| Hotline: 0983.970.780

Cuộc di dân âm thầm đầy biến động ở ĐBSCL:

[Bài 3] Chảy máu chất xám

Thứ Tư 10/03/2021 , 13:29 (GMT+7)

Sinh viên hay nghiên cứu sinh sau khi tốt nghiệp đều có khuynh hướng tìm việc tại TP. HCM, dù rằng các tỉnh vùng ĐBSCL đã có chính sách thu hút, giữ chân nhân tài...

Tiếng gọi từ đô thị lớn

Người dân miền Tây lí giải “tự hào” cho việc con mình ra đi tìm vùng đất khác để làm việc, sau khi hoàn thành đại học, sau đại học hoặc đi du học là vì ĐBSCL không có cơ quan đáp ứng ngành nghề khoa học mà con mình theo đuổi.

Điều này đúng, vẫn còn nhiều ngành nghề không thuộc đặc thù vùng đồng bằng như  một số ngành kỹ sư thuộc lĩnh vực công nghệ cao: công nghệ số, dầu khí, nguyên liệu, khoáng sản… thường phải tìm kiếm cơ hội ở TPHCM. Nhưng ngay cả đối với những ngành nghề phổ biến như: thương mại, dịch vụ, y tế... thì môi trường làm việc, phát triển ở khu vực ĐBSCL vẫn còn khoảng cách quá xa so với TPHCM hay các tỉnh miền Đông Nam bộ.

Hoạt động Logistic đang phát triển nhanh chóng ở ĐBSCL. Trong ảnh: Một góc cảng Bình Minh (Vĩnh Long). Ảnh: Minh Đảm.

Hoạt động Logistic đang phát triển nhanh chóng ở ĐBSCL. Trong ảnh: Một góc cảng Bình Minh (Vĩnh Long). Ảnh: Minh Đảm.

Thống kê những năm gần đây cho thấy, một bộ phận không nhỏ sinh viên, thực tập sinh, nhất là nghiên cứu sinh (NCS) sau khi hoàn thành chương trình học tập, nghiên cứu tại một đơn vị thường có khuynh hướng muốn xin việc tại nơi mình được đào tạo hoặc ở địa phương được đào tạo, nhiều nhất là tại TP. HCM…  Trí thức có xu hướng đổ về Sài Gòn tập trung nhiều ở các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Long An. Thậm chí ở TP. Cần Thơ - thành phố Trung ương, địa phương có đủ điều kiện cho đội ngũ trí thức làm việc trên hầu hết các lĩnh vực khoa học; nhưng chất xám vẫn đổ về Sài Gòn.

Như gia đình thầy giáo Phan Huy, thầy giáo Hà Hồng công tác tại trường đại học Cần Thơ (ĐHCT), thầy giáo Nguyễn Quốc công tác tại trường cao đẳng Cần Thơ (CĐCT) tuy sinh sống tại Cần Thơ; nhưng các con họ khi ra trường thì làm việc ở thành phố hoặc nước ngoài. Do vậy, đội ngũ trí thức tại các địa phương này có tăng nhưng khá chậm.

Theo báo cáo lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang: “Sau hơn 10 năm triển khai và thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) và Chương trình hành động số 29-CTr/TU ngày 09/10/2008 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Tiền Giang đạt được những kết quả tích cực. Qua thống kê, số lượng trí thức có trình độ đại học trở lên trên địa bàn tỉnh Tiền Giang ước khoảng 22.000 người, trong đó, có 63 tiến sĩ (TS), 1.167 thạc sĩ, bác sĩ và dược sĩ chuyên khoa I là 381 người, bác sĩ và dược sĩ chuyên khoa II là 131 người.”

Nếu so với năm 2008, số trí thức có trình độ đại học trở lên đã tăng hơn 7.000 người; trong đó, tăng 12 TS, tăng 517 thạc sĩ, tăng 313 bác sĩ và dược sĩ chuyên khoa I. Một tỉnh có bề dày là “đất học miền Tây” mà 10 năm chỉ tăng 12 TS, bình quân mỗi năm được một vị?

ĐBSCL đang có nhiều cơ hội thu hút nguồn nhân lự chất lượng cao. Trong ảnh:  Bộ NN-PTNT bàn giao cống Vũng Liêm, công trình quản lý mặn ngọt hiện đại nhất Việt Nam đang thiếu kỹ sư tay nghề giỏi vận hành. Ảnh: Minh Đảm.

ĐBSCL đang có nhiều cơ hội thu hút nguồn nhân lự chất lượng cao. Trong ảnh:  Bộ NN-PTNT bàn giao cống Vũng Liêm, công trình quản lý mặn ngọt hiện đại nhất Việt Nam đang thiếu kỹ sư tay nghề giỏi vận hành. Ảnh: Minh Đảm.

Tỉnh Bến Tre cũng có tính hình mất chất xám tương tự. Trong một cuộc Hội thảo khoa học đầu năm 2010 (26/1) “Xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2010 - 2020” Nguyên phó bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Nguyễn Thành Phong nhận xét: “Đội ngũ trí thức giỏi của Bến Tre hiện nay còn thiếu cả về số lượng và chất lượng. Một số người sau khi được đào tạo thì không trở về tỉnh công tác. Do đó, ngay lúc này tỉnh rất cần tập hợp một đội ngũ trí thức có trình độ, nhiệt huyết để giúp tỉnh sớm phát triển ngang bằng với các tỉnh trong vùng ĐBSCL”.

Ông Phong khẳng định, chính quyền tỉnh Bến Tre sẽ nghiên cứu áp dụng những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học để hoàn thiện chính sách thu hút đội ngũ trí thức về Bến Tre công tác. Tuy nhiên điều lo lắng, ưu tư của giới trí thức, tại Hội thảo khoa học này còn là sự lo ngại mâu thuẫn trong công tác, bởi đôi khi ý kiến rất thẳng thắn và quyết tâm của họ không được đồng nghiệp lắng nghe, lãnh đạo chấp nhận; thì môi trường và điều kiện công tác của họ sẽ gặp trở ngại.

 GS.TS.NGND. Nguyễn Ngọc Giao chia sẻ: “Người Bến Tre nổi tiếng có tài, đi đâu cũng gặp người Bến Tre và phần lớn đều rất thành công. Sở dĩ nhiều trí thức chưa muốn về tỉnh công tác không phải vì chính sách trải thảm đỏ chưa hấp dẫn. Cái chính là họ ngại cách dùng người chưa hợp lý...” Thì ra, giới lao động trí thức không chỉ mong muốn có thu nhập cao, điều kiện sống tốt; mà quan trọng hơn là môi trường làm việc để thể hiện được khả năng của mình.

Tỉnh Vĩnh Long cũng là một tỉnh có bề dày truyền thống khoa bảng, cũng gặp phải tình trạng thiếu nhân lực chất lượng cao; nên tỉnh cũng thông qua hàng loạt các giải pháp; trong đó có việc cụ thể hoá các chính sách thu hút con em Vĩnh Long đang học ở các trường đại học, học viện trong và ngoài nước, khi tốt nghiệp ra trường về công tác ở tỉnh nhà.

ĐBSCL cần có thêm nhiều chính sách đãi ngộ

Hai mươi năm trở lại đây, khu vực ĐBSCL đã hình thành một hệ thống trường đại học, cơ quan nghiên cứu khoa học cấp trung ương rộng khắp vùng. Từ một Trường ĐH Cần Thơ được thành lập từ những năm 60; nay hầu hết 13 tỉnh, thành phố đều có trường đại học với hệ thống giáo dục - đào tạo sau đại học rộng mở. Cá biệt có nhiều địa phương có mạng lưới trường đại học đa ngành, như TP. Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long, Long An... Đặc biệt là hai trường mang tầm cỡ khu vực ĐBSCL và nổi tiếng trong cả nước là Trường ĐH Cần Thơ (thành lập năm 1966) và Trường ĐH Y Dược Cần Thơ (được tách ra từ ĐHCT năm 2002) với lượng tuyển sinh đại học và sau đại học có tầm vóc quy mô, đa dạng.

ĐBSCL hội đủ các điều kiện để làm khoa học. Trong ảnh: Lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật tham quan khu nghiên cứu gây nuôi thiên địch khống chế sâu bệnh hại ở Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam (Tiền Giang). Ảnh: Minh Đảm.

ĐBSCL hội đủ các điều kiện để làm khoa học. Trong ảnh: Lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật tham quan khu nghiên cứu gây nuôi thiên địch khống chế sâu bệnh hại ở Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam (Tiền Giang). Ảnh: Minh Đảm.

