| Hotline: 0983.970.780

Bám chốt chặn dịch ngày nghỉ lễ

Thứ Năm 02/05/2019 , 08:53 (GMT+7)

Khi mọi người vui vầy bên gia đình những ngày nghỉ lễ 30/4 – 1/5, thì tại các chốt chặn dịch tả lợn Châu Phi ở Bình Định, cán bộ thú y và chiến sĩ công an bám chốt cả ngày lẫn đêm kiểm soát phương tiện vận chuyển gia súc ra vào địa bàn.

Bỏ mấy ngày vui để làm nhiệm vụ

Gần 2 tháng ròng rã phơi mình dưới nắng nóng cao độ, tấm bạt căng trên chiếc lều dã chiến tại chốt kiểm dịch động vật nằm ven đường ĐT 630 thuộc thôn Du Tự, xã Ân Phong (huyện Hoài Ân) giờ đã nhuốm bạc màu. Các cán bộ trực ở chốt này luôn hoạt động hết công suất.

07-23-08_1
Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định kiểm tra chốt kiểm dịch động vật Bình Đê trên QL1A. (Ảnh: ĐT).

Đợt nghỉ lễ 30/4 – 1/5 kéo dài đến 5 ngày, nhu cầu tiệc tùng liên hoan tăng cao, lượng heo tiêu thụ trên thị trường cũng tăng đột biến. Theo đó, lượng heo xuất đi từ huyện Hoài Ân, nơi được mệnh danh là “vựa heo lớn nhất miền Trung” cũng tăng cao hơn so với mọi ngày. Xe chở heo đi tiêu thụ xong quay về lại địa phương chính là đối tượng mà những cán bộ trực chốt kiểm dịch Du Tự “chăm sóc” rất kỹ, bởi mối lo những chiếc xe này mang mầm dịch từ các địa phương khác về lây nhiễm cho đàn heo tại địa phương.

Anh Trần Ngọc Đông, cán bộ thú y thuộc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân, người chưa một ngày vắng mặt tại chốt chặn dịch Du Tự suốt gần 2 tháng qua, tâm sự: “Ngồi nhìn người ta chở vợ con đi chơi lễ mình cũng thấy nôn nao, nhất là các em công an chưa vợ, xa người yêu trong những ngày thiên hạ tưng bừng vui lễ càng chạnh lòng hơn.

Nhưng nghĩ lại, nhiệm vụ gìn giữ đàn heo hơn 230.000 con của bà con trên địa bàn là rất quan trọng, nên anh em chúng tôi ai cũng nhẹ lòng. Mình hy sinh một chút vì người chăn nuôi heo trên địa bàn tránh khỏi nỗi buồn như nhiều hộ chăn nuôi ở các tỉnh miền Bắc là đã thấy vui rồi”.

Ông Hoàng Phi Long, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, cho hay, ngoài chốt Du Tự đặt tại xã Ân Phong, suốt gần 2 tháng nay, huyện Hoài Ân luôn duy trì hoạt động 2 chốt chặn khác, 1 chốt đặt tại xã Ân Tường Đông, phía trên hồ chứa nước Thạch Khê giáp ranh với xã Mỹ Trinh (huyện Phù Mỹ), 1 chốt tại xã Ân Mỹ nơi giáp ranh với thị trấn Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn).

07-23-08_2
Chốt chặn dịch Du Tự đặt tại xã Ân Phong (huyện Hoài Ân) hoạt động 24/24. (Ảnh: ĐT).

“Trước khi nghỉ lễ, lãnh đạo huyện động viên anh em ngành thú y và công an cố gắng hy sinh niềm vui trong giai đoạn “dầu sôi lửa bỏng” này, bởi một số địa phương ở miền Bắc dịch vẫn đang diễn biến phức tạp. Trong các ngày nghỉ lễ, các chốt chặn nói trên thường xuyên có mặt 3 cán bộ trực chốt, UBND huyện trích ngân sách hỗ trợ cho anh em tiền ăn ngày 3 bữa, những ngày trực lễ hỗ trợ thêm khoản bồi dưỡng. Suốt gần 2 tháng nay huyện đã chi hỗ trợ cho các chốt kiểm dịch gần 500 triệu đồng”, ông Long chia sẻ.
 

