| Hotline: 0983.970.780

Thủ đoạn mới vận chuyển giống gia cầm Trung Quốc

[Bài 4] Cao Bằng... thả cửa?

Thứ Hai 03/06/2024 , 06:22 (GMT+7)

Xe khách đi qua Trạm kiểm dịch động vật. Dù biết trên xe chở con giống gia cầm, nhưng lực lượng Thú y tại trạm chỉ biết... bất lực đứng nhìn.

Trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông “có cũng như không”

Việc kiểm soát vận chuyển, kinh doanh con giống gia cầm nội tỉnh và con giống từ tỉnh khác vào Cao Bằng đã và đang bộc lộ nhiều bất cập, thậm chí có hiện tượng buông lỏng quản lý.

Như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã đề cập ở bài trước, tại các khu chợ và bến xe trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, việc bốc xếp, bày bán con giống gia cầm không rõ nguồn gốc, giống gia cầm có nguồn gốc từ Trung Quốc diễn ra công khai, náo nhiệt như chốn không người.

Con giống gia cầm từ miền xuôi được vận chuyển lên Cao Bằng bằng xe khách và bốc dỡ công khai ngay tại bến xe. Ảnh: H.K.

Con giống gia cầm từ miền xuôi được vận chuyển lên Cao Bằng bằng xe khách và bốc dỡ công khai ngay tại bến xe. Ảnh: H.K.

Theo ghi nhận của phóng viên, muốn vận chuyển con giống gia cầm từ các tỉnh miền xuôi vào địa phận tỉnh Cao Bằng bằng xe khách, xe giường nằm thì bắt buộc phải đi qua Trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông trên Quốc lộ 3 (nếu đi từ hướng Bắc Kạn sang Cao Bằng) hoặc Trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông trên Quốc lộ 4a (hướng từ Lạng Sơn đi Cao Bằng).

Cả hai trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông này đều trực thuộc Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi - Sở NN-PTNT, được UBND tỉnh Cao Bằng ban hành các quyết định thành lập từ năm 2020.

Cơ cấu tổ chức của Trạm kiểm dịch gồm có Trưởng trạm, 1 Phó Trưởng trạm và các viên chức, tổng số người làm việc được giao 14 biên chế, số người có mặt 14 người.

Lực lượng thú y tại Trạm Kiểm dịch động vật đầu mối giao thông trên Quốc lộ 4a không dám dừng xe chở động vật để kiểm tra, kiểm soát, do thiếu vắng lực lượng Cảnh sát giao thông và Quản lý thị trường. Ảnh: M.P.

Lực lượng thú y tại Trạm Kiểm dịch động vật đầu mối giao thông trên Quốc lộ 4a không dám dừng xe chở động vật để kiểm tra, kiểm soát, do thiếu vắng lực lượng Cảnh sát giao thông và Quản lý thị trường. Ảnh: M.P.

Nhiệm vụ của trạm là chủ động kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra – vào tỉnh đúng theo quy định của pháp luật; ngăn chặn, phòng ngừa, xử lý các hoạt động vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không đủ điều kiện vệ sinh thú y ra – vào tỉnh...

Theo quy định, cả 3 lực lượng cảnh sát giao thông, quản lý thị trường, thú y cử người túc trực 24/24 hàng ngày tại trạm. Tuy nhiên, hai lực lượng là cảnh sát giao thông và quản lý thị trường đã rút hết người ở các trạm, chỉ còn 7 viên chức thú y thay phiên nhau tự quản.

Không có chức năng dừng xe trên quốc lộ, không có cần barie để chặn các phương tiện vận chuyển hàng hóa, lực lượng thú y đành bất lực đứng nhìn, dù biết trên những chiếc xe có chở gà, vịt giống.

Con giống gia cầm K9 có nguồn gốc từ Trung Quốc được các tiểu thương bày bán công khai tại chợ phiên vùng cao Nà Giàng. Ảnh: H.K.

Con giống gia cầm K9 có nguồn gốc từ Trung Quốc được các tiểu thương bày bán công khai tại chợ phiên vùng cao Nà Giàng. Ảnh: H.K.

Lực lượng cảnh sát giao thông và quản lý thị trường “mất hút”

Ông Trương Văn Hiếu - Trạm trưởng Trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông trên Quốc lộ 4a (địa chỉ tại xóm Tục Ngã, xã Đức Xuân, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng) cho biết: Xe khách chở gà giống từ Nam Định, Bắc Ninh, Hải Phòng, Thái Bình chúng tôi cũng biết nhưng không chặn được. Trạm có 7 người, đều là viên chức của Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi Cao Bằng.

Ông Trương Văn Hiếu - Trạm trưởng Trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông trên Quốc lộ 4a, chia sẻ về tình cảnh 'lực bất tòng tâm' sau khi lực lượng Cảnh sát giao thông và Quản lý thị trường rút khỏi Trạm. Ảnh: M.P.

Ông Trương Văn Hiếu - Trạm trưởng Trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông trên Quốc lộ 4a, chia sẻ về tình cảnh "lực bất tòng tâm" sau khi lực lượng Cảnh sát giao thông và Quản lý thị trường rút khỏi Trạm. Ảnh: M.P.

“Những xe đi quen họ sẽ tự giác dừng, nhưng xe chạy qua rất nhiều chúng tôi cũng không biết làm thế nào... Khi UBND tỉnh thành lập trạm năm 2020 có đầy đủ 3 lực lượng, nhưng đến tháng 8/2022 thì lực lượng Cảnh sát giao thông rút về làm tháng cao điểm an toàn giao thông, từ đấy lực lượng đó không xuống thực hiện nhiệm vụ nữa. Lực lượng Quản lý thị trường thì rút từ tháng 9/2023”, ông Hiếu nói.

Cũng theo vị Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch động vật này, thời điểm ban đầu thành lập trạm thì lực lượng Cảnh sát giao thông dừng xe khá nhiều. Về sau chúng tôi vẫn yêu cầu họ dừng xe nhưng các anh cảnh sát giao thông bảo “ngày nào cũng dừng thì gây phiền hà cho doanh nghiệp và hành khách trên xe, nên không dừng thường xuyên”. Chúng tôi thấy họ không nhiệt tình nên rất khó.

Với kiểu phối hợp “bất nhất” giữa các lực lượng chức năng như vậy, không khó để lý giải vì sao suốt từ khi thành lập Trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông quốc lộ 4a (từ tháng 2/2020) đến nay, Trạm chỉ xử lý được duy nhất 1 vụ vận chuyển chân giò không rõ nguồn gốc xuất xứ, ngoài ra không phát hiện và xử lý thêm được vụ việc nào.

“Năm 2021, có một vụ vận chuyển con giống gia cầm, chúng tôi phát hiện và giữ xe. Tuy nhiên lợi dụng lúc chúng tôi không để ý, họ lảng lảng rồi quay đầu xe bỏ chạy. Từ trạm sang đất Lạng Sơn chỉ hơn 1 km nên chúng tôi không đuổi theo nữa”, ông Hiếu nói thêm.

Cao Bằng có làm trái quy định của Luật Thú y?

Trước những bất cập trên, ngày 25/3/2024, Sở NN-PTNT có văn bản số 706, đề xuất UBND tỉnh Cao Bằng tiếp tục bố trí 3 lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại Trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông trên Quốc lộ 3 và Quốc lộ 4a hoạt động, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi tại buổi làm việc vào chiều ngày 17/5/2024, Sở NN-PTNT Cao Bằng cho biết, UBND tỉnh Cao Bằng vẫn chưa phản hồi văn bản đề xuất số 706 của Sở.

Rõ ràng, tỉnh Cao Bằng đang thực hiện không đúng quy định của Luật Thú y năm 2015, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT.

Cụ thể, Điều 40 Luật Thú y quy định về Trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông nêu rõ:

“1. Việc kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển qua các đầu mối giao thông do trạm kiểm dịch động vật thực hiện. Trạm kiểm dịch động vật tại đầu mối giao thông phải có đại diện các ngành công an, quản lý thị trường, thú y”.

Tại Khoản 4, mục II Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 – 2030, cũng nêu rõ: “Nâng cao năng lực kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, quản lý ATTP đối với động vật và sản phẩm động vật có nguồn gốc động vật.

Xây dựng và ban hành văn bản quy định việc lập trạm kiểm dịch động vật tại đầu mối giao thông trên phạm vi cả nước theo quy định của Luật Thú y, Luật Quy hoạch”.

Vậy câu hỏi được đặt ra là, ai đã chỉ đạo rút hai lực lượng Cảnh sát giao thông và Quản lý thị trường tại hai Trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông Quốc lộ 3 và Quốc lộ 4a trên địa bàn tỉnh Cao Bằng trong bối cảnh dịch bệnh trong nước và quốc tế vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh?

Thủ tướng quy trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND cấp tỉnh

Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành hàng loạt văn bản chỉ đạo về việc ngăn chặn phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm. Điển hình là Công điện số 426/CĐ-TTg ngày 18/5/2023, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nhất là các tỉnh, thành phố biên giới chỉ đạo các lực lượng tăng cường các biện pháp để ngăn chặn các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép vào Việt Nam.

Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 6/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ: Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, triển khai lực lượng kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với các cơ sở thu gom, giết mổ gia súc, gia cầm, nhất là các địa bàn tiếp giáp biên giới; tăng cường công tác kiểm tra và truy xuất nguồn gốc đối với việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tiêu thụ tại địa bàn; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật”.

Mới đây nhất, ngày 31/1/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 12/CĐ-TTg về việc tăng cường ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thủy sản qua biên giới vào Việt Nam. Theo đó, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải “Chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xẩy ra tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thủy sản qua biên giới vào Việt Nam dẫn tới tình trạng phát sinh dịch bệnh”.

Thời gian qua, những cung đường vận chuyển con giống gia cầm nhập lậu qua biên giới từ Trung Quốc vào Việt Nam qua đường mòn, lối mở trên địa bàn tỉnh Cao Bằng được các lực lượng chức năng kiểm soát tốt và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Thậm chí, 21 đối tượng trong đường dây buôn lậu con giống gia cầm từ Trung Quốc về Việt Nam đã bị khởi tố.

Tuy nhiên, với những tài liệu phóng viên ghi nhận thực tế tại địa bàn tỉnh Cao Bằng, có thể thấy, công tác kiểm soát vận chuyển, mua bán gia cầm giống nội tỉnh và con giống từ tỉnh khác vào địa bàn tỉnh Cao Bằng còn lỏng lẻo, bộc lộ nhiều bất cập, dẫn đến những hệ lụy cho ngành chăn nuôi.

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm: Quân đội là điểm tựa vững chắc của nhân dân

Tổng Bí thư nhấn mạnh cần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Những loại thuốc bảo vệ thực vật bị cấm sử dụng tại Việt Nam từ 1/2025

Bộ NN-PTNN vừa ban hành Thông tư về Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam từ tháng 1/2025. Sẽ có những loại thuốc nào bị cấm?

Các quận và phường ở Hải Phòng sẽ không còn Hội đồng nhân dân

HẢI PHÒNG Sau khi được Quốc hội thông qua, Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị Hải Phòng sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025 với nhiều điểm mới phù hợp với xu hướng phát triển.