| Hotline: 0983.970.780

Bảo tồn tục thờ Nam Hải Đại Thần nơi làng cổ Nhượng Bạn

Thứ Bảy 02/05/2020 , 05:30 (GMT+7)

Ngôi miếu thiêng thờ Nam Hải Đại Thần được ngư dân xã Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh chăm chút hơn cả ngôi nhà chính họ đang ở.

Nghĩa địa thờ hàng trăm con cá Ông ở làng biển Nhượng Bạn. Ảnh: Thanh Nga.

Nghĩa địa thờ hàng trăm con cá Ông ở làng biển Nhượng Bạn. Ảnh: Thanh Nga.

Nơi an nghỉ của hàng trăm Đức Cô, Đức Cậu

Xã Cẩm Nhượng tiền thân là làng Nhượng Bạn từng nổi danh cả vùng biển Hà Tĩnh khi dành hẳn khu đất rộng hơn 2.800m2 để làm nghĩa địa chôn cất cá Ông (còn gọi là cá Voi) và dựng miếu thờ Nam Hải Đại Thần. Ngôi miếu nhỏ được đặt tên là Miếu Đức Ngư Ông.

Theo cụ Nguyễn Văn Bỉnh (70 tuổi), thôn Liên Thành, xã Cẩm Nhượng - người trông coi ngôi miếu cổ, tục thờ cá Ông không biết có tự khi nào nhưng từ khi có tên đất, tên làng, tập tục này đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi một ngư dân làng cổ Nhượng Bạn.

Trời hửng nắng, chúng tôi đến Cẩm Nhượng đúng thời điểm ngư dân vừa đánh bắt cá trở về. Những chàng trai làng biển đen sạm, vạm vỡ, tay xách, nách mang, vội vàng đưa “lộc biển” lên bờ để kịp giao bán cho thương lái đang chờ sẵn.

Trong số hàng chục chiếc thuyền cập bến có một chiếc bất ngờ gặp được “thần cá”. Con cá Ông đã chết, nổi lềnh bềnh trên mặt nước biển trong xanh. Chiếc thuyền của ngư dân Trần Hữu Toàn (50 tuổi), thôn Xuân Bắc từ từ tiến đến vớt cá lên, đem vào bờ và báo với Ban lễ nghi xã Cẩm Nhượng chuẩn bị làm lễ chôn cất.

Các phần mộ được ghi tên Đức Cô, Đức Cậu. Ảnh: Thanh Nga.

Các phần mộ được ghi tên Đức Cô, Đức Cậu. Ảnh: Thanh Nga.

Con cá nặng khoảng 50kg, giống đực nên được ngư dân gọi bằng cái tên hết sức trân quý - Đức Cậu. Sau khi đưa cá lên bờ, 12 người trong Ban lễ nghi chờ sẵn, phân công nhiệm vụ người mua vải, người tắm cho cá, người đóng thuyền gỗ… để làm lễ “hạ huyệt” Đức Cậu.

Việc thờ cúng mỗi con cá Ông qua đời được ngư dân tổ chức hết sức bài bản, trịnh trọng, chu đáo. Chôn cất xong xuôi sẽ có lễ cúng 3 ngày, 50 ngày, 100 ngày, lễ giỗ đầu, giỗ hết khó, giỗ hằng năm... Riêng lễ chung của miếu Đức Ngư Ông được tổ chức vào các ngày 8/4 âm lịch (Lễ Cầu Ngư); 12/8 ÂL (giỗ Đức Ngư Ông) và 25/10 ÂL (giỗ Đức Ngư Bà).

Ngoài ra, ngày Rằm, mồng Một, ngư dân đều đến miếu Đức Ngư Ông để thắp hương tưởng nhớ đến các vị cứu tinh của ngư dân. Mỗi ngư dân không quên khẩn cầu Đức Ngư Ông phù hộ, độ trì cho mưa thuận, gió hòa, tàu thuyền ra khơi, vào lộng bình an, đánh bắt được nhiều tôm cá.

Thậm chí, mỗi khi ra khơi, ngư dân đến đây “xin dấu” (được kết bằng vải đỏ và cây hương) rồi gắn trên tàu. Bà con coi đó như vật bảo hộ cho tàu thuyền, là “lệnh đi đường” biến nguy thành an.

Và được thờ cúng hết sức chu báo, bài bản. Ảnh: Thanh Nga.

Và được thờ cúng hết sức chu báo, bài bản. Ảnh: Thanh Nga.

