| Hotline: 0983.970.780

Bí quyết những huyện ít dùng thuốc trừ sâu

[Bài 5] Lớp IPM của những bà góa và kỷ niệm khó quên

Thứ Ba 13/07/2021 , 13:00 (GMT+7)

Chuẩn bị vào lớp học IPM, ông Mắn, Chủ nhiệm HTX bảo tôi rằng: 'Báo cáo với thầy lớp này 30 người toàn bà góa nên học sớm về muộn không ảnh hưởng gì'.

Ông Phạm Xuân Tuyên, nguyên giảng viên IPM những khóa đầu tiên của Chi cục BVTV TP. Hải Phòng nhớ lại…

Cả vợ và chồng cùng đi học

"Tôi nhìn xuống, cả lớp cùng cười ồ lên. Rồi ông Chủ nhiệm HTX Xuyên Đông (xã Đại Bản, huyện An Hải, nay là huyện An Dương) thủng thẳng: Bà góa đi học thứ nhất không sợ bị chồng ghen (có trường hợp vợ đi học, chồng thấy mất thời gian đi học đã đành về nhà còn phải lịch kịch nuôi sâu nên hất cả cái lồng nuôi đi - NV), thứ hai họ có nhiều thời gian nên đi cho khuây khỏa.

Ông Phạm Xuân Tuyên, nguyên giảng viên IPM Chi cục BVTV TP. Hải Phòng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Phạm Xuân Tuyên, nguyên giảng viên IPM Chi cục BVTV TP. Hải Phòng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Về sau hỏi ra tôi mới biết, không phải 30 người trong lớp đấy đều góa mà chỉ cỡ 15 - 20 người thôi. Chắc ông ấy muốn trêu bọn tôi, những giáo viên IPM (quản lý dịch hại tổng hợp) vẫn đang còn rất trẻ hồi ấy", ông Tuyên nhớ lại.

Mỗi tuần lớp học một buổi. 7h30 ra đồng để điều tra hệ sinh thái đồng ruộng (xem sinh trưởng cây trồng, sâu bệnh, nước và thời tiết) sau đó 8h30 về lớp phân tích hệ sinh thái để đề ra quyết định xử lý đồng ruộng trong tuần tới.

Tiếp theo, học các chủ đề đặc biệt (là các giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây trồng cùng với các biện pháp kỹ thuật canh tác ứng với các giai đoạn đó), giải lao với các trò chơi hoặc văn nghệ (thơ, ca, hò, vè) nói về IPM rồi giảng viên chốt nội dung bài học của tuần (hệ sinh thái, định hướng chăm bón, phòng trừ sâu bệnh cho tuần sau).

Có những buổi đang đi điều tra sâu bệnh ngoài đồng gặp mưa, không về được, cả giảng viên và nông dân đều ướt hết. Thỉnh thoảng tôi lại kể các câu chuyện lồng ghép vào cho mọi người đỡ buồn ngủ kiểu như Chí Phèo - Thị Nở, chị Dậu, cụ Cố Hồng… rồi các mẩu tiếu lâm mà có khi về nhà họ nghĩ ra mới cười phá lên. Dạy xong thầy lại vội về thành phố, cách xa đến 20-30km để ăn trưa.

Nông dân hứng thú với các lớp học IPM này lắm. Thứ nhất là mỗi ngày đi được 5.000 đồng, số tiền khá to hồi ấy, tương đương với chừng 50.000 - 60.000 đồng bây giờ. Thứ hai, được học những kiến thức mới. Thứ ba là được sinh hoạt văn nghệ, 30 trò chơi khác nhau.

Tiêu chuẩn chọn học viên phải là nông dân làm ruộng thực thụ và đã đi là người đó phải theo suốt chứ không hôm nay chồng đi, ngày mai vợ đi thế nhưng có lớp cả hai vợ chồng cùng đi, hỏi thì họ bảo: “Tôi đi học không cần tiền mà kiến thức thôi”. Kết thúc lớp có liên hoan, lúc mổ gà, chó, lợn khi đi Đồ Sơn tắm biển. Sau gần 30 năm về quê, gặp tôi họ vẫn chào thầy nhưng mình không nhớ là ai cả vì đã lâu rồi và dạy mấy chục lớp liền.

IPM bắt đầu vào Việt Nam năm 1992 bằng việc mở lớp ToT đầu tiên ở Tiền Giang rồi ra Bắc mở lớp ToT đầu tiên năm 6/1993 tại Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Bắc (Hưng Yên). Tôi khi đó đang làm ở Chi cục BVTV TP. Hải Phòng được cử đi học khóa hai, tháng 2/1994 để về dạy cho cán bộ kỹ thuật của ngành nông nghiệp rồi họ dạy lại cho nông dân.

Chúng tôi đã dựa trên giáo trình của Cục BVTV rồi viết lại giáo trình riêng cho Hải Phòng, gồm các nội dung chính: Một là phân tích hệ sinh thái; Hai là các chủ đề đặc biệt; Ba là các nhiệm vụ BVTV của tuần sau với các loại cây trồng khác nhau.

Chúng tôi không dạy kiểu đọc ghi mà hướng dẫn nông dân với kinh nghiệm sản xuất của mình tự phân tích hệ sinh thái đồng ruộng và tự đề ra các biện pháp kỹ thuật xử lý cho phù hợp.

Thảo luận về nuôi côn trùng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Thảo luận về nuôi côn trùng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Muốn hạn chế dùng thuốc BVTV nông dân phải hiểu được cây trồng, thời tiết và sâu bệnh hay còn gọi là hệ sinh thái đồng ruộng. Phân tích hệ sinh thái đồng ruộng tức là phân tích sinh trưởng của cây trồng, thời tiết, sâu bệnh, đất, nước trên đồng ruộng trong tuần đang học để rồi tự nông dân phải đưa ra các quyết định xử lý. Kiểm tra đồng ruộng thấy tuần này bướm nhiều thì tuần sau trứng nhiều phải xử lý ngay chứ để khi sâu non phá hoại rồi mà phun thì sâu chết nhưng lúa đã hỏng.

Nông dân được làm 3 thí nghiệm thứ nhất là cắt lá để so sánh khả năng tự đền bù của cây trồng, thời kỳ lúa đẻ nhánh cắt với không cắt là như nhau nên cứ để con sâu cắn lá trừ thời kỳ lúa làm đòng, lá đòng quyết định năng suất, nên phải bảo vệ.

Thứ hai là bón nhiều và bón vừa đủ, nếu bón nhiều thì sâu bệnh nhiều bởi có nhiều lá non cho nó ăn còn bón vừa đủ thì sâu bệnh ít hoặc không có.

Thứ ba là nuôi sâu để biết vòng đời của con sâu qua nhiều pha như thế nào, chỉ có pha sâu non là gây hại, nếu phun ở giai đoạn sâu non tuổi lớn thì đã muộn bởi sâu chết còn cây trồng đã bị hại, muốn trừ nó phải ở giai đoạn bướm hoặc ngắt các ổ trứng đi hoặc giai đoạn sâu non mới nở.

Chúng tôi phát chậu, vải màn để nông dân làm lồng rồi nhổ cây lúa cấy, vợt bắt bướm thả vào để nuôi sâu và theo dõi vòng đời và cách phá hoại.

Sau khi đi điều tra hệ sinh thái đồng ruộng về. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Sau khi đi điều tra hệ sinh thái đồng ruộng về. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Thời sôi nổi các cuộc thi IPM

Những năm 1994 -1998, phong trào IPM cả nước rất mạnh. Các xã thi IPM, các huyện thi IPM, các tỉnh, thành tổ chức thi IPM rồi đến cuộc thi IPM toàn quốc năm 1996. Hải Phòng còn có những cái đặc biệt như tổ chức cho các thầy, cô giáo ở trường trung cấp nông nghiệp học IPM để truyền đạt lại kiến thức cho học sinh, có chương trình thanh niên nông thôn với IPM hay dạy IPM cả ở mấy xã huyện đảo mà giáo viên muốn ra phải mất nguyên buổi đi tàu, khi về cũng thế…

Bối cảnh của việc ra đời các lớp IPM là do tình trạng dùng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi. Thâm canh nhiều sâu bệnh nhiều. Các nhà khoa học thống kê cứ thâm canh tăng 2 lần công tác BVTV phải tăng lên gấp 9 lần.

Những năm 80 của thế kỷ trước, nước ta dùng thuốc BVTV chủ yếu là những nhóm độc và rất độc như clo, lân hữu cơ như Vô-Pha-Tốc, Mê-Ta-Phốt, 666… Hải Phòng có 7 huyện làm nông nghiệp trong đó có 1 huyện đảo Cát Hải với 184 xã, hơn 200 hợp tác xã. Lúc này ruộng đất vẫn tập trung trong HTX nên HTX lo khoản phun.

Thuốc BVTV hồi đó hiếm, được giao cho Công ty Vật tư Nông nghiệp cấp hai phân phối dựa trên diện tích cây trồng hàng năm của các xã, nhiều thì được mỗi xã 1-2 tạ còn ít được vài ba chục kg. Khi nhận thuốc về, từ bao 50 kg nếu là thuốc bột, thùng phuy 200 lít phải chia ra can, túi.

Lớp học IPM giải lao chơi trò chơi. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Lớp học IPM giải lao chơi trò chơi. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Người ta nâng niu lắm, thậm chí thuốc bột còn lấy tay vét đi vét lại cái túi, thuốc nước tráng đi tráng lại cái thùng. Thùng đựng thuốc Mê-Ta-Phốt bằng nhôm còn được đổ xăng vào đốt cho hết mùi, rửa sạch rồi tận dụng để nấu cám lợn, nấu rượu và đun bánh chưng.

