| Hotline: 0983.970.780

Bài 4: Cao Thôn rậm rịch hương trầm

Thứ Năm 25/12/2008 , 08:00 (GMT+7)

Với người làng Cao (xã Bảo Khê, TX Hưng Yên), mỗi vụ làm hương trầm bán Tết còn phải “nhờ trời” chẳng khác trồng rau đậu ngoài đồng.

Làng nghề Cao Thôn hiện có 168 hộ chuyên làm hương. Vào vụ hương từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch, tại đây thường xuyên thu hút 400 lao động tại chỗ và hơn 300 lao động các vùng lân cận với mức tiền công trên 1 triệu đồng/người/tháng.

Với người làng Cao (xã Bảo Khê, TX Hưng Yên), mỗi vụ làm hương trầm bán Tết còn phải “nhờ trời” chẳng khác trồng rau đậu ngoài đồng. Năm nay trời “thương tình” cho một vụ hương lớn, nhưng giá hương thì đến nay vẫn là ẩn số lớn.

>> Bài 3: Trên quê những giống gà khổng lồ
>> Bài 2: Làng giò chả cũng “bóp miệng”
>> Làng quê ''săn'' Tết...

Cả năm trông ba ngày Tết

“Tháng chín là gió rải ngoài/ Tháng mười là gió heo may rải đồng”. Năm nay mãi cuối tháng 9 âm mà trời vẫn mưa lụt ủ ê. Người Cao Thôn (tên thường gọi của làng Cao) ngửa mặt lên trời lo lắng: Mất mùa rồi! Tết nay hương lại “cháy hàng” to! Bước sang tháng 10, nắng rót mật vàng ươm xuống làng Cao. Nhà nhà lục đục lên khuôn lên lẹp “tăng tốc” cho kịp hàng tết. Cả thôn Cao bừng tỉnh thức giấc! Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Kỷ Sửu nên cả làng đang chạy đua với thời gian.

Từ 5h sáng, dòng người làm công từ mạn Phú Cường, Ngọc Thanh, Hùng Cường…tấp nập đổ về Cao Thôn như trẩy hội. Không khí khẩn trương hâm nóng, xua tan cả cái lạnh mùa Noel. Thôn Cao như chật chội, phình to to ra. Những liếp hương rúng, hương xe, hương vòng, hương sào…tràn ra các thửa ruộng đã khô gốc rạ, bày la liệt khắp đường làng ngõ xóm, trườn cả lên vỉa hè Quốc lộ 39. Mùi thơm ngào ngạt lan xa hàng kilômet làm nức lòng người.

Tại cơ sở SX hương trầm Thế Hưng, hơn 30 lao động đang thoăn thoắt bên những chiếc máy làm hương bán công nghiệp. Chị Hồ Thị Đông (thôn Chân Cầu, xã Bảo Khê) cho biết, từ tháng 10 âm đến nay chị không lên Hà Nội bán vàng mã kiếm Tết như mọi năm mà ở nhà làm hương. Tiền công 900 nghìn đến 1 triệu mỗi tháng – kém một chút so với đi Hà Nội nhưng được ở gần chồng con chuẩn bị tết nhất cho chu đáo chứ mọi năm chiều 30 Tết mới về đến nhà.

Từ hơn 1 tháng nay, căn nhà của ông Mai Văn Vu đã chính thức trở thành…kho hàng. Để chuẩn bị hàng cho dịp tết, ngay từ đầu tháng 10 âm lịch nắng nổi lên, ông đã mướn thêm 8 nhân công làm liên tục cả ngày lẫn đêm. Mỗi nhân công làm hương xe mỗi ngày cho ra hơn 1 vạn nén. Nếu làm hương rúng thì 2 – 3 vạn/ngày. Ông Vu hiện đã trữ được hơn 1.000 túi hương (mỗi túi 50 thẻ, mỗi thẻ 20 nén) chất cao tới nóc nhà chuẩn bị chờ xuất hàng.

Ông Vu hồ hởi: “Mùa hương năm nay làng Cao có lẽ trúng đậm!”. Thường thì mỗi vụ hương bắt đầu từ tháng 9 âm, lúc gặt hái xong vụ mùa. Làm vụ đông bây giờ vật tư tăng cao, chẳng lờ lãi gì nên dân Cao Thôn cứ xong gặt hái vụ mùa là bắt tay ngay vụ hương Tết. Năm nay mưa kéo dài, tưởng “hỏng ăn” như năm ngoái. Ai dè sang tháng mười đến nay trời thương tình cho nắng đẹp quá! Nhà nào cũng tranh thủ lúc ông trời ủng hộ làm suốt ngày đêm. Nếu chậm chân sang giữa tháng 11 âm, mưa dầm gió bấc kéo về thì chẳng làm ăn gì được nữa.

Ông Tạ Quang Ký – Bí thư chi bộ thôn Cao vừa thoăn thoắt phơi hương, vừa gật gù tính toán: “Thị trường năm nay chắc chắn vẫn sẽ “ăn” mạnh hương “lộc”. Loại này chân hương được tẩm axit, lúc cháy tàn cong xoáy trôn ốc, người dùng rất ưng vì quan niệm tàn hương Tết mà cong lên là lộc cả năm. Loại hương này được làm theo phương pháp rúng nên tốc độ nhanh hơn gấp vài ba lần so với phương pháp xe.

Có đến 75% số hương trầm ở Cao năm nay là hương rúng. Hương xe thắp không có tàn xoắn nhưng chất lượng lại thơm hơn nhiều. Loại này giá năm nay vẫn “tầm tầm” 1.800đ đến 2.000đ/thẻ (20 nén) như năm ngoái và có xu hướng khó bán dần. Những khách hàng chuộng loại hương chất lượng cao sẽ có loại 5.000đ/nén, có loại hương sào giá 3.000đ/nén, 5.000đ/nén dài 1m". 

