| Hotline: 0983.970.780

Chông chênh những ngôi làng tái định cư thủy điện

[Bài 4]: Người dân bao giờ mới... an cư?

Thứ Ba 22/08/2023 , 16:53 (GMT+7)

Khu tái định cư này thuộc TP. Gia Nghĩa hẳn hoi, được quy hoạch từ năm 2007, nhưng đến nay, chỉ có 1 ngôi nhà được xây lên rồi… bỏ hoang, không có người ở.

Đó là khu tái định cư thủy điện Đắk R’tíh, ở thôn Tân Hòa, xã Đắk R’moan, TP.Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, tổng diện tích gần 17ha, do Công ty Cổ phần thủy điện Đắk R’tih đầu tư gần 30 tỷ đồng nhằm ổn định cuộc sống cho khoảng 250 hộ dân nhường đất xây dựng thủy điện Đắk R’tih. Dù được khởi công từ năm 2007, nhưng đến nay, khu đất này vẫn không khác gì một bãi đất bỏ hoang.

Cánh đồng hoang trên sườn đồi

Để vào khu tái định cư, tôi tìm thuê một chiếc xe ôm vào xã Đắk R’moan, người đàn ông chạy xe ôm tên Nguyễn Văn Tín, sau khi hỏi tôi vào chỗ nào ở Đắk R’moan, vào đó bao lâu để báo giá, tôi nói vào khu tái định cư thuỷ điện Đắk R’tíh, có thể đi cả ngày. “Chú vào khu tái định cư thủy điện làm gì? Trong đó đâu có ai? Tôi cũng là người được cấp nền tái định cư trong đó, mà tôi chưa nhận”. Tôi tò mò: “Nghe nói đất có “viu” hồ đẹp lắm, sao anh không nhận?”. Anh Tín đáp: “Đẹp gì, trong đó đất xấu, cằn cỗi, nắng nóng cháy da, cơ sở hạ tầng ngoài mấy con đường chính ra cũng chưa có gì. Có ai ở được đâu. Chưa kể nhà đất bị thu hồi của tôi là ở thành phố chứ có phải nông thôn đâu”.

Bà Phạm Thị Phi Khanh: 'Họ cấp đất cho gia đình tôi mà lại cấp chồng lấn lên đất nhà người khác nên đến giờ tôi vẫn chưa có đất'. Ảnh: Phúc Lập.

Bà Phạm Thị Phi Khanh: "Họ cấp đất cho gia đình tôi mà lại cấp chồng lấn lên đất nhà người khác nên đến giờ tôi vẫn chưa có đất". Ảnh: Phúc Lập.

Sau khi thỏa thuận giá xe ôm, chúng tôi xuất phát từ TP.Gia Nghĩa, xe chạy trên QL14 vài cây số, sau đó rẽ vào con đường tránh TP. Gia Nghĩa chừng gần chục cây số nữa, thì ông Tín chỉ tay sang bên phải, nơi có những khoảng đồi trống trải, không có nhà, nhìn xa đã thấy khung cảnh khô cằn, bảo: “Khu tái định cư thủy điện Đắk R’tih đó”. Ngay sau đó, anh Tín rẽ phải vào con đường mới được trải nhựa, một bên đường đã trồng hàng cột điện trung thế.

Dưới cái nắng gay gắt, chúng tôi chạy lòng vòng khá lâu trên những con đường nằm xen giữa các lô đất trống, mãi sau cũng gặp một căn nhà lá mở cửa. Chúng tôi tấp vào. Một người phụ nữ bước ra. Sau khi nghe chúng tôi giới thiệu, người phụ nữ giới thiệu tên Phạm Thị Phi Khanh, cho biết, ngôi nhà bà đang ở không thuộc khu tái định cư, còn nền tái định cư thì coi như chưa có. “Sao lại coi như?”, tôi hỏi. “Nhà tôi trước ở dưới lòng hồ, chỗ bây giờ đang tích nước thủy điện. Vì bị thu hồi trắng, không còn nhà đất gì nên được ưu tiên bốc thăm nền ở khu B1, nhưng xui là họ cấp chồng lấn lên đất vườn nhà người khác, mà đất họ có sổ từ lâu. Khi chúng tôi làm đơn ra Ban quản lý dự án khiếu nại thì họ nói giờ họ giao lại hết cho thành phố rồi, không có trách nhiệm giải quyết nữa. Đến giờ đất của gia đình tôi còn đang tranh chấp chưa xong”, bà Khanh nói.

Ông Nguyễn Văn Tín: 'Chúng tôi ở đô thị thì phải cấp nền tái định cư ở đô thị mới đúng'. Ảnh: Phúc Lập.

