| Hotline: 0983.970.780

Đồng Tháp Mười và đàn sếu bay đi

Thứ Bảy 13/02/2021 , 09:10 (GMT+7)

Thật buồn khi đàn sếu bay đi không trở lại. Thật buồn khi Đồng Tháp Mười 'đồng khô cỏ cháy, nước ngập lan tràn' chỉ còn trong thơ văn và cổ tích.

Những con sếu cuối cùng ở Việt Nam. Ảnh: Trần Lam.

Những con sếu cuối cùng ở Việt Nam. Ảnh: Trần Lam.

I.

Quốc lộ 30. Vâng, vẫn con đường gập ghềnh sỏi đá cặp theo sông Tiền năm xưa đưa tôi về Hồng Ngự. Cái thị trấn lập lòe những ngọn đèn hột vịt miền biên viễn này 40 năm trước nay đã là thành phố.

Hồng Ngự là nói trại ra từ Hùng Ngự, tên đội chiến binh Nhà Nguyễn nơi tuyến đầu bảo vệ cương vực nước Việt. Cùng thời còn có đồn Hồng Ngự đắp bằng đất, nhưng thổ đó nay đã là khách sạn Mekong resort. Cây ngô đồng ở bến đò sang Thường Lạc tỏa bóng như cây dù cho khách đợi đò, không còn.

Cả con đò cũng mất dấu tự bao giờ nói chi quán đợi. Ối a… Sương. Sương giăng tứ bề. Con sông Sở Thượng đưa nước sông Tiền vô ra Đồng Tháp Mười trắng như sữa, bồng bềnh.

Tôi chọn Hồng Ngự tỉnh Đồng Tháp là điểm đến đầu tiên trong chuyến hành hương về Đồng Tháp Mười vì Hồng Ngự là điểm trên cùng của hình thang Đồng Tháp Mười. Ranh giới Đồng Tháp Mười rất dễ xác định, từ TP.HCM theo Quốc lộ 1 qua sông Vàm Cỏ Đông ở Bến Lức Long An là điểm thứ nhứt, rồi cứ vậy qua Vàm Cỏ Tây, qua Cai Lậy, Cái Bè đến An Hữu, là điểm thứ nhì.

Từ An Hữu, theo Quốc Lộ 30 qua Cao Lãnh, đến Hồng Ngự, điểm thứ 3. Từ Hồng Ngự theo biên giới Việt Nam - Campuchia qua Tân Hồng đến Đức Hòa, điểm chót.

Cạnh cuối cùng, từ Đức Hòa xuôi theo sông Vàm Cỏ Đông gặp điểm đầu tiên ở Bến Lức là khép kín. Cái hình thang không đều rộng 700.000ha này phủ lên địa giới 3 tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp.

Đình làng Thường Lạc mới được sơn sửa lại hãy còn mùi sơn ve xa lạ nhưng cặp hạc cao hơn đầu người năm nao hãy còn. Từ đôi hạc này mà chúng tôi hiểu được bộ đờn lý 4 cây, 4 con hạc của nhạc sỹ Phạm Lý ở Nhạc viện TP.HCM, tác giả của những bài lý nổi tiếng đặc biệt là "Lý Qua Cầu".

Thân phận của bài ca ấy cũng kỳ lạ, 1975 giải phóng, anh bộ đội Phạm Lý, nhạc sỹ Phạm Lý về thăm quê Thường Thới Tiền, thăm đình Thường Lạc, gặp lại cặp hạc trong đình thân quen từ bé đã rung động nên ca khúc “Khi bóng em qua cầu”. Ca khúc được in báo, in sách với tên tác giả hẳn hoi nhưng không hiểu sao qua thời gian, ca khúc của Phạm Lý lại thành dân ca "Lý qua cầu".

Phạm Lý cho biết cảm xúc được nhen nhóm trong thời gian anh tu nghiệp tại nhạc viện Tchaicovsky khi được xem bộ phim anh hùng ca kinh điển - "Khi đàn sếu bay qua".

Không chỉ có "Lý qua cầu" và một loạt ca khúc thường bị nhầm là dân ca sau đó như "Lý tương phùng", "Lý bông trang", "Lý trăng soi", "Lý Mỹ Hưng (trách ai vô tình)…

Phạm Lý còn chế ra bộ đàn lý 4 cây và khi nhạc công biểu diễn đứng thành hàng thì khán giả thấy ngay đàn chim hạc đang bay. Bài ca và hình tượng này đã được dàn dựng trong đêm nghệ thuật kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - TP.HCM. Xưa là hạc và nay là sếu, là xéo. Tưởng lạ hóa quen.

Những con sếu cuối cùng ở Việt Nam. Ảnh: Trần Lam.

Những con sếu cuối cùng ở Việt Nam. Ảnh: Trần Lam.

II.

“Lòng buồn mênh mông gửi hồn theo nước trôi xuôi dòng/ Một mình bơ vơ giữa mây trời lạnh lùng thương nhớ …” câu ca của Phạm Lý chở tôi theo dòng Sở Thượng vào sâu trong Đồng Tháp Mười.

Đây là con sông tự nhiên duy nhất đưa nước Mekong vào cho Đồng Tháp Mười rồi ra biển theo lối sông Vàm Cỏ, ấy là vào mùa lũ, khi nước sông Tiền cao hơn nước nội đồng, còn vào mùa khô nước sông Tiền thấp hơn lại chảy theo chiều ngược lại. Tiếp Sở Thượng là sông Sở Hạ ngoằn ngoèo theo biên giới.

Xưa, 2 con sông này có tên là Hiệp Ân và Vàm Dừa, đến triều Minh Mạng chúng được chia thành 68 đoạn bán đấu giá quyền khai thác cá. 68 đoạn thuộc quyền quản lý của 2 sở thuế quan, những đoạn trên sông Hiệp Ân thuộc Sở Thượng, trên sông Vàm Dừa thuộc Sở Hạ, gọi riết, Sở Thượng - Sở Hạ thành luôn tên sông.

Không biết chính xác thời điểm người Việt định cư tại vùng đất này, mọi văn bằng còn lưu giữ được đều từ nhà Nguyễn, đáng chú ý hơn cả là các sắc phong của vua Gia Long.

Đặc biệt nhiều làng vừa có sắc phong Đại càn quốc gia Nam hải, lại vừa có sắc phong Thành hoàng bổn cảnh, vừa có lễ hội Cầu ngư lại vừa có Tết mừng Cơm mới. Những cư dân đầu tiên đã sống bằng nghề khai thác thủy sản, ăn bông súng, đập lúa ma.

Trích thống kê của Pháp năm 1929, vùng đất này đã đóng góp 3.170 tấn cá tươi, 720 tấn cá khô, 350 tấn mắm. Và đây là sớ tấu của quan sở tại lên vua Minh Mạng năm 1836, thôn An Long có 31 thửa ruộng, 83 thửa đất trồng rau đậu và 32 mảnh vườn nhưng có tới 300 khẩu đìa (cùng thời điểm cả tỉnh Tiền Giang chỉ có 1.072 khẩu).

Cá ở Đồng Tháp Mười còn hơn “Rẽ cá mới thấy nước” trong chuyện Ba Phi về U Minh. Mới đây thôi, năm 1978, 1986 có lụt lớn, các xã Bình Thành, Tân Hội vẫn bán quyền khai thác cá trên sông Sở Thượng, Kinh Trung ương với mỗi miệng đăng có giá 20 cây vàng.

Hai mươi cây vàng ngày ấy là cả một tài sản khổng lồ vì việc mua bán nhà ở TP Cao Lãnh ngày ấy còn giao dịch theo đơn vị “chỉ”, tiền đóng vượt biên mỗi người 3 cây nếu sang Thái, 5 cây nếu sang Úc. Có những lúc chủ đăng phải tháo đáy vì cá quá nhiều sẽ làm hỏng đụt, bình quân cứ độ nửa tiếng thì dở đăng một lần, mỗi lần thu 40 - 50kg cá, cá bán không kịp phải làm mắm, làm mắm không xuể phải ủ thành phân bón kiểng. Giữa năm, cá trắng từ sông Tiền vào làm mồi cho cá đen.

Cuối năm, lũ cá đen đã béo tròn lại phải chạy ra sông Tiền trốn phèn. Tất thảy đều qua hai con sông này. Bởi vậy, Sở Thượng, Sở Hạ mới làm được điều mà không có nơi nào làm được - Bán cá tự nhiên trên sông, nghe qua cứ tưởng chuyện bán vịt trời.

Sông Sở Hạ đoạn Tân Hồng. Ảnh: Quang Ngọc.

Sông Sở Hạ đoạn Tân Hồng. Ảnh: Quang Ngọc.

Lần hồi, cá tự nhiên ít đi nhưng tập quán đã đưa Đồng Tháp hiện nay thành thủ phủ cá nuôi. Ao ươm cá, nuôi cá cứ san sát không chỉ các xã cù lao, những xã cặp theo sông Tiền mà cả những xã cặp sông Sở Thượng và Sở Hạ, cặp Kinh Trung ương, Kinh Đồng Tiền vào sâu trong Đồng Tháp Mười.

Ngay cạnh dòng Sở Hạ có ao rộng khoảng 1ha, đào sắp xong, nước đáy ao trong xanh như mắt mèo. Cái phẫu diện đất “trời cho” ấy thật hoàn hảo cho những ai muốn biết tại sao Đồng Tháp Mười lại chua phèn đến vậy, lớp đất mặt trên cùng màu xám đen, lớp đất thứ 2 vàng gạch, lớp 3 đất xám xanh.

Theo các nhà địa chất, Đồng Tháp Mười xưa kia là biển, biển tiến rồi biển lại lui, trầm tích biển trộn với phù sa sông Mekong tạo nên lớp phù sa cổ (màu xám xanh) chứa nhiều muối sắt, muối nhôm gọi là phèn tiềm tàng.

Mùa khô, đất nứt ra, không khí len lỏi vào và các muối bị o xy hóa thành phèn hoạt động, rồi theo mao dẫn trồi lên. Những cơn mưa đầu mùa đưa phèn xuống mương, xuống kinh lan tỏa khắp cánh đồng, thứ nước đỏ quạch như nước cau cực chua, cực độc.

Cá gặp nước này là nổ mắt, lươn chạch gặp nước này là khô nhớt, cua gặp nước này là rụng càng và cây gặp nước này là khô cành chết đứng.

Ấy vậy mà Đồng Tháp Mười lại có cây vẫn chịu được nước ấy, thậm chí thích nước ấy, đấy là cây năn kim, có thân như que nhang, có củ bằng đầu đũa là nguồn dinh dưỡng quý giá cho vạn vật trong cao điểm mùa khô, là món ăn khoái khẩu cho loài chim đặc biệt lớn, đặc biệt quý - chim sếu.

III.

Nguyễn Bính, sư phụ của dòng thơ thôn quê, thật tài khi khắc họa Đồng Tháp Mười chỉ vỏn vẹn 20 chữ trong bài thơ "Đồng Tháp Mười" viết năm 1949: Bao la bát ngát/bưng sậy lên hoang/Mùa nắng đồng khô cỏ cháy/Mùa mưa nước ngập lan tràn.

Đồng Tháp Mười thiên tạo ngày trước khác với Đồng Tháp Mười nhân tạo ngày nay nhiều lắm, nhưng trước hết ở chế độ thủy văn. Đồng Tháp Mười thiên tạo thì chỉ có duy nhất sông Sở Thượng dẫn nước sông Tiền vào ra nội đồng, giồng đất cao ven sông Tiền - quốc lộ 30 ngày nay - là con đê thiên tạo ngăn không cho nước sông Tiền chảy vào Đồng Tháp Mười, các giồng cát Cái Bè, Cai Lậy cũng ngăn không cho nước Đồng Tháp Mười qua lại.

Mỗi năm Đồng Tháp Mười chủ yếu chỉ nhận nước một lần khi nước lụt tràn qua biên giới Việt Nam - Campuchia, với lưu lượng từ 3.000 m3/s đến 10.000 m3/s tùy lũ lớn nhỏ. Biên giới thì dài hơn 100km mà sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây lại bé thoát không kịp nên Đồng Tháp Mười trở thành rốn lũ với mực nước sâu từ 3 - 5m và thời gian ngập từ 3 - 5 tháng.

Mùa nắng, người bản địa gọi là mùa kiệt, bắt đầu từ tháng 12 đạt đỉnh điểm vào tháng 4, Đồng Tháp Mười cạn dần lại không có nguồn tiếp thủy nên khô khốc, cả cánh đồng cong lên như chiếc bánh đa nướng, nước vốn đã chua phèn lại bị cô lại.

Tiêu chuẩn của mỗi công nhân công ty Tàu Cuốc 2, Bộ NN-PTNT, khi đào kinh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng là 5 lít/ngày cho cả ăn và uống. Nước ngọt trong Đồng Tháp Mười ngày ấy cũng quý tựa nước trên cung trăng.

Cửa khẩu quốc tế Dinh Bà mùa dịch Covid-19 (tác giả thứ 2 từ phải qua).

