| Hotline: 0983.970.780

Vị thế cây rau màu trên đất Tiền Giang

[Bài 2] - Ngăn mặn, bảo vệ vùng chuyên canh rau màu

Thứ Ba 02/11/2021 , 11:10 (GMT+7)

Trước những diễn biến khó lường của hạn, mặn tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các địa phương chủ động triển khai các biện pháp để bảo vệ vùng chuyên canh rau màu…

Chủ động nạo vét kênh nội đồng

Châu Thành là “thủ phủ” rau màu lớn của tỉnh Tiền Giang, với tổng diện tích gieo trồng 14.700 ha, tập trung ở các xã Long An, Tam Hiệp, Nhị Bình…, trong đó diện tích chuyên canh chiếm 1.700 ha.

Chính quyền và người dân Châu Thành, Tiền Giang chủ động áp dụng nhiều biện pháp ngăn mặn và tưới nước hiệu quả nhằm hạn chế việc bốc hơi nước trên diện tích trồng rau màu. Ảnh: Trần Trung.

Chính quyền và người dân Châu Thành, Tiền Giang chủ động áp dụng nhiều biện pháp ngăn mặn và tưới nước hiệu quả nhằm hạn chế việc bốc hơi nước trên diện tích trồng rau màu. Ảnh: Trần Trung.

Ghi nhận thực tế ở xã Nhị Bình (huyện Châu Thành, Tiền Giang), hiện các vùng trồng rau trên địa bàn xã vẫn đang phát triển tốt, chưa bị ảnh hưởng hạn, mặn. Dù vậy, chính quyền và người dân đã chủ động áp dụng nhiều biện pháp ngăn mặn và tưới nước tiết kiệm hiệu quả nhằm hạn chế việc bốc hơi nước trên diện tích trồng rau màu.

Trà rau diếp cá 3.000 m2 của ông Lê Văn Công (ấp Nam, xã Nhị Bình) đã được phủ lưới cách nhiệt cho toàn diện tích để bảo vệ vụ rau trước ảnh hưởng của hạn, mặn. Chỉ về phía ruộng rau, ông Công cho biết: “Tôi đã bắt đầu che lưới cách nhiệt từ hơn 3 năm qua và mỗi năm đầu tư thêm để tái sử dụng. Việc sử dụng lưới cách nhiệt giúp giảm được khoảng 50% lượng nước tưới trong mùa hạn nhưng cây rau vẫn giữ được độ tươi, không bị héo lá”. Theo ông Công, nhiều diện tích rau màu của bà con trong xã cũng đã được đầu tư che lưới cách nhiệt. Mô hình sử dụng lưới cách nhiệt để che nắng đang được nhiều hộ dân trong xã tiếp tục áp dụng đầu tư lắp đặt do phát huy được hiệu quả ở mùa hạn, mặn từ năm 2020.

Người dân áp dụng phương pháp phủ lưới cách nhiệt cho toàn diện tích rau màu để bảo vệ vụ rau trước ảnh hưởng của hạn, mặn. Ảnh: Trần Trung.

Người dân áp dụng phương pháp phủ lưới cách nhiệt cho toàn diện tích rau màu để bảo vệ vụ rau trước ảnh hưởng của hạn, mặn. Ảnh: Trần Trung.

Nông dân Nguyễn Hồng Hiệp (ấp 4, xã Tam Hiệp) cũng tâm sự: “Mỗi khi nghe địa phương có thông báo về hạn, mặn, bà con chúng tôi tranh thủ nạo vét các mương nội đồng gần trà rau của mình để lấy nước từ kinh lớn vào và bơm trữ nước ở các kênh mương để đảm bảo nguồn nước tưới cho rau diếp cá, ngò gai và tía tô của mình”.

Theo UBND xã Nhị Bình, diện tích rau màu của xã tập trung ở 5 ấp phía Nam Quốc lộ 1 với tổng diện tích 524 ha, trong đó rau diếp cá chiếm 160 ha. Do cây rau diếp cá rất mẫn cảm với nước mặn nên tùy theo tình hình thực tế, xã quyết định thời gian đóng các cống đập do xã quản lý, đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất. Đến nay địa phương đã tập trung nạo vét xong các tuyến kinh nội đồng, xây dựng kế hoạch tu sửa 43 cống, đập và phân công lực lượng phòng, chống hạn, mặn phụ trách các tuyến kinh. Hiện các trà rau trên địa bàn xã Nhị Bình vẫn chưa bị ảnh hưởng mặn nhưng chính quyền cùng người dân đã chủ động áp dụng nhiều biện pháp ngăn mặn và tưới nước hiệu quả.