Làng hương thiếu sân phơi

Xen vào niềm vui được mùa, ông Mai Văn Vu ái ngại cho biết, mặc dù giá hương trầm năm nay vẫn như mọi năm nhưng giá nguyên liệu đầu vào đã tăng vài ba chặp. Đơn giản như que chân hương nhập từ Hà Tây năm ngoái mới 300 nghìn/vạn, năm nay đã tăng lên 380 nghìn/vạn. Giấy nilon bọc thẻ hương năm ngoái mới 3.800đ/kg, năm nay tăng lên 4.200đ/kg. Những nguyên liệu làm hương như thảo quả, đinh hương, xuyên cung, hoa ngâu, hồi quế…năm nay giá đều tăng từ 30 đến 40%. Quy ra một thẻ hương năm ngoái lãi gần 300đ thì năm nay chỉ lãi 200đ là cùng. Những hộ phải vay tiền ngân hàng đầu tư nguyên liệu, cận tết phải bán đổ bán tháo hương để trả nợ thì lờ lãi chẳng được là bao. Từ nay đến tết nghe nói nắng còn đẹp, chắc chắn hương khắp nơi còn ra như “rạ tháng mười”. Và như kinh nghiệm của ông Vu thì cứ năm nào được mùa thì giá hương lại hạ và khó bán.

Hương trầm Cao Thôn bây giờ “ăn thua” với hương trầm ở Hà Nội, Hải Dương là ở chỗ phơi được nắng. Hương Cao Thôn vẫn giữ được “hương nước gió trời”. Mẻ được nắng vàng ươm, thơm ngọt. Không may gặp trời mưa thì đen sì, đốt cháy giữa chừng hương tắt ngúm. Ai không may ra mẻ hương gặp lúc trời kém nắng coi như vứt đi. Làm hương theo cơ chế thị trường bây giờ cũng phải tuỳ theo nhu cầu khách hàng. Như người Thái Bình và Thanh Hoá trở vào chỉ dùng hương bài, hương Xạ Kiều (hương đen) vào dịp Tết. Người Hà Nội lại chuộng nhất hương trầm.

Mặc dù đã được công nhận danh hiệu “làng nghề truyền thống” từ năm 2006 nhưng nhãn hiệu hương trầm Cao Thôn hiện nay giống như một mớ hổ lốn. Mỗi nhà mỗi nhãn hiệu. Thậm chí mỗi nhà có vài ba nhãn hiệu. Cái khó xuất phát từ việc các hộ không tự mình đi tiêu thụ được mà phải bán lại cho các chủ buôn ở Hà Nội. Hộ nào bán cho ông chủ nào thì phải lấy tên cơ sở, địa chỉ và “thương hiệu” của ông chủ ấy. Như hộ ông Nguyễn Như Long có ba đời làm hương chẳng hạn. Hương của ông Long bán cho một chủ buôn ở Hà Nội có 1 “lôgô” riêng lấy hiệu là Mai Hà. Còn “thương hiệu” của gia đình mình bán lẻ ở ven QL39 thì lấy hiệu là “Tùng Lâm”. Thành ra cùng là hương Cao Thôn cả, nhưng cả làng Cao có hơn 160 hộ làm hương thì có đến ba bốn trăm “thương hiệu” khác nhau. Ông Lê Thành Luỹ - Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Khê kể: “Hương Cao Thôn bán cho chủ buôn Hà Nội. Người Thái Bình lên Hà Nội mua lại. Sau đó nghe tiếng sang Cao Thôn mua hương, lại chê là hương Cao Thôn…không thơm bằng hương Hà Nội! Cái chết dở là vậy!”.

 Một điều đáng buồn nữa là nhiều hộ dân vào thời điểm giáp tết cần mở rộng sản xuất nhưng lại không có sân phơi. Họ phải bê liếp hương phơi tràn ra đường, thậm chí ngoài đồng. Lúc trời mưa đột ngột thì sống dở chết dở. Dải taluy của QL 39 qua xã Bảo Khê dài hơn 1km trước đây là nơi phơi hương chủ yếu nay đã được trồng hoa và cây cảnh, cấm không được phơi hương nữa. “Nhà tôi phải đem hương đi phơi nhờ khắp nơi. Trước đây có dải taluy ven đường rộng rãi, mỗi ngày chỉ phải đảo hương một lần. Bây giờ không có sân phơi, phải dồn lại dày gấp đôi nên mỗi ngày phải đảo hương 2 lần, vất vả và mất thời gian hơn nhiều” – ông Nguyễn Như Long nhà ven QL 39 vừa đảo hương vừa thẽ thọt.

Xem thêm
Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch Quốc hội trước sau đó bầu Chủ tịch nước

Công tác nhân sự sẽ được Quốc hội khóa XV thực hiện từ 20-22/5, trong đó chức danh Chủ tịch Quốc hội sẽ được bầu trước, sau đó là chức danh Chủ tịch nước.

Đông Nam bộ đủ nước cho vụ hè thu

Đông Nam bộ đã bắt đầu bước vào mùa mưa. Mực nước hiện tại ở các hồ chứa trong khu vực có khả năng đáp ứng đủ cho sản xuất vụ hè thu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tây Ninh đã có thiệt hại do mưa lớn, dông lốc

Cơn mưa lớn chiều các ngày 16/5 và 17/5 đã khiến cho địa bàn tỉnh Tây Ninh có những thiệt hại đầu tiên về của. Rất may không ai bị thương, nguy hiểm tính mạng.