Chuyện của nhân vật phản diện "Hùng đen"
Bánh xe nghiến rào rạo vào những hòn đất đá, mỗi bên cách mép kênh, mép ruộng chỉ chưa đầy gang tay khiến cho tim tôi như bắn ra khỏi lồng ngực. Ôm túi máy, tôi nhảy ra khỏi xe, phần để làm "cột tiêu sống" ở phía trước cho người đồng nghiệp, phần để khỏi lỡ bề gì tư liệu của chuyến đi vẫn còn. Sau mỗi khúc quặt lại phải hỏi đường, dò dẫm chừng 2km như thế, cuối cùng Cánh đồng bất tận cũng hiện ra với ánh đèn sáng lòa, tiếng người í ới.
Đó là trụ sở của Công ty Cổ phần Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Đồng Tháp Mười ở ấp 3, xã Bình Phong Thạnh cũ (huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An), nay đã nâng cấp thành khu phố nhưng vẫn còn rất hoang vắng. Bữa cơm dọn ra lúc 9h tối ngon khó có thể tả được, phần bởi món canh chua nấu đúng kiểu miền Tây, phần bởi chúng tôi đã đói đến mềm ruột.
Anh Dương Văn Toản, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Đồng Tháp Mười kể: Năm 2009, đơn vị cho đoàn làm phim Cánh đồng bất tận mượn địa điểm để làm phim trường. Sau đó thấy nhiều người quan tâm đến cảnh đẹp nơi đây nên Công ty mới mở luôn khu du lịch mang tên Cánh đồng bất tận vào năm 2018. Đặc biệt có anh Lê Văn Hùng, tức “Hùng đen”, người công nhân đóng phim năm xưa nay đang là một trong những hướng dẫn viên du lịch…
Đoàn làm phim khi đó có 2 cascadeur (người đóng thế) được đào tạo ở nước ngoài về, rất chuyên nghiệp nhưng khi lái chiếc tắc ráng (thuyền máy nhỏ) chạy trên sông lại toàn bị ngã. Cuối cùng đành phải thuê “Hùng đen”. Anh chạy tắc ráng, tắt máy cái, chưa hết trớn mà đã rướn người nhảy vọt lên bờ, nhanh như một con báo. Đó là công việc hàng ngày của dân ở đây, khi chạy tàu không có phanh, đang còn trớn, thấy sắp cập bờ người đã phải chạy lên phía trước để chống, dừng lại bằng sào, thậm chí bằng chính chân, tay mình.
Không chỉ bơi lội giỏi, trèo cây hay, lái xuồng tài nhất khu bảo tồn, “Hùng đen” còn đóng đạt vai… côn đồ, sàm sỡ phụ nữ! Anh kể: “Lúc đóng, Hải Yến - nhân vật nữ chính bị tôi bóp ngực không dám cự nự gì, nhưng sau đó có hỏi: “Anh Hùng, sao lúc đó anh bóp ngực em vậy?”. Tôi mới trả lời: “Đạo diễn bảo thế thì tôi làm thôi chứ không làm, ổng bắt diễn lại à?”. Tôi hỏi “Hùng đen” rằng vợ anh có xem phim đó không, anh cười lớn rồi trả lời: “Có xem chứ, và bả cũng chẳng nói gì cả”.
Trong vòng 3 tháng đóng mấy vai phụ, anh được trả công 25 triệu đồng, tính theo giá vàng cỡ gần 100 triệu bây giờ, đủ cưới vợ cho thằng con. Về sau, đạo diễn còn mấy lần mời về Sài Gòn đóng phim nhưng “Hùng đen” chẳng nỡ rời vợ con, rời rừng tràm mà đi. Giờ anh trở thành công nhân sửa máy của Công ty, cơm nuôi ngày 3 bữa, lương tháng 7 triệu, hễ khi nào đông khách lại trở thành hướng dẫn viên. Những công nhân làm du lịch như thế được các đơn vị liên kết với Công ty như Saigon Tourist, Lửa Việt đào tạo, tập huấn về kỹ năng giao tiếp, thuyết trình.
