| Hotline: 0983.970.780

Băn khoăn làm lúa 3 vụ/năm: [Bài 2] Không phát triển thêm lúa vụ 3

Thứ Năm 19/09/2024 , 06:23 (GMT+7)

ĐỒNG THÁP Sản xuất lúa vụ 3 đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân. Nhưng về dài hạn, cần khuyến khích người dân chuyển đổi sinh kế, không mở rộng diện tích.

Làm 3 vụ vẫn có hiệu quả kinh tế

Theo kết quả điều tra hệ thống đê bao, bờ bao khu vực ĐBSCL do Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam thực hiện, toàn vùng có tổng số 8.192 ô bao/tuyến đê bao, trong đó có 6.399 ô bao/tuyến đê bao triệt để. Về nhiệm vụ bảo vệ, có 4.793 ô bao/tuyến đê bao kiểm soát lũ. Tổng chiều dài đê bao, bờ bao khoảng 53.448km, trong đó có 18.936km đê/bờ bao kết hợp giao thông.

Một trong những tuyến đê bao khép kín ở TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Kim Anh.

Một trong những tuyến đê bao khép kín ở TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Kim Anh.

Bài liên quan

Riêng tại tỉnh Đồng Tháp hiện có 1.102 đê bao, bờ bao triệt để, bảo vệ cho vùng sản xuất gần 190.200ha, với chiều dài trên 6.700km. Hiện một số tuyến đê bao đang được đầu tư nâng cấp, cứng hóa như đê Sa Rài ở huyện Tân Hồng với chiều dài khoảng 7,7km.

Rõ ràng, việc quy hoạch, xây dựng và phát triển hệ thống đê bao ở vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng đã mang lại hiệu quả tích cực đối với sản xuất lúa của bà con nông dân.

Tuy vướng phải những bất lợi về thời tiết và phát sinh dịch hại do việc khép kín đê bao, đồng ruộng không được xả lũ khiến đất đai bạc màu, tuy nhiên ông Nguyễn Đắc Hòa ở khóm 3, thị trấn Sa Rài (huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) khẳng định, làm lúa 3 vụ/năm vẫn mang lại hiệu quả kinh tế hơn ngày xưa nhờ lúa bán được giá cao.

Như ông Đoàn Văn Năm ở khóm 3, thị trấn Sa Rài canh tác 12ha lúa liên tục 3 vụ/năm. Thời điểm thu hoạch, ông chỉ cần đứng trên bờ ruộng theo dõi, cắt xong, lúa được chở vô tận nơi để cân và lấy tiền mặt.

Theo ông Năm, năng suất làm lúa 3 vụ và 2 vụ là tương đương nhau. Nhưng canh tác 3 vụ nông dân có lợi nhuận cao hơn, đặc biệt là thời điểm cách đây khoảng 4 – 5 năm. Vụ hè thu 2024, ruộng nhà ông thu hoạch đạt 752kg/công, lợi nhuận khoảng 2 – 2,5 triệu đồng/công.

Với sự hỗ trợ của máy móc, cơ giới hóa, giao thông thuận lợi, việc trồng lúa giờ đây đã thuận lợi hơn rất nhiều. Ảnh: Kim Anh.

Với sự hỗ trợ của máy móc, cơ giới hóa, giao thông thuận lợi, việc trồng lúa giờ đây đã thuận lợi hơn rất nhiều. Ảnh: Kim Anh.

Một nông dân cùng ngụ thị trấn Sa Rài (huyện Tân Hồng) chia sẻ thêm, thực tế từ trước khi hệ thống đê bao khép kín ở địa phương được đầu tư, việc sản xuất lúa 3 vụ cũng đã được nông dân manh nha thực hiện.

Đến thời điểm đê bao được đầu tư, tạo thành tuyến đường vừa phục vụ sản xuất, vừa tạo giao thông đi lại thuận lợi cho bà con, đồng ruộng khép kín, chính quyền địa phương đã phát động bà con trồng lúa 3 vụ một cách an toàn, ăn chắc, bà con không tốn chi phí đầu tư, duy tu.

Cũng theo nông dân này, ngày trước đê bao khép kín, làm lúa vụ 3 rất khỏe, tuy nhiên không nên mở rộng thêm diện tích. Hiện tại, nếu bà con muốn chuyển đổi sang cây trồng khác cũng không được, vì chi phí cao nhưng chưa chắc mang lại hiệu quả.

Thực tế ở thị trấn Sa Rài đã có một số hộ chuyển đổi sang trồng cây ăn trái hoặc nuôi trồng thủy sản nhưng mang tính nhỏ lẻ.

“Bỏ lúa vụ 3 thì không ai bỏ, vì xung quanh người ta làm hết rồi. Ngày xưa làm lúa 2 vụ, năng suất mong ước chỉ khoảng 900kg/công (vụ đông xuân), 700kg/công (vụ hè thu) nhưng thời đó tuốt bằng máy “chua” lắm, cắt xong gặp nắng gom lại, phơi, mà cũng không có chỗ phơi, chi phí phơi cũng cao lắm. Còn bây giờ cắt máy, không phơi nữa, năng suất lúa cả 3 vụ có năm bị thiên tai thì thất, còn bình thường vẫn cao”, lão nông này bộc bạch.

Không phát triển thêm lúa vụ 3

Trao đổi với ông Hồ Văn Lý, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tân Hồng, chúng tôi được biết diện tích sản xuất lúa vụ 3 của địa phương gần 11.000ha/năm nằm trong khu vực có đê bao khép kín, chống lũ triệt để.

Thực tế việc tổ chức sản xuất lúa vụ 3 không đồng loạt, một số diện tích đã tổ chức sản xuất từ trước giai đoạn năm 2010 – 2011. Sau này, khi hệ thống đê bao được xây dựng hoàn chỉnh, bà con bắt đầu mở rộng. Gốc rễ của quá trình canh tác lúa vụ 3 ở Tân Hồng ít nhất trên 10 năm.

Từ trên cao nhìn xuống có thể thấy rõ sự khác biệt giữa hai vùng sản xuất trong và ngoài đê bao ở tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Kim Anh.

Từ trên cao nhìn xuống có thể thấy rõ sự khác biệt giữa hai vùng sản xuất trong và ngoài đê bao ở tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Kim Anh.

Ông Lý nhìn nhận, việc sản xuất liên tục 3 vụ trong nhiều năm liền đã khiến đất đai nghèo dinh dưỡng, áp lực sâu bệnh ngày càng tăng, năng suất giảm. Cụ thể, những năm trước năng suất lúa bình quân ở huyện Tân Hồng đạt khoảng 6,8 tấn/ha/năm nhưng hiện nay chỉ ở mức 6,3 – 6,4 tấn/ha/năm.

Vấn đề này đã được ngành nông nghiệp địa phương dự báo trước đó cách đây trên 10 năm. Điển hình, Phòng NN-PTNT huyện Tân Hồng đã tham mưu UBND huyện thực hiện xả lũ có kiểm soát 3 năm/lần ở khu vực trong đê bao.

Mục đích của việc xả lũ là giúp các cánh đồng rửa trôi chất hóa học trên đất, tiêu diệt mầm bệnh lưu tồn, cung cấp phù sa cho đồng ruộng.

Chủ trương là vậy, tuy nhiên khi triển khai lại không thành công. Nguyên nhân là trong quá trình canh tác, vùng trong đê bao đã hình thành nhiều hoạt động sản xuất kinh tế nông nghiệp khác, không chỉ độc canh cây lúa như trước mà đã xen kẽ hoa màu, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản... Theo ông Lý, các hoạt động sản xuất nông nghiệp này mâu thuẫn với nhau. Do đó, trước khi mùa lũ đến, địa phương đã tổ chức họp dân để xả đón lũ nhưng bà con không đồng tình. Thực trạng này kéo dài đến tận hôm nay khi chưa có một cánh đồng nào trong vùng đê bao ở huyện Tân Hồng được xả đón lũ.

“Có thời điểm cá tra có giá, trong những cánh đồng lúa vụ 3, bà con lên hầm nuôi cá tra giống. Đến khi không đạt hiệu quả, bà con san lấp lại tiếp tục trồng lúa hoặc chuyển qua nuôi các loài thủy sản khác như tôm thẻ chân trắng, cá chạch”, ông Lý cho biết.

Canh tác lúa 3 vụ/năm dù mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trước, nhưng đi kèm là áp lực dịch hại, gia tăng chi phí sản xuất. Ảnh: Kim Anh.

Canh tác lúa 3 vụ/năm dù mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trước, nhưng đi kèm là áp lực dịch hại, gia tăng chi phí sản xuất. Ảnh: Kim Anh.

Khi được hỏi về định hướng giải quyết vấn đề trên, ông Lý cho biết, hiện địa phương đang đẩy mạnh triển khai Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao. Do đó, địa phương tận dụng nguồn lực từ Đề án, tiến hành cung cấp, hỗ trợ phân bón hữu cơ giúp nông dân cải tạo, phục hồi lại dinh dưỡng trong đất.

Đồng thời, khuyến khích bà con sử dụng giống xác nhận, sạ hàng, sạ thưa để giảm lượng giống, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Từ bối cảnh thực tế trên, theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, quan điểm phát triển hệ thống đê bao, bờ bao vùng ĐBSCL thời gian tới là khuyến khích người dân chuyển đổi sinh kế, không phát triển thêm diện tích lúa vụ 3.

Theo kế hoạch phát triển ngành hàng lúa gạo tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, địa phương này đặt mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng các loại cây ăn trái, cây hàng năm khác có giá trị kinh tế cao để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho hộ sản xuất. Cụ thể, diện tích gieo trồng lúa toàn tỉnh tối thiểu là 470.940ha, năng suất đạt trên 3 triệu tấn. Trong đó, diện tích sản xuất lúa hữu cơ đến năm 2025 đạt 600ha.

Đồng thời, tỉnh xây dựng kế hoạch sản xuất theo hướng luân phiên cho đất có thời gian xả lũ, thời gian nghỉ giữa 2 vụ kéo dài nhằm cải tạo, duy trì độ phì nhiêu của đất.

Xem thêm
Loại mật ong xứng đáng 9 điểm: [Bài 1] Sáng kiến thay chúa kế vương

HẢI PHÒNG Một lần dự hội nghị ở Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tại Hà Nội tôi được nếm thử thứ mật ong xứng đáng được chấm cho 9 điểm.

Xử lý nghiêm buôn lậu lợn qua biên giới Tây Nam

TÂY NINH Trước tình hình buôn lậu lợn qua biên giới Tây Nam diễn ra phức tạp làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan dịch bệnh, Tây Ninh đặt ra nhiều giải pháp ngăn chặn.

Chuyển giao giống cà phê chất lượng cao phục vụ tái canh

ĐẮK LẮK Bên cạnh công tác nghiên cứu, việc chuyển giao giống cà phê cho người dân, doanh nghiệp được Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chú trọng.