Quyết tâm chặn dịch

Công tác kiểm soát xe chở động vật qua lại địa bàn Bình Định trên những tuyến quốc lộ trong những ngày qua được tăng cường mạnh mẽ.

Theo ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, trên các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh đã được ngành chức năng lập thêm các trạm kiểm dịch động vật, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động vận chuyển động vật ra vào địa bàn tỉnh.

Trên tuyến QL1A, ngoài trạm Bình Đê còn có trạm tuyến tránh thị trấn Tam Quan thuộc địa bàn xã Hoài Châu Bắc (huyện Hoài Nhơn) kiểm soát xe chở động vật từ các tỉnh phía Bắc vào. Phía nam tỉnh có trạm hầm Cù Mông thuộc địa bàn phường Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn) và trạm trên QL1D thuộc phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn).

“Tại các trạm nói trên, lực lượng thú y và công an tỉnh thường xuyên có 4 người trực 24/24, kể cả những ngày nghỉ lễ 30/4 – 1/5. Anh em trong ca trực ăn uống tại chỗ, nhằm không bỏ sót 1 phương tiện chở động vật nào qua lại chốt”, ông Quốc cho biết.

Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, ngay sau khi dịch tả lợn Châu Phi bùng phát tại một số địa phương ở miền Bắc và diễn biến ngày càng phức tạp, Bình Định đã huy động tổng lực triển khai ngay các giải pháp nhằm ngăn chặn dịch lây lan vào đàn heo trên địa bàn. 

07-23-08_3
Xe chở heo đi tiêu thụ quay về được cán bộ thú y “chăm sóc” kỹ vì sợ chúng mang mầm dịch từ nơi khác về lây lan đàn heo trên địa bàn. (Ảnh: ĐT).

Từ đó đến nay đã gần 2 tháng, cả hệ thống chính trị ở Bình Định đồng loạt vào cuộc vận động, tuyên truyền người chăn nuôi trên địa bàn khi phát hiện có dấu hiệu dịch bệnh là phải báo ngay cho chính quyền địa phương để ngành chức năng kịp thời triển khai biện pháp bao vây dịch, không cho lây lan. Bên cạnh đó, các địa phương triển khai quyết liệt công tác tiêu độc sát trùng chuồng trại nuôi heo trên toàn địa bàn để tiêu diệt mầm bệnh. Song song, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo triển khai các chốt kiểm dịch tại các địa phương, đặc biệt các đầu mối giao thông và các vùng trọng điểm chăn nuôi, đồng thời vận động người chăn nuôi tăng cường chăm sóc nhằm tăng sức đề kháng cho đàn heo.

“Bình Định nhanh chóng tăng cường công tác giám sát của hệ thống thú y tại các địa phương tránh tình trạng phát hiện dịch chậm trễ; các hội đoàn thể, cơ quan thường xuyên vận động người chăn nuôi đề phòng dịch và kịp thời hỗ trợ kinh phí cho công tác phòng chống dịch bệnh”, ông Hổ cho hay.

“Sau khi sáp nhập các cơ quan phụ trách chăn nuôi – thú y, trồng trọt - BVTV và khuyến nông cấp huyện thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, giữa Chi cục Chăn nuôi - Thú y, Chi cục Trồng trọt - BVTV, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh và phòng NN-PTNT các huyện đã có quy chế phối hợp rõ ràng.

Theo đó, chức năng nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp do UBND huyện phê duyệt là phải theo sự điều hành của các cơ quan chủ quản ngành dọc cấp tỉnh.

Do đó, trong công tác ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi xâm nhập vào đàn heo trên địa bàn, ngành thú y cấp tỉnh đã có sự phối hợp chặt chẽ với ngành thú y cấp huyện và cấp xã, nhờ đó, những chỉ đạo của UBND tỉnh trong lĩnh vực này luôn được thực hiện nghiêm cẩn”, ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định.

 

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm