| Hotline: 0983.970.780

Bảo tồn sếu đầu đỏ gắn với phát triển sinh kế cho người dân

Thứ Tư 14/06/2023 , 09:18 (GMT+7)

ĐỒNG THÁP Dự án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim với mục tiêu phục hồi, phát triển sếu bằng biện pháp nuôi và thả lại môi trường tự nhiên.

Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp khảo sát khu bảo tồn sếu tại Vườn Quốc gia Tràm Chim. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp khảo sát khu bảo tồn sếu tại Vườn Quốc gia Tràm Chim. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hơn một thập kỷ qua, số lượng sếu đầu đỏ hoang dã ở Việt Nam và Campuchia đã suy giảm hơn 80%. Theo đó, từ 850 cá thể được ghi nhận vào năm 2010, giảm xuống còn dưới 160 cá thể được ghi nhận trong cuộc điều tra quần thể gần đây nhất vào năm 2022.

Trước tình hình này, Hội Sếu Quốc tế (ICF) và Hiệp hội Vườn thú Việt Nam (VZA) sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác giữa các chương trình phục hồi quần thể sếu đầu đỏ ở Thái Lan và Việt Nam. Đồng thời, ICF, VZA và Tổ chức Công viên động vật học Thái Lan sẽ tư vấn kỹ thuật, đào tạo cán bộ cho Vườn Quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) về việc nuôi, thả, giám sát sếu đầu đỏ, quản lý môi trường sống của sếu trong vùng lõi và vùng đệm của Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Đối với Tổ chức Công viên động vật học Thái Lan, hàng năm, tùy theo nhu cầu và khả năng sẽ cung cấp sếu đầu đỏ con cho Vườn Quốc gia Tràm Chim để nuôi tiếp tục và thả về tự nhiên. Quá trình này tuân theo quy định pháp lý của quốc gia và Tổ chức Công viên động vật học Thái Lan, cũng như sự an toàn của động vật.

Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, Trưởng ban Điều hành Dự án Bảo tồn và Phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim cho biết: Nào giờ vùng đất Sen hồng - Đồng Tháp luôn tự hào là tỉnh có Khu Ramsar thứ 2.000 được thế giới công nhận, nơi đây mỗi năm có đàn sếu đầu đỏ bay về sinh sống. Nhưng thời gian gần đây do tác động của biến đổi khí hậu và môi trường nên đàn sếu ngày càng giảm dần bay về Vườn Quốc gia Tràm Chim sinh sống, thậm chí có năm không có con nào bay về. Đặc biệt, trong năm 2023 Đồng Tháp rất vui mừng và được Tổ chức Công viên động vật học Thái Lan quan tâm, hàng năm sẽ cung cấp sếu đầu đỏ con cho Vườn Quốc gia Tràm Chim để nuôi tiếp tục và thả về tự nhiên.

Theo ông Thiện, sau khi lễ ký kết giữa UBND tỉnh Đồng Tháp với Hội Sếu quốc tế, Hiệp hội Vườn thú Việt Nam, tổ chức Công viên động vật học Thái Lan về bảo tồn sếu đầu đỏ, địa phương đang tiến hành cho xây dựng Dự án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ, giai đoạn 2022 – 2032 và gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong vùng đệm nhằm tạo ra môi trường sống an toàn cho sếu ở ngoài vùng đệm. Dự án Bảo tồn và Phát triển sếu đầu đỏ triển khai thực hiện tại Vườn Quốc gia Tràm Chim và vùng phụ cận trong huyện Tam Nông.

Dự án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ, giai đoạn 2022 – 2032 và gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong vùng đệm nhằm tạo ra môi trường sống an toàn cho sếu ở ngoài vùng đệm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Dự án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ, giai đoạn 2022 – 2032 và gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong vùng đệm nhằm tạo ra môi trường sống an toàn cho sếu ở ngoài vùng đệm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Dự án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim với mục tiêu phục hồi và phát triển đàn sếu bằng biện pháp nuôi và thả lại môi trường tự nhiên. Trong vòng 10 năm (từ năm 2023 đến 2033), mục tiêu của dự án là nuôi thả 150 cá thể sếu với tối thiểu 100 cá thể sống sót. Đàn sếu thả ra sẽ có thể tự sinh sản và tự tồn tại ngoài tự nhiên.

Dự án có 4 nội dung chính gồm: nuôi, thả sếu tại Vườn Quốc gia Tràm Chim; cải thiện môi trường sống của sếu; xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ xung quanh vườn. Quảng bá, giáo dục môi trường, phát triển sinh kế bền vững dựa vào sếu đầu đỏ và nông nghiệp hữu cơ, vận động sự tham gia của cộng đồng địa phương.

Hiện nay, Đồng Tháp đang quy hoạch khu A4 thuộc Vườn quốc gia Tràm Chim là nơi thả nuôi sếu ra tự nhiên. Xung quanh khu vực này là vùng đệm với diện tích 1.623 ha sẽ sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, thay vì trước đây người dân sản xuất lúa sử dụng phân thuốc hóa học là phần lớn.

Hiện nay, Đồng Tháp đang quy hoạch khu A4 thuộc Vườn Quốc gia Tràm Chim là nơi thả nuôi sếu ra tự nhiên. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiện nay, Đồng Tháp đang quy hoạch khu A4 thuộc Vườn Quốc gia Tràm Chim là nơi thả nuôi sếu ra tự nhiên. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Mô hình thực hiện 3 giai đoạn từ năm 2023 - 2025, tổng diện tích thực hiện 200 ha, kinh phí trên 13,6 tỷ đồng. Trước mắt, đã vận động được 15 hộ đăng ký canh tác lúa hữu cơ gần 100 ha trong vụ hè thu 2023 ở khu vực vùng đệm giáp với khu A4, Vườn Quốc gia Tràm Chim để tạo môi trường sinh thái quanh khu vực phát triển của sếu. Bên cạnh đó, còn giúp nâng cao sinh kế của người dân trong vùng đệm gắn liền với chương trình phục hồi phát triển đàn sếu, phát triển du lịch tại Vườn quốc gia, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường rừng tràm. Song song đó, kêu gọi sự tham gia của cộng đồng địa phương và khối doanh nghiệp tư nhân cùng tham gia.

"UBND tỉnh Đồng Tháp còn chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cùng Vườn Quốc gia Tràm Chim và đơn vị liên quan khảo sát, xây dựng lại tour, tuyến du lịch tại Vườn quốc gia Tràm Chim, đặc biệt chú trọng đến sự tham gia của người dân trong phát triển du lịch, nghiên cứu xây dựng thương hiệu cho huyện Tam Nông gắn với phục hồi và phát triển du lịch về sếu", ông Nguyễn Phước Thiện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.