Ông Nguyễn Văn Tín: "Chúng tôi ở đô thị thì phải cấp nền tái định cư ở đô thị mới đúng". Ảnh: Phúc Lập.

Theo bà Khanh thì khu tái định cư có hơn 200 hộ, mỗi hộ được cấp 1 nền đất, chiều ngang 6m, dài hơn 40m, không có nhà, cũng không có đất sản xuất.

Sau khi anh Tín gọi vài cuộc điện thoại cho một số người được cấp nền tái định cư nhưng không ở, tôi gặp thêm được vài người khác. Một trong số đó là chị Nông Thị Đoan, người có ngôi nhà duy nhất ở khu tái định cư này. Chị Đoan cho biết, ngôi nhà xây cách đây 3 năm, nhưng chị không ở, vì điều kiện sống ở đây “thiếu đủ thứ”.

Ban đầu gia đình tôi đã dọn đến đây ở rồi, nhưng chưa bao lâu thì phải dọn đi vì nước sinh hoạt không có, trạm cung cấp nước cách nhà vài bước chân đã xuống cấp, hư hỏng, không sử dụng được.“Mùa mưa thì còn tích nước mưa dùng dần được chứ mùa khô thì phải đi xin nước tít trong trung tâm xã cách đây 6-7 cây số, nước tắm giặt thì xuống hồ thuỷ điện. Anh thấy ngoài nhà tôi chẳng có ai đến ở, vì hạ tầng không bảo đảm, đất bị sạt lở”, chị Đoan nói.

Tính đến nay, đã 16 năm trôi qua kể từ ngày khởi công xây dựng, khu tái định cư này vẫn chỉ như bãi đất trống, cỏ dại um tùm, một số hạng mục được đầu tư như hệ thống cấp nước, trạm bơm, mương dẫn nước… đã xuống cấp, bị vùi lấp, nhiều khu vực đất sạt lở.

Bên trong khu tái định cư thuỷ điện Đắk R'tih. Ảnh: Phúc Lập.

Bên trong khu tái định cư thuỷ điện Đắk R'tih. Ảnh: Phúc Lập.

Bao giờ người dân mới an cư?

Theo ông Tín, khi dự án thủy điện Đắk R’tíh kiểm kê tài sản năm 2007, sau đó ra quyết định thu hồi thì xảy ra nhiều khúc mắc giữa ban quản lý dự án và người dân. “Gia đình tôi và nhiều hộ khác hồi chưa bị thu hồi thuộc phường Nghĩa Phú, TP. Gia Nghĩa, nhưng sau khi thu hồi, thì họ lại bố trí tái định cư ở xã Đắk R’moan, cách trung tâm TP. Gia Nghĩa hơn 2 chục cây số, mà khu tái định cư anh thấy rồi đấy, có ở được đâu? Không chỉ hẻo lánh mà cơ sở hạ tầng không có gì, đất đai cằn cỗi. Nên tôi và rất nhiều người không đồng ý. Nhà chúng tôi trước ở đô thị thì bây giờ phải bố trí tái định cư cho chúng tôi ở đô thị mới đúng. Năm 2020, UBND TP.Gia Nghĩa đã có văn bản đề nghị tạm dừng việc phân lô cho người dân thuộc hai phường Nghĩa Phú, Nghĩa Tân về khu tái định cư xã Đắk R’moan, nhưng đến bây giờ vẫn chưa có thông tin gì mới”, ông Tín nói.

Theo tìm hiểu cửa chúng tôi, riêng phường Nghĩa Phú, TP Gia Nghĩa, có hàng chục hộ dân bị thu hồi đất làm hạng mục khu vực 3, thủy điện Đắk R'tíh. Tuy nhiên, đến nay, hầu hết các hộ này vẫn chưa nhận suất tái định cư ở Đắk R’moan. Tương tự, phường Nghĩa Tân cũng có rất nhiều hộ bị thu hồi trắng nhà cửa, vườn tược, nhưng việc bố trí tái định cư đến nay vẫn chưa ổn thỏa.

Trong khu tái định cư thuỷ điện Đắk R'tih chỉ mới duy nhất một căn của người có suất tái định cư được cất. Ảnh: Phúc Lập.

Trong khu tái định cư thuỷ điện Đắk R'tih chỉ mới duy nhất một căn của người có suất tái định cư được cất. Ảnh: Phúc Lập.

