| Hotline: 0983.970.780

Bến Tre phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi ngăn hạn, mặn

Thứ Hai 18/10/2021 , 10:33 (GMT+7)

Mặc dù tình trạng hạn mặn trên địa bàn tỉnh Bến Tre còn diễn biến phức tạp, nhưng nhờ phát huy hệ thống công trình thủy lợi nên tình hình đang dần được kiểm soát.

Những kết quả khả quan từ các công trình thuỷ lợi

Theo báo cáo của tỉnh Bến Tre, diễn biến xâm nhập mặn mùa khô năm 2020-2021 trên địa bàn tỉnh dù không khốc liệt như năm trước, nhưng vẫn diễn ra gay gắt.

Tuy nhiên, với sự chủ động, quyết liệt triển khai kế hoạch ứng phó với nhiều giải pháp đồng bộ, nhất là việc hoàn thành đưa vào sử dụng một số công trình trình cống ngăn mặn, đã góp phần hạn chế thiệt hại đáng kể trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo cung ứng nước cho sản xuất  và sinh hoạt của nhân dân. Đáng chú ý, việc cấp nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt được tập trung thực hiện, hạn chế thấp nhất tình trạng nước cấp bị nhiễm mặn, gây ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh.

Hiện trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã được nhà nước đầu tư xây dựng một số công trình quan trọng, như Hệ thống thủy lợi Bắc - Nam Bến Tre; công trình cống đập Ba Lai; hồ chứa nước Kênh Lấp, huyện Ba Tri; và nhiều tuyến đê sông, đê bao cục bộ, đê bao các cồn… Bước đầu, các công trình đã phát huy hiệu quả với tổng diện tích khoảng 194.800 ha đất được bảo vệ trước xâm nhập mặn, trữ ngọt trên địa bàn tỉnh.

Hồ trữ nước ngọt Kênh Lấp ở huyện Ba Tri, Bến Tre có dung tích 1 triệu m3, góp phần 'ngọt hoá' đồng ruộng trong mùa hạn mặn. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Hồ trữ nước ngọt Kênh Lấp ở huyện Ba Tri, Bến Tre có dung tích 1 triệu m3, góp phần “ngọt hoá” đồng ruộng trong mùa hạn mặn. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Tuy nhiên, hệ thống công trình thủy lợi vẫn chưa được khép kín, do đó tỉnh chưa thể chủ động kiểm soát được nguồn nước ngọt trong tình huống xâm nhập mặn diễn biến gay gắt. Điển hình như mùa khô năm 2019 - 2020 vừa qua, các địa phương trong tỉnh đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng, độ mặn 4‰ gần như bao phủ hết phạm vi toàn tỉnh Bến Tre.

Để ứng phó với hạn mặn, tỉnh Bến Tre đã triển khai thực hiện các dự án thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt. Đến nay, Dự án hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1 đã hoàn thành đưa vào sử dụng 29 cống hở, 16 cống hộp; cùng một số đoạn đê bao ven sông Tiền, ven sông Hàm Luông thuộc các huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Bình Đại và TP. Bến Tre.

Hiện tại, Dự án hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1 vẫn đang tiếp tục hoàn thiện để đưa vào sử dụng cống Kênh Cũ, TP. Bến Tre và tuyến đê bao ven sông Hàm Luông từ cống Cái Mít đến cống Cầu Kinh thuộc huyện Giồng Trôm. Cùng với đó, Dự án hệ thống thủy lợi Nam Bến Tre dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng 11 cống.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ chú trọng tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tình hình hạn hán, thiếu nước và tác động của biến đổi khí hậu. Huấn luyện, chuyển giao cho người dân các phương thức canh tác, các công nghệ sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Đưa vào canh tác các giống cây trồng chịu hạn mặn, các mô hình canh tác phù hợp với điều kiện nguồn nước từng vùng, từng năm kết hợp giữa trồng lúa, cây ăn quả và nuôi trồng thủy, hải sản. Hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tích, trữ nước, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, triệt để chống thất thoát, lãng phí nguồn nước.

Tiếp tục tập trung mọi nguồn lực ứng phó hạn, mặn

Để ứng phó với xâm nhập mặn, tỉnh Bến Tre vẫn đang tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình phòng chống hạn mặn, phấn đấu đến năm 2024 sẽ hoàn thiện hệ thống thủy lợi, đảm bảo khép kín vòng ngăn mặn trữ ngọt, nhằm ổn định đời sống nhân dân, phát triển bền vững kinh tế - xã hội tại địa phương. Cụ thể, để ứng phó với hạn mặn, tỉnh đã khẩn trương triển khai thực hiện các dự án thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt (hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1; một số đoạn đê bao ven sông Tiền, ven sông Hàm Luông thuộc các huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Bình Đại và TP Bến Tre).

Không giống những năm trước, mùa khô năm nay, người dân ở các địa phương trong tỉnh đã có những cách làm bài bản, khoa học hơn trong việc trữ nước mưa, nước ngọt phụ vụ cho sản xuất, sinh hoạt. Điều này góp phần mang lại hiệu quả tích cực trong công tác phòng, chống hạn mặn. Đến nay, đa phần các hộ dân đều không phải lâm vào cảnh thiếu nước ngọt trầm trọng như mùa khô năm trước.

Hệ thống đê bao ngăn mặn ven biển ở Bến Tre có tổng chiều dài hơn 39km, đi qua 3 huyện ven biển là Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú. Hiện đã hoàn thành giai đoạn 1 với chiều dài 12,6km. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Hệ thống đê bao ngăn mặn ven biển ở Bến Tre có tổng chiều dài hơn 39km, đi qua 3 huyện ven biển là Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú. Hiện đã hoàn thành giai đoạn 1 với chiều dài 12,6km. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, từ những kinh nghiệm trong phòng chống, ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn các năm trước, ngay từ tháng 9/2020, ngành nông nghiệp tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp địa phương triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm cho mùa khô năm nay.

Sở cũng đã thực hiện bố trí cơ cấu mùa vụ, gieo trồng phù hợp, bảo đảm xuống giống sớm vụ Đông Xuân ở các vùng ven biển, nhằm hạn chế ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Đặc biệt, ưu tiên các giống lúa thơm, đặc sản, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn, nhóm giống chịu mặn, chịu phèn để thuận cho việc cung cấp nước tưới.

Tuy nhiên, hệ thống công trình thủy lợi vẫn chưa được khép kín như: Hệ thống thủy lợi Bắc và Nam Bến Tre đầu tư còn dở dang và Dự án quản lý nước sử dụng ODA vốn vay của Chính phủ Nhật bản (JICA3) vừa triển khai giai đoạn thiết kế và đấu thầu xây lắp…Do đó, tỉnh chưa thể chủ động kiểm soát được nguồn nước ngọt trong tình huống xâm nhập mặn diễn biến gay gắt. Điều này cho thấy, xâm nhập mặn đang trở thành vấn đề cấp bách cần giải quyết đối với tỉnh Bến Tre, bởi ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, Bến Tre vẫn đang theo sát diễn biến tài nguyên nước, thông tin dự báo ngắn hạn và dài hạn để chủ động bố trí sản xuất phù hợp, khuyến cáo người dân thay đổi mùa vụ, tập quán canh tác để thích ứng với điều kiện nguồn nước, nhất là những năm cực đoan. Trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn nghiêm trọng cần ưu tiên nguồn nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân, chăn nuôi gia súc và tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Xem thêm
Thị trường Trung Quốc - 'Át chủ bài' xuất khẩu trái cây

Kim ngạch xuất khẩu trái cây Việt Nam sang Trung Quốc ngày càng tăng và ước tính, năm 2024 sẽ đạt gần 5 tỷ USD.

Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Bổ nhiệm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc

BẮC GIANG Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vừa bổ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc Công ty CP Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc thay ông Nguyễn Đức Ninh nghỉ hưu theo chế độ.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...