| Hotline: 0983.970.780

Đổi mới các HTX ở Hà Nội để đáp ứng xây dựng nông thôn mới

Bài I. Tránh kiểu “bình cũ, rượu mới”

Thứ Năm 17/12/2020 , 08:36 (GMT+7)

Theo ông Nguyễn Văn Chí Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) Hà Nội, HTX có mối quan hệ chặt chẽ với NTM

Mối quan hệ này cần phải được củng cố cả trong hiện tại lẫn tương lai bởi trong chương trình xây dựng NTM mới giai đoạn 2021-2025 Hà Nội đặt mục tiêu 40% xã NTM mới nâng cao, 20 xã NTM kiểu mẫu trong đó mỗi xã có ít nhất 2 HTX hoạt động có hiệu quả. Khi chấm điểm NTM phải xem xét kỹ tình hình hoạt động của các HTX nhất là xem hướng có liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho bà con xã viên hay không, tức cung ứng cả đầu ra chứ không chỉ đầu vào như HTX kiểu truyền thống.

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn Thành phố hiện có 1.235 HTX nông nghiệp gồm 1.090 HTX đang hoạt động (chiếm 88,3%) và 145 HTX ngừng hoạt động, chờ giải thể (chiếm 11,8%). Trên cơ sở tổng hợp báo cáo đánh giá kết quả  phân loại HTX năm 2019 của các quận, huyện, thị xã có 947 HTX nông nghiệp đánh giá phân loại, trong đó: loại tốt 183 HTX (chiếm 19,3%), khá 403 HTX (chiếm 42,6%), trung bình 334 HTX (chiếm 35,3%) và yếu 27 HTX (chiếm 2,8%).

Có thể nói, trong những năm qua, các HTX nông nghiệp cũng đóng góp một phần vai trò trong việc cung ứng vật tư nông nghiệp, dịch vụ công ích hỗ trợ cho người nông dân thuận lợi và yên tâm sản xuất, tăng thêm thu nhập trong điều kiện cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt hơn. Đồng thời đóng vai trò quan trọng trong tổ chức sản xuất nông nghiệp trên địa bàn hoạt động với sự tham gia liên kết chuỗi trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao. Có 31 HTX với 106 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và công nhận là sản phẩm OCOP.

Dệt lụa ở Hòa Xá. Ảnh: NNVN.

Dệt lụa ở Hòa Xá. Ảnh: NNVN.

Hiện Hà Nội có hai loại HTX gồm HTX thôn, xã và HTX chuyên ngành. HTX quy mô thôn, xã (HTX kiểu cũ) đã làm khá tốt vai trò của mình để cùng khu vực kinh tế tập thể trở thành trụ cột cho nền kinh tế. Nhưng sau giai đoạn phát triển rầm rộ, cả làng cùng vào HTX, cả nước cùng lập HTX, hiện nay hoạt động của loại hình này lại đang khá trầm lắng.

Chúng có số lượng thành viên lớn nhưng thành viên chưa thể hiện được vai trò của mình trong sự phát triển HTX. Thành viên không góp vốn điều lệ, cho nên hoạt động hằng năm của HTX chỉ trông vào các dịch vụ truyền thống như lấy nước, làm đất, diệt chuột và một phần cung ứng vật tư và nguồn tiền Nhà nước cấp hỗ trợ thủy lợi phí mà chưa có các dịch vụ liên kết tiêu thụ sản phẩm hoặc rất ít HTX làm được. HTX chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh để phân cho các thành viên thực hiện sản xuất nên chưa tạo được sự gắn kết giữa HTX và thành viên.

Chính vì vậy mà trước kia HTX quy mô thôn, xã có số lượng thành viên lớn hàng nghìn người nhưng sau khi chuyển đổi theo luật HTX 2012 do yêu cầu các thành viên tự nguyện tham gia, tự nguyện góp vốn điều lệ... thì số lượng thành viên giảm sút mạnh.

Hà Nội có 718 HTX kiểu này được thành lập trước khi có Luật HTX năm 2012 và đã chuyển đổi 100% theo luật nhưng một số vẫn chỉ là “bình mới, rượu cũ”. Tổng số HTX thôn, xã hoạt động hiệu quả là 457 doanh thu bình quân đạt 2.518 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân đạt 42 triệu đồng/lao động/ năm. Chúng đang thực hiện đa dạng dịch vụ cho các thành viên HTX bao gồm: các dịch vụ công truyền thống và các dịch vụ khác.

Sản phẩm chăn bằng lụa. Ảnh: NNVN.

Sản phẩm chăn bằng lụa. Ảnh: NNVN.

Một số đã chú trọng tổ chức sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm; xây dựng thương hiệu sản phẩm (bảo hộ nhãn hiệu gắn với truy suất nguồn gốc sản phẩm); tham gia xúc tiến thương mại; tham gia đánh giá phân hạng OCOP) và thực hiện được liên kết chuỗi trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng công nghệ cao.

Tiêu biểu có thể kể đến như: HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Văn Đức (huyện Gia Lâm), HTX nông nghiệp An Mỹ (huyện Mỹ Đức), HTX nông nghiệp thương mại dịch vụ tổng hợp Dương Liễu (huyện Hoài Đức), HTX dịch vụ nông nghiệp Phú Thắng, huyện Phú Xuyên (huyện Phú Xuyên), HTX nông nghiệp Đan Phượng (huyện Đan Phương), HTX Nông nghiệp Tam Hưng (huyện Thanh Oai), HTX DVNN Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ).

Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều HTX quy mô thôn, xã hoạt động trung bình, yếu (261) có doanh thu bình quân thấp đạt 724 triệu đồng/HTX/năm, thu nhập bình quân đạt 7 triệu đồng/lao động/ năm. Chúng chủ yếu sống dựa hơi vào thực hiện các dịch vụ công truyền thống, như: bảo vệ thực vật; bảo vệ đồng ruộng; thủy lợi, khuyến nông; làm đất.

Sau khi chuyển đổi theo Luật HTX 2012, người đứng đầu nhiều tuổi (kỷ lục nhất là 75 tuổi); còn bị ảnh hưởng tư duy thời bao cấp sót lại nên thiếu chủ động, ngại đổi mới; trang thiết bị lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ, sự gắn kết lợi ích giữa HTX và thành viên mờ nhạt, chưa mang đúng nghĩa của tinh thần hợp tác, chưa đáp ứng yêu cầu của bà con cũng như đòi hỏi từ thị trường.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tinh hoa làng nghề và đặc sản 30 tỉnh thành hội tụ TP.HCM

500 sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền của hơn 200 doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá tại TP.HCM.