Khoảng năm 1988 - 1989, Công ty Vật tư Nông nghiệp cấp hai chuyển giao nhiệm vụ cung ứng thuốc BVTV sang Chi cục BVTV đảm nhiệm. Mỗi năm toàn thành phố được phân khoảng hơn 100 tấn/năm. Thời đó chưa thâm canh lắm, chủ yếu bón phân chuồng và một ít đạm nên sâu bệnh cũng không có nhiều nhưng quãng năm 1991-1992 có dịch rầy nâu, đạo ôn trên lúa nên phải dùng rất nhiều thuốc. Rồi vùng thuốc lào phải dùng Phi-Li-Tốc, nó rất độc nhưng rất hiệu quả trong việc trừ rệp nên xã nào được phân mừng lắm.

Chúng tôi đi thanh tra thấy nhiều chủ cửa hàng giấu thuốc chuột loại cấm, rất độc vào tủ quần áo, gậm giường thậm chí cả trên bàn thờ. Đúng là điếc không sợ súng! Nhiều cửa hàng thuốc sâu, chủ tối tranh thủ đóng chai thuốc sâu được chiết ra từ can to. Khẩu trang không có, toàn lấy phễu rót vào chai rồi gắn xi nên có mấy trường hợp về sau chết vì ung thư.

Phun thuốc thời HTX thủa trước. Ảnh: Tư liệu.

Phun thuốc thời HTX thủa trước. Ảnh: Tư liệu.

Bản thân lãnh đạo và nhân viên Chi cục BVTV Hải Phòng hồi đó cũng thế, cũng ngày đêm sang chai tăng gia thêm như vậy để bán lấy lãi vì hồi đó chưa có Luật. Tôi nhớ Điều lệ quản lý thuốc BVTV mãi tới năm 1992 mới có, trước đó cứ vô tư. Tôi cũng tham gia đóng chai như vậy vì đồng lương chỉ có mấy chục ngàn đồng.

Tình hình sử dụng thuốc BVTV của Hải Phòng còn đỡ hơn các tỉnh, thành là những trọng điểm lúa, màu hồi đó. Hải Phòng có 184 xã, mỗi năm mở được 2 lần IPM, chừng 25 - 30 lớp (vì số lượng giảng viên ít, kinh phí Cục BVTV cấp có hạn), mỗi lớp 30 nông dân, cũng chẳng thấm tháp gì. Kể cả nông dân đi học cũng không phải đã tiếp thu ngay. Để thay đổi tập quán của họ cần trường kỳ. Phải hai năm sau, tầm năm 1996 các tập quán trong sản xuất mới dần dần thay đổi.

Trước đây, theo tập quán cũ, 1vụ lúa: Thời kỳ mạ phun 1 lần, thời kỳ lúa đẻ nhánh phun 1 lần, thời kỳ lúa làm đòng phun 2 lần, thời kỳ trước trỗ phun 1 lần, thời kỳ lúa chuẩn bị chắc xanh…, tổng cộng 7 lần, sau khi học IPM phải có sâu bệnh tới ngưỡng mới phun, thường chỉ 2-3 lần mỗi. Trên rau trước cứ phun định kỳ 7-10 ngày, sau khi học IPM đến ngưỡng mới phun nên giảm được 1/2 - 2/3 lượng thuốc sử dụng.

Mô hình lúa cá không dùng thuốc BVTV ở ngoại thành Hà Nội. Ảnh: Dương Đình Tường.

Mô hình lúa cá không dùng thuốc BVTV ở ngoại thành Hà Nội. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tiếc là thuốc lào chưa có chương trình IPM riêng bởi diện tích chỉ gói gọn có hai huyện là Tiên Lãng và Vĩnh Bảo, mất mùa là mất hết công sức sau 6 tháng trồng nên vẫn phun thuốc 3-4 lần. Khi học IPM rồi có hai thứ thay đổi lớn của nông dân: thứ nhất là phun phòng trừ sâu bệnh theo sự chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước chứ không theo ý chủ quan của mình; thứ hai là không phun định kỳ mà khi có sâu bệnh đến ngưỡng. Số lượng thuốc BVTV sử dụng trên ruộng đồng giảm khoảng 30% - 50%, có nơi giảm đến 80% - 90%.

Thế nhưng sau khi hết các lớp học IPM một số lại quên dần, trở về với thói quen cũ. Sau chương trình IPM của Bộ NN-PTNT Hải Phòng cũng mở một số lớp bằng ngân sách nhưng khoảng vài năm sau rồi thôi do kinh phí không có.

Dù sao dư âm về IPM đến nay vẫn còn đọng trong mỗi hộ nông dân Hải Phòng vì họ vẫn làm theo sự chỉ đạo của cán bộ khuyến nông, sự hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn về BVTV và vẫn còn lưu truyền bài thơ về IPM đến tận ngày nay:

“Quê hương nước mặn, đồng chua

Cấy bao vụ lúa nhưng chưa được mùa

Như trời đang hạn gặp mưa

IPM đến rất vừa lòng dân…”.                        

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Bầu Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam nhiệm kỳ 2024 - 2029

Sáng 21/12, Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam (Hội Thú y Việt Nam) tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.