| Hotline: 0983.970.780

'Tàu cá 67' ở Phú Yên sinh ra nhiều 'con nợ'

Thứ Năm 05/12/2019 , 10:26 (GMT+7)

Tính đến nay, Phú Yên có 19 tàu cá đóng mới theo NĐ 67, trong đó có 4 tàu vỏ gỗ, 8 tàu vỏ thép và 7 tàu vỏ composite.

Sau 4 năm hoạt động, do đánh bắt không hiệu quả nên nhiều chủ tàu đã trở thành “con nợ” của ngân hàng.

Chỉ tàu vỏ composite nghề lưới vây hoạt động hiệu quả

Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, cách đây 4 năm, tỉnh này đã triển khai Chương trình cho vay vốn đóng mới và nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo đó, Bộ NN-PTNT phân phân bổ chỉ tiêu cho tỉnh Phú Yên 190 tàu, gồm 170 tàu khai thác và 20 tàu dịch vụ hậu cần. Đến cuối năm 2017, Phú Yên thực hiện đóng mới được 19 tàu cá và nâng cấp 5 tàu theo NĐ 67 với tổng số tiền cho vay theo hợp đồng tín dụng là 281,691 tỷ đồng. Các tàu đóng mới gồm có 4 tàu vỏ gỗ, 8 tàu vỏ thép và 7 tàu vỏ Composite chủ yếu làm 2 nghề chính là lưới vây và lưới chụp.

Qua thời gian hoạt động, theo đánh giá của ngành nông nghiệp Phú Yên, chỉ những tàu vỏ composite hành nghề lưới vây là hoạt động có lãi, những tàu vỏ gỗ và vỏ thép khác đều làm ăn thất bát, kết quả từ… lỗ đến huề vốn.

Ngoài tàu cá vỏ composite hành nghề lưới vây hoạt động hiệu quả, số tàu cá vỏ thép và vỏ gỗ đóng theo NĐ 67 của ngư dân Phú Yên trong những năm qua đều làm ăn thất bát. Ảnh: Lê Khánh.

Cụ thể, nhóm tàu vỏ gỗ làm nghề lưới vây của ngư dân phường 6 (TP Quy Hòa, Phú Yên) gồm tàu PY 98589 TS (713CV) của ngư dân Lê Thái Bình, 2 tàu PY 98976 TS (713CV) và PY 98789 TS (713CV) của ngư dân Võ Văn Lành và tàu PY 98389 TS (713CV) của ngư dân Võ Văn Tú trong những năm qua làm ăn đều thua lỗ, các chủ tàu nói trên đều đang nợ quá hạn ngân hàng cả tỷ đồng.

Nhóm tàu vỏ thép làm nghề lưới chụp ở Phú Yên làm ăn còn “thê thảm” hơn, trong đó có 2 tàu từng được đánh giá là “chim đầu đàn” của nghề đánh bắt hải sản ở Phú Yên là tàu PY 99999 TS (800CV) của ngư dân Ngô Văn Lanh ở phường Xuân Thành (TX Sông Cầu) và tàu PY 99991 TS (829CV) của ngư dân Phan Thanh Trị ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa) hiện đã bị ngân hàng thu hồi, cho bán đấu giá để thu hồi nợ.

Nhóm tàu vỏ thép làm nghề lưới vây gồm 4 chiếc của ngư dân huyện Đông Hòa (Phú Yên) chỉ có 1 tàu PY 99998 TS của ngư dân Nguyễn Văn Chúng ở xã Hòa Hiệp Trung là làm ăn có lãi, 3 chiếc còn lại sau bao nhiêu năm làm ăn các chủ tàu chưa cầm được trong tay đồng lãi nào.

Riêng nhóm tàu cá vỏ composite hành nghề lưới vây ở Phú Yên gồm 7 chiếc đều làm ăn có lãi. Đặc biệt, trong đó có tàu cá mang số hiệu PY99669TS của ngư dân Huỳnh Tấn Anh ở thôn Phú Lạc, xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa) liên tục có những chuyến biển thắng lợi. Tàu của ngư dân Anh hạ thủy vào cuối năm 2017, trong 3 chuyến biển đầu tiên đã thu được 4 tỷ đồng nhờ đánh bắt đạt sản lượng và từ đó đến nay làm ăn ổn định.

Ngư dân Huỳnh Tấn Anh ở thôn Phú Lạc, xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa, Phú Yên) với chiếc tàu cá  vỏ composite mang số hiệu PY99669TS ăn nên làm ra của mình. Ảnh: Lê Khánh.

Nợ xấu gia tăng

Tại Cảng cá phường 6 (TP Tuy Hòa, Phú Yên) hiện có nhiều tàu cá 67 nằm bờ đã nhiều tháng nay, trong đó có chiếc tàu vỏ gỗ mang số hiệu PY 98976 TS của ngư dân Võ Văn Lành ở phường 6 (TP Tuy Hòa). Tàu cá nằm bờ là nguyên nhân khiến các chủ tàu trở thành “con nợ” của ngân hàng.

Ông Lành được Nhà nước cho vay trên 28 tỷ đồng để đóng mới 3 tàu cá theo NĐ 67, trong đó có 2 tàu vỏ gỗ cùng công suất 713CV và 1 tàu vỏ composite có công suất 800CV. Sau 3 năm hoạt động không hiệu quả, nhất là 2 tàu vỏ gỗ, tính đến thời điểm này ông Lành đang nợ quá hạn ngân hàng cả gốc lẫn lãi hàng tỷ đồng. Trước khi tham gia đóng tàu cá 67, gia đình ông Lành có đến 4 chiếc tàu cá chuyên khai thác cá ngừ, mỗi năm thu lãi hàng tỷ đồng. Ấy vậy nhưng sau khi sở hữu 3 chiếc tàu lớn, không chuyến biển nào có lãi.

Tàu cá PY 98976 TS của ngư dân Võ Văn Lành ở phường 6 (TP Tuy Hòa, Phú Yên) nằm bờ từ hơn nửa năm nay do làm ăn thua lỗ. Ảnh: Lê Khánh.

Bà Mỹ, vợ ông Lành giải thích nguyên nhân: “Do là mình chưa lường hết những khó khăn của những tàu cá công suất lớn. Nếu trước kia làm tàu nhỏ, mỗi chuyến biển chỉ sắm tổn dưới 100 triệu đồng và chỉ sử dụng 5 - 7 lao động. Tàu càng to thì tiền tổn càng lớn, mỗi chuyến biển  phải chi phí từ 250 - 300 triệu đồng; thuê từ 15 - 17 thuyền viên.

Vào chính vụ đánh bắt, muốn có bạn đi tàu, mình phải ứng trước cho mỗi người từ 5 - 10 triệu đồng. 2 năm nay biển lại vắng cá, ngư trường bị bó hẹp nên chuyến biển nào cũng bị lỗ. Do vậy gia đình tôi cho tàu nằm bờ suốt nhiều tháng nay. Đến nay, bình quân mỗi tàu cá của tôi nợ lãi 1,5 tỷ đồng”. 

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, tính đến ngày 30/6/2019, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã ký 24 hợp đồng tín dụng với ngư dân để đóng mới 19 tàu cá và nâng cấp 5 tàu khác với số tiền cam kết cho vay là 281,691 tỷ đồng; đã giải ngân 280,926 tỷ đồng và thu nợ 15,389 tỷ đồng; dư nợ là 265,537 tỷ đồng, trong đó đã cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ 51,784 tỷ và nợ xấu là 121, 815 tỷ đồng (chiếm 45,87%).

Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, đánh giá: “Tàu cá hiện đại nhưng thuyền trưởng, thuyền viên không ổn định, thiếu lao động, yếu tay nghề nên một số tàu hoạt dộng chưa có hiệu quả, trả nợ không đúng hạn. Một số tàu đóng mới khi đưa vào khai thác thường xuyên xảy ra sự cố kỹ thuật đã ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác của ngư dân”.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.