| Hotline: 0983.970.780

Trung Quốc - 'Gã khổng lồ' sản xuất và tiêu thụ thủy sản

[Bài 4]: Dứt khoát phải xuất khẩu chính ngạch

Thứ Bảy 26/08/2023 , 06:55 (GMT+7)

Để thủy sản Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp cần phải nâng cao chất lượng, hiểu rõ nhu cầu và xu hướng tiêu dùng.

Áp lực cạnh tranh lớn

Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe nhận định, những tháng đầu năm 2023 đến nay, dù Trung Quốc đã mở cửa trở lại, nhưng kinh tế nước này vẫn còn bất ổn sau một thời gian dài kiểm soát dịch Covid-19.

Sản xuất trong nước chưa hồi phục, tình hình tiêu thụ thủy sản sụt giảm, hàng tồn kho còn nhiều. Ngoài ra còn có nhiều vấn đề khiến Trung Quốc quan tâm thúc đẩy trong giai đoạn này hơn so với thủy sản.

Bài liên quan

Theo ông Hòe, Trung Quốc cũng nằm trong vòng xoáy của lạm phát kinh tế thế giới và những ảnh hưởng dư địa từ dịch Covid-19, nên người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn. Do đó mức độ nhập khẩu để phục vụ cho tiêu thụ trong nước chưa hồi phục mạnh, giá trung bình nhập khẩu giảm, cùng với áp lực cạnh tranh với các nước như Ecuador, Ấn Độ, Indonesia khiến cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc chưa bứt phá. Có thể thị trường này sẽ hồi phục dần trong những tháng cuối năm 2023 và năm tới nhưng tăng trưởng tiêu thụ và nhập khẩu sẽ không nhiều.

Áp lực cạnh tranh với các nước như Ecuador, Ấn Độ, Indonesia khiến xuất khẩu thủy sản Việt Nam nói chung, mặt hàng tôm nói riêng sang Trung Quốc chưa bứt phá trong 6 tháng đầu năm 2023. Ảnh: HT.

Áp lực cạnh tranh với các nước như Ecuador, Ấn Độ, Indonesia khiến xuất khẩu thủy sản Việt Nam nói chung, mặt hàng tôm nói riêng sang Trung Quốc chưa bứt phá trong 6 tháng đầu năm 2023. Ảnh: HT.

“Mặc khác, Trung Quốc có truyền thống ưa chuộng mặt hàng thủy sản tươi sống nhưng hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này bị hạn chế bởi những quy định về xuất khẩu theo đường chính ngạch đối với thủy sản tươi sống. Đây là những hạn chế đối với các doanh nghiệp thủy sản khi muốn mở rộng thị phần tại thị trường Trung Quốc”, ông Hòe nói thêm.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản Thuận Phước (Đà Nẵng) cho hay, hiện Công ty Thuận Phước chưa xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bởi nhiều trở ngại, thứ nhất là khâu thanh toán không chính ngạch, không qua thanh toán bằng thư tín dụng hoặc tín dụng thư (LC). Thứ hai về mặt ngôn ngữ, Trung Quốc vẫn chủ yếu dùng ngôn ngữ Trung Quốc. Thứ ba là chưa thanh toán bằng đồng USD mà bằng đồng nhân dân tệ, mà đồng nhân dân tệ thì lên lên xuống xuống.

Bài liên quan

Ông Lĩnh nói: “Người Trung Quốc là "vua của chế biến", họ thích nguyên liệu thôi. Lao động hiện nay cũng chưa phải có thu nhập quá cao nên nhu cầu đối với thủy sản chế biến sẵn là không cao. Mà nguyên liệu thì riêng với mặt hàng tôm, Việt Nam rất khó cạnh tranh với một số quốc gia khác như Ấn Độ, Indonesia, đặc biệt là Ecuador khi hiện giá tôm của nước này đang rẻ hơn Việt Nam 2 - 3 USD/kg, tương đương 20 - 30% nên rất khó cạnh tranh. Tuy nhiên với cá tra Việt Nam thì cơ hội lại rất rộng cửa”.

“Dù biết Trung Quốc là một thị trường hết sức hấp dẫn, nhưng mình là người buôn nên mình "mua của người chán, bán cho người cần", đây là lý do vì sao Công ty chưa mạnh dạn xuất khẩu sang thị trường này”, ông Lĩnh nói thêm.

Gỡ khó về logistics

Chia sẻ về những khó khăn trong dịch vụ logistics của xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho hay, về vĩ mô, còn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của phía Trung Quốc về chính sách xuất nhập khẩu với Việt Nam; việc xem xét bổ sung cho các doanh nghiệp đủ điều kiện cũng như phê duyệt các mặt hàng được phép nhập khẩu vào Trung Quốc; các hàng rào kỹ thuật khác cũng có ảnh hưởng lớn; tình trạnh thiếu chủ động, thiếu cập nhật của các doanh nghiệp Việt Nam…

Cần nâng cao chất lượng dịch vụ từ khâu sản xuất chế biến, bảo quản thông qua việc phát triển chuỗi cung ứng hàng hóa lạnh. Ảnh: TQ.

Cần nâng cao chất lượng dịch vụ từ khâu sản xuất chế biến, bảo quản thông qua việc phát triển chuỗi cung ứng hàng hóa lạnh. Ảnh: TQ.

Ông Hiệp cho hay: “Về dịch vụ logistics, trong khâu sản xuất, lưu trữ, tổ chức vận chuyển đến cảng xếp hàng thì chúng ta đã gần như làm chủ, tuy nhiên phần vận chuyển quốc tế còn phụ thuộc vào các hãng tàu container nước ngoài, trong đó việc đáp ứng đủ các vỏ container lạnh chuyên dùng cộng với giá cước cạnh tranh là yếu tố quan trọng giúp cho việc đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc và có thể cạnh tranh với các nước khác đang xuất khẩu mạnh vào Trung Quốc như Ấn Độ, Thái Lan, Bangladesh…".

Bài liên quan

Theo đó, ông Hiệp cho rằng, để đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc, về logistics cần lưu ý một số vấn đề như: Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT cần hiện thực hóa nhanh chóng các thỏa thuận với phía Trung Quốc liên quan đến các quy định, rào cản kỹ thuật và cập nhật cho doanh nghiệp để doanh nghiệp chủ động hơn trong các công tác quảng bá, bán hàng…

Phía Trung Quốc ngày càng nâng cao chất lượng hàng hóa nhập khẩu vào đất nước họ nên các dịch vụ logistics cũng cần nâng cao chất lượng dịch vụ từ khâu sản xuất chế biến, bảo quản thông qua việc phát triển chuỗi cung ứng hàng hóa lạnh (Cold Chain Logistics).

Có kế hoạch tăng cường đội tàu container của Việt Nam, tham gia vào thị trường vận chuyển Nội Á bao gồm Trung Quốc, dần dần bớt phụ thuộc vào các hãng tàu nước ngoài.

Xu hướng tiêu dùng thông minh

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP nhận định: “Trung Quốc là thị trường nhiều tiềm năng và cũng nhiều thách thức cho các doanh nghiệp thủy sản, bỏ qua những quy định về chất lượng sản phẩm, những rào cản từ các chính sách quản lý của Trung Quốc, thì để thủy sản Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường này, các doanh nghiệp cần phải hiểu rõ nhu cầu và xu hướng tiêu dùng”.

Doanh số thương mại điện tử thủy sản của Trung Quốc tiếp tục tăng. Ảnh: TQ.

Doanh số thương mại điện tử thủy sản của Trung Quốc tiếp tục tăng. Ảnh: TQ.

Hiện nay, phần lớn các sản phẩm thủy sản của Trung Quốc đều có thể truy xuất được nguồn gốc, mỗi sản phẩm thủy sản đều có mã QR trên bao bì, cho phép người tiêu dùng dễ dàng tìm thấy đầy đủ thông tin của sản phẩm, gồm: Các chứng chỉ theo chuỗi, chứng nhận xuất xứ, thành phẩm, quy cách sản xuất, cách thức chế biến…

Ngược lại, nhà sản xuất cũng có thể truy cập được dữ liệu người tiêu dùng và sử dụng các dữ liệu này một cách thông minh để tối ưu hóa các hoạt động sản xuất - kinh doanh nhằm tăng cường sự kết nối giữa các bên.

Vì vậy, đây sẽ là xu hướng tiêu dùng trong thời gian tới và sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc nếu nắm bắt được những nhu cầu khách hàng.

Đồng thời, chuỗi nhà hàng hải sản quy mô lớn ở Trung Quốc cũng đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh, giao thức ăn, lẩu, bữa ăn tập thể… phát triển nhanh chóng sẽ là phân khúc tiềm năng cho các doanh nghiệp tăng trưởng thị phần tại thị trường Trung Quốc.

"Các dịch vụ thông minh, kỹ thuật số và sáng tạo đã trở thành trọng tâm phát triển trong tương lai của ngành dịch vụ tại quốc gia này”, ông Hòe nói.

PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, nói: “Xưa nay chúng ta vẫn coi Trung Quốc là thị trường dễ tính. Quan điểm này cần phải thay đổi ngay lập tức. Trung Quốc hiện nay không phải thị trường dễ tính nữa vì họ đã áp dụng tiêu chuẩn thế giới, đòi hỏi các sản phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc phải đáp ứng được. Về phương thức giao dịch với Trung Quốc, việc giao dịch cận biên, giao dịch qua biên giới theo kiểu nậu vựa đã chấm dứt, chúng ta dứt khoát phải xuất khẩu chính ngạch”.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.