| Hotline: 0983.970.780

Báo động mặn xâm nhập sâu và biện pháp ứng phó

Chủ Nhật 19/01/2020 , 13:42 (GMT+7)

Trong những ngày qua ở nhiều địa phương vùng ven biển cuối nguồn sông Hậu báo động hạn, mặn xâm nhập sớm và độ mặn cao.

Các cửa cống đập ngăn mặn gần cửa sông ra biển đã đóng chặt.
 

Thu lúa trước hạn, mặn áp sát

Hiện thời một số địa phương chủ động điều tiết lịch thời vụ SX và trữ nước trong các kênh mương nội đồng, nhưng mối lo lớn nhất là những đồng lúa ĐX (2019-2020) gieo sạ muộn có nguy cơ khát nước cuối vụ, vì phải chờ ra giêng mới thu hoạch.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh xem nông dân thu hoạch lúa ĐX sớm trúng mùa. Ảnh: .

Dọc theo tuyến lộ Nam sông Hậu đoạn qua địa bàn huyện Long Phú và Trần Đề đến vùng tiếp giáp hai cửa sông Hậu và sông Mỹ Thanh, mặn đã bủa vây 58.000 ha đất tự nhiên nằm trong đê bao. Trong đó có 52.000 ha đất trồng lúa. Hiện đã có nhiều vùng lúa ĐX gieo sạ từ giữa tháng 9, đầu tháng 10/2019 đến nay đã thu hoạch xong.

Trên ruộng lúa mênh mông ở xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) chỉ cách nước mặn phía ngoài sông gần cửa biển 3 km, trên cánh đồng 4,5 ha ông Sơn Khuyên canh tác lúa Đài thơm 8. Phần lớn diện tích lúa đã được thu hoạch. Ông đếm số bao lúa thu gom mỗi công lúa tươi đạt 800 kg.

Theo ông thu đạt như vậy là trúng mùa. Thương lái mua 5.300 đ/kg, cao hơn tuần trước 300 đ/kg. Tuy nhiên Sơn Khuyên vẫn còn lo, vì hiện còn thửa ruộng 8 công, vì không kịp vào vụ xuống giống sớm như khuyến cáo. Đến nay lúa mới trổ, ngậm sữa. Ông lo thiếu nước ngọt bơm vào, lúa lép sẽ thất bát.

Ông Huỳnh Ngọc Vân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng, cho biết: Từ ngày 12/1 đến nay diễn biến mặn đến sớm hơn năm 2016 là 40 ngày. Mặn theo các cửa sông Hậu, sông Mỹ Thanh dấn sâu vào đất liền khoảng 50 km, có khi độ mặn đo tới 14‰.

Từ đầu vụ tháng 11/2019 Sở NN-PTNT Sóc Trăng khuyến cáo bà con nông dân SX lúa trong vùng ảnh hưởng hạn mặn cần chuẩn bị các biện pháp đối phó. Nhiều nông dân xuống giống sớm hơn nửa tháng. Năm nay mặn đến quá sớm.

Vùng chịu ảnh hưởng mặn hiện có hơn 20.000/34.000 ha đã thu hoạch. Phần diện tích lúa còn lại đang trổ nằm trong ngưỡng an toàn. Bên cạnh đó Sóc Trăng có vùng trồng cây ăn trái 31.000 ha, Sở khuyến cáo nông dân trữ nước ngọt, tưới tiết kiệm để duy trì trong thời gian các tháng hạn mặn gay gắt. Trong đó đối với vùng hở (đê bao chưa khép kín) các nhà vườn cần đón nước triều lấy nước ngọt vào mương vườn. Còn các vườn cây trong vùng đê bao khép kín đã dự trữ nước ngọt.
 

Hàng chục nghìn hecta cây trồng đang bị đe dọa

Xâm nhập mặn ở ven biển vùng ĐBSCL còn diễn biến phức tạp. Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: Vụ lúa mùa 2019 có hơn 160.500 ha, hiện thu hoạch 60.450 ha, năng suất 50 tạ/ha, sản lượng đạt trên 300.000 tấn. Nhưng còn hơn 100.000 ha chưa thu hoạch, trong đó 70.000 ha sử dụng các giống lúa mùa địa phương nên có khả năng chống chịu mặn tốt.

Ở vùng lúa - tôm có khả năng thiếu nước ngọt gần 30.000 ha (trong đó Kiên Giang hơn 9.200 ha, Cà Mau 16.500 ha, Bạc Liêu 3.500 ha). Đây là khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng khi xâm nhập mặn ở mức trung bình hàng năm, cần có các giải pháp đắp đập tạm ngăn mặn, giữ ngọt để bảo đảm nguồn nước cho canh tác.

Vụ lúa ĐX 2019-2020 ĐBSCL có trên 1,5 triệu ha, trong đó, đợt đầu lúa xuống giống sớm tháng 10/2019 đạt 473.000 ha (nhiều hơn cùng kỳ năm 2018 là 93.000 ha và nhiều hơn năm 2015 khoảng 300.000 ha).

22-49-14_lu_dx_som_thu_hoch_trung_mu_-_nh_hd
Lúa ĐX sớm thu hoạch trúng mùa. Ảnh: .

Đến nay lúa ĐX xuống giống sớm đang đòng, trỗ, không bị ảnh hưởng khi nước mặn xâm nhập vào cao điểm cuối tháng 1, tháng 2. Đối với diện tích lúa xuống giống tháng 11/2019 trên 710.000 ha hiện đang giai đoạn đẻ nhánh. Trong đó vùng phù sa ngọt 500.000 ha không bị ảnh hưởng xâm nhập mặn và hạn.

Còn lại vùng ven biển khoảng 214.000 ha cần được trữ nước trong kinh mương và theo dõi cung cấp nước đầy đủ vào giai đoạn lúa trỗ. Riêng phần diện tích lúa xuống giống tháng 12/2019 đến ngày 7/1/2020 là 318.000 ha đang giai đoạn mạ, đẻ nhánh. Trong đó vùng ven biển 94.000 ha có khả năng bị ảnh hưởng hạn mặn, cần trữ nước bảo vệ SX.

Mặt khác, các tỉnh trong vùng có diện tích trồng cây ăn quả gần 270.000 ha, chiếm hơn 76% tổng diện tích cây ăn quả toàn vùng hiện có đê bao, nước mặn chưa xâm nhập và không bị ảnh hưởng hạn, mặn.

Tuy nhiên, theo dự báo mùa khô 2019 - 2020 tình hình hạn mặn sẽ kéo dài, diện tích cây ăn quả chịu ảnh hưởng do hạn, thiếu nước tưới đến tháng 3/2020. Tại các vùng SX tập trung trên địa bàn các tỉnh ven biển và cuối nguồn của sông Hậu và sông Tiền có tổng diện tích có khả năng bị hạn, mặn là 80.600 ha, bằng 23% tổng diện tích cây ăn quả toàn vùng ĐBSCL.
 

Đến nay ở ĐBSCL thu hoạch lúa ĐX được 75.000 ha, trong đó Sóc Trăng thu hoạch 51.000 ha/163.000 ha. Các tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cà Mau, thu hoạch khoảng 5.000 ha/tỉnh), chiếm 5% diện tích xuống giống toàn vùng, năng suất bình quân 6,3 tấn/ha. Dự kiến trong tháng 1/2020 sẽ thu hoạch thêm 300.000 ha.

Mô hình sản xuất thích ứng

Trong chuyến đi thực địa kiểm tra diễn biến hạn, mặn ở vùng ven biển ĐBSCL, đoàn công tác Bộ NN-PTNT đến một số địa phương còn phát hiện mô hình chuyển đổi SX thích ứng khá độc đáo.

Ở huyện Long Phú, nằm cách cửa biển Mỹ Thanh 14 km hiện mặn đã vây quanh, áp sát chân các cửa miệng cống. Thế nhưng vườn bưởi da xanh rộng hơn 3 ha (trong số 4,5 ha vườn và rẫy mía) của ông Hai Cần vẫn xanh rì mượt mà. Cây đang cho trái căng no tròn, trĩu nặng treo trên cành.

Ông thiết kế các mương nhánh nhỏ trữ đầy nước ngọt dọc hai bên bờ trồng bưởi. Cùng song hành là hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước. Ông nói, vốn đầu tư tất cả khoảng 300 triệu nhưng chủ động nước tưới và dư sức đối phó trước hạn mặn có khả năng kéo dài trong 2 tháng tới.

Đến xã An Ninh, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng tham quan mô hình trồng màu. Dưa hấu luân canh sau vụ lúa ĐX sớm của anh Lý Sà Rin, hiện đang phơi trái trên đồng. Anh nói tuy đất mới và vụ dưa hấu đầu tiên thu năng suất thấp nhưng bán được hơn 15 triệu đồng/công. Nếu đạt năng suất cao, trúng giá có khi thu hơn 20 triệu.

Dù vậy, muốn làm theo mô hình này cần có mương trữ nước. Đến lúc này dù mặn dưới kênh lên hay nắng hạn gay gắt vẫn không lo dưa thiếu nước tưới.

22-49-14_nong_dn_ly_s_rin_chuyen_doi_sx_trong_mu_tren_dt_lu_o_vung_hn-mn_-_nh_hd
Nông dân Lý Sà Rin chuyển đổi SX trồng màu trên đất lúa ở vùng hạn-mặn. Ảnh: .

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, cho rằng: Trong các mô hình chuyển đổi cơ cấu SX, mô hình trồng màu trên ruộng lúa cho thu nhập cao hơn trồng lúa gấp 3 lần. Nông dân đỡ vất vả và không phải tìm biện pháp ứng phó trước hạn, mặn. Tôi cho rằng nên tổng kết mô hình này và có chính sách mở rộng hơn cho vùng ven biển thường xuyên đối phó trước hạn mặn.

Đối với diện tích lúa ảnh hưởng bởi hạn, các địa phương và bà con nông dân cần phải theo dõi cập nhật thông tin về hạn, mặn do các cơ quan chức năng thông báo thường xuyên. Đặc biệt trong dịp tết và sau tết hạn mặn sẽ diễn ra gay gắt, nghiêm trọng khi mực nước thượng nguồn xuống thấp kết hợp với triều cường.

"Chúng ta cần đưa ra những giải pháp cụ thể, khả thi và có nhiều biệp pháp tích trữ nước ngọt càng nhiều càng tốt trong mọi thời điểm. Có kiểm soát được hạn, mặn thì chúng ta mới chủ động ứng phó, bảo vệ được lúa ĐX“, Thứ trưởng đề nghị.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.