Ngày thường, thưa khách họ là công nhân, dược sĩ trung cấp, cao đẳng, đại học phục vụ trong sản xuất, cuối tuần đông khách thì toàn thể Công ty đổ ra làm du lịch. Thậm chí đơn vị còn liên kết với nông dân vùng đệm để thuê họ chèo thuyền, thuyết minh, những người khéo tay còn làm nón, kết túi từ cỏ bàng, cỏ năn để bán…
Chiếc xuồng của anh Dương Văn Lực xé nước, bạt gió băng đi như một cánh én trên lòng kênh, giữa mênh mông rừng tràm. Riêng đường bộ theo đê bao xung quanh khu bảo tồn là 16km nhưng khách hầu hết đều thích đi xuồng. Hương tràm ngập trong lồng ngực, hương tràm ngập trong đầu khiến cho con tim tôi đập rộn ràng. Sau một cú bẻ lái cong người đầy điệu nghệ của người công nhân kiêm hướng dẫn viên này, mép xuồng lướt sát những bông hoa súng nở tím dọc hai bờ, lòng kênh dần hẹp lại.
Xuồng giảm tốc độ để vào phim trường của bộ phim nổi tiếng Cánh đồng bất tận năm xưa. Giữa bạt ngàn cỏ bàng, người ta dựng một cây cầu bằng gỗ tràm mang hình bản đồ Tổ quốc với hai quần đảo thiêng liêng Trường Sa và Hoàng Sa. Vỏ tràm như giấy lụa, có đến mấy chục lớp kết lại mà bọc lấy thân tràm bên trong. Bởi thế, đóng xuống đất cả trăm năm móc lên vẫn cứ nâu sẫm, thơm mùi tinh dầu.
Tôi mơ màng hình dung lại cảnh nhân vật nữ chính trong phim Cánh đồng bất tận bật khóc nức nở rồi chạy đi giữa những đám cỏ bàng. Dáng cô chạy liêu xiêu, dần dần khuất lấp bởi những búi cỏ cao ngang đầu người. Gió thổi, cánh đồng cỏ bàng nhấp nhô như những đợt sóng xô. Chẳng biết sóng gió của đời người hay sóng gió của cánh đồng cỏ bàng cái nào dữ dội hơn?
Tiếng nói cười líu ríu kéo tôi trở về với hiện tại và chợt bụm miệng cười khi thấy anh Lực đi đứng õng ẹo trên cái cầu tre lắt lẻo ra “đảo Trường Sa” làm mẫu cho Diễm, Muội - hai nhân vật trải nghiệm tạo dáng để chụp ảnh. “Phải để tay thế này, đánh hông thế này, giữ nón thế này dáng mới đẹp”, giọng anh rổn rảng như muốn bạt luôn cả tiếng gió đang thổi qua rừng tràm.
"Nước dưới kênh sạch đến mức có thể múc lên uống liền, nếu đau bụng tôi bao anh luôn”, anh Lực cam đoan.
Những cây cỏ bàng nhỏ, nhỉnh hơn chân nhang được người dân ở đây cắt mang về đan lớp (một dụng cụ bắt cá), đan giỏ, kết võng, kết chiếu... Chỉ cần có cái chiếu cỏ bàng là cả đêm ngon giấc, lưng không bị rịn mồ hôi. Giữa rừng cỏ bàng như thế, khách có hai hình thức tắm ướt và tắm khô. Tắm ướt thì dễ hiểu rồi, cứ thế mà xuống đằm trong nước, nằm trong cỏ hay lội trong lớp bùn lúc nào cũng phập phồng nhưng lạ cái là khi rút chân lên chẳng hề dính vết. Còn tắm khô là cứ nguyên quần áo mà nằm dang tay, dang chân trên chiếc cầu tràm.
Theo anh Dương Văn Toản, Phó Giám đốc Công ty, lại còn có hình thức tắm độc đáo nữa là “tắm rừng”, tức đi xuyên rừng. “Vận động làm mồ hôi tiết ra, lỗ chân lông giãn nở, hợp chất từ cây rừng thấm vào, nhất là tinh dầu giúp thải độc, tăng sức đề kháng. Mắt nhìn thấy màu xanh, tai nghe tiếng chim hót, mũi hít thở không khí trong lành, thơm mùi hương tràm sẽ giảm được stress. Thế giới họ khuyến khích người dân mỗi tháng nên vào rừng 1 lần. Còn ở Việt Nam có những gia đình vì yêu mến thiên nhiên, thích chăm sóc sức khỏe nên mỗi năm đến đây tới 3 - 4 lần”, anh Toản kể.
