| Hotline: 0983.970.780

Báo động nạn ăn trộm nước sạch

Thứ Ba 05/06/2012 , 11:45 (GMT+7)

Tình trạng ăn cắp nước sạch tại các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn Thái Nguyên đã và đang diễn ra theo chiều hướng nghiêm trọng.

Tình trạng ăn cắp nước sạch tại các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn Thái Nguyên đã và đang diễn ra theo chiều hướng nghiêm trọng. Những hộ dân đã lỡ sai phạm đang khẩn thiết mong chính quyền địa phương nhanh chóng xử phạt để sớm được sử dụng nước trong thời điểm nắng nóng hiện nay.

Xin xử phạt

Bà Nguyễn Thị Lan (xóm Nhị Hòa, xã Đồng Bẩm, TP Thái Nguyên) thừa nhận đã thuê thợ nước về để thực hiện việc chích nước trước đồng hồ. Người của Nhà máy nước Đồng Bẩm đã cắt nước nhà bà Lan do vi phạm hợp đồng. Giữa lúc mùa hè nắng nóng, gia đình bà Lan phải vật lộn tìm nước sinh hoạt. Nước để giặt giũ, tắm rửa thì dùng giếng khoan, còn nước ăn thì phải đi xin mới dám dùng. Xin hàng xóm mãi cũng ngại, vậy là nhiều lần bà đã nhắm mắt, tặc lưỡi dùng nước giếng khoan ngay bên cạnh nghĩa địa để nấu nướng.

Bà Lan cho biết, vì nghĩa địa xã nằm liền kề với các hộ dân xóm Nhị Hòa nên nguồn nước giếng khoan bơm lên dùng bao giờ cũng có váng mỡ cùng với mùi tanh hôi rất ghê. Từ khi có nguồn nước sạch của Nhà máy nước Đồng Bẩm, các hộ dân đã không dùng nước giếng khoan nữa. Bà Lan nói: Vi phạm đã đành, nay chỉ mong xã hoặc bên cấp nước xử phạt thì xử luôn để mong sớm được quay lại sử dụng nước sạch.


Ăn cắp nước sinh hoạt ở Đồng Hỷ

Cũng bị cắt nước do lấy trộm nước sạch, ông Nguyễn Đình Tán, chủ cơ sở sản xuất sữa đậu nành xóm Tân Hương, xã Đồng Bẩm, cho biết, mỗi ngày, gia đình ông dùng tới gần 10 mét khối nước. Khi đào đất để láng nền sân, vướng phải đường ống nước sạch, thế là sinh tham, ông Tán liền nối một đường ống khác để sử dụng mà không phải trả tiền. Mất nước, ông Tán phải sử dụng tổng lực các nguồn nước từ giếng khơi, giếng khoan rồi lại đi khoan thêm giếng ở gần bờ sông, mua đường ống để bơm dẫn nước về mà vẫn không đủ. Ông Tán nói, cũng như khi tham gia giao thông, chỉ mong xử phạt nhanh để còn có phương tiện mà sử dụng. Vậy nhưng chẳng biết thế nào, biên bản đã lập rồi, sai thì sai rồi mà mãi vẫn chẳng thấy xã xử phạt gì cả.

Nhức nhối

Về lý do chưa xử phạt, ông Phạm Văn Thi, Chủ tịch UBND xã Đồng Bẩm, lý giải, xã rất khó ban hành quyết định xử lý vi phạm vì đó là việc các hộ dân ký hợp đồng sử dụng nước với trạm cung cấp nước. Bên nào vi phạm thì bị xử lý theo các điều khoản của hợp đồng. Nếu phía trạm dịch vụ nước tìm ra văn bản nào để xã xử lý thì địa phương sẽ xử lý ngay.

Trong khi chính quyền xã Đồng Bẩm còn chưa biết xử lý như thế nào với hành vi lấy trộm nước sạch của người dân thì tại các địa phương khác của tỉnh Thái Nguyên, lực lượng công an xã đã phối hợp chặt chẽ với công nhân của các nhà máy nước tiến hành kiểm tra và xử lý vi phạm. Theo đó, việc xử phạt hành chính được áp dụng theo Nghị định 73/2010/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự an toàn xã hội).

Ông Nguyễn Viết Hồng, Trưởng Công an xã Nam Tiến, huyện Phổ Yên, cho biết, việc lấy trộm nước sạch của người dân không chỉ là hành vi vi phạm hợp đồng mua bán nước đơn thuần mà nó còn góp phần hủy hoại các công trình thuộc Chương trình MTQG với vốn đầu tư không nhỏ. Nếu không xử lý kiên quyết thì tình trạng trên sẽ lan rộng, khi đó các nhà máy nước sạch sẽ vô tác dụng.

Ông Lê Hồng Thái, Tổ trưởng tổ kiểm tra thuộc Trạm Dịch vụ xây dựng công trình NSH - VSMT nông thôn tỉnh Thái Nguyên, cho biết, người dân có rất nhiều cách thức lấy trộm nước, từ những hành vi ngang nhiên như đấu nối đường ống trước đồng hồ đo; vô hiệu hóa đồng hồ bằng cách chọc kim xuyên vào bề mặt đồng hồ để không cho kim đồng hồ quay khi lấy nước; đặt nam châm lên bề mặt để đồng hồ quay chậm; thậm chí là tháo hẳn đồng hồ ra, khi gần đến ngày cán bộ đi ghi chỉ số công tơ thì lại lắp vào… Và cả những chiêu thức có một không hai như trường hợp của gia đình ông Lê Duy Tiếp (xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ). Ông Tiếp đã chích đường ống nước trước đồng hồ cho xuống giếng khơi rồi dẫn đường ống xuyên ngầm dưới lòng quốc lộ đưa nước về téc của gia đình. Cá biệt, có hộ dân cũng chích nước trước đồng hồ, đào ngầm đường ống nhưng không đưa về gia đình sử dụng mà đưa ra hồ ao, rồi đưa lên vườn bãi... Trong trường hợp này nếu xả nước thì đồng hồ sẽ quay. Nếu nghi ngờ thì đoàn kiểm tra buộc phải đào toàn bộ đường ống để kiểm tra.

Ông Lê Hồng Thái cho biết, cứ đi kiểm tra là phát hiện được tình trạng lấy trộm nước sạch. Tình trạng trên đã làm cho tỷ lệ thất thoát nước lên đến 40% công suất các công trình cấp nước.

Ông Dương Văn Toản, Trạm trưởng Trạm Dịch vụ xây dựng công trình NSH - VSMT nông thôn tỉnh Thái Nguyên, cho biết, với 13 công trình do trạm quản lý, tình trạng ăn cắp nước đang diễn ra vô cùng nhức nhối tại 4 công trình theo nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Đó là các công trình cấp nước xã Hoá Thượng, xã Đồng Bẩm (huyện Đồng Hỷ), xã Thịnh Đức (TP. Thái Nguyên) và xã Nam Tiến (huyện Phổ Yên). Bốn công trình trên có tổng vốn đầu tư xây dựng trên 100 tỷ đồng và được đưa vào sử dụng từ năm 2005.

Ông Toản nói, tình trạng người dân hưởng lợi đang áp dụng cách sử dụng “không sạch” đối với nguồn nước sạch của Nhà nước không chỉ làm lu mờ tính ưu việt của một Chương trình MTQG mà nghiêm trọng hơn, nó còn làm ảnh hưởng lớn đến các hộ dân nghiêm túc thực hiện hợp đồng mua bán nước, thậm chí là nó đang trực tiếp huỷ hoại các công trình cấp nước sinh hoạt ở nông thôn.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất