| Hotline: 0983.970.780

Bài 4: ASF không nguy hiểm đối với con người

Thứ Năm 27/06/2019 , 14:56 (GMT+7)

Mặc dù virus ASF có cơ chế lây lan cực nhanh và đến nay thế giới vẫn chưa thể nghiên cứu ra vacxin hóa giải nên tỷ lệ lợn mắc bệnh chết lên tới 100%. Tuy nhiên, con virus lại không gây nguy hiểm với con người.

Dễ lây nhiễm virus khác

Là một chủng độc lực cao, virus này sẽ giết 100% số lợn bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, không giống như cúm lợn, dịch tả lợn châu Phi không có mối đe dọa trực tiếp nào đối với sức khỏe con người mà nguy hiểm khi lợn tả dễ nhiễm virus khác. ASF không gây bệnh trên người nhưng có thể lây truyền sang ruồi, muỗi, chuột, mèo, gà, vịt. Lợn bị tả có thể mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác như tai xanh, cúm, thương hàn...

Các chuyên gia y tế kiểm tra mẫu trong một trại lợn.

Những bệnh này mới gây nguy hiểm cho người bởi làm rối loạn hệ tiêu hóa, đặc biệt khi ăn tiết canh, ăn thịt lợn bệnh, chưa nấu chín kỹ. Khi lợn mắc bệnh tai xanh, liên cầu khuẩn tồn tại trong miệng, mũi con vật sẽ bùng lên. Người bị trầy xước hoặc có vết thương, tiếp xúc với lợn bệnh sẽ bị vi khuẩn xâm nhập.

Theo bác sỹ Gennady Onishchenko, lãnh đạo Cơ quan dịch tễ Nga, sinh lý của người có nhiều nét tương đồng với sinh lý lợn nên phải đề phòng các biến thể của ASF có thể gây bệnh cho người. Đây là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe con người từ ASF hiện nay.
 

Thiệt hại kinh tế

Dù ASF chưa thể trực tiếp đe dọa sức khỏe con người nhưng những thiệt hại nó gây ra với nền chăn nuôi lợn trên khắp thế giới thì rất khủng khiếp. Theo The Guardian, sự bùng phát của tả lợn châu Phi trong 2 năm 2018-2019 được cho là dịch bệnh khủng khiếp nhất lịch sử ngành chăn nuôi, lan nhanh và tàn phá rất nặng nề.

Bloomberg cho biết, tại Trung Quốc hiện nay, tất cả các tỉnh, kể cả đảo Hải Nam đều có lợn nhiễm dịch và nền chăn nuôi lợn trị giá 128 tỷ USD của quốc gia này đang bị ASF đe dọa. Trung Quốc có số lợn chiếm ½ tổng đàn của cả thế giới và dịch bệnh này đang khiến quá trình cung cấp thịt lợn ở nước này bị gián đoạn.

Hiện nay, số lợn nuôi ở Trung Quốc đang giảm 18,8% so với cùng kỳ, trong khi đó số lượng lợn nái cũng giảm 21% so với một năm trước, đây là mức giảm mạnh nhất trong vòng 10 năm qua, SCMP cho biết.

Ở Nga, chỉ riêng năm 2018, có khoảng 800.000 con lợn bị tiêu hủy từ hơn 1.000 ổ dịch khiến quy mô chăn nuôi lợn ở nước này bị giảm đi một nửa. Trước đó, trong đợt dịch năm 2011, Nga phải tiêu hủy khoảng 12.000 con lợn và thiệt hại trực tiếp rơi vào khoảng 267 triệu USD.

Ngoài ra, theo dự đoán của Bloomberg, nếu Mỹ bị dịch tả lợn châu Phi tấn công, chỉ trong năm đầu tiên nước này sẽ phải chịu thiệt hại vào khoảng 8 tỷ USD.
 

Thiếu thịt

Trên phương diện toàn cầu, Reuters cho biết, sản lượng thịt lợn trong năm 2019 sẽ vào khoảng 115,6 triệu tấn, giảm 4% so với 2018. Con số này được đưa ra là do thâm hụt sản lượng ở Trung Quốc quá cao, bất chấp sự phát triển của các nước có nền chăn nuôi lớn như Mỹ, Brazil và Nga.

Công ty tài chính Rabobank ước tính, hiện nay số lợn chết vì ASF ở Trung Quốc đã lên đến hơn 200 triệu con. Công ty này còn cho rằng, sản lượng thịt lợn của Trung Quốc trong năm 2019 sẽ giảm 35% so với năm 2018.

Trong bối cảnh lợn trong nước nhiễm dịch và tiêu hủy hàng loạt, Trung Quốc đang phải nhập khẩu thịt để đảm bảo nhu cầu của người dân. Theo số liệu riêng của Reuters, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2019, nước này phải nhập 470,776 tấn thịt lợn, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Hiện nay, Trung Quốc được cho là có khoảng 200.000 tấn thịt lợn dự trữ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đến cuối năm nay, tổng số thịt thành phẩm trên thế giới gộp lại cũng không đủ cung cấp cho Trung Quốc. Các quốc gia xuất khẩu thịt lợn đang tranh giành thị trường béo bở này trong khi ASF càn quét ở khắp các tỉnh.

Một vấn đề nữa với người tiêu dùng Trung Quốc đó là Bắc Kinh đang loay hoay trong cuộc chiến thương mại với Washington. Trước căng thẳng này, thịt lợn nhập khẩu từ Mỹ chỉ phải chịu thuế 12%. Tuy nhiên sau 2 đợt điều chỉnh, thuế áp lên thịt lợn Mỹ khi nhập vào Trung Quốc được đẩy lên 25% và rồi hiện nay là 62%.

Nhưng bất chấp chi phí tăng cao, nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc vẫn chọn thịt lợn Mỹ. Theo SCMP, trong tuần đầu của tháng 3 vừa qua, Trung Quốc mua 23,846 tấn thịt lợn Mỹ, tăng 8 lần so với tuần trước đó. Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng đây chỉ là giao dịch đầu cơ và thịt chưa được chuyển đi.

Những đơn hàng ‘đặt gạch’ này được các công ty Trung Quốc giữ cho thị trường cuối năm, thời điểm gần Tết âm lịch và nhu cầu thịt sẽ tăng cao. Ngoài ra, họ cũng hy vọng khi giao dịch được thực hiện, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được những thoả thuận thương mại giúp nới lỏng hàng rào thuế quan.

Xem thêm
Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Mỹ lần đầu sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 tấn công Houthi

Mỹ đã lần đầu tiên sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit tấn công các kho vũ khí của lực lượng Houthi ở Yemen vào sáng 17/10.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.