| Hotline: 0983.970.780

Trung Quốc - 'Gã khổng lồ' sản xuất và tiêu thụ thủy sản

[Bài 5]: Nắm rõ quy định, tiếp cận bền vững

Thứ Hai 28/08/2023 , 10:00 (GMT+7)

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu, Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công thương chia sẻ một số quy định xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc.

Hưởng lợi từ các hiệp định thương mại

Trung Quốc là một trong những thị trường lớn của thủy sản Việt Nam nhiều năm qua. Bà đánh giá như thế nào về những cơ hội xuất khẩu thủy sản của nước ta sang thị trường này trong thời gian gần đây và sắp tới?

Trung Quốc là một trong những quốc gia sản xuất thủy sản lớn nhất thế giới với tổng sản lượng đứng đầu thế giới trong hơn 30 năm trở lại đây và chiếm khoảng 40% tổng sản lượng của thế giới mỗi năm.

Dù là quốc gia sản xuất thủy sản lớn nhất thế giới, nhưng Trung Quốc cũng là quốc gia nhập khẩu thủy sản lớn. Với dân số hơn 1,4 tỷ người nên nhu cầu thủy sản khá phong phú, đa dạng.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy: Trong những năm trở lại đây, hoạt động xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc cơ bản duy trì đà tăng trưởng. Ảnh: TQ.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy: Trong những năm trở lại đây, hoạt động xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc cơ bản duy trì đà tăng trưởng. Ảnh: TQ.

Năm 2022, Trung Quốc chi khoảng 19 tỷ USD để nhập khẩu thủy sản các loại phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng nội địa, tăng hơn 35% so với năm 2021; trong đó chi 2 tỷ USD để nhập thủy sản tươi sống nhưng Việt Nam chỉ mới cung cấp khoảng 322 triệu USD, chiếm 2% tổng giá trị xuất khẩu, nên cơ hội còn rất lớn.

Trong những năm trở lại đây, hoạt động xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc cơ bản duy trì đà tăng trưởng. Các sản phẩm thủy sản có thế mạnh của nước ta, như cá tra ngày càng được người dân Trung Quốc đón nhận tích cực và trở thành một trong những động lực tăng trưởng vào thị trường này.

Với nhu cầu tiêu thụ của người dân Trung Quốc ngày càng tăng, dư địa cho hàng thủy sản Việt Nam tại các địa phương nằm sâu trong nội địa Trung Quốc vẫn còn nhiều…, đây là những cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc.

Bà có thể cho biết, các hiệp định thương mại tự do đã hỗ trợ cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc?

Các hiệp định thương mại tự do được ký kết của Việt Nam đã góp phần rất lớn vào các hoạt động xuất nhập khẩu, tạo hành lang thông thoáng cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra thị trường nước ngoài.

Việt Nam và Trung Quốc cùng là thành viên của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), vì vậy hàng rào thuế quan đối với các sản phẩm thủy sản cơ bản đều về mức 0%.

Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). RCEP sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản và tiếp cận tốt hơn với thị trường Trung Quốc. Hiệp định này sẽ giúp các nhà sản xuất tại Việt Nam giảm thiểu chi phí và tiếp cận chuỗi cung ứng khắp khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang rất tích cực đàm phán gia nhập CPTPP. Như vậy trong tương lai, với việc cả 2 cùng tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, trong đó có cả những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với nhiều điều khoản, quy định, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa. Theo đó, hoạt động xuất khẩu hàng hóa nói chung và hàng thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc cũng được hưởng lợi tương đối lớn.

Thách thức gì?

Còn những thách thức, khó khăn tại thị trường này thì sao, thưa bà?

Mặc dù lợi thế xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc là rất lớn, tuy nhiên trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức đã và đang chờ đón doanh nghiệp Việt Nam.

Trước hết, Trung Quốc vẫn chưa mở cửa thị trường cho nhiều loại sản phẩm thủy sản Việt Nam. Trung Quốc cũng là thị trường tiềm năng cho hàng thủy sản của nhiều nước khác trên thế giới. Hàng thủy sản của Việt Nam cũng phải chịu áp lực cạnh tranh với chính hàng thủy sản có chất lượng của nước sở tại.

Việt Nam nên xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu song song với xây dựng vùng sản xuất, vùng nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn dựa theo tín hiệu thị trường. Ảnh: HT.

Việt Nam nên xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu song song với xây dựng vùng sản xuất, vùng nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn dựa theo tín hiệu thị trường. Ảnh: HT.

Bên cạnh đó, hàng thủy sản Việt Nam vẫn chưa tiếp cận nhiều được tới các hệ thống phân phối và siêu thị lớn của Trung Quốc. Điều này đã hạn chế phần nào việc mở rộng thị phần sang các khu vực thị trường tiềm năng khác thay vì các thị trường truyền thống vốn chịu sự cạnh tranh lớn và dần bão hòa trong những năm trở lại đây.

