Tỉnh Quảng Trị đang quy hoạch bãi đẻ cho rùa nhằm bảo tồn những loài rùa quý hiếm mà địa phương này may mắn có được.
Anh Nguyễn Văn Đoàn cùng con trai tại buổi cứu hộ thả rùa về lại biển Gio Linh. |
Anh Trần Khương Cảnh, kỹ sư của Ban Quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ (BQLKBT) cho biết, trong năm 2018 ngư dân tỉnh Quảng Trị đánh cá trên biển quanh khu vực Cồn Cỏ đã phát hiện cứu hộ được 20 con rùa mắc vào lưới.
Riêng 5 tháng đầu năm 2019 các ngư dân đã phát hiện, cứu hộ đến 17 con rùa. Số rùa này đều được bà con tự nguyên giao nộp lại Ban quản lý để gắn thẻ định danh và tổ chức thả về lại môi trường biển an toàn.
Khu vực biển đảo Cồn Cỏ là nơi đang tập trung nhiều loài rùa quý nhất Việt Nam. Đây là nơi sinh sống rất tốt cho rùa, nhất là hai khu vực có rạn san hô, rong cỏ quanh đảo Cồn Cỏ và vùng bãi ngang từ thị trấn Cửa Tùng ngược ra phía bắc đến xã Vĩnh Thái của huyện Vĩnh Linh. Vùng này cách bờ khoảng 5km có rạn đá ngầm nên rùa rất thích sinh sống vì có nhiều thức ăn.
Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ được thành lập 10 năm trước ,có nhiệm vụ bảo tồn sinh cảnh khu vực biển đảo, trong đó có nội dung bảo vệ rùa quý hiếm. Biển Việt Nam có 5 loài rùa được chia thành 2 họ chính, là họ Vích gồm Vích, Đồi mồi, Đồi mồi dứa, Quản đồng và họ Rùa da, chỉ có một loài Rùa da. Trong 5 loài rùa quý hiếm trên có 2 loài quý nhất là Đồi mồi và Rùa da chủ yếu chỉ sinh sống ở vùng biển đảo Quảng Trị.
Có lần một con Rùa da nặng 450 kg vào đẻ ở bờ biển thôn Một, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong. Đây là con rùa có trọng lượng lớn nhất tại Quảng Trị được khu bảo tồn cứu hộ.
Gần đây nhất năm 2014, tại vùng bờ biển thôn Thâm Khê, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng, các tình nguyện viên phát hiện con Rùa da nặng hơn 300 kg đẻ được 132 quả trứng. Ngay lập tức ban phân công 4 tình nguyện viên thay nhau canh gác bảo vệ ổ trứng đến hơn 2 tháng trời.
Trứng Rùa da được phát hiện ở thôn Thâm Khê, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng. |
Sự kiện rùa xuất hiện liên tục tại vùng biển Quảng Trị, theo anh Trần Khương Cảnh, ngoài việc ban chủ động tuyên truyền, vận động người dân góp sức bảo vệ rùa thì còn chứng tỏ cho thấy môi trường biển của Quảng Trị đã trở lại bình thường sau sự cố ô nhiễm vào năm 2016.
Các nhà khoa học gọi rùa biển là động vật chỉ thị môi trường. Ở đâu có rùa sinh sống là ở đó có môi trường biển trong sạch, ít ô nhiễm và ít có tác động của con người.
Tháng 4/2016 khai xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường biển, các cán bộ của ban đi tìm khắp bờ biển, nơi hàng loạt các loại tôm cá bị chết dạt vào, nhưng tuyệt đối không thấy bóng dáng con rùa nào bị chết.
Cho đến hết năm 2016 ban không phát hiện được con rùa nào mắc vào lưới ngư dân. Sang năm 2017 tình hình môi trường biển dần dần bình thường thì rùa xuất hiện trở lại.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ băn khoăn, xung quanh đảo đã bị xây kè bảo vệ đảo khỏi xói mòn. Điều này vô tình làm mất đi các bãi cát, nơi sinh sản lý tưởng cho rùa.
Trước đây, rùa biển phân bố hầu hết các vùng biển từ bắc đến nam, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân hiện chúng chỉ còn được tìm thấy ở một số khu vực Quảng Ninh, Quảng Trị, còn từ Quảng Nam đến Phú Quốc với số lượng rất ít.
Theo ông Hòa, để bảo tồn rùa quý hiếm, Ban Quản lý tổ chức nhiều lớp tập huấn công tác tuyên truyền, quản lý bảo tồn biển đảo và bảo tồn rùa biển cho cán bộ các phòng, ban, cơ quan, đơn vị và nhân dân trên địa bàn...
Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị cho biết, trước yêu cầu bảo tồn rùa biển, sở sẽ sớm quy hoạch một vị trí phù hợp làm bãi sinh sản cho rùa để góp phần bảo tồn đa dạng, bài bản hơn. Khi đó có thể mua trứng rùa từ các khu bảo tồn lớn khác di chuyển về bảo vệ, nuôi trứng nở con cho 30 năm sau rùa lại quay về nơi ra đời đầu tiên để tiếp tục sinh sản. |