“Bài thơ tặng vợ” không phải tác phẩm nổi bật nhất của nhà thơ Hồ Dzếnh, nếu so với “Màu cây trong khói” được nhạc sĩ Dương Thiệu Tước phổ thành ca khúc “Chiều” quen thuộc, hoặc so với “Ngập ngừng” bày tỏ tâm trạng yêu đương “Tình mất vui khi đã vẹn câu thề/ Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở/ Thư viết đừng xong, thuyền xuôi chớ đỗ/ Cho ngàn sau lơ lửng với ngàn xưa”.
“Bài thơ tặng vợ” thầm thì bằng những ngôn từ nhẹ nhàng: “Mình vừa là chị là em/ Tấm lòng người mẹ, trái tim bạn đời/ Mai này tới phút chia đôi/ Hai ta ai sẽ là người tiễn nhau/ Xót mình đã lắm thương đau/ Tôi xin làm kẻ đi sau đỡ mình/ Cuộc đời đâu phải phù sinh/ Nước non chan chứa nghĩa tình, mình ơi”.
Nhà thơ Hồ Dzếnh tên thật là Hồ Triệu Anh (1916 – 1991, quê xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa). Thân phụ của ông là một người Hoa di cư từ Quảng Đông sang Việt Nam. Ông làm thơ, viết tiểu thuyết, viết kịch, tiêu biểu có tập truyện ngắn “Chân trời cũ’’ và tập thơ “Quê ngoại’’.
“Bài thơ tặng vợ” được ông viết vào những năm cuối đời, cái tuổi con người đã phải nghĩ chuyện “ra đi”. Mở đầu bài thơ là một lời ngợi ca đầy ân nghĩa đối với người vợ: “Mình vừa là chị là em/ Tấm lòng người mẹ, trái tim bạn đời”.
Thơ ca từ xưa tới nay, tôi chưa thấy có câu nào ca ngợi người vợ hay đến thế. Nó không những nói về tình yêu mà còn nói nhiều về ân nghĩa. Người vợ đã phân thân thành ba nhân vật: Vừa là chị, vừa là em, vừa là mẹ. Với vai trò người chị, người vợ chăm sóc chồng chu đáo, dịu dàng, đằm thắm. Còn với vai người em thì người vợ lại được hờn dỗi, nũng nịu. Và ở vai người mẹ thì người vợ sẽ mở rộng vòng tay và tấm lòng bao dung. Nhưng ở đây trái tim “người mẹ” lại mang trái tim “bạn đời” - trái tim của tình yêu của vợ chồng thủy chung, bền chặt.
Đang giãi bày tình nghĩa, nhà thơ đột ngột chuyển hướng nghĩ tới ngày mai vợ chồng sẽ “đi xa”, sẽ âm dương đôi ngã, và ai sẽ là người “tiễn nhau”? Các cụ xưa thường nói: vợ chồng ai về “cõi tiên” sớm là người đó sướng vì có người lo cho mình.
Ở đây nhà thơ tự nguyện xin làm “kẻ đi sau” để sớt chia nhọc nhằn cho vợ: “Xót xa đã lắm thương đau/ Tôi xin làm kẻ đi sau đỡ mình”. Câu thơ nói tới chuyện “ra đi” mà vẫn mặn nồng yêu thương, và nó như chứa đựng cả một niềm ân hận nữa.
Một thời nhà thơ Tú Xương đã từng ân hận, tự nguyền rủa mình là người chồng vô tích sự ăn bám, và nói thay lời vợ “Cha mẹ thói đời ăn ở bạc/ Có chồng hờ hững cũng như không” (Thương vợ). Còn nhà thơ Hồ Dzếnh chỉ xin làm “kẻ đi sau” thôi, để chia bớt vất vả, lo toan cho vợ. Ông nhận gánh vác phần cuối của cuộc đời thay vợ.
Cặp lục bát kết bài là một triết lý nhân sinh, là lời vang vọng của tiếng gọi âu yếm “mình ơi” như lời thề nước non: “Cuộc đời đâu phải phù sinh/ Nước non chan chứa nghĩa tình mình ơi”.
Có người coi cuộc đời hiện tại là kiếp phù sinh vô nghĩa. Còn nhà thơ Hồ Dzếnh lại trân trọng nâng niu cuộc sống vợ chồng thật hạnh phúc, ân tình nơi trần thế.
Bài thơ lục bát 8 câu có “đề, thực, luận, kết” như một bài thất ngôn bát cú Đường luật, có kết cấu chặt chẽ, ý tình sâu lắng về lẽ sống và hạnh phúc chồng vợ. Với “Bài thơ tặng vợ”, nhà thơ Hồ Dzếnh đã nói thay tấm lòng của không ít người chồng ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” biết ơn người bạn đời của mình, xin được cùng gánh vác những lo toan đang đè lên vai người vợ.