| Hotline: 0983.970.780

Bao lưới vườn táo, hết lo ruồi đục quả

Thứ Sáu 30/09/2022 , 13:32 (GMT+7)

NINH THUẬN Với quy trình bao lưới toàn bộ vườn, nông dân trồng táo ở Ninh Thuận không còn phải dùng đến thuốc bảo vệ thực vật mà vẫn sạch bóng ruồi, sâu đục trái táo.

TS Mai Văn Hào, Viện trưởng Viện Nghiên cứu bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố (Viện Nha Hố) cho hay, cùng với Ninh Thuận, nhiều địa phương khác ở vùng Nam Trung bộ có điều kiện để phát triển cây táo như Bình Thuận, Khánh Hòa. Thời gian qua, diện tích táo tại vùng Nam Trung bộ có diện tích rất lớn, chất lượng sản phẩm rất cao.

táo ninh thuận

Người dân ở Ninh Thuận thực hiện mô hình bao lưới toàn bộ vườn táo để ngăn chặn ruồi, sâu đục quả táo. Ảnh: Minh Hậu. 

"Tuy nhiên, các đối tượng dịch hại như ruồi đục quả, sâu đục quả và các đối tượng dịch hại khác đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm. Do vậy, sau 3 năm nghiên cứu, chúng tôi đã xác định được các giải pháp kỹ thuật đảm bảo cho việc kiểm soát, quản lý các đối tượng ruồi đục quả, sâu đục quả cùng các đối tượng gây hại trên cây táo. Trong đó, phải kể đến việc bao lưới toàn bộ diện tích sản xuất để ngăn chặn ruồi và sâu đục trái", TS Mai Văn Hào chia sẻ.

Theo quy trình, các vườn táo sẽ được lắp đặt hệ thống cột trụ cao khoảng 4m và dùng dây cước 4 - 5mm để căng, tạo thành hệ thống khung ổn định. Sau khi hoàn thành phần khung, người dân tiến hành phủ kín bằng lưới chắn côn trùng bao gồm cả phần mái và xung quanh vườn. Việc thiết kế mái lưới cần linh động, khoa học để có thể kéo lưới ra - vào khi cần thiết, lưới ở xung quanh vườn cần thiết kế có độ nghiêng trên 15% nhằm giảm áp lực gió. Xung quanh vườn cũng cần làm dây neo, trụ chống nghiêng vào trong.

"Đây là điều kiện để sản xuất táo an toàn, chất lượng. Đặc biệt là hướng đến sản xuất táo hữu cơ để đáp ứng nhu cầu thị trường", TS Mai Văn Hào nói và cho biết thêm, mô hình bao lưới toàn bộ vườn để ngăn chặn ruồi, sâu đục trái táo có mức đầu tư không quá cao, trong khi hiệu quả lớn và thời gian khai thác dài nên bà con nông dân dễ áp dụng. Hiện nay, Viện Nha Hố đã chuyển giao, phổ biến quy trình quản lý dịch hại tổng hợp cho người dân áp dụng vào sản xuất.  

DSC_3339

Với quy trình bao lưới toàn bộ vườn, tỷ lệ táo bị thiệt hại giảm xuống còn 5%. Ảnh: Minh Hậu.

Ông Đặng Xuân Thuận (huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận) cho biết, gia đình ông trồng 7.000m2 táo. Trước đây, mỗi khi đến vụ thu hoạch, táo của gia đình có khi tỷ lệ lên đến 70 - 80% trái bị ruồi và sâu đục quả gây hại. Có những năm gia đình phải sử dụng nhiều loại thuốc BVTV để ngăn chặn nhưng không mấy hiệu quả.

"Bây giờ có quy trình che chắn bằng màng lưới nên làm rất hiệu quả, táo không bị hư hại, đạt năng suất cao, mẫu mã đẹp, chất lượng táo cũng tốt hơn. Đặc biệt, gia đình không còn phải sử dụng thuốc BVTV nên tiết kiệm được chi phí lẫn đảm bảo sức khỏe, bảo vệ môi trường và đảm bảo được chất lượng an toàn cho sản phẩm. Đây là cách làm rất hiệu quả, thu nhập vì thế cũng được đảm bảo và bền vững", ông Thuận chia sẻ.

Từ năm 2019, ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận đã triển khai mô hình bao lưới ngăn chặn ruồi đục quả ở 2 huyện là Ninh Phước và Ninh Sơn với tổng diện tích 2,35ha. Đến tháng 8/2022, mô hình này phát huy hiệu quả nên được người dân quan tâm, mở rộng với tổng diện tích trên toàn tỉnh khoảng 642ha với trên 2.000 hộ dân tham gia, đạt tỉ lệ trên 66% diện tích trồng táo toàn tỉnh.

"Mô hình này đã giúp bà con trồng táo ngăn chặn được các đối tượng sinh vật gây hại, đặc biệt là 2 đối tượng trước đây thường xuyên xuất hiện, gây hại với tỉ lệ cao là ruồi đục trái táo và sâu đục trái táo", ông Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Ninh Thuận chia sẻ.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Ninh Thuận, táo là một trong những cây đặc thù của tỉnh Ninh Thuận và hiện nay toàn tỉnh có trên 1.000ha. Đây là một trong những cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao cho bà con nông dân.

Những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai các mô hình, đặc biệt là mô hình liên quan về giống, kỹ thuật canh tác cũng như việc quản lý các đối tượng sinh vật gây hại. Mới đây, nổi bật nhất là mô hình bao lưới ngăn chặn ruồi vàng đục trái, đây là mô hình mang lại hiệu quả rất cao.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Thời cơ thuận lợi để phát triển cây ca cao

Sau nhiều thăng trầm, giảm mạnh diện tích, cây ca cao vẫn có chỗ đứng ở Bà Rịa – Vũng Tàu và đang mang lại niềm vui cho nông dân nhờ giá tăng cao.