Nông dân vùng bán đảo cà mau trúng đậm mô hình 1 vụ lúa, 1 vụ tôm
Bây giờ nông dân vùng ven biển Bán đảo Cà Mau xem mô hình lúa – tôm là cứu cánh chính để vực lại kinh tế nông hộ. Điểm nhấn của mô hình lúa - tôm là không chỉ giúp người dân no cái bụng mà còn thu lợi nhuận cao từ một cây và một con. Hiệu quả kinh tế đã rõ nhưng việc phát triển “thần tốc” thì yếu tố bền vững đang làm đau đầu lãnh đạo địa phương.
Mê quá lúa - tôm!
Vụ lúa – tôm năm nay nông dân Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng trúng đậm. Năng suất lúa bình quân trên 4 tấn/ha, bán với giá 4.000 đồng/kg, lãi trên 30%. Sau khi thu hoạch lúa nông dân thả tôm sau 5 tháng nhiều người thu về trăm triệu đồng. Phước Long - Bạc Liêu là huyện có diện tích sản xuất tôm – lúa lớn nhất Bán đảo Cà Mau với trên 12.000 ha vụ vừa qua tất cả đều trúng đậm. Ông Nguyễn Minh Chiến, xã Phước Long, huyện Phước Long có 4 ha lúa - tôm vui ra mặt vì đã thu hoạch đạt giá trị trên 200 triệu đồng.
Ông Chiến cho biết: Tôi cứ nghĩ cây lúa không thể sống nổi trên đất nuôi tôm. Năm 2008 thử trồng đại lúa để kiếm hạt thóc giải quyết cái bụng thì mới biết cây lúa cũng sống được trên đất nhiễm mặn. Sau khi thu hoạch lúa bán được mấy đồng vốn mua tôm thả lại trên đất trồng lúa và không ngờ tôm cũng trúng. Có lẽ gốc rạ của cây lúa còn lại đã cải tạo được môi trường nên tôm nuôi không bị thiệt hại. Đối với nông dân chưa hiểu rõ mô hình lúa - tôm thì nói vậy nhưng đối với lãnh đạo huyện Phước Long, đã xác định “Mô hình lúa - tôm là mô hình cân bằng sinh thái hướng đến sản xuất sạch bền vững trong nông nghiệp".
Giai đoạn 2009 – 2010, Cà Mau đầu tư trên 18 tỷ đồng thực hiện Đề án “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất tôm - lúa” tại các huyện: Cái Nước, Trần Văn Thời, Thới Bình và Năm Căn. Tuy nhiên, đề án đang vướng một số khó khăn như: quá khó quy hoạch hoàn thiện vùng sản xuất tôm - lúa; hạ tầng phục vụ sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu… Theo ước tính của UBND tỉnh Cà Mau, để hoàn thành hệ thống thủy lợi cần đến 4.000 tỉ đồng. Con số này vượt quá tầm của một tỉnh như Cà Mau nên rất cần sự hỗ trợ của Trung ương thì Cà Mau mới có nhiều vùng sản xuất nông nghiệp – thủy sản sạch, an toàn và bề vững. |
Nỗi lo vỡ quy hoạch
Theo kế hoạch năm 2009, Bạc Liêu có khoảng 18.000 ha lúa - tôm nhưng đến nay chỉ riêng huyện Hồng Dân nông dân xuống giống 16.200 ha, huyện Phước Long con số này đã là 11.000 ha, Giá Rai 6.000 ha... trên đất nuôi tôm. Lãnh đạo Phòng NN-PTNT Hồng Dân phân trần: “Huyện chỉ quy hoạch 8.000 ha sản xuất lúa - tôm, nhưng trước lợi nhuận mà mô hình mang lại thì đã có một số diện tích chuyên tôm người dân cũng chuyển sang mô hình lúa - tôm. Đây là điều đáng mừng nhưng đó cũng là nỗi lo của địa phương sẽ vỡ hệ thống quy hoạch. Theo Sở NN-PTNT Bạc Liêu, diện tích lúa trên đất tôm năm 2009 có khả năng lên đến gần 30.000 ha, vượt kế hoạch từ 12.000 ha trở lên.
Còn ở Cà Mau, theo kế hoạch Sở NN-PTNT năm 2009 Cà Mau sẽ phát triển 35.000 ha lúa - tôm. Thế nhưng trước tình hình phát triển thì con số đã vượt xa kế hoạch khả năng đạt 42.000 – 45.000 ha lúa trên đất tôm. Nóng nhất là huyện Phú Tân, Trần Văn Thời, Cái Nước… mặc dù hệ thống thủy lợi các huyện này chưa thể đáp ứng cho việc trồng lúa nhưng nông dân vẫn bất chấp. Lãnh đạo huyện Phú Tân đang rất lúng túng trong việc định hướng nông dân sản xuất lúa – tôm đối với những nơi chưa đảm bảo thủy lợi ngăn mặn, chủ động ngọt. Hiện tại toàn huyện có trên 200 ha nằm cặp đê và có nguy cơ nước mặn xâm nhập theo gió mùa tràn vào sẽ rất khó cứu lúa.
Trong thực tế hiện tại hệ thống thủy lợi phục vụ cho mô hình lúa - tôm chưa hoàn chỉnh nên việc quy hoạch đảm bảo sản xuất mang tính bền vững còn đang gặp khó khăn. Thực ra mô hình lúa - tôm được các tỉnh Bán đảo Cà Mau khuyến cáo từ những năm 2000, nhưng do nông dân mê con tôm sú đã bỏ lúa. Sau nhiều năm thất bại bây giờ nông dân quay lại trồng lúa và điều bất ngờ là lúa cho năng suất cao. Tuy nhiên trước sự đam mê quá đà của người dân ngoài vùng đê bao, vùng chưa có hệ thống thủy lợi cho cây lúa đã khiến cho ngành chức năng lúng túng để quy hoạch vùng sản xuất ổn định.