| Hotline: 0983.970.780

Băn khoăn làm lúa 3 vụ/năm: [Bài 3] Khôi phục hệ sinh thái tự nhiên cần đồng nhất giữa các địa phương

Thứ Sáu 20/09/2024 , 06:30 (GMT+7)

ĐỒNG THÁP Trữ cá tự nhiên vùng ngoài đê bao dù chứng minh được hiệu quả, khôi phục hệ sinh thái tự nhiên, nhưng giữa các huyện, thị chưa có sự thống nhất trong quản lý.

“Làm chơi ăn thiệt”

Thay vì thâm canh 3 vụ lúa/năm, một nhóm nông dân nằm ngoài vùng đê bao ở ấp Long An A, xã Phú Thành A (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) lựa chọn phát triển mô hình sinh thái lúa – cá – vịt.

Cụ thể, thời điểm nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về, bà con bao lưới trữ cá tự nhiên trong đồng ruộng. Các cửa lấy nước được thiết kế riêng biệt để cá chỉ vào mà không ra được. Đến con nước tầm tháng 9 – 10 (âm lịch), bà con bắt đầu thu hoạch cá.

Khôi phục hệ sinh thái tự nhiên là một trong những giải pháp giúp sản xuất lúa trở nên bền vững hơn. Ảnh: Kim Anh.

Khôi phục hệ sinh thái tự nhiên là một trong những giải pháp giúp sản xuất lúa trở nên bền vững hơn. Ảnh: Kim Anh.

Bài liên quan

Vào mùa khô, sau khi sạ lúa đông xuân, bà con tiếp tục thả nuôi vịt trong ruộng lúa, ngoài ra còn một số ít cá thiên nhiên sót lại trong ruộng sẽ được tiếp tục dự trữ, tạo thành mô hình sản xuất tuần hoàn.

Cái lợi rõ nhất là việc canh tác lúa theo hình thức sạ cụm, sạ hàng là tạo được độ thoáng cho cây lúa phát triển, cây lúa khỏe hơn. Vịt được thả vào ruộng ăn cỏ dại, côn trùng, sâu giúp hạn chế sinh vật gây hại lúa, nhờ đó hạn chế được 1 – 2 lần phun thuốc BVTV...

Anh Nguyễn Thiện Thuật, Phó Giám đốc HTX Sản xuất nông nghiệp sinh thái Quyết Tiến ở ấp Long An A, xã Phú Thành A là một trong những nông dân tiên phong tham gia mô hình từ năm 2021.

Thời điểm đó, vào mùa lũ bà con nông dân thường mạnh ai nấy làm, một là để ruộng trống hoặc đánh bắt cá tự nhiên. Dần nhận thấy nguồn lợi cạn kiệt, anh Thuật cùng một vài nông dân khác cùng chung chí hướng, mạnh dạn hùn vốn, liên kết với nhau thử nghiệm mô hình trên với quy mô hơn 10 công đất.

Bài liên quan

Làm chơi, nhưng mô hình cho hiệu quả kinh tế khá ổn. Đặc biệt, trong một dịp tình cờ, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan ghé thăm, động viên và lập ra một nhóm nông dân, gồm 7 thành viên cùng phát triển mô hình.

Đến năm 2023, mô hình phát triển thành tổ hợp tác quản lý cộng đồng, mở rộng quy mô lên 200 công, cho lợi nhuận bình quân trên 100 triệu đồng vào mùa nước lũ. Bình quân 1 năm, nếu bà con nông dân tận dụng từ lúa, cá, vịt, có thể đạt lợi nhuận khoảng 70 triệu đồng/ha.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế, tháng 7/2024, chính quyền địa phương đã vận động bà con thành lập HTX Sản xuất nông nghiệp sinh thái Quyết Tiến với 24 thành viên. Hiện nay, HTX đang chuẩn bị nhân rộng mô hình lên tổng quy mô 170ha.

Mô hình lúa - cá - vịt đang phát triển và cho hiệu quả kinh tế khá cao tại HTX Sản xuất nông nghiệp sinh thái Quyết Tiến ở ấp Long An A, xã Phú Thành A, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Kim Anh.

Mô hình lúa - cá - vịt đang phát triển và cho hiệu quả kinh tế khá cao tại HTX Sản xuất nông nghiệp sinh thái Quyết Tiến ở ấp Long An A, xã Phú Thành A, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Kim Anh.

Năm 2025, UBND huyện Tam Nông có kế hoạch dự kiến mở rộng, xây dựng mô hình ở quy mô 400ha để thuận lợi cho công tác quản lý nguồn lợi từ hệ sinh thái tự nhiên.

Anh Thuật bộc bạch, hơn 20 năm gắn bó với nghiệp trồng lúa, ngày trước canh tác rất thuận lợi nên bản thân anh cũng chủ quan, không nghĩ khí hậu ngày càng thay đổi.

Ban đầu khi phát triển mô hình lúa – cá – vịt, anh chỉ mong kiếm thêm thu nhập, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào trồng lúa. Rồi nhiều lần được chính quyền địa phương tạo điều kiện tham gia các chương trình tập huấn, trao đổi kinh nghiệm ở các địa phương trong và ngoài tỉnh, bản thân anh Thuật hiểu được tầm quan trọng của việc khôi phục lại hệ sinh thái tự nhiên bởi đây là hướng đi phù hợp, từ đó vận động các nông dân khác thực hiện.

Tính toán hiệu quả kinh tế, anh Thuật cho biết, riêng 2ha của gia đình vào mùa nước lũ có thể thu được 10 – 11 triệu đồng/ha. Nếu cộng đồng cùng hưởng ứng, mở rộng ra quy mô lớn, giảm bớt được chi phí đầu tư, lợi nhuận sẽ còn cao hơn.

“Quá trình canh tác lúa, trong ruộng vẫn còn cá. Do đó tôi đảm bảo bà con sẽ tự động giảm bớt việc phun thuốc BVTV, hạn chế được mật độ sâu rầy. Khoảng 3 năm nay, trên khu trữ cá của HTX còn bắt gặp những con cá quý như cá trèn bầu, cá hô…, đây là những loại cá cả chục năm nay mình không gặp, nay đã xuất hiện. Nguyên nhân là do bà con hạn chế thuốc trừ sâu, tạo môi trường cho cá tập trung ở và sinh sản”, anh Thuật phấn khởi về hiệu quả của mô hình.

Tìm hướng chuyển đổi

Phường An Bình B (TP Hồng Ngự, Đồng Tháp) cũng là vùng nằm ngoài đê bao. Trước đây ông Lâm Quốc Tuấn ở khóm 2 (phường An Bình B) cũng liên kết với 3 nông dân khác trong vùng phát triển mô hình 2 vụ lúa, 1 vụ cá (trữ cá tự nhiên trong mùa lũ).

Cũng là mô hình trữ cá tự nhiên, nhưng một số nông dân phường An Bình B, TP Hồng Ngự tỏ ra ngán ngại vì thiếu sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Ảnh: Kim Anh.

Cũng là mô hình trữ cá tự nhiên, nhưng một số nông dân phường An Bình B, TP Hồng Ngự tỏ ra ngán ngại vì thiếu sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Ảnh: Kim Anh.

Theo ông Tuấn, TP Hồng Ngự là khu vực đón lũ về sớm, lượng cá tự nhiên dồi dào, mô hình trữ cá tự nhiên rất hiệu quả. Với 40 công đất, năm trước ông Tuấn có lợi nhuận trên 10 triệu đồng. Đây được xem là mô hình tiên phong của tỉnh Đồng Tháp.

Bà con nông dân đã có quyết tâm, cố gắng duy trì mô hình, nói theo lời ông Tuấn là cứ làm, nếu lỡ thất bại đợt này, đợt sau rút kinh nghiệm rồi mô hình sẽ thành công. Tuy nhiên, sau những nỗ lực đó là sự chán nản của bà con do chưa nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương trong việc quản lý các đối tượng xiệt cá “lậu”. Do đó, đến nay chỉ còn 2 hộ tham gia, dự kiến thời gian tới bà con sẽ chuyển đổi sang mô hình 2 vụ lúa, 1 vụ màu.

“Chính quyền ở đây đầu tư không nhiều, lơ lơ là là nên nông dân thôi không làm nữa. Khu vực này cá đầu nguồn vô nhiều nhưng chính quyền địa phương phải trợ giúp, không cho xiệt cá, gặp thì bắt, còn lơ là thì không mần được gì. Địa phương phải cùng với nông dân siết chặt quản lý vấn đề này thì mô hình trữ cá tự nhiên mới có thể được duy trì và mở rộng”, ông Tuấn bày tỏ.

Trữ cá tự nhiên trong mùa lũ chi phí đầu tư thấp, nhưng hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Kim Anh.

Trữ cá tự nhiên trong mùa lũ chi phí đầu tư thấp, nhưng hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Kim Anh.

Cùng ngụ khóm 2 (phường An Bình B), ông Nguyễn Đức Trung muốn tìm hướng đột phá mới, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Trong đó, mô hình trồng lúa kết hợp màu được ông xem là phù hợp.

Cây mè (vừng) đang được nông dân ưu tiên lựa chọn. Nhưng cái khó là thị trường trôi nổi, không có đầu ra chính thức. Điển hình như vụ gần nhất, ông Trung thu hoạch mè bán với giá 47.000 – 49.000 đồng/kg nhưng giá thị trường lại ở mức 53.000 đồng/kg. Hơn nữa, đến thời điểm thu hoạch tìm kiếm nhân công ở địa phương rất khó và chi phí thuê rất cao.

Hiện bà con đang nghiên cứu, phối hợp với Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam (SSC) để tìm những giống màu mới, ngắn ngày, phù hợp trên vùng đất này.

6 tháng đầu năm 2024, diện tích gieo trồng lúa trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giảm so với kế hoạch. Cụ thể, toàn tỉnh xuống giống gần 189.000ha, giảm gần 1.300ha. Nguyên nhân do việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang cây lâu năm hoặc các cây trồng có tín hiệu tốt từ thị trường như sầu riêng, mít.

Xem thêm
Loại mật ong xứng đáng 9 điểm: [Bài 2] Lời khuyên của chuyên gia Nhật

HẢI PHÒNG Từ hồi có rừng ngập mặn chắn sóng, Đại Hợp không bị vỡ đê, bão lụt như trước, lại có thêm nguồn thủy sản vô tận cho hàng ngàn người dân vào rừng đánh bắt.

Xử lý nghiêm buôn lậu lợn qua biên giới Tây Nam

TÂY NINH Trước tình hình buôn lậu lợn qua biên giới Tây Nam diễn ra phức tạp làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan dịch bệnh, Tây Ninh đặt ra nhiều giải pháp ngăn chặn.

Chuyển giao giống cà phê chất lượng cao phục vụ tái canh

ĐẮK LẮK Bên cạnh công tác nghiên cứu, việc chuyển giao giống cà phê cho người dân, doanh nghiệp được Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chú trọng.