“Nghĩa địa cá Ông được đặt ngay bên cạnh miếu và con số “thần cá” an nghỉ ở nghĩa địa này lên đến hàng trăm con. Chỉ tính từ sau Tết Nguyên đán đến nay, ngư dân Cẩm Nhượng đã vớt, chôn cất được 3 Đức Cô, Đức Cậu”, cụ Bỉnh vừa chuẩn bị hương đèn làm lễ cúng cho một Đức Cậu vừa nói.

Miếu Đức Ngư Ông được xây dựng, bày trí với nhiều họa tiết cầu kỳ, bên trong là hệ thống Thượng điện, Trung điện và Hạ điện, tất cả được sơn son thiếp vàng, trông hết sức tráng lệ.

Lưu giữ tục thờ cá Ông

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng cho biết, truyền thuyết ghi lại, miếu Đức Ngư Ông được ngư dân xây dựng từ thời Hoàng Triều, vua Khải Định, năm Ất Dậu. Miếu từ xa xưa đã được các triều đại phong kiến xếp vào hạng miếu thiêng, thờ Nam Hải Đại Thần và được vua ban nhiều sắc phong. Năm 2013, miếu được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Ngay cạnh nghĩa địa là ngôi miếu thiêng Đức Ngư Ông, thờ Nam Hải Đại Thần. Ảnh: Thanh Nga.

Ngay cạnh nghĩa địa là ngôi miếu thiêng Đức Ngư Ông, thờ Nam Hải Đại Thần. Ảnh: Thanh Nga.

Trong kho tàng văn hóa truyền thống của ngư dân Nhượng Bạn, tín ngưỡng thờ Nam Hải Đại Thần là một trong những nét văn hóa đặc trưng, gắn liền và có ý nghĩa tinh thần lớn lao đối với mỗi người dân. Với ngư dân Cẩm Nhượng, giữa biển khơi mênh mông, nơi đầu sóng ngọn gió, con người càng trở nên nhỏ bé.

Miếu Đức Ngư Ông không chỉ là chốn tâm linh giúp họ kiên trì bám biển, tạo nên sức mạnh thể chất mà còn là nơi xác tín tâm linh - tin vào vị thần bảo hộ, che chở cho những chuyến ra khơi vào lộng, tôm cá đầy thuyền, cuộc sống bình yên.

Cá Ông có vị thế đặc biệt trong đời sống ngư dân nơi đây, vừa có khả năng cứu nguy vừa báo hiệu cho họ những nơi nhiều tôm cá. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra đặc tính của loài vật này những khi biển động, để tránh sóng, theo bản năng cá Voi sẽ tìm những vật nổi trên mặt biển nép vào và cùng với vật ấy trôi vào bờ.

Điều đó đã khiến cho ngư dân tin rằng cá Ông đã cứu người, cứu thuyền khi gặp bão tố giữa biển khơi. Đồng thời, nơi loài cá này xuất hiện cũng là nơi có nhiều cá và những ngư dân giàu kinh nghiệm sẽ dựa vào đó mà tìm được luồng cá lớn.

Bên trong miếu được bày trí hết sức tráng lệ. Ảnh: Thanh Nga. 

Bên trong miếu được bày trí hết sức tráng lệ. Ảnh: Thanh Nga. 

Cụ Nguyễn Văn Bỉnh kể: Từ xa xưa cho đến bây giờ, cá Ông luôn cứu giúp, độ thế, sát cánh với ngư dân trên biển, biến nguy thành an. Giống như câu chuyện các bậc tiền nhân truyền lại, rất lâu về trước, có một chiếc thuyền đang đánh bắt trên biển nhưng bỗng nhiên giông bão nổi lên, gió rít gầm gừ như muốn cuốn phăng tất cả.

Đúng lúc nguy nan nhất, hai Ngài (cá Ông) xuất hiện thì ngay lúc đó, sóng yên, biển lặng. Các Ngài ghì sát hai bên mạn thuyền, đẩy chiếc thuyền vào nơi an toàn, sau khi ngư dân được cứu, giông bão lại tiếp tục cơn thịnh nộ. Kể từ đó, để khắc ghi công ơn của cá Ông, ngư dân Nhượng Bạn lập miếu thờ và phong thành Đức Ngư Ông.

Sự tích về loại cá đặc biệt này và sự thiêng hóa của nó còn được ghi chép trong các thư tịch cổ. Sách Đại Nam nhất thống chí có đoạn: “Cá Voi được gọi là Đức Ngư, tánh từ thiện hay cứu giúp người đi qua biển do mắc nạn. Đầu niên hiệu Minh Mạng, vua đặt tên cho là Nhân ngư, đầu niên hiệu Tự Đức gọi là Đức Ngư. Loài cá này có ở Nam Hải thì linh, còn ở biển khác thì không linh”.

