| Hotline: 0983.970.780

Bảo toàn đàn vật nuôi thời điểm cuối năm

Thứ Bảy 16/12/2023 , 08:18 (GMT+7)

Hiện, người chăn nuôi ở Bình Định đang áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp trong phòng, chống các loại bệnh nguy hiểm để bảo vệ đàn vật nuôi trong thời điểm cuối năm…

Bà Trần Thị Tuyết ở xã Ân Tường Đông (huyện Hoài Ân, Bình Định) đặc biệt chú trọng đến việc phòng bệnh để đảm bảo an toàn cho đàn heo cả ngàn con của mình. Ảnh: V.Đ.T.

Bà Trần Thị Tuyết ở xã Ân Tường Đông (huyện Hoài Ân, Bình Định) đặc biệt chú trọng đến việc phòng bệnh để đảm bảo an toàn cho đàn heo cả ngàn con của mình. Ảnh: V.Đ.T.

Nguy cơ mua bán vật nuôi làm lây lan dịch bệnh

Xác định mùa mưa bão là thời điểm các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi có nguy cơ tái phát cao, để bảo vệ an toàn đàn vật nuôi thời điểm cuối năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định triển khai đồng bộ công tác tiêm vacxin, đồng thời khuyến nghị các hộ chăn nuôi chủ động các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.

Thời điểm này cũng là thời điểm người chăn nuôi ở Bình Định nô nức tái đàn để phục vụ cho thị trường dịp cuối năm. Tuy nhiên, người chăn nuôi không tái đàn kiểu bất chấp mà rất thận trọng. Để giữ gìn tài sản của mình, trong thời gian gần đây, người chăn nuôi ở Bình Định đã chú trọng đầu tư chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để bảo toàn đàn vật nuôi.

Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, phát triển đàn gia súc, gia cầm trong mùa mưa lũ sẽ gặp nhiều yếu tố bất lợi, bởi dịch bệnh rất dễ bùng phát khi có mưa nhiều, gió lạnh, vật nuôi sẽ giảm sức đề kháng.

Đáng quan ngại nhất là trong thời điểm cuối năm, hoạt động mua bán gia súc, gia cầm và các sản phẩm động vật ắt sẽ gia tăng; theo đó, tình trạng mua bán, nhập lậu gia súc, gia cầm sẽ diễn biến phức tạp, dẫn tới nguy cơ dịch bệnh theo gia súc, gia cầm xâm nhập từ ngoại tỉnh vào làm lây lạn dịch bệnh.

“Do vậy, ngành chức năng Bình Định tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi khi tái đàn nên mua con giống ở những cơ sở có uy tín cao; không nên ồ ạt đầu tư phát triển đàn; đặc biệt là động viên người chăn nuôi đầu tư theo hướng an toàn sinh học, nuôi theo mô hình khép kín, tăng cường dinh dưỡng, tăng sức đề kháng cho vật nuôi; đồng thời đẩy mạnh công tác tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi”, ông Huỳnh Ngọc Diêp cho hay.

Cuối tháng 11 vừa qua,  Sở NN-PTNT Bình Định đã có văn bản đề nghị các địa phương tăng cường triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024.

Theo nhận định của ngành chức năng Bình Định, hiện nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tương đối ổn định. Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp dịch bệnh có thể sẽ diễn biến phức tạp, đáng quan ngại là vẫn còn 1 số hộ chăn nuôi và 1 số địa phương chưa báo cáo chính xác, đầy đủ các loại dịch bệnh nguy hiểm xảy ra trên đàn vật nuôi.

Ý thức bảo vệ đàn vật nuôi lan tỏa

Huyện Hoài Ân (Bình Định), nơi đang có đàn heo đến 260.000 con, là địa phương đang rất tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi trong những tháng cuối năm. Ngành chức năng Hoài Ân không ngừng rà soát, tổ chức tiêm phòng bổ sung vacxin phòng các bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng, cúm gia cầm, viêm da nổi cục, tai xanh, bệnh dại cho đàn vật nuôi trên địa bàn, nhất là tại các khu vực đã từng xảy ra ổ dịch, khu vực có nguy cơ cao.

“Chúng tôi tăng cường công tác giám sát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm nhằm phát hiện sớm, báo cáo nhanh tình hình dịch bệnh để ngành chức năng các cấp kịp thời phối hợp bao vây, xử lý, dập dịch kịp thời không cho lây lan. Đồng thời tổ chức tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng để tiêu diệt các loại mầm bệnh lưu hành trong môi trường, nhất là tại các vùng dịch, ổ dịch cũ, cơ sở thu gom, buôn bán, giết mổ động vật…”, ông Nguyễn Thanh Vương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân, cho hay.

Bà Trần Thị Tuyết ở xã Ân Tường Đông (huyện Hoài Ân) đặc biệt chú trọng đến việc phòng bệnh để đảm bảo an toàn cho đàn heo nái sinh sản 500 con và 1.000 con heo con cùng heo thịt thường xuyên duy trì trong trang trại chăn nuôi của mình. Việc chăm sóc đàn heo do 2 bác sĩ thú y và hơn 15 công nhân đảm nhiệm.

Trang trại chăn nuôi heo của và Tuyết luôn sạch bong. Toàn bộ hoạt động trong trang trại và khu vực chung quanh được giám sát bằng hệ thống camera, nếu có vấn đề bất thường sẽ được cảnh báo sớm và bà Tuyết lập tức khắc phục ngay.

Bình Định đang lo hoạt động mua bán gia súc, gia cầm cuối năm làm lây lan dịch bệnh cho đàn vật nuôi trong tỉnh. Ảnh: V.Đ.T.

Bình Định đang lo hoạt động mua bán gia súc, gia cầm cuối năm làm lây lan dịch bệnh cho đàn vật nuôi trong tỉnh. Ảnh: V.Đ.T.

Không chỉ ở Hoài Ân, ý thức bảo vệ đàn vật nuôi lan tỏa khắp các địa phương ở Bình Định. Lo dịch cúm gia cầm có thể tái phát, gây hại vật nuôi bất cứ lúc nào, những ngày qua, ông Võ Văn Thoại ở thôn Thọ Tân Bắc, xã Nhơn Tân (thị An Nhơn) gia tăng các biện pháp bảo vệ đàn vịt hơn 7.000 con của mình. Chung quanh trại nuôi vịt của ông Thoại được bao bọc bởi tường rào kiên cố, có nơi khử độc, sát trùng ngay cổng ra vào, các lối đi trong trại đều được rắc vôi khử trùng trắng xóa.

“Đến cả tôi trước khi đi vào trại kiểm tra đàn vịt cũng phải khử độc, sát trùng kỹ càng chứ đừng nói chi người lao động hay phương tiện của khách vào trại. Tôi chủ động mua và tiêm vacxin đầy đủ cho đàn vịt, tiêm đúng thời điểm, đúng liều lượng và bổ sung các loại thức ăn giàu dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho vật nuôi trong thời điểm này”, ông Thoại chia sẻ.

Để chủ động phòng, chống có hiệu quả các loại dịch bệnh trên động vật trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định, Sở NN-PTNT tập trung chỉ đạo ngành chức năng các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh động vật và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

“Ngành chức năng Bình Định hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chủ động phòng bệnh, không giấu dịch, không bán chạy, giết mổ, vứt xác động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường làm lây lan dịch bệnh và ô nhiễm môi trường sinh thái”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định chia sẻ.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.