Chúng tôi trở lại bản Chút Mít (xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình). Thay vì vài ngày đường như trước đây thì bây giờ ô tô đã bon bon chỉ khoảng 3 giờ đồng hồ.
Trưởng bản Hồ Văn Bình kể rằng, khi tuyến đường nối đông - tây đường Trường Sơn, nơi eo thắt và điểm cuối cùng tuyến đường là địa danh Eo Bù - Chút Mút.
Sau đường là đến điện. Năm 2014, Đoàn Kinh tế - quốc phòng 79 (Binh đoàn Tây Nguyên), đã đầu tư đưa điện lưới quốc gia lên vùng biên giới Eo Bù - Chút Mút. Hai năm sau, trận bão lịch sử gây thiệt hại nặng cho Quảng Bình đã “cắt” tuyến đường điện này. Đến đầu 2019, việc khôi phục lưới điện mới thực hiện được.
Ngồi trên nhà sàn của trưởng bản Hồ Văn Bình uống nước chè xanh đặc quánh, nóng hổi pha với mật ong rừng. Hương vị này thơm ngon như quẹo cả đầu lưỡi. Thi thoảng, chuông điện thoại của trưởng bản réo lên. Ông nghe, trao đổi một lúc rồi nói : "À mấy người dưới xuôi gọi đặt hàng mật ong đấy. Mình gom của bà con trong bản để bán cho họ. Tiền thu cũng nhiều nhiều đấy nhé”.
Vui chuyện, ông Bình cũng cho hay, mấy năm nay, bà con nhận bảo vệ rừng nên phần thu cho mỗi hộ gia đình cũng khá lên. Những sản phẩm phụ như nấm lim, mật ong, song mây…bà con khai thác được nhiều.
“Bữa nay, bà con khi bán sản phẩm từ rừng thì không cần mang ra trung tâm xã hoặc phải vất vả đưa về xuôi bán mà chỉ cần gọi điện là có người lên tận nơi mua. Giá cả rẻ chút ít nhưng rất thuận lợi”, ông Bình nói như khoe.
Không chỉ thu mua mà nhiều người dưới xuôi còn mang lên hàng hóa thiếu yếu lên Eo Bù - Chút Mút để bán. Cuộc sống của đồng bào Vân Kiều ở bản Eo Bù - Chút Mút được cải thiện hơn kể từ khi có dự án 135. Điểm trường mới được xây dựng khang trang, học sinh lớp 1 và 2 được học ngay tại bản, lớn hơn thì ra trung tâm xã học. Nhà cửa bà con cũng được hỗ trợ vững chắc hơn. Công trình đập ngăn nước Rào Reng phục vụ cho sản xuất được xây dựng.
Không chỉ sản phẩm rừng với tiền bảo vệ rừng là nguồn thu chính của bản Chút Mút. Mấy năm gần đây, bà con đã chủ động làm lúa nước và thâm canh theo quy trình kỹ thuật trồng lúa nước. Mỗi năm 2 vụ. Vụ nào cũng được mùa nên bà con chẳng còn lo lắng nhiều đến cái đói.
Buổi trưa, chúng tôi theo Thiếu tá Phạm Thành Đảm, cán bộ tổ công tác biên phòng Chút Mút (Đồn Biên phòng Làng Ho, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình), kiêm Phó Bí thư chi bộ bản lội qua suối Rào Reng để đến thăm cánh đồng lúa hai vụ của bản. Dưới chân dãy Trường Sơn mạn đông là cái thung lũng nhỏ rậm rạp lau sậy.
Nhiều năm trước, vùng này hoang hóa với chỗ cao, chỗ trũng cho cây dại mọc. “Hồi đó, chúng tôi đã huy động lực lượng của đơn vị và vận động bà con trong bản ra phát lau cỏ, be bờ, làm đất để cấy lúa”, Thiếu tá Đảm kể lại.
Những vụ mùa đầu tiên làm bà con vui lắm. Nhưng rồi, chưa chủ động được nước, chưa có hàng rào bảo vệ nên năng suất cứ bấp bênh. Sau đó, một dự án nhỏ hỗ trợ tuyến kênh mương dẫn nước vào ruộng được hoàn thành. Bộ đội Biên phòng tiếp tục vận động bà con làm hàng rào chắc chắn để bảo vệ mùa màng.
Với gần 3,5ha lúa nước với hai vụ sản xuất, góp phần bảo đảm lương thực cho bà con khoảng 6 tháng. Thời gian còn lại, bà con sống nhờ thu nhập từ nghề làm rẫy, nhận khoán bảo vệ rừng và khai thác mây, mật ong, nấm lim xanh...
Đặc biệt, trong đợt mưa lũ lớn, những khi bị lũ chia cắt, tổ công tác Bộ đội Biên phòng hỗ trợ bà con dân bản di dời, chia sẻ nhu yếu phẩm để bà con vượt qua. “Có bộ đội biên phòng, bà con yên tâm lắm!”, trưởng bản Hồ Văn Bình nói.
Hiện, bản Chút Mút có 68 hộ với gần 300 nhân khẩu chủ yếu là bà con dân tộc Vân Kiều. Bộ đội Biên phòng Làng Ho thường xuyên tuyên truyền cho bà con về tầm quan trọng của rừng, giúp bà con hiểu được “nuôi rừng, rừng nuôi”. Vì vậy, rừng trong khu vực cơ bản được bảo vệ an toàn.
“Ở đây, tình quân dân bền chặt lắm, ai ốm đau, hiếu hỷ đều gọi bộ đội biên phòng, có ai lạ mặt xuất hiện trong bản cũng báo bộ đội biết. Đến cả làm ruộng bộ đội cũng phải chung tay mới nên mùa, nên vụ”, ông Hồ Long, một người lớn tuổi ở bản bộc bạch.
Điều đáng mừng là trẻ con ở bản đều được đến trường. Tại đây có các điểm trường tiểu học và mầm non. Lớp học mầm non có 25 cháu. Cô giáo Phạm Hoài nói với chúng tôi: “Ngoài việc dạy hát, múa và nhận dạng con chữ thì trường rất quan tâm đến chế độ dinh dưỡng cho các con. Bữa ăn hàng ngày đều đảm bảo có thịt, cá, rau xanh. Ngoài ra, các con cũng được uống sữa để tăng cường sức khỏe”.
Chúng tôi ăn trưa ở nhà ông Hồ Long. Bữa ăn có canh rau cải nấu cá khe, có thịt lợn xào măng rừng và cơm trắng từ ruộng nước. Ông Hồ Long bảo đó là bữa hàng ngày chứ không phải đãi khách.
Ông Long lý giải: ‘Đường sá thông thương nên ngày nào cũng có xe ô tô mang thực phẩm từ dưới xuôi lên bán rồi mua sản vật rừng về. Đó là chưa kể lợn, gà mà bà con nuôi được lấy thịt. Bà con không lo đói mà đang nâng từ đủ ăn lên ăn có thịt có cá thường xuyên ấy thôi”.