| Hotline: 0983.970.780

Bảo vệ 'đầu cơ nghiệp' trước mùa đông giá rét

Thứ Sáu 15/12/2023 , 07:59 (GMT+7)

Để tránh thiệt hại cho đàn gia súc trong mùa đông, người dân Thái Nguyên đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống rét cho đàn vật nuôi.

Người dân tu sửa chuồng trại, che chắn gió để phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc. Ảnh: Phạm Hiếu.

Người dân tu sửa chuồng trại, che chắn gió để phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc. Ảnh: Phạm Hiếu.

Hiện nay, để đảm bảo đàn gia súc phát triển khỏe mạnh trong mùa đông, người dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, đặc biệt là ở các khu vực miền núi, vùng cao, đã và đang chủ động tăng cường phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc bằng nhiều biện pháp như tu sửa chuồng trại, che chắn gió, dự trữ thức ăn...

Theo đó, thời điểm hiện tại, gia đình ông Dương Văn Phong (xã Động Đạt, huyện Phú Lương) đang duy trì chăn nuôi 5 con trâu sinh sản. Do đây là nguồn thu nhập chính của gia đình nên vào mùa đông hằng năm, ông luôn chủ động trong phòng, chống đói, rét cho đàn trâu.

Theo chia sẻ của người dân, trước đây, khi chỉ nuôi một con trâu để lấy sức kéo, bất kể là mùa đông hay mùa hè ông đều thả lên rừng, thỉnh thoảng đi lấy cỏ hay lá cây về cho trâu ăn.

“Nhưng gần 5 năm nay, khi chuyển sang nuôi trâu theo hướng sinh sản, với số lượng đàn đông hơn, ngoài việc xây dựng chuồng trại kiên cố, gia đình tôi còn dành gần 5 sào đất để trồng cỏ voi làm thức ăn hằng ngày và dự trữ để mùa đông trâu luôn có đủ thức ăn”, ông Phong cho biết.

Không chỉ gia đình ông Phong, thực tế cho thấy, tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, bà con nông dân đã và đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm phòng, chống rét cho đàn gia súc. Các chuồng trại chăn nuôi trâu, bò đều đã được người dân giăng bạt, quây bao tải, ni lông, những bó rơm, cỏ khô được chất đống ở góc sân, góc vườn...

Gia đình ông Ngô Văn Lý (xã Lâu Thượng, huyện Võ Nhai), hiện có 5 con và 1 con trâu. Ngay từ đầu tháng 10, ông đã chủ động mua lưới, bạt về che chắn chuồng trại. Do đất sản xuất của gia đình hạn chế, không thể trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc nên cứ cách 2 - 3 ngày, vợ chồng ông Lý lại đi nhiều nơi để cắt cỏ, lá cây cho trâu, bò.

“Để đề phòng thời tiết rét đậm, rét hại, không thể đi lấy cỏ được, tôi còn tích trữ cỏ khô, rơm, cám ngô... để làm thức ăn cho trâu, bò. Ngoài ra tôi còn trồng thêm 3 sào ngô vụ đông để khi cần thiết nhất có thể cắt cho trâu, bò ăn”, ông Lý cho biết.

Người dân trồng cỏ voi, chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi vào mùa đông. Ảnh: Phạm Hiếu.

Người dân trồng cỏ voi, chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi vào mùa đông. Ảnh: Phạm Hiếu.

Với đặc điểm là địa phương vùng cao, để tránh những thiệt hại cho đàn gia súc trong mùa đông, cơ quan chức năng và người dân trên địa bàn huyện Võ Nhai đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống rét cho đàn gia súc.

Theo ông Nông Minh Tuấn, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Võ Nhai, hiện trên địa bàn huyện có 8.900 con trâu, bò, trên 37.900 con lợn, 5.500 con dê... Ngay từ đầu mùa đông, đơn vị đã thành lập các đoàn công tác trực tiếp đến các xã, thị trấn để chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến các xóm vùng cao, những nơi vật nuôi có nguy cơ bị ảnh hưởng nhiều trong mùa đông.

“Đồng thời, Phòng NN-PTNT đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Võ Nhai cử cán bộ xuống tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống rét cho gia súc, như tu sửa, gia cố chuồng trại, làm áo khoác ấm cho vật nuôi, di chuyển đàn gia súc đang thả trên núi đưa về nuôi nhốt, tăng cường chế biến thức ăn khô, dọn dẹp vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi…”, ông Nông Minh Tuấn thông tin.

Cùng với đó, bà Đặng Thị Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Võ Nhai, cho biết, Trung tâm đã vận động bà con làm cây rơm, trồng thêm diện tích cỏ, ngô sinh khối và tiêm đầy đủ vacxin để vật nuôi có sức đề kháng tốt. Thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, khí hậu, đặc biệt khi các đợt rét đậm, rét hại tràn về để thông tin kịp thời cho người dân nắm được.

Bà con nên gia cố, che chắn chuồng trại và đưa trâu, bò về nuôi nhốt ở nơi khô, ráo, không thả rông trong rừng núi, không chăn thả ngoài trời, bãi chăn thả tập trung. Ảnh: Phạm Hiếu.

Bà con nên gia cố, che chắn chuồng trại và đưa trâu, bò về nuôi nhốt ở nơi khô, ráo, không thả rông trong rừng núi, không chăn thả ngoài trời, bãi chăn thả tập trung. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo khuyến cáo của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Thái Nguyên, do thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp nên bà con tuyệt đối không được chủ quan mà cần áp dụng đầy đủ các biện pháp chống rét cho vật nuôi.

Cụ thể, đối với trâu, bò, bà con nên gia cố, che chắn chuồng trại và đưa trâu, bò về nuôi nhốt ở nơi khô, ráo. Không thả rông trong rừng núi, không chăn thả ngoài trời, bãi chăn thả tập trung, không cho trâu, bò làm việc khi nhiệt độ dưới 12 độ C.

Đối với lợn, bà con không phun nước cọ rửa chuồng hoặc tắm cho lợn vào những ngày nhiệt độ xuống dưới 12 độ C, cho lợn ăn đảm bảo đầy đủ, cân đối chất dinh dưỡng và tiêm vacxin đầy đủ.

Đối với đàn gia cầm, bà con bổ sung thêm bóng đèn điện để sưởi ấm cho gia cầm trong những ngày rét đậm, rét hại, cung cấp thức ăn đủ chất và lượng, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của vật nuôi, cho vật nuôi uống đủ nước sạch, ấm và bổ sung thêm đường, các loại vitamin tổng hợp, men tiêu hoá, điện giải… để nâng cao sức đề kháng.

Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có hơn 93.500 con trâu, bò, 600.000 con lợn và khoảng 16 triệu con gia cầm. Nhằm hạn chế thiệt hại cho đàn vật nuôi trong mùa đông, Sở NN-PTNT đã ban hành văn bản gửi các huyện, thành phố về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống rét. Trong đó, tập trung tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân dự trữ thức ăn, quây kín chuồng trại, tiêm phòng vacxin đầy đủ cho đàn vật nuôi; không chăn thả rông gia súc khi nhiệt độ giảm sâu...

Xem thêm
Cả nước có 32 cơ sở sản xuất tôm an toàn dịch bệnh

NINH THUẬN Theo Cục Thú y, cả nước hiện có 32 cơ sở sản xuất tôm an toàn dịch bệnh, trong đó 27 cơ sở sản xuất tôm giống với sản lượng đạt 38 tỷ tôm post/năm.

Có một ngôi làng Nam bộ bên dòng sông Thu Bồn

QUẢNG NAM Trồng đủ các loại cây trái có giá trị, kinh tế vườn giúp cho hơn 80% hộ dân ở làng Đại Bình thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Năng suất sắn tăng 30 - 50% nhờ tưới tiết kiệm

Tại Tây Ninh, áp dụng tưới tiết kiệm đã giúp cây sắn tăng năng suất từ 30 - 50% (đạt 40 - 50 tấn/ha), giảm 40% lượng nước tưới so với tưới tràn.