Tình hình thời tiết đang diễn biến phức tạp, trời nắng nóng và hanh khô, tiềm ẩn nguy cơ cháy rất cao. Từ đó, Vườn Quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) là khu Ramsar thứ 2.000 của thế giới nên được thường xuyên tuần tra bảo vệ rừng và làm công tác vận động quần chúng không xâm nhập trái phép vào Vườn, đưa các máy chữa cháy chuyên dụng xuống địa bàn trọng yếu có nguy cơ cháy cao để chủ động phòng chống cháy rừng mùa khô.
Hiện nay, nhiều khu vực rừng tràm của Vườn Quốc gia Tràm Chim đang có nguy cơ cháy cấp từ cấp III trở lên (cấp có nguy cơ cháy cao), những khu vực mực nước xuống thấp sẽ chủ động bơm nước vào và đốt lớp thực bì dày, đốt cỏ chủ động để phòng ngừa cháy rừng. Thực hiện phương châm 4 tại chỗ trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng...
Ông Dương Văn Sự, cán bộ Bảo vệ rừng chuyên trách Vườn Quốc gia Tràm Chim cho biết: Vườn có diện tích trên 7.300ha trồng rừng tràm và các loại thực vật khác, Vườn chia thành 5 khu, trong đó có 2 khu A4 và A5 với trên 1.500ha đang báo động cháy cấp 3, cấp cực kỳ nguy hiểm.
Vì vậy ngành chức năng luôn chủ động kiểm tra toàn bộ máy móc và các thiết bị phòng cháy chữa cháy rừng trong kho và bố trí túc trực và tuần tra 24/24 trong mùa khô. Nếu có sự cố cháy, lực lượng sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra, đảm bảo không để cháy rừng hoặc kéo giảm nguy cơ cháy rừng xuống mức thấp nhất.
Cũng theo ông Dương Văn Sự, trong việc giữ nước cũng duy trì đảm bảo phát triển về tính đa dạng sinh học của các loài động, thực vật trong Vườn. Năm nay vẫn tiếp tục phát huy thế mạnh phối hợp giữa lực lượng bộ đội tỉnh với lực lượng Kiểm lâm tỉnh tuần tra kiểm soát, ngăn chặn xâm nhập trái phép vào Vườn và phối hợp thường xuyên với lực lượng địa phương như: Công an, Quân huyện, Kiểm lâm… phòng chống xâm nhập trái phép Vườn quốc gia để hạn chế cháy xảy ra.
Hạt Kiểm lâm và UBND các xã, thị trấn quanh Vườn lập kế hoạch, phương án cụ thể theo phương châm 4 tại chỗ, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức cán bộ quản lý và nhân dân về công tác phòng chống cháy rừng. Luôn đổi mới phương thức kiểm tra, chống xâm nhập trái phép vào Vườn. Xây dựng dự báo cấp cháy rừng trên địa bàn huyện, kiểm tra các đường băng trắng và trang bị đầy đủ và sẵn sàng các phương tiện, máy móc chữa cháy chuyên dụng để phục vụ kịp thời công tác phòng chống cháy rừng.
Đồng thời, tổ chức các đội phòng chống cháy rừng ở các xã, thị trấn thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng, chủ động kế hoạch bơm nước vào rừng để tăng độ ẩm và dự trữ, điều tiết nước hợp lý ở các phân khu, vệ sinh rừng, cày nhận cỏ làm ranh chủ động để tạo an toàn phòng tránh cháy lan.
Mở lớp tập huấn và tổ chức diễn tập công tác phòng chống cháy rừng, xây dựng tư liệu Flycam ghi nhận toàn bộ hiện trạng rừng, xác định vị trí ao hồ lấy nước, kế hoạch nạo vét các kênh, ao cạn, xây dựng bản đồ thảm thực vật rừng và bản đồ phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng và nhắc nhở du khách về quy tắc sử dụng lửa và cảnh giác cháy rừng khi vào Vườn.
Đối với người dân nghèo ở địa phương, Ban giám đốc Vườn QGTC còn tìm mọi cách để hỗ trợ vốn, giải quyết việc làm để từng bước nâng cao mức sống người dân quanh vùng đệm nhằm hạn chế việc xâm nhập trái phép vào Vườn khai thác những động, thực vật ảnh hưởng đến cháy rừng.
Anh Lê Thanh Sơn, Tổ trưởng Quản lý tài nguyên - Đội bảo vệ rừng, Vườn Quốc gia Tràm Chim nhận định, nhờ có bước chủ động triển khai công tác phòng chống nên trong hai, ba năm gần đây Vườn Vườn Quốc gia Tràm Chim chưa xảy ra vụ cháy rừng tràm nào. Trọng tâm nhất là lắp đặt hệ thống Camera quan sát từ xa, phân công lực lượng bảo vệ trực 24/24.
“ Việc xây dựng bản đồ chuyên đề phòng cháy chữa cháy rừng và xây dựng kế hoạch khai thác tài nguyên hợp lý trong Vườn từ tháng 9-11 hằng năm và thực hiện mô hình du lịch cộng đồng (homestay)…Từ góp phần làm giảm áp lực xâm nhập trái phép vào Vườn. Tin rằng, thành quả này sẽ được duy trì và tiếp tục phát huy trong thời gian tới…” Anh Lê Thanh Sơn, Tổ trưởng Quản lý tài nguyên - Đội bảo vệ rừng Vườn Quốc gia Tràm Chim nói.