Tùy theo tình hình thực tế, các địa phương quyết định thời gian đóng các cống đập nhằm đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất. Ảnh: Trần Trung.

Tùy theo tình hình thực tế, các địa phương quyết định thời gian đóng các cống đập nhằm đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất. Ảnh: Trần Trung.

Phó Chủ tịch UBND xã Nhị Bình Nguyễn Văn Nhắc cho biết, để chủ động phòng chống hạn mặn, năm nay xã có chủ trương nắm bắt tình hình hạn, mặn từ sớm để vận động bà con nạo vét, ngăn các đập, dẫn nước từ sông lớn vô chứa nước tưới tiêu. Thủy lợi nội đồng thì cũng đã nạo vét các cống kênh, rạch thông thoáng để giữ được lượng nước nhiều hơn.

Giải pháp ngăn mặn

Theo Phòng NN-PTNT huyện Châu Thành, huyện đã có văn bản đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra hệ thống bờ bao, cống và cửa cống dưới bờ bao, đảm bảo cho việc ngăn mặn xâm nhập vào các vùng trồng; tổ chức nạo vét bùn, trục vớt lục bình, chướng ngại vật trên các kinh nội đồng trên địa bàn.

Các địa phương vùng trồng rau huyện Châu Thành tăng cường gia cố hệ thống bờ bao, cống và cửa cống dưới bờ bao, đảm bảo cho việc ngăn mặn xâm nhập vào các vùng trồng; tổ chức nạo vét bùn, trục vớt lục bình, chướng ngại vật trên các kinh nội đồng. Ảnh: Trần Trung.

Các địa phương vùng trồng rau huyện Châu Thành tăng cường gia cố hệ thống bờ bao, cống và cửa cống dưới bờ bao, đảm bảo cho việc ngăn mặn xâm nhập vào các vùng trồng; tổ chức nạo vét bùn, trục vớt lục bình, chướng ngại vật trên các kinh nội đồng. Ảnh: Trần Trung.

Thời gian qua, do chủ động kịp thời đắp đập trữ ngọt trên kinh Nguyễn Tấn Thành đã giúp cho các địa phương và nông dân thuận lợi trong việc trữ nước phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp. So với năm 2020, năm nay người dân đã chủ động hơn trong việc bơm trữ nước và khơi thông dòng chảy để hạn chế thấp nhất thiệt hại khi xảy ra xâm nhập mặn.

Sau một số trận lũ lớn, hệ thống phòng chống lũ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã được đầu tư cơ bản. Nhưng từ năm 2016 đến nay thì hầu như năm nào mặn cũng tăng, đặc biệt đến năm 2020 - 2021 thì tình hình hạn, mặn càng khắc nghiệt, nhất là ở các vùng ven biển, ven sông. Ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Tiền Giang cho biết: “Khi tổ chức tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây lúa sang rau màu và cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, các địa phương trong tỉnh đã bố trí thời vụ theo hướng né mặn. Tuy nhiên, đối với cây rau màu yêu cầu chất lượng nước phải ở mức dưới 0,5g/l thì mới phát triển được. Do vậy, nguồn nước ngọt cần phải liên tục phổ cấp bằng nguồn nước ngầm hay nước mặt, đồng thời công tác ngăn mặn cũng cần phải triệt để nguồn nước ngọt trong vùng dự án mới sử dụng được”.

Đối với vùng sản xuất rau màu, nguồn nước ngọt cần phải liên tục phổ cấp bằng nguồn nước ngầm hay nước mặt, đồng thời công tác ngăn mặn cũng cần phải triệt để nguồn nước ngọt trong vùng dự án mới sử dụng được cho sản xuất. Ảnh: Trần Trung.

Đối với vùng sản xuất rau màu, nguồn nước ngọt cần phải liên tục phổ cấp bằng nguồn nước ngầm hay nước mặt, đồng thời công tác ngăn mặn cũng cần phải triệt để nguồn nước ngọt trong vùng dự án mới sử dụng được cho sản xuất. Ảnh: Trần Trung.