Đồng thời, Trung Quốc là thị trường có tiêu chuẩn hàng hóa cao, hệ thống quản lý và kiểm soát an toàn thực phẩm ở mức nghiêm ngặt trên thế giới. Thủy sản Việt Nam cũng là một trong những nhóm hàng vi phạm về an toàn thực phẩm cao nhất trong nhóm những nước có hoạt động xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc và cũng là nhóm sản phẩm bị cảnh báo nhiều nhất trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam sang Trung Quốc. Chính vì vậy, chính quyền sở tại đã theo dõi rất sát sao hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

Ngoài ra, công tác xét duyệt hồ sơ cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc còn chậm, với những doanh nghiệp gặp trục trặc quy trình phải quay lại từ đầu. Do đó, đề nghị phía cơ quan có thẩm quyền Trung Quốc cải tiến về công nghệ, số hóa để khắc phục tình trạng này.  

Hiện nay, việc xử lý, phê duyệt hồ sơ đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc thường chậm do Trung Quốc chậm phản hồi. Nhưng ở góc độ chủ quan, các doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa kịp thời bố trí nguồn lực để triển khai việc đăng ký theo quy định của Trung Quốc. Các lỗi sai phổ biến được chỉ ra, gồm: Hồ sơ bằng tiếng Việt không kèm bản dịch có công chứng; thông tin của doanh nghiệp (tên, địa chỉ...) trên các giấy tờ không trùng khớp; người ký các giấy tờ trong hồ sơ không phải người đại diện pháp luật ghi trong đăng ký kinh doanh.

Khẳng định thương hiệu thủy sản Việt Nam

Vậy theo bà, các doanh nghiệp thủy sản nước ta cần phải lưu ý gì khi để đẩy mạnh hơn nữa việc xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc?

Trung Quốc đã và đang áp dụng quy định hàng hóa chất lượng cao đối với hàng hóa nhập khẩu, yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu phải tuân thủ nghiêm túc các tiêu chuẩn về quy cách, mẫu mã sản phẩm, các quy định về chất lượng sản phẩm nhập khẩu nói chung. Đây rõ ràng là thách thức lớn nhưng đồng thời cũng là cơ hội lớn để các doanh nghiệp Việt Nam thay đổi, khai thác thị trường ở phẩm cấp cao hơn.

Để xuất khẩu bền vững sang thị trường Trung Quốc, cần tăng cường kiểm soát các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn, quy định của phía Trung Quốc. Ảnh: TQ.

Để xuất khẩu bền vững sang thị trường Trung Quốc, cần tăng cường kiểm soát các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn, quy định của phía Trung Quốc. Ảnh: TQ.

Việc chuyển đổi này ban đầu có thể có nhiều khó khăn và đòi hỏi chi phí đầu tư cao, nhưng về lâu dài sẽ tốt hơn khi xuất khẩu chuyển sang chính ngạch nhằm mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường Trung Quốc một cách bền vững, ổn định, giảm thiểu rủi ro trong xuất khẩu và còn từng bước khẳng định vững chắc vị thế sản phẩm, thương hiệu sản phẩm Việt Nam.

Để xuất khẩu bền vững sang thị trường Trung Quốc, cần tăng cường kiểm soát các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn, quy định của phía Trung Quốc.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động sản xuất và xuất khẩu thủy sản. Tiếp tục và tổ chức thường xuyên hơn nữa các hoạt động phổ biến, cập nhật thông tin về quy định, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của nước nhập khẩu. Doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc…

Đặc biệt, đối với thị trường đặc thù như Trung Quốc, cần có bộ phận hoặc cán bộ chuyên trách biết tiếng Trung và am hiểu về thị trường.

Các doanh nghiệp khi bị cảnh báo và nhận được yêu cầu kiểm tra khi bị vi phạm các lỗi liên quan đến chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cần phối hợp tốt với cơ quan chức năng hai bên để kịp thời duy trì hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc.

Việt Nam nên xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu song song với xây dựng vùng sản xuất, vùng nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn dựa theo tín hiệu thị trường.

Có chiến lược về vấn đề logistics, xây dựng được các kho bảo quản nông sản ở các địa phương biên giới. Điều này sẽ giúp bảo quản lâu hơn, giữ được chất lượng tốt khi đến thời hạn giao hàng.

Xin cảm ơn bà!

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nông sản và thủy sản lớn nhất của nước ta. Trước kia, việc xuất khẩu sang thị trường này không mấy khó khăn, nhưng mấy năm gần đây mọi việc đã khác, Trung Quốc xây dựng hàng rào kỹ thuật cao, đòi hỏi chất lượng khắt khe hơn cho từng loại hàng khác nhau và yêu cầu tăng xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này.

(thực hiện)

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.