Nông thôn chuyển mình
Bến Lức là một huyện phía Đông thuộc tỉnh Long An và là khu vực trọng điểm liên kết với ĐBSCL. Trong những năm qua, cùng với sự phát triển nhộn nhịp của một đô thị trẻ, với những khu, cụm công nghiệp, những khu dân cư đang mọc lên san sát, không khí đời sống công nghiệp hóa càng tấp nập hơn khi lực lượng công nhân, lao động tham gia vào sản xuất trong các nhà máy công nghiệp. Nền nông nghiệp địa phương cũng đang chuyển mình mạnh mẽ, trong đó chanh không hạt là một trong những loại cây trồng của địa phương này đã vang danh trên trường quốc tế, giúp cho cuộc sống của người nông dân ngày càng được cải thiện và thu nhập tăng cao.
Theo phòng NN-PTNT huyện Bến Lức, địa phương hiện có tổng diện tích chanh trên 7.000ha, trong đó chanh không hạt đạt hơn 6.500ha. Cây chanh được trồng tập trung ở các huyện Thạnh Hóa, Thạnh Lợi, Lương Hòa, Lương Bình, Bình Đức. Đáng chú ý, 90% sản lượng chanh của địa phương được xuất khẩu sang nhiều nước, trong đó chủ yếu thị trường Trung Đông.
Được thành lập từ năm 2015, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bến Lức là một trong những đơn vị tiên phong thực hiện mô theo hướng hữu cơ, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất. HTX hiện có 7 thành viên sản xuất trên diện tích 50ha. Trong đó, HTX đang tập trung triển khai sản xuất chanh không hạt theo hướng GlobalGAP được 14 ha và hơn 20ha ứng dụng công nghệ cao.
Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bến Lức Trần Duy Thuận cho biết, cây chanh không hạt trồng trong vòng 20 tháng là cho trái và thu hoạch liên tục trên 10 năm, năng suất trung bình khoảng 33 tấn/ha/năm. Chi phí đầu tư trung bình mỗi năm trên dưới 60 triệu đồng, Đặc biệt, chanh được trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, được các công ty thu mua để xuất khẩu với giá 5.000 - 8.000 đồng/kg (cao hơn từ 2.000 - 4.000 đồng/kg), sau khi trừ chi phí 1 ha chanh cho thu nhập không dưới 100 triệu đồng/năm.
Tiếp sức để giữ vững vị thế chanh xuất ngoại
Theo Phòng NN-PTNT huyện Bến Lức, định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cây chanh là hướng đi tất yếu. Huyện đã phối hợp Sở KH-CN đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với chanh Bến Lức và chỉ đạo sản xuất bảo đảm các điều kiện xuất khẩu, hội nhập thị trường thế giới, đến nay có khoảng 200 ha được cấp chứng nhận.
Ngoài ra, để nâng cao giá trị, chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, xuất khẩu, hàng năm, địa phương đều giao vốn cho ngành Nông nghiệp triển khai hỗ trợ cho bà con nông dân sản xuất theo hướng VietGAP ứng dụng công nghệ cao.
Cụ thể, trong 3 năm qua (2018-2020), toàn huyện có 318ha chanh được hỗ trợ giống với kinh phí gần 1,7 tỉ đồng. Thực hiện 10 cánh đồng phòng trừ tổng hợp sâu, bệnh trên cây chanh với 160ha liền kề 6 xã với kinh phí gần 1,6 tỉ đồng. Tổ chức tập huấn, đào tạo cho nông dân với kinh phí gần 700 triệu đồng. Thực hiện hỗ trợ 27 mô hình xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm với kinh phí 748 triệu đồng. Nhiều mô hình được hỗ trợ về phân bón hữu cơ vi sinh, thuốc BVTV dạng sinh học, tiền công cắt tỉa cành và trang bị kiến thức quản lý dịch hại tổng hợp, kỹ thuật canh tác trong khâu chăm sóc...
Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Bến Lức Lê Văn Nam cho biết: Toàn huyện có 39 Tổ hợp tác và 7 HTX trồng chanh không hạt. Đến năm 2021, huyện đã có trên 1.400ha chanh ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, kinh phí hỗ trợ từ chương trình ứng dụng công nghệ cao được xem như “bà đỡ”, giúp nông dân mạnh dạn chuyển đổi phương thức canh tác”.