Ngày 23/3/2021, một học sinh nữ ở trường trung học phổ thông ở huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước xảy ra mâu thuẫn với nhóm bạn đã bị chặn đánh giữa đường. Tương tự, ngày 24/3, Công an tỉnh Bình Phước đã bắt giữ nam học sinh liên quan đến vụ 2 nhóm học sinh ẩu đả khiến 1 người chết.
Gần đây nhất vào ngày 30/5, Công an huyện Phú Riềng (Bình Phước) cho hay, đã triệu tập khoảng 9 nữ sinh đến làm việc sau khi xác định được hai nhóm hẹn nhau giải quyết mâu thuẫn tình cảm khiến một người bị thương nhập viện. Tất cả các sự việc đều được quay lại và tung lên mạng xã hội Facebook.
Đây không phải câu chuyện mới, tuy nhiên, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên công nghệ, bùng nổ thông tin, cập nhật tình hình mọi nơi, mọi lúc. Chính vì vậy, tần suất xuất hiện thông tin về những vụ việc này khiến ta cảm thấy tình trạng bạo lực trong học đường ngày càng gia tăng.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước, các vụ học sinh đánh nhau, liên quan đến án mạng đều xảy ra ngoài nhà trường và ngoài thời gian học chính khóa. Tuy nhiên, dù hành vi bạo lực dù xảy ra ở trong hay ngoài trường, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước đề nghị các cơ quan nhanh chóng điều tra và xử lý theo đúng pháp luật. Đối với học sinh vi phạm, đề nghị nhà trường xử lý nghiêm theo đúng Điều lệ trường học.
Ông Lý Thanh Tâm - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước, trong năm học 2020-2021, đơn vị đã ban hành 7 văn bản hướng dẫn chỉ đạo các đơn vị trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống bạo lực học đường. Giáo dục đạo đức học sinh, đảm bảo an toàn, an ninh trật tự trường học.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước đề nghị nhà trường, địa phương tăng cường phối hợp với phụ huynh để quản lý, dạy dỗ các em. Kịp thời phát hiện giải quyết các vấn đề có khả năng dẫn tới bạo lực học đường. Bên cạnh đó, xây dựng các chuyên đề giáo dục tình cảm giữa người với người. Giới thiệu các tấm gương người tốt, việc tốt, các điển hình về lòng nhân ái để em học sinh hiểu, tôn trọng thân thể sức khỏe và tính mạng của bạn mình.
Theo ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh Bình Phước, qua khảo sát các cơ sở giáo dục đã xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học; triển khai hộp thư góp ý nhằm tạo điều kiện cho việc thông tin, tố giác các hành vi bạo lực học đường; nhiều trường học đã thành lập tổ xung kích giữ gìn an ninh trật tự để giữ gìn trật tự trước và sau giờ học… Tuy nhiên,tình trạng bạo lực học đường vẫn xảy ra ở một số địa bàn, gây bức xúc dư luận.
Ông Hà Anh Dũng, Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh Bình Phước nhấn, mạnh các trường cần tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho học sinh; chủ động phát hiện các trường hợp có dấu hiệu bị bạo lực, xâm hại và phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý.
Đồng thời, chú trọng các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường, nhằm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và nói không với bạo lực học đường, kể cả bạo lực học đường trên không gian mạng.
Theo luật sư Hoàng Thị Kiều thuộc Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh, bạo lực học đường là các hành vi đe dọa, dùng vũ lực thô bạo, xúc phạm, xâm phạm đến sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm người khác xảy ra trong phạm vi trường học, đối tượng bị xâm phạm thường là học sinh. Hành vi bạo lực học đường phổ biến như sử dụng lời nói, làm nhục, dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực...
Tùy vào từng hành vi bạo lực học đường, tùy vào từng độ tuổi khác nhau của chủ thể thực hiện hành vi sẽ qui định có thể chịu hoặc không chịu trách nhiệm hình sự. Theo đó, căn cứ theo Điều 12 BLHS hiện hành:
Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.
Nếu các em học sinh không thoả mãn điều kiện chủ thể như dưới 14 tuổi hoặc đủ 14-dưới 16 tuổi nhưng tội mà các em phạm không nằm trong các tội được liệt kê tại Điều 12 BLHS 2015 hoặc nằm trong các tội được liệt kê nhưng khung hình phải không phải là những tội rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng thì các em không phải chịu trách nhiệm hình sự và ngược lại sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự tùy vào từng tội.
Bên cạnh đó, một hành vi có được xem là vi phạm pháp luật hình sự hay không chúng ta còn phải xem xét đến việc hành vi đó có đủ yếu tố cấu thành của một hay nhiều tội phạm được qui định trong pháp luật hình sự.
Luật sư Kiều lưu ý, bên cạnh chủ thể trực tiếp phạm tội, trên phương diện pháp luật, hành vi đứng nhìn, không can ngăn mặc dù có điều kiện mà không cứu giúp có thể phạm vào tội Điều 132 BLHS hiện hành “Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” nếu trong trường hợp hậu quả người bị hại tử vong.
Ngoài ra, hành vi quay clip, phát tán lên mạng xã hội đã vi phạm pháp luật dân sự, cụ thể Bộ luật dân sự qui định “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”.
Các hành vi kể trên là trực tiếp xâm phạm đến hình ảnh, danh dự nhân phẩm của người bị hại theo Khoản 3 Điều 32 Bộ luật này. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.