| Hotline: 0983.970.780

Đẩy mạnh tái canh, nâng tầm giá trị cà phê

Thứ Năm 19/09/2024 , 10:45 (GMT+7)

Đẩy mạnh tái canh, đưa giống mới chất lượng vào sản xuất đã giúp cho ngành hàng cà phê của tỉnh Gia Lai từng bước nâng cao năng suất và giá trị trên thị trường.

Vườn cà phê tái canh của gia đình anh Xuân bước vào vụ thu hoạch chính. Ảnh: Tuấn Anh.

Vườn cà phê tái canh của gia đình anh Xuân bước vào vụ thu hoạch chính. Ảnh: Tuấn Anh.

Bỏ dần những vườn cà phê già cỗi, năng suất kém

Huyện Đăk Đoa là một trong những địa phương có diện tích cà phê lớn nhất tỉnh Gia Lai với hơn 28.000ha. Giai đoạn 2020 - 2024, người dân trên địa bàn huyện đã tái canh được hơn 1.500ha thay thế vườn cà phê già cỗi, giống không đảm bảo chất lượng, dẫn đến năng suất kém.

Trước đây, đình anh Xuân (xã Glar, huyện Đăk Đoa) có vườn cà phê 700 cây già cỗi, năng suất thấp. Sau khi tham khảo nhiều nơi, anh Xuân chọn sử dụng giống xanh lùn và TR4 để thực hiện tái canh cho vườn cà phê.

“Sau 2 năm trồng và chăm sóc, đã có khoảng 70 cây cà phê cho quả bói, gia đình thu được hơn 8 triệu đồng. Năm nay, bước vào vụ thu hoạch chính, doanh thu dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi so với năm ngoái”, anh Xuân chia sẻ.

Theo anh Xuân, tái canh cà phê muốn đảm bảo bền vững thì quan trọng nhất là khâu xử lý đất. Phải mất ít nhất 1 năm để thực hiện cải tạo đất trước khi xuống giống cà phê thì mới hiệu quả. Nếu không, cà phê dễ bị sâu bệnh, tuyến trùng tấn công.

Vườn cà phê tái canh của gia đình bà Hưởng. Ảnh: Tuấn Anh.

Vườn cà phê tái canh của gia đình bà Hưởng. Ảnh: Tuấn Anh.

Tương tự, trải qua 4 năm, nông dân ở huyện Chư Sê đã thực hiện tái canh được hơn 1.100ha cà phê. Nhờ thực hiện theo đúng quy trình tái canh, đưa giống chất lượng cao vào sản xuất nên phần lớn các vườn cà phê sinh trưởng tốt, năng suất, chất lượng đảm bảo.

Vườn cà phê 1,4ha của gia đình bà Nguyễn Thị Hưởng (thôn 5, xã Ia Pal, huyện Chư Sê) trồng từ trước năm 2.000 nên đã già cỗi, bình quân chỉ thu được khoảng 2 tấn nhân/ha. Nhận thấy nếu cứ tiếp tục chăm sóc vườn cà phê, gia đình không đủ bù đắp chi phí. Đến năm 2021, được hỗ trợ chi phí mua cây giống cà phê vối lai TRS1, bà Hưởng đã tiến hành tái canh vườn.

“Dù mới tái canh được 2 năm nhưng 700 cây cà phê đã cho thu bói hơn 7 tấn quả tươi. Trong khi đó, 700 cây mới tái canh năm 2023 cũng đang phát triển rất tốt”, bà Hưởng chia sẻ.

Tiếp tục đẩy mạnh tái canh, sử dụng giống chất lượng

Để đẩy mạnh tái canh cà phê, hàng năm huyện Chư Sê đều dành một phần ngân sách kết hợp nguồn kinh phí xã hội hóa nhằm hỗ trợ người dân.

Ông Lê Sỹ Quý, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Sê cho biết, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc vườn cây cà phê tái canh theo hướng hữu cơ, bền vững. Nhờ đó, những diện tích cà phê tái canh đã đi vào kinh doanh cho năng suất cao, đạt 5 - 6 tấn nhân/ha. So với những vườn cà phê già cỗi trước đây, vườn cây tái canh cho năng suất cao hơn từ 10 - 20%.

Những vườn cà phê tái canh sử dụng giống mới cho năng suất, chất lượng cao. Ảnh: Tuấn Anh.

Những vườn cà phê tái canh sử dụng giống mới cho năng suất, chất lượng cao. Ảnh: Tuấn Anh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Kim Anh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đăk Đoa cho biết, các giống cà phê mới đưa vào tái canh đã đáp ứng tốt trước tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay, kháng được các loại sâu bệnh hại và chịu hạn tốt.

Trong đó, các giống cà phê mới như TR4, TRS1 rất phù hợp với chân đất của địa phương nên được nhiều người dân trên địa bàn sử dụng rộng rãi. Nhờ đẩy mạnh tái canh trong thời gian qua, cây cà phê trên địa bàn huyện có năng suất vượt trội và chất lượng ngày càng đáp ứng tốt trên thị trường.

“Huyện Đăk Đoa tiếp tục phối hợp cùng Công ty TNHH Nestlé Việt Nam triển khai hỗ trợ kinh phí và giống chất lượng từ các viện nghiên cứu cây trồng cho người dân trên địa bàn tái canh hiệu quả”, ông Anh thông tin.

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.