Những ngôi mộ cá được ngư dân trân quý như 'báu vật'. Ảnh: Thanh Nga.

Những ngôi mộ cá được ngư dân trân quý như "báu vật". Ảnh: Thanh Nga.

Xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên có 248 chiếc tàu vươn khơi bám biển, với hơn 1.100 thuyền viên. Ngoài lực lượng lao động trực tiếp đi biển, trên địa bàn còn có hơn 700 người sinh sống dựa vào kinh doanh, chế biến hải sản.

Theo Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng, không chỉ dừng lại ở tập tục chôn cất, thờ cúng cá Ông, ngay tại ngôi miếu Đức Ngư Ông, hằng năm vào ngày 8/4 âm lịch, hàng nghìn ngư dân xã Cẩm Nhượng tề tựu tổ chức Lễ hội Cầu Ngư.

Ngoài phần Lễ được nhân dân tổ chức hết sức trang trọng, phần hội chứa đựng nhiều truyền thống văn hóa dân gian như hò chèo cạn.

Xã vừa có cụ Trương Văn Hứa (80 tuổi), thôn Xuân Bắc được công nhận là nghệ nhân dân gian. Cụ Hứa chính là người sáng tác, đồng thời là người hát xướng hò chèo cạn trong Lễ hội Cầu Ngư hàng chục năm qua.

Lễ hội bao gồm các phần: Nghi thức, tế lễ, lễ hội chèo cạn, lễ rước trên biển và lễ tế tại miếu Đức Ngư Ông.

Trong đó, lễ rước trên biển gồm có 1 thuyền ngự giá và 2 thuyền hộ giá rước long ngai bài vị của Nam Hải Đại Thần. Thuyền ngự giá và hộ giá được lựa chọn từ hàng trăm chiếc thuyền của ngư dân, trong năm thuyền nào thuận buồm xuôi gió, làm ăn gặp nhiều may mắn nhất và không có tang khó sẽ được chọn.

Ngư dân Cẩm Nhượng xem tục thờ cá Ông là nét văn hóa tâm linh không thể thiếu trong đời sống cũng như hoạt động vươn khơi bám biển. Ảnh: Thanh Nga.

Ngư dân Cẩm Nhượng xem tục thờ cá Ông là nét văn hóa tâm linh không thể thiếu trong đời sống cũng như hoạt động vươn khơi bám biển. Ảnh: Thanh Nga.

Hát chèo cạn thì có một người xướng chính, sau đó nam thanh, nữ tú, trai gái, già trẻ trong làng hò hát theo sau. Âm hưởng nhịp nhàng, vang vọng, thể hiện khát vọng vươn khơi, bám biển, cầu mong mưa thuận gió hòa, tôm cá chất đầy khoang sau mỗi chuyến ra khơi vào lộng.

Lễ tế ở miếu Đức Ngư Ông được ngư dân sắm sửa lễ vật thịnh soạn, ngư dân tham gia tế lễ mặc đồ lễ chỉnh tề, nghiêm trang, ai nấy thể hiện lòng thành kính cầu mong Nam Hải Đại Thần độ thế, phù hộ cho ngư dân gặp may mắn, an lành.

“Tín ngưỡng thờ phụng cá Ông và tổ chức lễ hội Cầu Ngư của ngư dân Cẩm Nhượng đã hình thành và phát triển qua nhiều thế hệ, đến nay vẫn được giữ gìn và phát huy. Đây được xem là nét văn hóa - tín ngưỡng đặc trưng, phản ánh sự đặc sắc văn hóa miền biển. Đồng thời, hàm chứa nhiều giá trị nhân văn sâu sắc, hướng con người đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống”, ông Nguyễn Văn Hùng nói.

(Kiến thức gia đình số 18)

Xem thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Warsaw, bắt đầu thăm Ba Lan

Rạng sáng 15/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và đoàn đại biểu Việt Nam đã tới thủ đô Warsaw, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan.

Thi công hạ tầng hồ chứa nước lớn nhất miền Tây vượt tiến độ

Trà Vinh Dự án hạ tầng Hồ chứa nước Láng Thé, hiện đạt tiến độ thi công trên 15%, trong đó gói thầu số 34 đạt 34% khối lượng công việc.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Bí thư Quảng Ninh trăn trở việc dân, nghĩ cho doanh nghiệp

Song hành với việc tiếp công dân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đang tính bổ sung nội dung tiếp, giải quyết các vấn đề liên quan đến các tổ chức, doanh nghiệp.