| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 10/10/2020 , 05:30 (GMT+7)
Dạ Ngân

Dạ Ngân

Nhà văn 05:30 - 10/10/2020

Bánh đa bánh đúc cho ai

Đơn cử những 'chạm trán lịch sử đầu tiên'. Mẹ đe 'Không như con hình dung đâu nhé'. Biết gì đâu mà hình dung, đi thì sẽ biết.

Quả nhiên! Vẻ quê mùa của sân bay, sự bồn chồn nóng nảy ở nơi xếp hàng nhập cảnh của dãy người mà mẹ vừa nhắc vào tai “người mình cả, đừng cau mặt vậy”. Và cả vẻ lạnh lùng như là trịch thượng của những nhà chức trách dù mẹ đã cẩn thận dặn “Cố gắng nói bằng tiếng Việt “tôi đi với mẹ, thắc mắc gì hỏi mẹ tôi, bà ấy kia kìa”.

Ở khu toilet cũng như chỗ khu chờ nhận hành lý: rầm rập, chen chúc, í ới… rất đáng hoài nghi về các kỹ năng vệ sinh, lịch sự và nhường nhau của những người mà mẹ vẫn đang nhắc bằng hai chữ đồng bào với nụ cười của một guide không chuyên nghiệp.

Đơn cử ở trên đường. Thoát khỏi khu người nhà đón đông ngốt người như một cuộc biểu tình, mẹ và em chui vào chiếc xe bán tải. Đây chú út, người mà mẹ hay chép miệng với bố “Giúp nó lần cuối thôi nhé, hết phá sản rồi dựng chuyện ung thư, nã tiền hoài”.

Em nhắc mẹ thắt dây, mẹ ừ há quên, chú gạt đi “Công an không tuýt thứ xe cà khổ này đâu!”. Em muốn cãi thắt dây là giữ an toàn cho mình nhưng em không đủ tiếng Việt để phản bác, kệ chú. Hai đầu gối run bắn, em đắng miệng, em gồng người, em không nói nên lời với dòng xe hỗn độn trên đường trong khi chú Út như một tài xế đang cảnh quay của Hollyood “Sao, thấy chú lạng lách tài chưa?”

Em bước xuống và nôn ọe ngay nhưng chú thì cười lớn “Gò Vấp nhé, gò mà còn vấp huống chi cháu gái tiểu thư thế này. Không sao không sao”. Sáng sớm em tỉnh dậy trong cái mùi gì đó khủng khiếp từ vườn rau của chú.

Mẹ nói khẽ “Chú phun thuốc ở chỗ rau bán, còn rau nhà ăn có khu riêng, bởi vậy về đây mẹ ít khi ăn ở ngoài, nhiều thực phẩm bẩn”.

Đơn cử chuyến về quê ngoại. Sài Gòn - Hậu Giang. Xe bảy chỗ rộng rãi để em có thể nằm nguyên một băng ghế nếu thích. Mẹ ngồi sau tài xế “vì những lần trước mẹ đều gọi chú Thanh này”.

Em làm thinh, em đang chiến đấu với tiếng còi xe và sự hỗn độn đã dần quen trong mắt trong tai, trong mọi giác quan nhạy cảm của con bé gì cũng lần đầu với quê nhà, với xứ sở mà bố mẹ nhất quyết ấn vào đầu em những cụm từ mà em cũng cảm được chút chút...

Hết cao tốc ở Sài Gòn, mẹ nhắc Trung Lương đây con, hồi xưa ngoại cho mẹ đi Sài Gòn, đến đây là đã nghe mùi Sài Gòn rồi đó con. Rồi “Vĩnh Long nè con”, “Cần Thơ nè con”, vẫn những căn hộ tạm bợ bán buôn nhỏ lẻ hoặc những ngôi nhà hai ba tầng với thứ kiến trúc không kiến trúc gì cả.

Vườn tạp, những khu phố giống nhau lướt qua rồi lại vườn tạp xập xệ miên man, những cánh đồng trong ký ức mẹ đâu cả rồi hở mẹ?

Cứ thế cho tới Kinh Cùng, lại tiếng mẹ giảng giải mà như dỗ dành “Bây giờ xe đi tới cổng nhà ngoại, hồi xưa á, phải xuống đò, ngồi hai tiếng đồng hồ nữa, trần ai lắm”.

Kênh nhỏ hẹp lờ đờ đầy rác, vườn không cây trái gì đáng kể, dì Hai già hơn tuổi bảy mươi, gà vịt để đầy dấu chân của chúng trên nền sân đẫm bùn. Khu mộ ông bà ngoại ở sau vườn sơn màu xanh da trời, khá khô ráo, bên cạnh là mộ dượng Hai ốp đá bếp, em muốn hỏi sao lại ốp đá bếp nhưng không đủ tiếng Việt để hỏi.

Mẹ lại ngượng với em khi bệ toilet phải ngồi xổm, em bước vào và đành phải bước ra. Như đã báo trước, mẹ kéo dì Hai đi Sài Gòn chơi, mình sẽ ăn dọc đường, mẹ ghé tai dì Hai “Ở đây con gái em không ngồi chồm hổm được, nó nhịn tiêu nhịn tiểu nó chết”. Dì Hai lập cập gọi hàng xóm dặn dò, gửi chìa khóa gửi nhà rồi miễn cưỡng theo em gái ra xe.

Đơn cử chuyến về quê nội. Chuyện bố người Bắc và mẹ người Hậu Giang gặp nhau ở trời Tây em và anh trai nghe mãi nên không thấy ngạc nhiên nữa. Chỉ ngạc nhiên là bố gần như nghe mỗi ngày ở ngoài chợ người Việt, nghe trên ô tô và nghe cả trong nhà những bài hát đại loại "Ôi quê ta bánh đa bánh đúc/Nơi thảo thơm đồng xanh trái ngọt/Nơi tuổi thơ ta trải qua đẹp như giấc mơ...".

Em bay chuyến bay nội địa trễ giờ không xin lỗi để ra với bánh đa bánh đúc của bố đây. Cảng hàng không ga xép buồn, lại liên hồi nhà tạm bợ hoặc nhà không kiến trúc suốt hai bên đường.

Em muốn hỏi mẹ “Cả nước hễ có đường là nhà nhà xô bồ vậy sao?” Lại thôi, không hỏi. Chợ quê bẩn thỉu, mẹ bắt ăn mặc trang nghiêm và phải theo mẹ để biết rằng “trăm năm, ngàn năm rồi nó vẫn vậy”. Bánh đa và bánh đúc. Thôi, em không mô tả cảm giác xa lạ ở trong em làm chi.

Chú Út nói người trẻ vẫn cứ tìm cách đi. Chú mà trẻ thì chú đã đi. Vậy thôi, Đi.