Về Trường ĐHCT, kế hoạch tuyển sinh đại học năm 2020 được PGS.TS Trần Thị Thanh Hiền - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhà trường tuyển sinh 82 ngành chương trình đào tạo đại trà; 2 ngành chương trình tiên tiến và 8 ngành chương trình chất lượng cao với 8.900 chỉ tiêu dự kiến.” Sau đại học, Trường đại học Cần Thơ tuyển sinh Thạc sĩ 2 đợt trong năm; đợt 1 năm 2021 dự kiến tuyển 43 ngành gần 1.600 chỉ tiêu (1.584); tuyển Nghiên cứu sinh Tiến sĩ (NCS) cũng 2 đợt trong năm, đợt 1 năm 2021 dự kiến tuyển 19 ngành với 150 chỉ tiêu.  

Riêng Trường ĐH Y Dược Cần Thơ tuyển sinh gần 1.500 tân sinh viên cho 9 ngành đào tạo bậc đại học. Sau đại học có các cấp đạo tạo và bồi dưỡng trên 1 ngàn chỉ tiêu, gồm: Tiến sĩ: 20 chỉ tiêu, Thạc sĩ: 170 chỉ tiêu và Chuyên khoa II: 170 chỉ tiêu, Chuyên khoa I: 790.

Ngoài ra, còn có các cơ quan nghiên cứu khoa học của Trung ương đóng trên địa bàn địa phương, như: Viện Cây ăn quả Miền Nam, Viện Lúa  ĐBSCL; Viện Nuôi trồng Thủy sản 2; Bệnh viện đa khoa Trung ương; Học viện Chính trị Quốc gia khu vực IV… Những đơn vị này vai trò nghiên cứu khoa học phục vụ cho lĩnh vực chuyên môn của viện, còn góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh đồng bằng và là cơ sở giữ chân giới nghiên cứu khoa học ở lại công tác với các trường, viện trong vùng ĐBSCL.

Nghiên cứu khoa học sản xuất đông trùng hạ thảo ở Trường ĐH Trà Vinh. Ảnh: Minh Đảm.

Nghiên cứu khoa học sản xuất đông trùng hạ thảo ở Trường ĐH Trà Vinh. Ảnh: Minh Đảm.

Thời gian gần đây, không chỉ cố giữ chân người làm khoa học trong vùng ĐBSCL, chính quyền địa phương cấp tỉnh còn đề ra nhiều chính sách thu hút nhân tài để thu hút nhân sự cao từ các vùng miền khác về công tác tại ĐBSCL, như:

Bạc Liêu đề ra chính sách đãi ngộ ban đầu vài trăm triệu đồng cho người có học vị, học hàm và tạo môi trường làm việc tốt cho giới khoa học; còn Đồng Tháp người có học vị được địa phương bố trí công việc đúng với chuyên ngành đào tạo, nguyện vọng. Ngoài việc bố trí nhân lực tại các Sở, ngành, tỉnh còn linh động bố trí nhân lực làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhằm phát huy tốt khả năng, thế mạnh của mỗi người. 

Hay như Bến Tre, tuy không có trường đại học thuộc diện địa phương, nhưng ông Võ Thành Hạo, Nguyên bí thư Tỉnh ủy, cũng đã cho biết cách thức tạo ra nguồn nhân lực cao của địa phương, bằng việc liên kết mở “Phân hiệu Đại học Quốc gia TP. HCM tại tỉnh Bến Tre” trên quốc lộ 60, đoạn đường về tỉnh, với số lượng tuyển sinh năm 2020 là 10 ngành khoảng 500 chỉ tiêu. Việc làm này lâu dài ổn định không chỉ giữ chân sinh viên khu vực đồng bằng các tỉnh biển phía Nam như Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu không phải đi xa; mà còn thu hút đội ngũ giảng viên đại học có học vị, học hàm từ các nơi, lâu dài muốn về địa phương công tác giảng dạy, nghiên cứu.

Sự biến động dân cư giữa các vùng miền là điều hết sức tự nhiên nhưng nếu tỉ lệ chảy máu chất xám quá lớn thì những nhà quản lí cần xây dựng chủ trương chính sách cho phù hợp, có sự điều chỉnh kịp thời, nhằm ổn định nhân lực cao cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong vùng.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.