| Hotline: 0983.970.780

Bán đảo Cà Mau ưu tiên nâng cấp, vận hành công trình ứng phó thiên tai

Thứ Sáu 26/11/2021 , 10:04 (GMT+7)

ĐBSCL Nhằm ứng phó với thiên tai, hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu đã đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa nhiều công trình thủy lợi trọng điểm.

Tỉnh Cà Mau ưu tiên nâng cấp hệ thống đê biển Tây. Ảnh: Trọng Linh.

Tỉnh Cà Mau ưu tiên nâng cấp hệ thống đê biển Tây. Ảnh: Trọng Linh.

Cà Mau ưu tiên nâng cấp hệ thống đê biển

Nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) trong 5 năm qua tỉnh Cà Mau đã đầu tư nhiều công trình trọng điểm. Trong đó, ưu tiên đầu tư chống tràn cho tuyến đê biển không để nước biển từ ngoài xâm nhập. Qua đó, đảm bảo diện tích sản xuất cho người dân, chủ yếu là vùng ngọt và vùng nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt là bảo vệ được hàng ngàn hộ dân sinh sống phía trong các tuyến đê biển.

Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết: Thời gian qua tỉnh Cà Mau đã tranh thủ các nguồn vốn từ Trung ương, cũng như vốn vay tiếp tục hoàn thiện các tuyến đê bao biển Đông và biển Tây nhằm bảo vệ dân sinh và phục vụ sản xuất. Riêng các tuyến đê phía trong hệ thống công trình thủy lợi ở với vùng ngọt, tỉnh chủ động củng cố các bờ bao, nạo vét thủy lợi tạo ra bờ hồ để dự trữ nước mưa tại chỗ phục vụ sản xuất.

Đối với các vùng sản xuất 1 vụ lúa, 1 vụ tôm ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau ưu tiên củng cố các bờ bao, nạo vét kênh, mương dự trữ nước ngọt để rửa mặn trồng lúa. Hệ thống công trình sẽ được đóng các cống lại để ngăn mặn. Khi thu hoạch xong vụ lúa trên đất nuôi tôm sẽ mở cống xả nước mặn cho bà con  nuôi trồng thủy sản.

Từ ngày 20 -23/11/2021, trên địa bàn các xã: Thanh Tùng, Tân Đức, Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi, Cà Mau, triều cường dâng cao làm làm ngập khoảng 3,3km bờ bao trên tuyến kênh Tràm Xuyên ảnh hưởng đến 32 hộ dân; bể 23m bờ bao làm hư hỏng 02 cống xổ vuông tôm, ảnh hưởng đến 3,5 ha vuông tôm, ước tổng thiệt hại khoảng 66 triệu đồng. (Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau)

Tuy nhiên, với điều kiện BĐKH cực đoan như hiện nay, trong đó mực nước biển dâng cao hàng năm (khoảng 10cm/năm) tại các huyện phía đông của tỉnh Cà Mau đã ảnh hưởng rất lớn với diện tích thủy sản của người dân. Theo đó, hàng năm có khoảng 90.000 ha đất sản xuất tại các vùng sinh thái bị tác động. Cụ thể khi nước biển tràn dâng cao, tôm, cá trong ao nuôi sẽ theo đó đi ra ngoài gây thất thoát rất lớn cho người nuôi.

Theo ông Tô Quốc Nam, để khắc phục tình trạng này tỉnh Cà Mau cho củng cố các tuyến bờ bao lớn, đối với khu vực nội đồng. Hỗ trợ cho người dân nạo vét các hệ thống kênh, mương tạo bờ bao nhân tạo để chống tràn. Các công trình này đa phần là hệ thống hở để bảo vệ vùng sinh thái của rừng ngập mặn. Ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã quy hoạch vùng này không có hệ thống khép kín bằng cống. Thay vào đó là mỗi vuông tôm nội đồng đều có cống xổ nước ra vào rất thuận tiện. 

Tuy nhiên để giảm thiệt hại ngành nông nghiệp Cà Mau vẫn xác định gia cố các bờ bao là chính. Trong đó, tại các tuyến trục chính cần gia cố bờ bao và tỉnh Cà Mau làm theo cách cuốn chiếu. Ngân sách thi công được lấy từ nguồn hỗ trợ Trung ương, trong đó có nguồn công ích thủy lợi. 

Tỉnh Cà Mau có chiều dài bờ biển hơn 254 km, trong đó khoảng 50 km tuyến đê biển Tây đang được sửa chữa, gia cố. Hiện nay còn khoảng 100 km tuyến đê biển Đông chưa được đầu tư nâng cấp, sửa chữa.

Bạc Liêu nhiều cống lớn, nhỏ đã đưa vào vận hành

Công trình cống Nhà Mát, TP Bạc Liêu. Ảnh: Trọng Linh.

Công trình cống Nhà Mát, TP Bạc Liêu. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Ngô Nguyên Phong, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Nhằm đảm bảo công tác phòng chống thiên tai hiệu quả, thời gian qua đơn vị đã đầu tư xây dựng 24 cống thủy lợi (4 cống lớn và 20 cống nhỏ).

Trong đó đã hoàn thành được 3 cống lớn đã đưa vào quản lý vận hành, gồm: cống Nhà Mát, Cái Cùng và Huyện Kệ. Riêng cống Chùa Phật (huyện Hòa Bình) hiện nay chỉ còn 2 mang cống là hoàn thiện, cầu giao thông đã xong. Mặc dù trong quá trình thi công công trình đã phải tạm ngưng hơn 1 năm.

Theo ông Phong, sau khi 3 cống trên đưa vào vận hành các công trình đã phát huy được hiệu quả như mong đợi. Cụ thể như cống Nhà Mát (phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu) từ khi vận hành cống đã giúp TP Bạc Liêu giảm ngập hiệu quả. Các hộ dân bên trong các cống, cùng với vuông tôm không còn bị ngập như trước đây, việc đi lại sinh hoạt của người dân được đảm bảo. Ngoài 4 công lớn trên, 20 cống nhỏ cũng được triển khai thi công bằng nhiều nguồn vốn khác. Khi 20 cống nhỏ này hoàn thành sẽ góp phần cùng 4 cống lớn chủ động bảo vệ sản xuất.

Để chủ động ứng phó với các đợt triều cường xuất hiện vào các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu đề nghị: Trung tâm Dịch vụ Đô thị tỉnh Bạc Liêu rà soát lại toàn bộ hệ thống cửa van cống dọc theo hai bên bờ sông Bạc Liêu - Cà Mau thuộc khu vực thành phố Bạc Liêu. Nếu phát hiện cửa van cống không đảm bảo ngăn triều cường thì có biện pháp sửa chữa, khắc phục nhanh nhằm đảm bảo ngăn triều cường gây ngập khu vực nội ô thành phố Bạc Liêu. Kiểm tra, nạo vét hệ thống mương, hố ga thoát nước của các tuyến đường trong nội ô thành phố Bạc Liêu để đảm bảo tiêu thoát nước khi có mưa lớn. (Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bạc Liêu)

Xem thêm
Ông Nguyễn Đình Việt giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La

SƠN LA Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nước, nguồn sống và nỗi lo: Khi ngập úng 'kéo lên' đô thị vùng cao

Sơn La Tình trạng ngập úng kéo dài không chỉ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân tại TP Sơn La.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.