| Hotline: 0983.970.780

'Ba đủ' bảo vệ đàn gia súc trong giá rét

Thứ Tư 06/12/2023 , 11:20 (GMT+7)

Bảo vệ đàn gia súc trong mùa đông giá rét, ngành NN-PTNT, chính quyền các địa phương tỉnh Hà Giang thực hiện phương châm ba đủ: Đủ ấm, đủ no, đủ thuốc phòng dịch.

Mùa đông về, phòng chống đói rét cho đàn gia súc được ngành chức năng và người chăn nuôi Hà Giang đặc biệt quan tâm. Ảnh: Đào Thanh.

Mùa đông về, phòng chống đói rét cho đàn gia súc được ngành chức năng và người chăn nuôi Hà Giang đặc biệt quan tâm. Ảnh: Đào Thanh.

Không để gia súc đói rét

Theo Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản Hà Giang, hiện toàn tỉnh có trên 106.000 hộ chăn nuôi trâu, bò với tổng số 264.000 con. Bảo vệ đàn vật nuôi khi mùa đông đến, nhất là những ngày nhiệt độ xuống thấp, người dân Hà Giang đã có ý thức làm chuồng chăn nuôi kiên cố, tích trữ thức ăn và tiêm phòng đầy đủ vacxin.

Ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản Hà Giang cho biết, phòng chống đói rét cho đàn gia súc, Hà Giang thực hiện phương châm ba đủ: Đủ ấm, đủ no, đủ thuốc, hiện được các địa phương và bà con nhân dân hưởng ứng tích cực. Do đó, mấy năm trở lại đây, tình trạng trâu, bò bị chết do đói, rét trong những ngày mùa đông đã giảm xuống và gần như không còn xảy ra.

Nhiều hộ thực hiện tốt công tác chuẩn bị về chuồng nuôi, dự trữ thức ăn, vệ sinh chuồng trại, tiêm vacxin phòng bệnh cho đàn vật nuôi đảm bảo đủ sức khỏe chống lại những thay đổi về thời tiết, khí hậu.

Hiện, toàn huyện Mèo Vạc có khoảng hơn 4.000 con trâu, 27.000 con bò và 31.000 con lợn. Rút kinh nghiệm từ các đợt rét đậm, rét hại những năm trước, ngay từ đầu mùa đông, nhiều hộ gia đình đã chủ động gia cố chuồng trại, tích trữ rơm, trồng thêm cỏ làm thức ăn dự trữ cho gia súc. Bên cạnh đó, cán bộ khuyến nông xã đến hướng dẫn từng hộ dân sử dụng bạt che chắn chuồng trại, đốt lửa sưởi ấm cho trâu, bò.

Chính quyền địa phương cũng khuyến cáo, trong quá trình sưởi ấm cho đàn vật nuôi các hộ dân cần đảm bảo an toàn cháy nổ, tránh gây bỏng, ngạt, bí khí cho vật nuôi. Đồng thời, vận động người chăn nuôi không cho trâu, bò làm việc, chăn thả tự do, nuôi nhốt có kiểm soát, áp dụng các biện pháp giữ ấm, nhất là với bê, nghé non.

Gia đình ông Già Mí Nô, thôn Tìa Chí Đơ, xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc có 2 con bò. Ông Nô cho biết, ngay từ đầu mùa rét năm nay ông đã chủ động sửa lại hệ thống chuồng nuôi, mua bạt dự phòng đề phòng những ngày nhiệt độ xuống thấp để che chắn phòng rét cho đàn gia súc.

 Ngoài ra, ông cũng tích trữ cỏ khô, rơm rạ để phòng những ngày khan hiếm thức ăn. Đối với các hộ dân ở vùng cao nguyên Hà Giang như gia đình ông Nô đàn bò chính là tài sản lớn và có giá trị nhất của mỗi gia đình. Do đó, việc theo dõi, giữ ấm và tiêm đầy đủ vacxin phòng, chống dịch bệnh cho gia súc đã được người dân ý thức tốt hơn mỗi khi mùa đông về.

Đến nay, huyện Đồng Văn có trên 78.000 con gia súc, với hơn 13.000 hộ chăn nuôi. Trong số các hộ chăn nuôi có khoảng 9.000 hộ đã chủ động làm chuồng kiên cố. Những ngày này, tại 19 xã, thị trấn chủ động trồng trên 2.000ha cỏ phục vụ chăn nuôi, lượng thức ăn dự trữ đảm bảo cho đàn gia súc ước khoảng hơn 1.100 tấn thức ăn tinh bột, hơn 34.000 tấn thức ăn thô xanh.

Các hộ dân chủ động trồng cỏ, ngô dày để tích trữ thức ăn cho đàn gia súc trong ngày đông giá rét. Ảnh: Đào Thanh.

Các hộ dân chủ động trồng cỏ, ngô dày để tích trữ thức ăn cho đàn gia súc trong ngày đông giá rét. Ảnh: Đào Thanh.

Gia đình Ly Dũng Vư, thôn Séo Lủng B, xã Sảng Tủng, huyện Đồng Văn đã tu sửa lại khu chuồng trại gia súc của gia đình để nhốt 6 con bò sinh sản.

Anh Vư cho biết, không làm chuồng nuôi kiên cố thì mùa đông đến đàn vật nuôi sẽ bị lạnh và phát sinh dịch bệnh. Bên cạnh đó, anh Vư cũng tích trữ rơm rạ, trồng thêm nhiều diện tích cỏ voi, chuẩn bị nguồn thức ăn tinh bột như cám, ngô và ủ chua cỏ làm thức ăn cho đàn gia súc.

Dự trữ gần nửa triệu tấn thức ăn thô xanh

Năm nay, tổng nguồn thức ăn tinh dự trữ tại tỉnh Hà Giang ước khoảng 30.000 tấn, thức ăn thô xanh dự trữ ước khoảng gần nửa triệu tấn, diện tích cỏ hiện có là trên 22.600ha. Toàn tỉnh cũng đã có gần 105.000 hộ chăn nuôi ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng chống đói rét cho đàn gia súc, chiếm xấp xỉ 99% tổng số hộ chăn nuôi trâu, bò.

Ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản Hà Giang cho biết thêm, triển khai công tác phòng chống đói rét tốt hơn trong thời gian tới, tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng, các huyện, thành phố chủ động sử dụng ngân sách dự phòng hỗ trợ bạt để che chắn chuồng trại cho các hộ nghèo, hộ neo đơn và các hộ gia đình chính sách.

Thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến thời tiết để kịp thời thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc, nhằm hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại cho người chăn nuôi.

Diện tích đồng cỏ hiện có của tỉnh Hà Giang là 22.666ha. Ảnh: Đào Thanh.

Diện tích đồng cỏ hiện có của tỉnh Hà Giang là 22.666ha. Ảnh: Đào Thanh.

Dù đã có nhiều chuyển biến trong ý thức, tuy nhiên công tác phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi trong mùa đông ở Hà Giang vẫn có những khó khăn nhất định. Theo thống kê của Sở NN-PTNT Hà Giang, một bộ phận người dân còn chưa chủ động trong việc làm chuồng, tu sửa, che chắn chuồng trại trước khi bước vào vụ rét. Toàn tỉnh vẫn còn 376 hộ chưa có chuồng chăn nuôi, trong đó huyện Bắc Mê có 187 hộ, huyện Vị Xuyên có 107 hộ, huyện Hoàng Su Phì có 9 hộ và huyện Xín Mần có 73 hộ.

Tại một số địa phương, công tác tuyên truyền, vận động người chăn nuôi thực hiện các biện pháp dự trữ thức ăn, phòng chống đói rét cho đàn gia súc còn chưa thực sự quyết liệt. Một số huyện dự trữ số lượng thức ăn cho đàn gia súc chưa đảm bảo yêu cầu so với tổng đàn cụ thể.

Qua khảo sát thực tế tại các địa phương, nguồn thức ăn tinh dự trữ tại các huyện Bắc Mê, thành phố Hà Giang, Quản Bạ, Bắc Quang và Vị Xuyên chưa đảm bảo số lượng so với tổng đàn. Nguồn thức ăn thô dự trữ tại các huyện Hoàng Su Phì, Vị Xuyên và Thành phố Hà Giang chưa đảm bảo số lượng so với tổng đàn.

Theo ông Trịnh Văn Bình, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Giang, so với những năm trước, con số 376 hộ chưa có chuồng chăn nuôi ở Hà Giang hiện đã giảm hơn rất nhiều. Cán bộ chuyên môn và chính quyền các địa phương cũng đã nỗ lực việc tuyên truyền từ cấp thôn bản, đến huyện, tỉnh. Nhưng do đặc điểm bà con là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, kiến thức chăn nuôi còn hạn chế gây khó khăn cho quá trình tuyên truyền, vận động và triển khai thực hiện.

Ngành NN-PTNT tỉnh Hà Giang và UBND các huyện, thành phố khuyến cáo người dân tranh thủ những ngày trời nắng thu gom triệt để rơm rạ, các loại cỏ thân mềm phơi khô, bảo quản, dự trữ ở nơi khô ráo, gieo ngô dày làm thức ăn bổ sung cho đàn gia súc, tận dụng thân cây ngô, lạc, ngọn mía, bã mía, cỏ trồng và cỏ tự nhiên... để chế biến, dự trữ bằng hình thức ủ chua, ủ men vi sinh. Mỗi gia đình cần tích trữ số lượng rơm, cỏ khô đảm bảo đủ nguồn thức ăn cho đàn trâu, bò trong những ngày nhiệt độ xuống thấp không thể chăn thả.

Hiện, đã có trên 78.000 hộ chăn nuôi ở Hà Giang làm được chuồng kiên cố chiếm 74%. Có hơn 27.500 hộ chăn nuôi có chuồng tạm, chiếm 26%. Số hộ chưa làm chuồng chăn nuôi là 376 hộ, chiếm 0,4%. So với các địa phương khác tại khu vực miền núi phía Bắc, thời tiết ở Hà Giang vào mùa đông khá khắc nghiệt, những năm gần đây tại nhiều vùng còn có băng giá. Do đó, việc phòng chống đói rét và bảo vệ sức khỏe cho đàn gia súc được ngành NN-PTNT và các địa phương của tỉnh Hà Giang đặc biệt chú trọng.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Trường Sơn Bio tái tạo nông nghiệp sạch vì sức khỏe cộng đồng

ĐBSCL Mục tiêu của TSBIO giúp tái sinh nền đất, cải tạo môi trường nông nghiệp, sản sinh ra các sản phâm nông nghiệp hữu cơ, không còn tồn dư của các loại thuốc BVTV.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất