| Hotline: 0983.970.780

Bản đồ nguy cơ thiên tai phục vụ sản xuất lúa

Thứ Tư 22/08/2018 , 14:50 (GMT+7)

Phương pháp lập bản đồ đã được thử nghiệm cuối năm 2016 và sau đó triển khai cho 13 tỉnh ĐBSCL từ đầu năm 2017. Đến tháng 7/2017, bản đồ nguy cơ ngập lụt và hạn mặn, bản đồ đề xuất cơ cấu luân canh lúa...

Để chủ động đối phó với các rủi ro liên quan tới khí hậu, phù hợp với điều kiện đặc thù của từng địa phương đồng thời hài hòa trong định hướng phát triển liên kết vùng, Cục Trồng trọt và Chương trình Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Nông nghiệp và An ninh Lương thực khu vực Đông Nam Á đã phối hợp xây dựng phương pháp lập bản đồ nguy cơ rủi ro thiên tai và kế hoạch thích ứng trong sản xuất lúa cho ĐBSCL.

Theo Thạc sỹ Lê Thanh Tùng, Trưởng Văn phòng phía Nam của Cục Trồng trọt, ý tưởng xây dựng bản đồ nguy cơ rủi ro thiên tai và kế hoạch thích ứng trong sản xuất lúa cho các tỉnh vùng ĐBSCL (gọi tắt là bản đồ) nảy sinh từ thực tế của đợt hạn mặn xảy ra gay gắt tại ĐBSCL trong các năm 2015 và 2016. Và trước đó là lũ lớn năm 2011. Những đợt hạn mặn, ngập lũ đó đã khiến cho nhiều địa phương lúng túng trong việc phải tổ chức sản xuất như thế nào khi mà hạn mặn, ngập lũ không còn diễn ra theo quy luật tự nhiên nữa, mà có cả tác động của con người lẫn tự nhiên.

Việc lập bản đồ bắt đầu từ phương pháp tiếp cận, thăm dò ý kiến của các chuyên gia, các cán bộ kỹ thuật ngành nông nghiệp ở các huyện. Đây là sự tiếp cận theo hệ thống sản xuất chứ không theo hệ thống công trình. Để đánh giá nguy cơ rủi ro về thiên tai, có 4 mức rủi ro được sử dụng tương ứng với các mức thiệt hại được quy định tại Thông tư liên tịch 43/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT của Bộ NN-PTNT và Bộ KH-ĐT và Nghị định 02/2017 của Chính phủ, gồm: Rủi ro cao (có thể làm giảm trên 70% năng suất hoặc sản lượng); rủi ro trung bình (có thể làm giảm 30 - 70% năng suất hoặc sản lượng); rủi ro thấp (có thể làm giảm dưới 30% năng suất hoặc sản lượng); và không rủi ro (không bị ảnh hưởng tới năng suất hoặc sản lượng).

Phương pháp lập bản đồ đã được thử nghiệm cuối năm 2016 và sau đó triển khai cho 13 tỉnh ĐBSCL từ đầu năm 2017. Đến tháng 7/2017, bản đồ nguy cơ ngập lụt và hạn mặn, bản đồ đề xuất cơ cấu luân canh lúa, và bản đồ đề xuất lịch thời vụ thích ứng với nguy cơ thiên tai của toàn bộ 13 tỉnh và toàn vùng ĐBSCL đã được hoàn thiện.

Tháng 7/2017, toàn bộ các bản đồ số đã được bàn giao cho Cục Trồng trọt và Sở NN-PTNT các tỉnh, TP vùng ĐBSCL. Hoạt động này hỗ trợ cho Cục Trồng trọt và các tỉnh tự xây dựng phương án quản lý sản xuất lúa thích ứng với BĐKH thông qua việc lập bản đồ về nguy cơ ngập lụt, hạn hán và xâm nhập mặn quy mô tỉnh; kế hoạch thích ứng trong sản xuất lúa cho từng tỉnh và cho toàn vùng.