Hồ bơi dài cả 1km, khách thỏa sức “tắm tiên”
Tôi ngồi dưới “cột cờ Hà Nội”, ngoảnh mặt trông bốn phía, màu xanh vàng của tràm bát ngát, màu xanh thẫm của cỏ bàng mênh mông mới thấy dấy lên một tình yêu vừa chớm nở với rừng. Anh Lực bảo, dẫn khách đi mà thấy họ chụp hình lia chia là bố trí đến những địa điểm đẹp như Cánh đồng bất tận, ra chòi kéo cá hay vào rừng; thấy họ muốn tắm thì bố trí đến bãi; thấy họ muốn nghe chuyện thì kể về lịch sử của vùng đất này gồm những loài động vật đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười như sếu, cồng cộc, cò, vạc, diệc, bìm bịp, cu đất, rẻ quạt, trăn, rắn, rùa… Các loài cá đồng như cá lóc, cá sặc, cá rô…
Những loài thực vật bản địa như tràm gió, cỏ bàng, cỏ năng, sen trắng, súng hồng, súng ma... Những loài cây di thực trong nước như dành dành, vối, mù u, ô môi..., từ nước ngoài như tràm trà Australia, bạch đàn chanh của Brazil, sả Java của Indonesia, sả hoa hồng của Ấn Độ...
Chúng tôi lại đến hồ bơi thiên nhiên rộng 50m, dài cả km, chứa toàn nước mưa, trong leo lẻo nhìn thấu cả đáy bằng đất, bên dưới có lớp rong, khi tắm cọ xát vào người như được mát xa. Hai bên hồ là hàng cây bao quanh nên rất kín đáo. Anh Lực kể: “Đa số khách mặc đồ tắm nhưng một số thoải mái tắm tiên ở giữa thiên nhiên khiến cho hướng dẫn viên đứng canh họ phải hướng mắt đi chỗ khác…".
Mỗi năm, khu du lịch đón 4.000 - 5.000 khách, nhiều người đến vừa nghỉ dưỡng vừa chăm sóc sức khỏe như xông hơi, ngâm chân, bấm huyệt. Ngày, có các trò chơi nặn đất sét, kết bè chuối, hái rau chạy, bắt cá nổi, tối thì đặt lợp, ngắm bông súng nở, xem đom đóm bay và mê say cùng với đờn ca tài tử. Rồi lại có cả dịch vụ đi chợ quê với vô vàn tôm, cá, rắn, chuột của dòng sông Vàm Cỏ Tây. Lạ ở chỗ là gà, vịt, ngan bán ở chợ chẳng đựng trong chuồng, lồng gì mà cứ cột dây, để trên đất.
Giá cho 1 ngày cả hướng dẫn, chở xuồng lẫn ăn uống, trải nghiệm như thế chỉ 500 - 600.000đ/người, còn nghỉ qua đêm thì thêm vài trăm nghìn nữa. Nếu không thích trong nhà, khách có thể mang lều đến ngủ giữa rừng, đón bình minh cùng chim chóc tưng bừng hoan ca. Công ty còn có trải nghiệm miễn phí cho khách tự trồng cây rồi ghi bảng tên mình để hơn 1 năm sau quay lại, thu hoạch, nấu tinh dầu luôn. Trải nghiệm này cả hai bên cùng có lợi, khách không mất tiền còn Công ty không mất công trồng. Có hàng ngàn cây đã được trồng lên như thế. Hướng tới đây, đơn vị còn dự định mở dịch vụ dưỡng lão, chăm sóc người già cô đơn nữa…
Xuồng lại lướt đi giữa đoạn kênh hai bên tràm che kín cả ánh mặt trời, gió thổi ràn rạt, mặt nước phản chiếu như gương. Những tổ ong mật dài cả mét, những tổ chim dồng dộc với dáng lạ kỳ, những bụi dây bồng bông lá nhỏ và mềm như tóc các nàng tiên. Cảnh đẹp đến lịm người khiến cho hồn tôi chợt bay bổng tựa như cánh diều. Không khí thơm, làn gió thơm, hơi thở thơm, lẽ nào lời nói của con người với nhau lại xấu?
Nhiều món ăn ở đây cũng là một bài thuốc. Nếu thích, khách có thể cùng nhân viên làm lẩu mắm cá vồ đém, cá lóc nướng trui, cá trạch kho tộ, cá trê chiên giòn, canh chua bông điên điển, trứng chiên lá đinh lăng, cà tím nướng mỡ hành thịt bằm, khoai mì nước cốt dừa...