| Hotline: 0983.970.780

Nông dân muốn trồng lúa, chính quyền muốn đón lũ

Chủ Nhật 05/09/2021 , 18:15 (GMT+7)

Một số nông dân huyện Châu Phú (An Giang) gửi thư cho Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT đề xuất được tiếp tục xuống giống lúa thu đông 2021, thay vì xả đón lũ.

Thông lệ hàng năm, An Giang đều có kế hoạch xả lũ trong vụ lúa thu đông theo hình thức 3 năm 8 vụ được luân phiên theo từng địa phương.

Cánh đồng xả lũ ở An Giang năm 2020 mang về phù sa cho đồng ruộng và cả nguồn lợi thủy sản phong phú. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Cánh đồng xả lũ ở An Giang năm 2020 mang về phù sa cho đồng ruộng và cả nguồn lợi thủy sản phong phú. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Cách làm này đa phần nông dân An Giang đều đồng tình và hưởng ứng, cho đất nghỉ ngơi 1 vụ lúa để lấy phù sa, sau bao năm tháng sản xuất liên tục 3 vụ lúa trong năm. Đặc biệt, vụ lúa thu đông 2021, ngành nông nghiệp An Giang xuống giống trên 160.000 ha, dự kiến xả lũ 70.000 ha đất sản xuất nông nghiệp để lấy phù sa vào ruộng đồng, nhưng còn tùy thuộc vào con nước lũ về nhiều hay ít.

Theo nhiều nông dân canh tác lúa lâu năm ở An Giang nhận định, việc xả lũ hàng năm để lấy phù sa sẽ mang lại nhiều lợi ích ở vụ lúa sau. Cụ thể như: Từng bước cải tạo đất, làm tăng độ phì nhiêu của đất, hạn chế lúa cỏ, cỏ dại, cắt giảm nguồn dịch hại lưu tồn trên đồng ruộng, giảm ngộ độc hữu cơ, giảm lượng độc chất trong đất, tăng độ phì nhiêu cho đất, giảm phân bón, thuốc BVTV và tăng hiệu quả sản xuất…

Đặc biệt hơn, những cánh đồng xả lũ còn làm giảm áp lực nước lũ khi con nước cao điểm đầu nguồn sông Mekong đổ về nhằm tránh tình trạng vỡ đê bao ở các khu đang xuống giống lúa thu đông. Bên cạnh đó, việc xả lũ còn giúp các loài thủy sản dồi dào như cá, tôm cua… phát triển, từ đó tạo thêm công ăn việc làm giúp cư dân vùng lũ có thêm nguồn thu nhập ổn định từ việc đánh bắt thủy sản.

Vụ lúa thu đông 2021, ngành nông nghiệp An Giang dự kiến xả lũ 70.000 ha đất sản xuất nông nghiệp để lấy phù sa vào ruộng đồng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Vụ lúa thu đông 2021, ngành nông nghiệp An Giang dự kiến xả lũ 70.000 ha đất sản xuất nông nghiệp để lấy phù sa vào ruộng đồng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tuy nhiên, bên cạnh nhiều lợi ích, việc xả lũ lấy phù sa lại ảnh hưởng đến việc sản xuất lúa thu đông, vì xả lũ phải mất 2 - 3 tháng, nông dân không thể canh tác lúa thu đông được. Trong khi đó dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, cần tăng cường sản xuất lương thực.

Từ thực tế đó, một số nông dân ở huyện Châu Phú đã gửi thư phản ánh lên Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT nhờ hỗ trợ khó khăn. Nông dân Lê My Sên (tên giấy khai sinh Lê Thành Khoảnh) ở xã Mỹ Đức, Châu Phú, tỉnh An Giang đã phản ánh qua đường dây nóng đến Tổ 970, với nội dung xin được tiếp tục xuống giống lúa thu đông 2021.

Trong thư phản ánh của ông Lê My Sên có nêu: Hiện gia đình ông đang thuê 6 ha đất ở tiểu vùng 2, ấp Mỹ Hiệp, xã Mỹ Đức để trồng lúa. Hiện chính quyền xã không cho ông sạ lúa thu đông, lý do nằm trong kế hoạch để xả lũ lấy phù sa vào đồng ruộng. Chủ trương này ông Sên và các hộ trồng lúa lớn trong vùng chưa được UBND xã bàn bạc, chưa có sự thống nhất.

Ông Sên cho rằng, phần đất ông anh tác là nằm vùng trong đê bao, diện tích 6km2. Trong khi đó các ấp khác như ở ấp Mỹ Thạnh, thuộc xã Mỹ Đức nông dân lại được xuống giống lúa bình thường nên ông và một ít hộ khác làm lúa gần đó không được xuống giống, buộc để đất hoang là rất lãng phí. Với cách làm đó của địa phương, sẽ không công bằng đối với gia đình ông và một ít nông dân khác.

Bên cạnh nhiều cái lợi, việc xả lũ khiến nông dân không thể sản xuất được lúa thu đông. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bên cạnh nhiều cái lợi, việc xả lũ khiến nông dân không thể sản xuất được lúa thu đông. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Sên và các hộ trồng lúa lớn ở ấp Mỹ Hiệp kiến nghị: Dự báo năm nay lũ nhỏ nên việc đón lũ xả vào đồng là không khả thi, không hiệu quả. Đề nghị UBND xã Mỹ Đức và ngành nông nghiệp huyện Châu Phú cho dân được bơm nước vào đồng để sạ lúa thu đông kịp thời vụ. Nếu được sạ ngay bây giờ, đến cuối tháng 11 là có lúa thu hoạch, sẽ bán được giá cao.

“Trong khi đó hiện nay đang dịch bệnh, nông dân đang rất khó khăn và không trồng lúa thì không biết làm gì. Nếu bỏ nhà lên TP. HCM làm thuê kiếm sống cũng không thể được. Giờ để ruộng hoang chờ vụ đông xuân tới thì phải đợi đến tháng 2/2022 mới xuống giống được, và tức là phải đến hơn 5 tháng sau, nông dân mới có lúa. Quãng thời gian đó nông dân chúng tôi sống bằng gì?”, ông Sên nói.

Ngày 4/9, ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho hay, Sở NN-PTNT đã nhận được thư phản ánh của hộ ông Lê My Sên. Tổ phản ứng nhanh của tỉnh An Giang đã nhanh chóng kết hợp cùng UBND huyện Châu Phú tìm hiểu để tháo gỡ khó khăn cho nông dân.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Phú, thành viên Tổ phản ứng nhanh của tỉnh An Giang cho biết: Hiện ông Sên có đất canh tác tại tiểu vùng Kinh 3 và Kinh 5 (khu vực kinh Cần Thảo, kinh 3/2) thuộc xã Mỹ Đức. Khu vực này nằm trong hế hoạch xả lũ năm 2021 của UBND huyện Châu Phú.

Việc xả lũ giúp cho các loài thủy sản dồi dào trên đồng ruộng, giúp cư dân vùng lũ có thêm nguồn thu nhập từ việc đánh bắt thủy sản. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Việc xả lũ giúp cho các loài thủy sản dồi dào trên đồng ruộng, giúp cư dân vùng lũ có thêm nguồn thu nhập từ việc đánh bắt thủy sản. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ngay từ đầu năm 2021, UBND huyện đã thông báo trên đài truyền thanh của huyện và UBND xã có thông tin rộng rãi đến người dân, các tổ hợp tác, HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện để nắm rõ. Việc ông Sên chưa nắm chủ trương về việc xả lũ, hiện nay UBND huyện cùng Phòng NN-PTNT địa phương đã yêu cầu UBND xã Mỹ Đức mời hộ ông Sên để thông tin rõ hơn về kế hoạch xả lũ chung của toàn huyện vào ngày 6/9/2021.

Theo bà Lan, việc thực hiện tốt chủ trương sản xuất 3 năm 8 vụ nhằm mang lại hiệu quả sử dụng đất lâu dài và bền vững, tạo được sự đồng tình và ủng hộ của người dân trong việc thực hiện xả lũ. Mục đích xả lũ nhằm điều chỉnh lịch thời vụ theo khuyến cáo của ngành chuyên môn để định hướng phát triển vùng sản xuất lúa an toàn và bền vững, góp phần tăng lợi nhuận cho người dân.

Đồng thời, việc xả lũ phải đảm bảo an toàn tính mạng cho trẻ em trong vùng xả lũ, đảm bảo an toàn cho sản xuất, phù hợp với chủ trương chuyển dịch cơ cấu sản xuất của vùng. Các hệ thống trạm bơm phải đảm bảo được duy tu bảo dưỡng và vận hành tốt trong việc điều tiết nước và chủ trương xả lũ được thông tin rộng rãi đến người dân để nắm rõ.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.