| Hotline: 0983.970.780

Ứng phó cháy rừng: Người dân ký cam kết phòng chống cháy rừng

Thứ Bảy 01/04/2023 , 12:11 (GMT+7)

Phú Yên Để phòng chống cháy rừng việc tuyên truyền người dân sống, canh tác gần rừng ký cam kết phối hợp với trạm bảo vệ rừng khi dùng lửa đốt là cần thiết.

Tuyên truyền người dân phòng chống cháy rừng

Ban Quản lý Rừng phòng hộ Tây Hòa, huyện Tây Hòa (Phú Yên) hiện được giao quản lý 26.670,8 ha, trong đó diện tích có rừng hơn 25.898 ha nằm trên địa bàn 5 xã Sơn Thành Đông, Sơn Thành Tây, Hòa Mỹ Tây, Hòa Mỹ Đông và Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa).

Các chủ rừng treo bảng tuyên truyền người dân không khai thác rừng trái phép và phòng chống cháy rừng. Ảnh: KS.

Các chủ rừng treo bảng tuyên truyền người dân không khai thác rừng trái phép và phòng chống cháy rừng. Ảnh: KS.

Những ngày này khi thời tiết bắt đầu nắng nóng, lực lượng quản lý rừng tại đây luôn tập trung cao độ về lực lượng, bám sát rừng không lơ là, chủ quan và sẵn sàng ứng phó khi xảy ra cháy rừng.

Ông Đào Ngọc Dũng, Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Tây Hòa, cho biết, hiện đơn vị đã chuẩn bị tốt mọi công tác phòng chống cháy rừng, đảm bảo phương châm “4 tại chỗ” gồm Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Từ đó những năm qua đối với rừng tự nhiên của đơn vị không có xảy ra cháy rừng. Tuy nhiên đối với rừng trồng gần 700 ha có nguy cơ cháy cao, cũng như vẫn còn xảy ra cháy rừng song nhờ phát hiện kịp thời nên không gây thiệt hại lớn.

Theo ông Đào Ngọc Dũng, nguyên nhân xảy ra tình trạng cháy rừng trồng do người dân trong quá trình làm nương rẫy đốt thực bì hoặc sử dụng lửa không kiểm soát được nên gây cháy lan. Do đó, rút kinh nghiệm từ công tác phòng chống cháy rừng những năm qua, khi bước vào mùa khô từ tháng 3-8 hàng năm, đơn vị đều đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân sống canh tác gần rừng ký cam kết phòng chống cháy rừng, đồng thời khi sử dụng lửa phải báo trạm bảo vệ rừng phối hợp kiểm soát.

Những ngày này cao điểm mùa nắng nóng nên Ban Quản lý Rừng phòng hộ Tây Hòa triển khai nhiều giải pháp phòng chống cháy rừng. Ảnh: KS.

Những ngày này cao điểm mùa nắng nóng nên Ban Quản lý Rừng phòng hộ Tây Hòa triển khai nhiều giải pháp phòng chống cháy rừng. Ảnh: KS.

Hiện nay Ban Quản lý Rừng phòng hộ Tây Hòa cũng đã trang bị thêm bảng cấm, dụng cụ phòng cháy chữa cháy rừng và tu sửa các bảng tuyên truyền ở trong rừng để người dân dễ nhận thấy. Chủ rừng quyết tâm thực hiện tốt phương án phòng cháy chữa cháy rừng, quy chế phối hợp quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng với các xã, các đơn vị chủ rừng giáp ranh, Hạt kiểm lâm sở tại. Cũng như quan tâm thực hiện tốt quy trình kỹ thuật chăm sóc rừng và duy tu đường băng cản lửa.

“Khi thời điểm nắng nóng nhiệt độ cao, chúng tôi phân công cán bộ trực canh lửa 24/24 giờ hàng ngày. Các thành viên Ban chỉ huy cũng phân công trực chỉ huy cả ngày nghỉ, dịp lễ và vận động viên chức, người lao động làm thêm giờ, hạn chế nghỉ phép, nghