Truy thu phí 10 năm về trước
Ngày 15/4/2023, UBND xã Lê Lợi (huyện Thường Tín, Hà Nội) ra thông báo tới 162 tiểu thương chợ đầu mối gia cầm lớn nhất miền Bắc là Hà Vỹ khiến các tiểu thương phản đối. Theo đó, mức truy thu phí diện tích bán hàng kinh doanh cố định được đưa ra là 15.100 đồng/m2, tính từ tháng 9/2011 đến tháng 9/2021.
Một ki ốt tại chợ Hà Vỹ có diện tích 21m2. Nhân với số tiền nêu trên, mỗi tiểu thương sẽ phải đóng số tiền là hơn 38 triệu đồng trong 10 năm về trước. Tổng số tiền truy thu theo thông báo nói trên là trên 6 tỷ đồng.
Cho rằng khoản thu trên là vô lý, bởi các hộ kinh doanh có Hợp đồng thuê ki ốt ký kết với UBND xã Lê Lợi từ năm 2011, thời hạn 10 năm, đã thanh toán một lần đầy đủ (tương ứng với 110 triệu đồng). Ngoài ra, trong quá trình kinh doanh, các hộ cũng nộp thêm các khoản điện, nước, phí vệ sinh chợ hàng tháng…
Theo tìm hiểu của Báo Nông nghiệp Việt Nam, chợ gia cầm Hà Vỹ (xã Lê Lợi) ban đầu là chợ tự phát. Một vài hộ dân trong xã đi thu mua gia cầm (gà, vịt, ngan…) về buôn bán, kinh doanh nhỏ lẻ từ giai đoạn trước năm 2010.
Khi hoạt động buôn bán gia cầm ngày càng phát triển, số lượng người tham gia buôn bán ngày càng nhiều, quy mô ngày càng lớn…, để chuyên nghiệp và đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông cũng như bảo vệ môi trường, huyện chủ trương đầu tư xây dựng Chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ. Kinh phí xây dựng chợ trên 30 tỷ đồng, gồm 162 ki ốt.
Ông Lê Xuân Viết, nguyên Trưởng ban Quản lý chợ Hà Vỹ cho biết, năm 2011, xã tiến hành bốc thăm cho các hộ kinh doanh thuê ki ốt, ưu tiên người dân thôn Hà Vỹ, xã Lê Lợi và các xã lân cận.
Số tiền thuê ki ốt 11 triệu đồng/năm, thu luôn 10 năm (số tiền 110 triệu đồng/gian hàng). Mỗi gian hàng có diện tích 21m2, kèm theo các điều khoản tuân thủ vấn đề vệ sinh môi trường, đảm bảo hàng hóa có nguồn gốc, tuân thủ quy chế kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm. Năm 2021, thời hạn hợp đồng thuê ki ốt đã hết, UBND xã Lê Lợi ký hợp đồng gia hạn với các tiểu thương.
Từ năm 2011 đến nay, chợ Hà Vỹ đã trở thành chợ đầu mối gia cầm lớn nhất miền Bắc, mỗi ngày tiêu thụ số lượng gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng…) lên tới trên dưới 100 tấn/ngày. Thời kỳ cao điểm, mỗi ngày lên tới trên 200 tấn gia cầm.
Sự nổi tiếng của chợ đầu mối Hà Vỹ lan rộng tới mức các tỉnh lân cận cho tới tận Thanh Hóa, Nghệ An… cũng có xe chở gia cầm đưa tới Hà Vỹ để tiêu thụ. Hà Vỹ được biết tới là chợ đầu mối gia cầm lớn nhất Việt Nam, số lượng gia cầm tiêu thụ 10 triệu con/năm.
Bức xúc vì huyện “truy thu phí chỗ đứng gia cầm”
Ông Nguyễn Văn Thanh (SN 1964, thôn Hà Vỹ) - một trong số những hộ dân đầu tiên ở xã Lê Lợi kinh doanh gia cầm, từ khi còn là chợ tự phát.
“Thôn Hà Vỹ chúng tôi có chợ gia cầm do nhân dân tự phát từ năm 1997. Được sự quan tâm của nhà nước, từ năm 2009 đến 2011, UBND huyện Thường Tín xây dựng và khánh thành chợ đầu mối gia cầm.
Khi chợ hoàn thành, UBND xã Lê Lợi cho phá dỡ chợ cũ của thôn Hà Vỹ, sau đó tiến hành cho đấu thầu thuê ki-ốt họp chợ. Từ đó đến nay, chợ hoạt động ổn định, ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân hàng chục tỉnh lân cận, đồng thời là đầu ra sản phẩm chăn nuôi của hàng triệu nông hộ”, ông Thanh cho hay.
Trong suốt thời gian đó, chợ hoạt động, kinh doanh buôn bán bình thường, không có gì phát sinh. Cho tới thời điểm hiện tại, các tiểu thương nhận được thông báo “truy thu phí chỗ đứng của gia cầm”, mỗi ki ốt phải nộp số tiền hơn 38 triệu đồng khiến bà con bất ngờ, bức xúc.
“Số tiền truy thu là rát lớn, hơn 6,152 tỷ đồng. Nếu chính đáng và có căn cứ, cơ sở, chúng tôi sẽ nộp. Tuy nhiên, hợp đồng thuê ki ốt không có các điều khoản này. Ngoài ra, nếu là phí phải nộp, tại sao đến giờ huyện mới có thông báo thu”, ông Thanh cho hay.
Các tiểu thương chợ Hà Vỹ đã có đơn phản ánh tập thể gửi chính quyền xã Lê Lợi, UBND huyện Thường Tín đề nghị đối thoại, giải thích với người dân. Bà con cũng thuê một văn phòng luật sư để đứng ra đại diện bảo vệ quyền lợi cho mình.
Giải thích với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Lê Xuân Viết (Trưởng Ban quản lý chợ Hà Vỹ từ năm 2021 đến tháng 3/2023, vừa nghỉ hưu được hơn 1 tháng), cho biết: Khi chợ bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 9/2011, tháng 12/2011, huyện có thông báo thu phí đối với diện tích kinh doanh (15.100 đồng/m2) của 162 tiểu thương. Tuy nhiên, chủ trương này không thực hiện được vì hợp đồng thuê ki ốt với người dân theo năm, và thu đủ 10 năm liên tục không có điều khoản về thu phí theo m2.
“Khi đó bà con đã không đồng ý, rồi sau đó huyện cũng không nhắc tới việc này. Hằng năm, Ban quản lý chợ đầu mối Hà Vỹ đều có văn bản báo cáo với UBND xã Lê Lợi về việc không thu được khoản phí này. Sự việc kéo dài cho tới thời điểm tháng 4/2023 thì có quyết định truy thu”, ông Viết cho biết.
Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Lê Lợi kiêm Trưởng Ban quản lý chợ đầu mối Hà Vỹ Lương Duy Bình (thay ông Viết) xác nhận: Địa phương đã nhận được đơn phản ánh, kiến nghị của các hộ dân. Xã đã báo cáo lên UBND huyện để có phương án giải quyết theo đúng quy định.
“Chúng tôi cũng thừa hành chỉ đạo của UBND huyện trong việc truy thu phí diện tích kinh doanh tại chợ Hà Vỹ theo m2. Trước thắc mắc của bà con, xã đang chờ chỉ đạo của huyện để thực hiện theo nhiệm vụ được giao, chứ chưa thực hiện cưỡng chế, khóa cửa ki ốt đối với các hộ kinh doanh không nộp tiền truy thu theo như thông báo”, ông Bình cho biết.
Đưa vào khai thác từ năm 2011, chợ Hà Vỹ gồm hai khu riêng biệt, khu bán gà riêng biệt với khu vực bán ngan, vịt. Các dãy nhà được xây liền kề nhau, sau đó chia thành các ki ốt san sát. Các tiểu thương thu mua gia cầm từ nhiều tỉnh thành trong cả nước, tập kết tại Hà Vỹ, sau đó trung chuyển đến nơi tiêu thụ.
Sau hơn 10 năm hoạt động, việc buôn bán, kinh doanh gia cầm tại chợ đầu mối Hà Vỹ đã hình thành một chu trình khép kín, chuyên nghiệp, dù theo thời gian, chợ đã xuống cấp, nhu cầu mở rộng chợ cũng đang được đặt ra.