| Hotline: 0983.970.780

Bảo tàng bơm ở 'rốn nước' đồng bằng Bắc bộ

Thứ Năm 20/07/2023 , 09:00 (GMT+7)

Nam Định Những chiếc máy bơm ở 'rốn nước' đồng bằng Bắc bộ đến tuổi 'nghỉ hưu' được trưng bày tại trạm bơm Hữu Bị, lưu lại dấu ấn một thời... sống ngâm da, chết ngâm xương.

Mỹ cảnh 'rốn nước' đồng bằng Bắc bộ

Cũng giống như các công trình thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Nam Hà, trạm bơm Hữu Bị tọa lạc tại một trong những khu vực trũng nhất của “rốn nước” đồng bằng Bắc bộ, một phần nằm trên địa bàn xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định và một phần thuộc xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Trạm bơm có nhiệm vụ vừa tiêu thủy chống úng, vùa bơm tưới cho gần 9.000ha trong phạm vi phục vụ của hệ thống thủy lợi Bắc Nam Hà.

Trạm bơm Hữu Bị, thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Nam Hà. Ảnh: Quang Dũng. 

Trạm bơm Hữu Bị, thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Nam Hà. Ảnh: Quang Dũng. 

Mỹ Trung vốn là một vùng đất cổ của huyện Mỹ Lộc, được hình thành cách đây hàng nghìn năm. Trước thế kỷ X, nơi đây còn là bãi sình lầy hoang vu, rậm rạp. Những cư dân từ nhiều vùng khác nhau đã đến đây sinh sống và lập nghiệp, dần dần hình thành nên xóm làng.

Dù nằm sát sông Hồng, lại thuộc vùng đất trũng, khi xưa thường xuyên nếm trải những cơn thịnh nộ của thiên nhiên, nhưng nơi đây vẫn ẩn tồn tại những mỹ cảnh của vùng quê Bắc bộ. Tấm bia cổ của chùa Hồng Phúc (tọa lạc ngay cạnh trạm bơm Hữu Bị) có từ thời vua Lê Thần Tông, là di vật cổ nhất của di tích hiện còn được bảo tồn đến nay.

Bia đề: “Chùa Hồng Phúc vốn là đại danh lam ở cõi trời Nam này, đất Mỹ Lộc có Hữu Bị, Đàm Bị lại là nơi thắng cảnh. Chùa cổ vốn do tiên tổ đời trước dựng xây. Trước thì chợ cầu hội họp, sau thì dòng bạc uốn quanh; mé đông thì kênh Tế khâu dẫn nước, mé tây thì ngắm điện Kiến quốc xa xa. Sông Hoàng chảy lối bắc, núi Gấm chống phương nam thực là nơi đại phúc địa đại cảnh thắng vậy. Điện báu nguy nga như đỉnh Hán, đối xứng cung Phật trang hoàng, lầu ngọc chót vót mây cao, ánh chiếu tùng lâm, gác đẹp. Thời gian thấm thoát, trải các đợt khói lửa năm qua, lại thêm phong trần nhấm nhá, vết rêu xanh còn biếc đài bia”.

Quả thực vậy, men theo kênh tưới của trạm bơm Hữu Bị, dòng kênh uốn khúc như một chú trăn cuồn cuộn đưa nước sông Hồng đổ về “giải khát” cho ruộng đồng. Những tia nắng gay gắt của ngày hè khiến cho dòng nước trở nên óng ánh, lấp lánh nhưng mang đến cảm giác mát lành đến lạ kỳ. Khiến tuổi thơ chúng tôi ùa về, khi mỗi lần về quê lại cùng lũ trẻ con chăn trâu nhảy uỳnh uỳnh, đắm mình vào dòng nước mát của kênh thủy lợi.

Toàn cảnh trạm bơm Hữu Bị, xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Ảnh: Quang Dũng. 

Toàn cảnh trạm bơm Hữu Bị, xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Ảnh: Quang Dũng. 

Và rồi trạm bơm Hữu Bị hiện ra một vẻ gần gũi, tràn ngập sắc xanh của cây cối, trang hoàng bởi hoa, cây cảnh, thẳng tắp hàng lối, đằng sau là kênh Châu Giang (kênh Tế khâu xưa). Khác xa với dáng hình cục mịch, bê tông, cốt thép của một công trình thủy lợi. Trạm bơm dường như hòa chung vào cảnh sắc nơi đây.

Đây thực sự là một nỗ lực không nhỏ của cán bộ công nhân viên nơi đây. Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Vũ Việt Đông - Trạm trưởng trạm bơm Hữu Bị (Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà) cho biết, theo định hướng phát triển thủy lợi, bây giờ công trình thủy lợi không chỉ đơn thuần là phục vụ tưới tiêu và phòng, chống thiên tai mà còn phải hướng đến đa mục tiêu như phát triển du lịch, cải thiện bộ mặt nông thôn và tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động.

Hàng cây cối ngăn nắp trên kênh Châu Giang khu vực trạm bơm Hữu Bị. Ảnh: Huy Bình.

Hàng cây cối ngăn nắp trên kênh Châu Giang khu vực trạm bơm Hữu Bị. Ảnh: Huy Bình.

Mỗi cán bộ, công nhân viên trạm bơm Hữu Bị đã tập trung cải tạo các công trình thủy lợi, đặc biệt là khu khuôn viên, cụm công trình đầu mối. Trong đó, trạm đã phân vùng quy hoạch trồng các loại cây phù hợp để không ảnh hưởng đến công trình như cây ăn quả, cây cảnh. Từ đó, tạo môi trường làm việc tốt cho người lao động, khiến công trình trở thành ngôi nhà thứ hai. Từ đó, tăng thu nhập cho người lao động khi những vườn cây ăn quả được mùa, đáp ứng được mục đích đa mục tiêu hóa công trình thủy lợi.

