| Hotline: 0983.970.780

Bàn giao Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững

Thứ Sáu 29/10/2021 , 15:59 (GMT+7)

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, Tổng cục Lâm nghiệp bàn giao Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam.

Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp và ông Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam ký biên bản. Ảnh: Bảo Thắng.

Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp và ông Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam ký biên bản. Ảnh: Bảo Thắng.

Ngày 28/10, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) tổ chức lễ bàn giao Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam.

Tổng cục trưởng Nguyễn Quốc Trị cho biết, lâm nghiệp là ngành mang lại giá trị kinh tế cao, với mục tiêu xuất khẩu đạt 15 tỷ USD trong năm 2021. Hòa chung mục tiêu chung của ngành, quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành, nhằm giúp nâng cao hiệu quả, giá trị khai thác.

"Cấp chứng chỉ rừng bền vững là xu hướng tất yếu trên thế giới. Với Việt Nam, đây là một bước tiến lớn của ngành lâm nghiệp, vừa góp phần bảo vệ, phát triển rừng, vừa nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp trên một đơn vị diện tích", ông Nguyễn Quốc Trị nói.

Theo lãnh đạo ngành lâm nghiệp, hiện cả nước có trên 500 chủ rừng là tổ chức được Nhà nước giao quản lý gần 7 triệu ha rừng. Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia đã hỗ trợ nhiều đơn vị xây dựng mô hình, trong đó có Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam với hơn 300.000 ha. 

Trong thời gian qua, Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững đã tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao năng lực, nhận thức cho hơn 1.600 lượt cán bộ quản lý lâm nghiệp các cấp, chủ rừng, doanh nghiệp chế biến lâm sản.

Đồng thời Văn phòng đã xây dựng các bộ tiêu chuẩn, tài liệu của Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia và được tổ chức PEFC công nhận là thành viên chính thức thứ 50. Đến nay, Hệ thống Chứng chỉ rừng quốc gia đã cấp được hơn 55.000 ha rừng có chứng chỉ VFCS/PEFC.

"Năng suất rừng trồng của Việt Nam không ngừng tăng lên. Nếu có thêm chứng chỉ, giá trị trên mỗi diện tích rừng trồng có thể tăng thêm 30%. Ngoài ra, hầu hết các thị trường Việt Nam đang xuất khẩu gỗ cũng đều đòi hỏi sản phẩm có chứng chỉ, truy xuất được nguồn gốc gỗ hợp pháp", ông Trị nói tiếp.

Việc quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng đã đạt những kết quả tích cực. Đến nay, cả nước có trên 2 triệu ha rừng của chủ rừng là tổ chức được xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, tổ chức thực hiện theo phương án quản lý rừng bền vững, có trên 300.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC và VFCS/PEFC và trên 3 triệu m3 gỗ rừng trồng có chứng chỉ đi vào chuỗi cung phục vụ chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Trên cơ sở thành quả này, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp bày tỏ mong muốn, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam sớm xây dựng kế hoạch chi tiết vận hành Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia giai đoạn 2021-2025; rà soát, cập nhập các bộ tiêu chuẩn, tài liệu liên quan của Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia để sớm ban hành, công bố theo quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Quốc Trị cũng đề nghị Viện có kế hoạch ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới việc đánh giá cấp chứng chỉ rừng, hạ giá thành cấp chứng chỉ rừng, giúp nâng cao vị thế, thương hiệu, uy tín của Hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam VFCS/PEFC.

Thay mặt đơn vị tiếp nhận - Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam - GS. TS. Võ Đại Hải, Giám đốc Viện cam kết hợp tác chặt chẽ với Tổng cục Lâm nghiệp và Tổ chức chứng nhận quốc tế PEFC để xây dựng một số đề án như: Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng; tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững; Tiêu chuẩn về chuỗi hành trình sản phẩm lâm sản và các hướng dẫn tổ chức thực hiện chứng chỉ rừng.

"Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam phấn đấu, nâng diện tích rừng có chứng chỉ lên 500.000 ha vào 2025 và 1 triệu ha vào năm 2030", ông Võ Đại Hải nhấn mạnh.

Song song với việc nhân rộng trên cả nước mô hình liên kết quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ,  Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam hứa hướng dẫn chủ rừng, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh rừng theo chuỗi. 

Thời gian tới, Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững sẽ tiếp tục hoàn thiện Bộ tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững theo hướng dẫn của PEFC với 7 nguyên tắc, 34 tiêu chí, 122 chỉ số. Đồng thời, Văn phòng sẽ xây dựng, phát triển thương hiệu chứng chỉ rừng Việt Nam trên thị trường trong nước, quốc tế; và quảng bá, giới thiệu Hệ thống VFCS trong các hoạt động liên kết, hợp tác quốc tế.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tre xanh trên Long Cốt sơn

Quảng Ngãi Tre xanh tốt trên núi cằn trơ sỏi đá. Thân tre to lớn vươn lên trời cao, mở ra hướng làm ăn mới cho bà con nông dân ở vùng đất bạc màu.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.