Cửa khẩu quốc tế Dinh Bà mùa dịch Covid-19 (tác giả thứ 2 từ phải qua).

Đồng Tháp Mười thiên tạo chuyển dần qua nhân tạo bắt đầu từ 1896, khi Pháp đào kinh Lagrange (nay gọi là Kinh Dương Văn Dương) nối rạch Thông Bình với sông Vàm Cỏ Tây ở Rạch Chanh Tân An. Từ đấy, lúc nhanh lúc chậm, tùy thời cuộc mà quốc lộ 30 bị xẻ lấy chỗ cho những con sông mới chảy qua, nào Đồng Tiến, nào An Phong – Mỹ Hòa, nào Tháp Mười…

100 năm trước, Đồng Tháp Mười thiên tạo chỉ có 58km sông tự nhiên mà Đồng Tháp Mười nhân tạo ngày nay có thêm 364km sông nhân tạo, hàng trăm km kinh rạch lớn, hàng nghìn kinh rạch nhỏ, chằng chịt như lưới. Tuy nhiên công cuộc khai hoang Đồng Tháp Mười thật sự đột phá vào năm 1986, khi con kinh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng dài 44km, rộng 40m thông tuyến dẫn nước sông Tiền ồ ạt đổ vào.

Xưa, lượng nước sông Tiền vào ra Đồng Tháp Mười thiên tạo qua sông Sở Thượng chỉ đạt đỉnh điểm 1.500 m3/s. Nay, Đồng Tháp Mười nhân tạo vọt lên 10.000 m3/s, trong đó 40% qua kinh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng. Nhờ vậy mà phèn hoạt động bị rửa trôi, phèn tiềm tàng bị ém kỹ. Cánh đồng năn lác mịt mùng xưa chuyển dần thành cánh đồng lúa lớn nhất Việt Nam.

Không chỉ làm lúa hai vụ mà ba vụ. Cái trở ngại nhất cho lúa vụ ba là dễ bị lũ sớm chụp vào tháng 8 và nước “lình bình” không chịu rút vào tháng 11 để kịp xuống giống. Vậy là hàng trăm km bờ bao ra đời để bảo vệ lúa hè thu, để bơm tát gieo lúa đông xuân. Đồng Tháp Mười thiên tạo mênh mông được chia thành hàng trăm cánh đồng lúa nhỏ.

Không chỉ lúa mà cả cây ăn trái, không chỉ là cây có bộ rễ nông như dứa, thanh long, bưởi mà còn dần xuất hiện cả những cây có rễ cọc sâu như mít Thái, nhãn, sầu riêng. Bờ bao cao to dần thành đê bao… Đã hơn 100 năm, cuộc tấn công vào Đồng Tháp Mười thiên tạo chưa dừng lại mà vẫn tiếp diễn hàng ngày, hàng giờ.

IV.

Năm 1986, Đồng Tháp mới tổ chức hội thảo quốc tế về sếu và năm 1991, Khu Bảo tồn Sếu Tràm Chim mới được chính thức thành lập với diện tích 7.313ha tại huyện Tam Nông, nhưng trước đó, năm 1984, PGS Lê Diên Dực, Đại học Tổng hợp Hà Nội đã phát hiện ra sếu đầu đỏ ở xã Tân Công Sính (Vườn Quốc gia Tràm Chim ngày nay).

Kể từ đó, ông Mười Nhẹ (Nguyễn Xuân Trường) - cố Chủ tịch UBND tỉnh có biệt danh mới - ông Mười Sếu vì đi đâu, gặp ai ông cũng say sưa nói về sếu.

Cán bộ thì khoái khi được biết trên thế giới có Hội Sếu, và có người phải bỏ ra cả 10.000 đồng tiền Mỹ, một con số lớn không hình dung được, chỉ được đến Đồng Tháp ngắm sếu. Trong khi dân chúng bản địa 2 huyện Tam Nông, Thanh Bình khi nghe tin ấy thì cười lăn - tưởng con gì hóa ra con xéo, con Ông Cụ.

Người dân Đồng Tháp Mười thường gọi tên theo kiểu trực quan, tỷ như sông Sở Thượng, Sở Hạ, tỷ như Tràm Chim vì chỗ ấy có nhiều tràm và chim, Gáo Giồng vì giồng đất ấy có cây gáo, lúa ma vì chỉ chín vào ban đêm… và xéo là bởi chúng kiếm ăn ở bãi nào là chỗ đấy bị xéo lên, còn Ông Cụ là bởi chúng cao, lông lại bạc và kiếm ăn lại rất sớm, trong màn sương cứ nhấp nhổm như cụ già. Bí thư huyện Tam Nông, ông Năm Rem, còn có lần nhầm tưởng bị địch bao vây và có lúc trực thăng địch còn xả súng vào đàn sếu đang kiếm ăn làm chết cả trăm con.

Cho dù có mang tên gì đi nữa, dù cho Hội Sếu thế giới có biết đến hay không thì con sếu đầu đỏ, con hạc trong đình Thường Lạc cùng cá tôm trên sông Sở Thượng, cùng phèn nặng phèn nhẹ “một mùa nắng cháy, một mùa nước dâng”, cùng lúa ma, cùng cánh đồng năn bất tận bị cháy lem nhem đều là thành viên của một Đồng Tháp Mười thiên tạo, là những mắt xích trong chuỗi thức ăn sinh tồn khép kín.

Nước vẫn ngập mênh mang trong mùa khô là nguyên nhân chính tuyệt diệt cây năn kim, thức ăn của sếu. Ảnh: Quang Ngọc.

Nước vẫn ngập mênh mang trong mùa khô là nguyên nhân chính tuyệt diệt cây năn kim, thức ăn của sếu. Ảnh: Quang Ngọc.

Thật tự hào khi người Việt đã làm được điều tưởng như không thể khiến cả thế giới phải trầm trồ thán phục. Nhưng nghĩ cho tận nhẽ, thì đấy cũng chỉ là kết quả của cuộc chiến hoàn cảnh, của “đói, đầu gối phải bò”. Người Pháp đào kinh vào Đồng Tháp Mười chỉ để tìm diệt nghĩa quân chống Pháp và người Việt sau năm 1975 thì do cồn cào kinh khủng của cái dạ dày. Một cuộc chiến chinh phục thiên nhiên sinh tồn, một cuộc chiến bản năng.

Thật buồn khi đàn sếu bay đi không trở lại. Thật buồn khi Đồng Tháp Mười “đồng khô cỏ cháy, nước ngập lan tràn” chỉ còn trong thơ văn và cổ tích. Thật buồn khi một hồ điều tiết trời cho lớn nhất, hiệu quả nhất, lại không được nhìn nhận.

Thật buồn khi “của tin còn một chút này …”, thẻo đất Đồng Tháp Mười thiên tạo chỉ bằng 1% diện tích Đồng Tháp Mười trước đây - Vườn quốc gia Tràm Chim lại đã và đang bị dày cho tan nốt.

Năm 1992, Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng bài báo chấn động “Ai đuổi hạc Tràm Chim?”, nói rõ ông Tư Thôi, GĐ Sở NN Đồng Tháp đương nhiệm, chiếm 8ha trong vùng đệm của Khu bảo tồn sếu làm lúa. Lấy lý do chống cháy, chống dân nghèo xâm nhập bẫy chim, bắt cá… dự án hàng chục, trăm tỷ đồng đắp bờ bao, đào hào “tường cao hào sâu” như Kinh thành Huế được triển khai.

Vườn Quốc gia Tràm chim (bên phải) tường cao hào sâu. Ảnh: Quang Ngọc.

Vườn Quốc gia Tràm chim (bên phải) tường cao hào sâu. Ảnh: Quang Ngọc.

Tràm Chim xẻ nhiều kinh cho ca nô du lịch chạy. Ảnh: Quang Ngọc.

Tràm Chim xẻ nhiều kinh cho ca nô du lịch chạy. Ảnh: Quang Ngọc.

Để kết hợp du lịch, Tràm Chim bị xẻ bằng nhiều tuyến kinh ngang dọc lấy đường cho ca nô chạy và cây tràm không chỉ dăm bảy cây mọc thành chòm mà được trồng thành băng, thành rừng. Không còn cái ăn, không còn chỗ ở, sếu trời chứ đâu phải sếu nuôi. Những con số, năm 1998 Tràm Chim có 1.050 con sếu, năm 2015 còn 21 con, 2017 còn 9, năm 2018 và 2019 có 11 con nhưng chỉ có 4 con ở lại Tràm Chim, còn 7 con chỉ bay qua.

Chúng ta nghĩ sao khi bạn bè bỏ ta!

Chúng ta đã cay đắng khi không giữ được rừng Tây Nguyên, xót xa với voi Bản Đôn và bây giờ lại thêm sếu Đồng Tháp Mười.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Bình luận mới nhất