“Mặc dù giá trị thu được từ cây ăn trái không cao nhưng nó là thành quả, kích thích người lao động tham gia thay đổi cảnh quan công trình, xanh hơn, gần gũi hơn và cũng trở thành món quà quê khi có khách đến tham quan công trình”, ông Đông chia sẻ.

Công nhân thủy lợi đang cắt tỉa chăm sóc cây cối, tạo dựng cảnh quan. Ảnh: Huy Bình. 

Công nhân thủy lợi đang cắt tỉa chăm sóc cây cối, tạo dựng cảnh quan. Ảnh: Huy Bình. 

Để thực hiện điều này, lãnh đạo trạm bơm Hữu Bị đã phối hợp chặt chẽ với công đoàn, tổ chức cho người lao động ngoài quỹ thời gian phục vụ sản xuất, bố trí sắp xếp cho người lao động và phân chia từng người lao động, theo từng khu vực cụ thể để tạo cảnh quan môi trường từ công tác cắt cỏ, dọn vệ sinh, công tác chăm sóc cây cảnh, nhân giống các loại cây ăn quả. Đây cũng là một tiêu chí đánh giá, xếp loại hàng tháng đối với người lao động.

Bảo tàng bơm nơi “rốn nước” 

Đến với trạm bơm Hữu Bị, chúng tôi không khỏi tò mò khi có một khu vực trưng bày toàn máy bơm, từ bộ phận to nhất, nhỏ nhất đều được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, khoa học. Hỏi ra mới biết, đây là những chiếc máy bơm cũ từng được Chính phủ Liên Xô (cũ) hỗ trợ có thời gian phục vụ hàng chục năm và một số chi tiết, bộ phận của các loại bơm mới gồm 3 loại máy bơm công suất 2.000m3/h, 4.000m3/h và 11.000m3/h.

Các loại bơm được trưng bày tại trạm bơm Hữu Bị. Ảnh: Quang Dũng.

Các loại bơm được trưng bày tại trạm bơm Hữu Bị. Ảnh: Quang Dũng.

Ông Đông cho biết: “Đây là ý tưởng của lãnh đạo công ty, cũng như tập thể người lao động ở trạm bơm Hữu Bị. Những mô hình ở đây là mô hình thực. Các cấu kiện, thiết bị được thay ra sau khi sửa chữa sẽ được giữ lại và vận chuyển về đây để lưu giữ làm thành mô hình bảo tàng”.

Theo ông Đông, việc xây dựng khu bảo tàng này có hai mục đích. Thứ nhất là làm tư liệu, tạo điều kiện cho người lao động, sinh viên học tập, tham quan. Bởi có những chi tiết khi lắp đặt ở trong cụm công trình sẽ không thể quan sát hết được, khó có thể hình dung ra công dụng của từng chi tiết máy bơm. Thứ hai là tạo cảnh quan độc đáo để khách thập phương có thể tham quan và hiểu hơn về chức năng nhiệm vụ cũng như ý nghĩa lịch sử của công trình nói riêng và cả cụm hệ thống thủy lợi Bắc Nam Hà nói chung.

Say sưa thuyết trình cho chúng tôi về từng loại bơm tại khu trưng bày, ông Trần Văn Dũng - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà cho biết: “Dự án này chúng tôi đã thực hiện từ lâu nhưng cơ bản những máy bơm cũ chúng tôi giữ lại, tháo rời để trưng bày làm tài liệu học tập. Như các bạn thấy đây là cái trục bơm mà khi thay mới giá trị của nó đã bằng một con ô tô Camry và còn phải nhập khẩu.

Tất cả trục bơm đều là trục rỗng để có thể đặt được máy treo công tác, điều chỉnh được góc nghiêng cánh quạt, những loại này tiết kiệm điện năng hơn rất nhiều. Và để xem những chi tiết này khi đang vận hành là rất khó, chỉ khi nào sửa chữa bảo dưỡng mới được tháo ra”.

Kiểm tra nhiệt máy bơm khi vận hành. Ảnh: Huy Bình. 

Kiểm tra nhiệt máy bơm khi vận hành. Ảnh: Huy Bình. 

Điều này đã khiến trạm bơm trở thành một điểm đến đặc sắc, là nơi giao lưu, niềm tự hào không chỉ đối với người dân địa phương, mà còn trở thành nơi học tập, tham quan của sinh viên, các đoàn cán bộ, kỹ sư, công nhân viên khi đến với trạm bơm Hữu Bị. Hơn nữa, hòa chung với cảnh sắc thiên nhiên, trong tương lai nơi đây hứa hẹn trở thành địa điểm tham quan, du lịch tại vùng nông thôn.

Ý tưởng lập bảo tàng bơm thực sự vô cùng độc đáo, mặc dù có quy mô tương đối nhỏ so với các bảo tàng bơm trên thế giới. Nhưng những bảo tàng này cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bảo tàng bơm nổi tiếng nhất có lẽ là bảo tàng bơm hơi nước Kingston Canada nằm ở phía bên kia bán cầu. Hay là The Royal Pump Room Museum, Harrogate ở Vương Quốc Anh.

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

Chủ động với các kiểu thiên tai nguy hiểm giai đoạn chuyển mùa

Bến Tre Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre có công văn yêu cầu chủ động phòng tránh, ứng phó các kiểu thiên tai giai đoạn chuyển mùa.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Đề xuất xây cầu 3.500 tỷ đồng nối Bến Tre và Trà Vinh

Trà Vinh Dự án cầu Cổ Chiên 2 với vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2030.