả. Gọi thương lái đến bán, họ ép giá với lý do đang cao điểm chống dịch, các phương tiện đều bị hạn chế đi lại, thế là họ lại càng ép giá. Thiệt hại kinh tế của gia đình tôi lên tới vài trăm triệu đồng”, ông Lụa cho hay.

Xem thêm
Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất