| Hotline: 0983.970.780

Bao vây dịch tả lợn Châu Phi

Thứ Bảy 16/12/2023 , 08:04 (GMT+7)

Tuy hiện tại tỉnh Gia Lai vẫn chưa phát hiện ổ dịch nào, song tỉnh này đang triển khai nhiều biện pháp thiết thực, với mục tiêu đảm bảo an toàn cho đàn lợn.

Phòng chống dịch tả lợn châu Phi là mục tiêu hàng đầu của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Đăng Lâm.

Phòng chống dịch tả lợn châu Phi là mục tiêu hàng đầu của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Đăng Lâm.

Thách thức từ bên ngoài

Số liệu đến tháng 10/2023, tỉnh Gia Lai có tổng đàn lợn trên 763.000 con. Toàn tỉnh hiện có 39.734 hộ nuôi lợn. Chăn nuôi lợn tập trung có 351 trang trại với trên 492.000 con. Chăn nuôi theo hình thức trang trại chiếm 64,50%...

Tại Tây Nguyên, đàn lợn của Gia Lai lớn thứ hai, sau tỉnh Đăk Lăk. Theo đó, nỗi lo về bệnh dịch tả lợn châu Phi cũng không hề nhỏ, với cả người chăn nuôi lẫn ngành thú y và chính quyền địa phương các cấp.

Với tỉnh Gia Lai, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa phát hiện ổ dịch nào. Tuy nhiên, tỉnh Đăk Lăk bên cạnh, dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp từ tháng 8 trở lại đây. Từ Đăk Lăk sang Gia Lai có tỉnh lộ 668 dài khoảng 45km.

Từ khi con đường này hoàn thành, thông thương giữa hai tỉnh này thuận tiện hơn rất nhiều, đặc biệt là đối với khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai gồm thị xã Ayun Pa và các huyện Krông Pa, Ia Pa và Phú Thiện. Theo đó, các chuyến xe tải vận chuyển lợn về những địa phương này ở Gia Lai thường đi trên con đường này, vừa rút ngắn thời gian, tiết kiệm nhiên liệu, lại “né” được các trạm kiểm dịch động vật.

Trên thực tế, đã có những chuyến xe chở lợn chết từ Đăk Lăk sang Gia Lai. Cụ thể, vào ngày 19/11 mới đây, Công an huyện Kông Chro cùng người dân phát hiện và bắt quả tang tài xế Đ.D.P (sinh năm 1986, trú thôn An Hiệp, xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) điều khiển xe tải BKS 49C-xxx.xx, đang có hành vi đổ xác 16 con lợn đã chết xuống sông Ba thuộc địa phận thôn 2, xã Kông Yang, huyện Kông Chro. Trọng lượng mỗi con lợn từ 12- 15 kg.

Còn ở tỉnh Kon Tum, chỉ trong vòng hơn một tuần (từ 27/11 đến 5/12), ngành chức năng tỉnh này đã phát hiện và tiêu huỷ gần 300 con lợn chết do dịch tả lợn Châu Phi tại thành phố Kon Tum và huyện Đăk Glei. Ngành nông nghiệp địa phương đang triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch nhất là thời điểm cuối năm đang đến gần.

Cụ thể, ngày 27/11, ngành nông nghiệp ghi nhận ổ dịch tả lợn châu Phi tại trại nuôi lợn của ông Lưu Văn Chung, thôn Kon Hra Chót, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum. Tổng số lợn chết và bị tiêu huỷ là 147 con.

Lực lượng chức năng đã tổ chức tiêu hủy ngay toàn bộ đàn lợn của hộ gia đình này theo đúng quy định. Đồng thời, hướng dẫn chủ nuôi vệ sinh chuồng trại, triển khai các biện pháp nhằm khoanh vùng ổ dịch, ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

Trước đó, tỉnh Kon Tum phát hiện và tiêu hủy 2 ổ dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Đăng Lâm.

Trước đó, tỉnh Kon Tum phát hiện và tiêu hủy 2 ổ dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Đăng Lâm.

Đến ngày 5/12, ngành nông nghiệp Kon Tum tiếp tục ghi nhận ổ dịch tả lợn châu Phi tại hộ chăn nuôi Trần Đình Rừng, xã Xốp, huyện Đăk Glei với 124 con lợn chết. Ngoài ra, tại một hộ chăn nuôi khác ở thôn Rooc Mẹt, xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei cũng xuất hiện trường hợp lợn chết bất thường với số lượng 56 con, hiện đang chờ kết quả xét nghiệm.

Ông Thái Văn Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai) cho biết: “Địa bàn rộng, lực lượng cán bộ thú y quá mỏng, trong khi diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp là những thách thức lớn đối với ngành thú y của tỉnh trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nói riêng và dịch tả lợn châu Phi nói riêng”.

Quyết liệt ngăn dịch

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai về việc triển khai Công điện số của Thủ tướng Chính phủ (Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi nhằm đảm bảo kiểm soát kịp thời, hiệu quả bệnh dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thịt lợn trong thời gian tới, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024), Sở NN-PTNT tỉnh này chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố và yêu cầu Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Trong đó, tập trung các biện pháp trọng tâm như hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện các trường hợp dịch bệnh động vật để xử lý dứt điểm ngay khi còn ở diện hẹp, không để lây lan ra diện rộng. Xử lý tiêu hủy lợn bệnh, nghi mắc bệnh, lợn chết, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bệnh, vứt xác lợn chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.

Ngăn chặn dịch bệnh từ xa được đặt lên hàng đầu. Ảnh: Đăng Lâm.

Ngăn chặn dịch bệnh từ xa được đặt lên hàng đầu. Ảnh: Đăng Lâm.

Ngành chăn nuôi đã thường xuyên hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh, khử trùng, tiêu độc khu vực chuồng nuôi và khu vực có nguy cơ cao, đẩy mạnh các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, triển khai xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Công tác quản lý giết mổ, kiểm soát giết mổ, hoạt động buôn bán lợn và các sản phẩm từ lợn được tăng cường quản lý, nhằm đảm bảo theo các quy định về vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Đồng thởi tổ chức tiêm vacxin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn lợn. Đồng thời kịp thời hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật…

Ông Dũng cho biết, Chi cục đã thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, có kế hoạch xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh động vật. Ngoài ra còn tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn Châu Phi, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan, các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; khuyến cáo, hướng dẫn người chăn nuôi chỉ tái đàn lợn khi cơ sở chăn nuôi đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh…

“Quyết liệt triển khai đồng bộ các biện pháp, nhằm ngăn chặn dịch bệnh từ xa, đảm bảo an toàn cho đàn lợn, đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn cho người dân ăn tết… Đó là mục tiêu mà ngành Chăn nuôi và Thú y tỉnh đặt ra”, ông Thái Văn Dũng, cho biết.

Từ đầu năm đến cuối tháng 11/2023, cả nước đã xuất hiện trên 530 ổ bệnh dịch tả lợn Châu Phi, buộc tiêu hủy trên 20.000 con lợn tại 44 tỉnh, thành phố, nhất là tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Sơn La, Quảng Bình… trong đó có tỉnh Đăk Lăk giáp với tỉnh Gia Lai; dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng từ tháng 8 trở lại đây tại nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là tại các địa phương có tổng đàn lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi lợn và bảo đảm nguồn cung thực phẩm.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Hà Nội có 124 cơ sở được cấp mã số vùng trồng với 794 ha

Mã số vùng trồng được cho là phương pháp quản lý tận gốc chất lượng nông sản, tuy nhiên câu chuyện thực hiện và giám sát nó hiện vẫn còn nhiều khó khăn.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.