| Hotline: 0983.970.780

Ngư dân miền Trung đồng loạt vươn khơi sau giãn cách

[Bài 2] Biển no, cho ngư dân rủng rỉnh tiền

Thứ Ba 02/11/2021 , 10:45 (GMT+7)

Cũng như ngư dân Khánh Hòa, thời gian qua, dù gặp không ít khó khăn nhưng ngư dân Bình Định vẫn kiên tâm bám biển và thành quả, cá đầy ắp khoang khi cập cảng.

Biển là nhà

Cuộc đời “ăn đằng sóng, nói đằng gió” của ngư dân khổ sở đã từng, thế nhưng chưa có lúc nào phải đối mặt với khó khăn bủa vây như thời gian qua. Từ ngày dịch Covid-19 bùng phát đợt thứ 4, những chuyến ra khơi của ngư dân vừa phải thêm nhiều thủ tục, vừa phải tốn chi phí test nhanh cho thuyền viên trước và sau mỗi chuyến biển.

Đang mùa vụ đánh bắt chính cá ngừ sọc dưa, nên tàu cá của ngư dân Bình Định đều có những chuyến biển bội thu. Ảnh: Minh Hậu.

Đang mùa vụ đánh bắt chính cá ngừ sọc dưa, nên tàu cá của ngư dân Bình Định đều có những chuyến biển bội thu. Ảnh: Minh Hậu.

Tàu cá hành nghề lưới vây rút chì đánh bắt cá ngừ sọc dưa cần nhiều thuyền viên, khoản chi phí phát sinh làm nặng thêm gánh phí tổn của mỗi chuyến biển. Thêm vào đó, chỉ thời gian ngắn gần đây mà giá nhiên liệu tăng đến mấy đợt, lần trước tăng 500đ/lít, mới đây tăng thêm 1.000đ/lít; lương thực, thực phẩm món nào cũng tăng do vận chuyển hàng hóa bị ách tắc. Gánh tổn đã nặng càng thêm nặng. Ấy vậy nhưng hầu hết tàu cá của ngư dân Bình Định đều vượt khó kiên tâm bám biển.

Lão ngư Bùi Thanh Ninh, chủ đội tàu 8 chiếc ở phường Tam Quan Bắc (thị xã Hoài Nhơn), chia sẻ: “Trước mỗi chuyến biển, tôi phải khai báo cho chính quyền địa phương đầy đủ tên tuổi, nơi ở, số điện thoại thuyền viên của mỗi tàu cá, đồng thời thực hiện test nhanh cho tất cả rồi mới vươn khơi.

Dù thời gian qua mỗi chuyến biển 1 tàu cá phải gánh thêm phí tổn phát sinh hơn 20 triệu đồng, nhưng đội tàu của tôi vẫn duy trì bám biển. Đối với ngư dân biển là nhà, nên khó khăn mấy cũng phải vươn khơi. Chủ tàu kém thu nhập hơn nhưng thuyền viên có việc làm thường xuyên, đó cũng là cách nương tựa nhau qua cơn hoạn nạn dịch giã”.

Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, những tháng gần đây, giá các loại hải sản giảm sâu, nhất là mực xà có lúc giảm chỉ còn một nửa so với lúc bình thường. Nhiều tàu cá đạt sản lượng cao nhưng tiền lãi lại chẳng bao nhiêu, trong khi mỗi chuyến biển kéo dài ngày hơn so với trước. Có tàu khai thác xa bờ được hơn 20 tấn thủy sản mỗi chuyến biển, nhưng do mất giá và phí tổn tăng nên đành chịu lỗ tổn vài chục triệu đồng. Tuy nhiên, đa số tàu cá vẫn miệt mài hoạt động.

Tàu lưới vây cập Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định) đưa cá ngừ sọc dưa lên bờ tiêu thụ. Ảnh: Minh Hậu.

Tàu lưới vây cập Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định) đưa cá ngừ sọc dưa lên bờ tiêu thụ. Ảnh: Minh Hậu.

Sự kiên trì được đền đáp

Theo lão ngư Bùi Thanh Ninh, từ tháng 6 đến tháng 10 âm lịch hàng năm là ngư trường miền Trung vào mùa cá nổi, chủ yếu là cá ngừ sọc dưa và cá nục, cá mè đen. Nhờ đó, những chuyến biển của ngư dân Bình Định đều đạt sản lượng cao. Riêng đội tàu 8 chiếc của ông, mỗi chuyến biển tàu nào đánh bắt được ít nhất cũng hơn 20 tấn, tàu nào trúng luồng cá đánh bắt được 30-40 tấn.

Cá ngừ sọc dưa được đầu nậu thu mua tại Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: Minh Hậu.

Cá ngừ sọc dưa được đầu nậu thu mua tại Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: Minh Hậu.

“Cách đây 2 chuyến biển, do ảnh hưởng dịch Covid-19 giao thông bị trắc trở khiến việc vận chuyển hàng hóa bị ách tắc, trong đó có mặt hàng thủy sản. Thêm vào đó, cá ngừ sọc dưa đang vào mùa đánh bắt chính vụ nên tàu nào cũng đạt sản lượng. Do đó, giá cá ngừ sọc dưa bị giảm xuống còn 17.000đ/kg. 2 chuyến biển gần đây nhiều địa phương nới lỏng giãn cách, thông thương được khôi phụ, cá ngừ sọc dưa tăng lên được 2 giá, hiện đang được đầu nậu thu mua 19.000đ/kg.

Giá cá tăng, thu nhập của ngư dân tăng theo. Tàu nào trúng luồng cá sau chuyến biển được chia mỗi người 10 triệu đồng, tàu đánh bắt được ít hơn mỗi người cũng được 7-8 triệu đồng. Bù lại trước đó, có những chuyến biển lỗ tổn, cả chủ tàu lẫn thuyền viên không cầm được đồng tiền nào, chuyến nào khá hơn được chia mỗi người 2-3 triệu đồng, nhưng ai nấy đều vui vẻ. Nghề biển mà, chuyến này đánh bắt không có thì chuyến sau có”, lão ngư Bùi Thanh Ninh chia sẻ.

Ngư dân Huỳnh Chánh Thi, chủ tàu cá BĐ 96851 ở thị xã Hoài Nhơn,  cho biết thêm: “Thời điểm này cá ngừ sọc dưa xuất hiện nhiều tại vùng biển Trường Sa từ đảo Sinh Tồn trở xuống. Ngoài đánh bắt đạt sản lượng, chất lượng cá cũng cao hơn, trọng lượng cá rất đều. Chuyến biển nào tàu cũng khẳm be nên anh em thuyền viên ai cũng phấn khởi”, ông Thi chia sẻ.

“Trong thời gian tàu cập cảng bán sản phẩm nhiều, chúng tôi đề nghị các chủ tàu cá thực hiện nghiêm các quy định trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Theo quy trình, trước khi tàu vào cảng cá Quy Nhơn, các thuyền viên phải được test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 tại chốt kiểm soát biên phòng Mũi Tấn. Sau khi an toàn về mặt y tế, tàu cập cảng và chỉ được đưa hàng hóa xuống bán, thuyền viên phải ở trên tàu để phòng chống dịch Covid-19”, ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Bình Định, cho hay.

Trong tháng 9/2021, có khoảng 4.820 tàu cá của ngư dân tỉnh Bình Định hoạt động khai thác, chiếm 81% tổng số tàu toàn tỉnh. Trong đó, hoạt động khai thác ở các ngư trường gần bờ và vùng lộng có khoảng 2.360 tàu với các nghề lưới rê, nghề câu, mành, kéo; khai thác ngư trường xa bờ có khoảng 2.460 tàu với các nghề câu cá ngừ, lưới vây, mành chụp, câu mực. Nhờ vậy, sản lượng thủy sản khai thác trong 9 tháng đầu năm 2021 tăng khoảng 2% so với cùng kỳ năm 2020.

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.