Theo ông Thịnh, hiện trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có các dự án thuỷ lợi gồm Ngọt hóa Gò Công, dự án Bảo Định và dự án thuỷ lợi kiểm soát lũ. Do đó, cần phải có tính liên thông giữa các vùng dự án và các tỉnh với nhau mới tăng được khả năng ứng phó với hạn mặn.                

Mới đây, tỉnh Tiền Giang đã có cuộc họp bàn các phương án ứng phó với hạn mặn. Trước hết, địa phương xây dựng đập thép ngăn mặn tại kênh Nguyễn Tấn Thành và các tuyến kênh, rạch có liên quan để trữ nước ngọt cung cấp cho 1,1 triệu dân 2 tỉnh Tiền Giang - Long An. Đối với vùng rau màu chuyên canh, nếu nguồn nước ngọt dành cho sản xuất bị xuống thấp thì các địa phương và người dân cần phải tiến hành bơm 2 cấp. Đồng thời, cần đánh giá lại hệ thống thuỷ lợi để đảm bảo phương án ngăn mặn phổ cập nguồn nước ngọt cho vùng sản xuất rau màu. 

Trong vụ Đông Xuân 2020 – 2021, nông dân Tiền Giang trồng được trên 25.000 ha rau màu các loại. Đến nay, bà con đã thu hoạch được trên 20.000 ha, sản lượng trên 480.000 tấn sản phẩm, tăng hơn 2,1% so cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, hiện nay, nông dân địa phương đang phát triển nhiều mô hình trồng rau màu như chuyên canh, luân canh, xen canh trên nền đất lúa… kết hợp ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, sản lượng, mang lại hiệu quả sinh lợi cao vừa thích ứng biến đổi khí hậu.

Tiền Giang tập trung phát triển vùng chuyên canh rau màu chủ lực, đồng thời gắn với việc đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi. Ảnh: Trần Trung.

Tiền Giang tập trung phát triển vùng chuyên canh rau màu chủ lực, đồng thời gắn với việc đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi. Ảnh: Trần Trung.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Tiền Giang Võ Văn Men cho biết, mặc dù ảnh hưởng dịch bệnh và thiên tai hạn – mặn nhưng từ đầu năm đến nay, đầu ra các loại rau màu vẫn thuận lợi. Tiền Giang đang thực hiện chủ trương giảm diện tích đất lúa gắn với chuyển đổi cây trồng phù hợp với từng vùng và có thị trường tiêu thụ. Do đó, các địa phương đang vận động nông dân chuyển đổi cây trồng tập trung, tránh tình trạng manh mún; tập tung phát triển vùng chuyên canh rau màu chủ lực, đồng thời phải gắn với việc đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi, liên kết tiêu thụ.

Để hiện thực hóa những mục tiêu này, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất. Đồng thời, tập trung chuyển giao KHKT vào sản xuất; triển khai liên kết sản xuất để đảm bảo đầu ra cho nông sản, rau màu, đảm bảo việc chuyển đổi mang tính bền vững…

Theo Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Tiền Giang, các địa phương trong tỉnh ứng phó với xâm nhập mặn mùa khô năm 2021 gặp nhiều khó khăn, đặc biệt sau thiệt hại do đợt hạn, mặn năm 2020 gây ra. Trong thời gian tới, mực nước ở đầu nguồn sông Tiền khả năng ở mức thấp vì các nước ở thượng nguồn trữ nước, khai thác nước. Do đó, khả năng xảy ra tình trạng xâm nhập mặn vùng cửa sông, thiếu nước ngọt ở tỉnh trong những năm tiếp theo sẽ rất cao và nghiêm trọng.

  • Tags:
Xem thêm
Thị trường Trung Quốc - 'Át chủ bài' xuất khẩu trái cây

Kim ngạch xuất khẩu trái cây Việt Nam sang Trung Quốc ngày càng tăng và ước tính, năm 2024 sẽ đạt gần 5 tỷ USD.

Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Thương hiệu quốc gia Việt Nam 'Vươn mình tiến vào kỷ nguyên Xanh'

Tối 4/11, tại Hà Nội diễn ra Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 với chủ đề ‘Vươn mình tiến vào kỷ nguyên Xanh’.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...