Một người dân khác ở thôn Tân Hòa, xã Đắk R’moan, chúng tôi gặp là ông Trần Minh Hùng, cho biết: “Mỗi lô tái định cư có diện tích khoảng 200m2, so với diện tích đất bị thu hồi chỉ bằng một phần nhỏ, sau khi nhận nền, còn phải đóng thuế hợp thức hóa đất 480.000 đồng/m2 trước khi xây nhà. Chưa kể là đất sản xuất không còn, không biết mưu sinh bằng cách nào khi ở đây?”.

Đến UBND xã Đắk R’moan, tôi gặp Chủ tịch xã ông Lê Văn Bi để nắm thêm thông tin, nhưng tiếc là vị chủ tịch xã này gần như không nắm được gì: “Tôi cũng mới về đây nên nhiều vấn đề chưa nắm hết, nhưng cơ bản là mỗi hộ tái định cư được cấp một nền đất ở, đất sản xuất thì không biết có được bên dự án lo không”, ông Bi nói.

“Khu tái định cư có diện tích bao nhiêu và có bao nhiêu hộ đã đến ở?”, tôi hỏi. Ông Bi đáp: “Tôi cũng không rõ nữa, nhưng anh cũng thấy rồi, mới lèo tèo vài căn thôi. Có nhiều người họ còn đất vườn ở nơi khác, nên họ về đó định cư. Còn những trường hợp không có đất thì họ cũng chuyển đi nơi khác sinh sống”. Tôi hỏi tiếp: “Vì sao họ không định cư ở đây mà phải chuyển đi nơi khác sinh sống?”. Ông Bi nói: “Cái đó tôi cũng không rõ nữa”.

Dự án thủy điện Đắk R’tíh đã đi vào vận hành ổn định từ năm 2011, nhưng đến nay, cuộc sống của hàng trăm người dân vẫn chưa ổn định. Trước những bất ổn kéo dài, chính quyền tỉnh Đắk Nông, TP.Gia Nghĩa đã tổ chức nhiều cuộc làm việc với các bên liên quan như Phòng Tài nguyên - Môi trường TP.Gia Nghĩa,  Ban Quản lý dự án và phát triển quỹ đất thành phố, Công ty Cổ phần thủy điện Đắk R’tíh…để tìm phương án giải quyết. Tuy nhiên, đến nay mọi việc vẫn chưa được giải quyết, nhiều hộ dân dù muốn an cư để lập nghiệp cũng không thể thực hiện được.

Hồ thuỷ điện Đắk R'tih đã hoàn thành và vận hành ổn định hơn chục năm nay, nhưng hàng trăm hộ dân chưa ổn định cuộc sống sau khi nhường đất cho công trình. Ảnh: Phúc Lập. 

Hồ thuỷ điện Đắk R'tih đã hoàn thành và vận hành ổn định hơn chục năm nay, nhưng hàng trăm hộ dân chưa ổn định cuộc sống sau khi nhường đất cho công trình. Ảnh: Phúc Lập. 

Trong các buổi làm việc, Công ty cổ phần thủy điện Đắk R’tíh đề xuất phương án xem xét, rà soát quỹ đất sạch hiện có trên địa bàn TP Gia Nghĩa, hoặc sử dụng bãi đất thải 8,7ha tại phường Nghĩa Phú (thuộc quản lý của công ty) để bố trí tái định cư cho người dân.

“Tình trạng người dân chưa vào sống được ở khu tái định cư thủy điện Đắk R’tíh đã diễn ra nhiều năm nay. Thành phố cũng đã cùng các bên liên quan họp bàn nhiều lần, nhằm đưa ra phương án khả thi, ổn định sống người dân. Trước đó, năm 2021, thành phố đã có buổi làm việc với chủ đầu tư là Công ty Cổ phần thủy điện Đắk R’tíh để bàn phương hướng giải quyết nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân bị thu hồi đất. Còn mới đây, thành phố đã phê duyệt phương án bố trí đất bổ sung tái định cư cho 259 hộ. Riêng về cơ sở vật chất, trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư dự án”, ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Văn phòng UBND TP. Gia Nghĩa cho hay.

Xem thêm
Chiều 2/5, Quốc hội họp bất thường lần thứ 7

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV để xem xét nội dung về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.

Chia nước theo thứ tự ưu tiên

Do nắng hạn kéo dài, không có mưa đã khiến các hồ đập cạn kiệt nguồn nước, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cắt giảm hơn 15.000ha lúa trong vụ hè thu tới.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Nổ lò hơi ở xưởng gỗ, 6 người tử vong

ĐỒNG NAI Sáng 1/5, một vụ nổ lớn xảy ra tại công ty sản xuất gỗ ở huyện Vĩnh Cửu khiến 6 người tử vong tại chỗ và một số người bị thương.

Bình luận mới nhất