Cụ ông Nguyễn Việt Hồng đứng trước khối tài sản cả đời xây dựng bị cưỡng chế phá dỡ tan tành. Ảnh: Nguyễn Tùng |
Lão nông ưu tú trở thành kẻ "chiếm đất"
Ông Nguyễn Việt Hồng là đảng viên, huy hiệu 53 năm tuổi đảng, giáo viên hưu trí, có địa chỉ thường trú tại đội 5, xóm 6, xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín - TP. Hà Nội.
Ngoài gửi đơn khởi kiện Chủ tịch UBND huyện Thường Tín, ông Hồng còn có đơn kêu cứu khẩn cấp về việc chính quyền địa phương cưỡng chế phá dỡ tài sản không đúng quy định của pháp luật.
Ông Hồng cho biết, dãy chuồng nuôi bò sữa và các công trình bị cưỡng chế phá dỡ có giá trị hàng tỷ đồng. Ảnh: Nguyễn Tùng |
Trong đơn, ông Hồng cho biết, gia đình ông có thửa đất được khai hoang, sử dụng ổn định (với diện tích hơn 4.000m2) từ cách đây mấy chục năm và không tranh chấp với bất kỳ ai. Ngoài ra, năm 1997 ông Hồng ký hợp đồng thuê thầu thửa đất số 123, tờ bản đồ số 11 với diện tích 12.214m2 (đo đạc năm 1993) của UBND xã Tự Nhiên quản lý trong 10 năm.
Năm 2003, khi triển khai dự án nuôi bò sữa (đã được UBND xã Tự Nhiên và Phòng Kinh tế huyện Thường Tín có văn bản chấp thuận), ông Hồng hợp nhất những thửa đất trên để kiến thiết khu trang trại VAC.
“Vào cuối năm 2018, tôi rất bất ngờ nhận được thông báo của UBND xã Tự Nhiên lập biên bản vi phạm hành chính đối với tôi về hành vi “lấn chiếm” 16.224 m2 đất tại thửa số 123, tờ bản đồ số 11 theo quy định tại khoản 1, Điều 10, Nghị định 102 năm 2014 của Chính phủ”, ông Hồng viết.
Khu trang trại VAC cho giá trị kinh tế cao, giờ trở thành đống đổ nát. Ảnh: Nguyễn Tùng |
Trên cơ sở tờ trình của UBND xã Tự Nhiên và Phòng Tài nguyên và Môi trường, ngày 17/1/2019, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín - ông Kiều Xuân Huy, đã ký Quyết định số 410/QĐ-CCKPHQ về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra đối với ông Nguyễn Việt Hồng. Đặc biệt là “buộc trả lại đất đã lấn chiếm” với diện tích 16.244m2.
Theo ông Hồng, đây là điều hết sức vô lý, vì khu đất thuộc diện cưỡng chế giải tỏa có hơn 4.000m2 ông Hồng mua của ông Nguyễn Trọng Mạch và ông Đặng Hữu Long. Thời điểm đó, trên khu đất của ông Mạch và ông Long có các công trình gồm lò gạch, lò vôi, nhà bán hàng, nhà công vụ phục vụ cho việc đốt gạch. Ông Hồng vẫn quản lý cho đến ngày nay.
Chính quyền xã lập khống biên bản vi phạm?
Cụ ông 80 tuổi cho rằng, biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai (ngày 22/11/2018) đã được UBND xã Tự Nhiên “lập khống, không đúng pháp luật”.
Ông Nguyễn Văn Cương - Cán bộ địa chính xã Tự Nhiên tại buổi làm việc với báo chí. Ảnh: Nguyễn Tùng |
Chúng tôi hỏi ông Nguyễn Văn Cương - Công chức địa chính xã Tự Nhiên rằng: “Sự có mặt của ông Hồng (tại khu đất lò gạch) là thời điểm trước hay sau năm 1996?” Ông Cương xác nhận: “Mình biết được là trước đó ông ấy cũng có làm”.
Như vậy, ông thể thấy, ông Nguyễn Việt Hồng đã sản xuất trên khu vực đất lò gạch trước thời điểm thuê thầu 12.214m2 của UBND xã Tự Nhiên.
Giải thích về việc cùng thửa đất 123 tờ bản đồ số 11 nhưng diện tích đo đạc lại lệch hơn 4.000m2, ông Nguyễn Văn Cương giải thích là do “trình độ của cán bộ ngày đó thôi” và “kỹ thuật trước đây không được cao nên trường hợp chỗ ông Hồng không thể tránh được”.
Chủ tịch UBND huyện Thường Tín: Người kiện là “mấy cái thằng vớ vẩn”
Trao đổi với PV NNVN liên quan đến vụ việc, luật sư Dương Lê Ước An, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho rằng: Điểm mấu chốt trong vụ việc này, đó là cơ quan pháp lý chưa xem xét thấu đáo nguồn gốc thửa đất mà ông Hồng đang sử dụng. Vì trong tổng số 16.244m2 đất đã bị cưỡng chế phá dỡ chỉ có 12.214m2 là đất thuộc quản lý của UBND xã Tự Nhiên (được thể hiện rõ trong biên bản bàn giao đất khoán ngày 1/2/1997).
Ông Hồng bên công trình bị cưỡng chế phá dỡ. |
Hơn 4.000m2 còn lại là do ông Hồng mua thêm của các hộ dân và tự khai hoang trong giai đoạn từ năm 1990 - 2003. Theo quy định của Luật Đất đai, nếu ông Hồng sử dụng ổn định khu đất rộng hơn 4.000m2 nêu trên mà không có tranh chấp, không bị cơ quan nào lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thì đủ điều kiện để được đền bù đất và tài sản trên đất khi Nhà nước thu hồi.
Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại tổ chức cưỡng chế phá dỡ toàn bộ công trình trên khu đất ông Hồng đã mua, có nguồn gốc từ khai hoang (ngoài diện tích 12.214m2 UBND xã Tự Nhiên giao khoán) mà không có quyết định thu hồi đất, không kiểm đếm tài sản, không đền bù giải phóng mặt bằng… là không đúng quy định của pháp luật.
Hiện ông Nguyễn Việt Hồng đã gửi đơn khởi kiện Chủ tịch UBND huyện Thường Tín đến Tòa án nhân dân TP Hà Nội, để yêu cầu Tòa tuyên hủy hai văn bản hành chính gồm: Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả số 4535/QĐ-KPHQ ngày 30/11/2018 và Quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả số 410/QĐ-CCKPHQ ngày 17/1/2019 của Chủ tịch UBND huyện Thường Tín.
Bên cạnh đó, ông Hồng cũng đề nghị Tòa án nhân dân TP Hà Nội bồi thường thiệt hại đối với những tài sản phá dỡ sai quy định pháp luật của gia đình ông với số tiền là 1 tỷ đồng.
Trao đổi với PV Báo NNVN liên quan đến việc ông Nguyễn Việt Hồng nộp đơn khởi kiện Chủ tịch UBND huyện Thường Tín ra tòa, ông Kiều Xuân Huy - Chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho biết: Người kiện là “mấy cái thằng vớ vẩn”.
Chi tiết về cuộc trao đổi giữa PV Báo NNVN với ông Kiều Xuân Huy sẽ được đề cập trong bài viết sau.