Kết quả xây dựng bản đồ nguy cơ thiên tai tại 13 tỉnh cho thấy nguy cơ giảm năng suất lúa do ngập lũ có ở 9 tỉnh và do hạn mặn có ở 10 tỉnh của ĐBSCL. Diện tích có nguy cơ gặp rủi ro thiên tai của các tỉnh thay đổi tùy theo cường độ của thiên tai.

Ví dụ, những năm ngập lũ cực đoan có thể làm diện tích có nguy cơ tăng tới 67% ở Vĩnh Long, hay hạn mặn cực đoan làm diện tích có nguy cơ tăng lên trên 60% ở Hậu Giang. Một số tỉnh có cả hai nguy cơ ngập lũ và hạn mặn như Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang, Tiền Giang và Vĩnh Long. Trên cơ sở đó, các biện pháp thích ứng được đề xuất cho sản xuất lúa bao gồm thay đổi cơ cấu mùa vụ và chuyển dịch lịch thời vụ (thời điểm xuống giống).

Ở ĐBSCL, kế hoạch sản xuất lúa của các tỉnh liền kề có ảnh hưởng trực tiếp với nhau. Trong những năm hạn hán, dung tích và thời gian giữ nước của các tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp có thể làm thay đổi mức độ rủi ro và quy mô thiệt hại của các tỉnh cuối nguồn như Kiên Giang, Long An.

Ngoài ra, cơ chế chia sẻ các tài nguyên khác như lao động, cơ giới nông nghiệp... của tỉnh này cũng ảnh hưởng lớn tới kế hoạch sản xuất và thích ứng với thiên tai của các tỉnh khác. Bản đồ nguy cơ thiên tai và kế hoạch thích ứng của từng tỉnh riêng rẽ đã được kết hợp và thống nhất theo 3 tiểu vùng: Vùng thượng nguồn gồm An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An; vùng trung tâm gồm Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang, Hậu Giang; vùng ven biển gồm Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh và Bến Tre. Qua đó, các tỉnh trong các tiểu vùng có thể kết hợp khi thực hiện các kế hoạch thích ứng.

Sắp tới, bản đồ nguy cơ rủi ro thiên tai và kế hoạch thích ứng trong sản xuất lúa tại các tỉnh ĐBSCL sẽ được tích hợp cả cơ cấu giống lúa, tình hình dịch hại... Qua đó sẽ dự báo được sản lượng lúa, cơ cấu giống lúa khi thu hoạch... ở từng tiểu vùng, địa phương.

Thạc sỹ Lê Thanh Tùng cho biết, bản đồ nguy cơ rủi ro thiên tai và kế hoạch thích ứng trong sản xuất lúa tại các tỉnh ĐBSCL khi đã tích hợp đầy đủ các yếu tố nói trên, công tác chỉ đạo sản xuất lúa ở ĐBSCL sẽ chuyển từ thống kê, báo cáo sang dự tính, dự báo. Qua đó, sẽ dự báo được tương đối chính xác sản lượng, chủng loại lúa thu hoạch hàng tháng tại các địa chỉ cụ thể. Nhờ vậy, các DN XK gạo sẽ nắm được sản lượng lúa gạo hàng tháng, sản lượng của từng chủng loại lúa gạo tại các địa chỉ cụ thể để DN chủ động hơn trong việc ký kết hợp đồng XK và tiêu thụ lúa hàng hóa cho nông dân.

Khi đã xây dựng và vận hành thành công bản đồ nguy cơ rủi ro thiên tai và kế hoạch thích ứng trong sản xuất lúa, có thể làm tiếp những bản đồ tương tự cho cây ăn trái và các loại cây trồng chủ lực khác.

 

Xem thêm
Người làm nên thương hiệu 'heo say xỉn'

NINH BÌNH Mấy năm nay tôi không thể vào một trại lợn nào vì chủ trại phòng dịch rất nghiêm, thế mà anh Nga bảo vào thoải mái, lao động ở đây còn thường xuyên về nhà.

Chú trọng tiêm vacxin, chống buôn lậu trước mùa nguy cơ dịch bênh

Chỉ đạo hoạt động của ngành thú y, chăn nuôi thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh công tác kiểm soát dịch bệnh bằng vacxin và phòng chống buôn lậu.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.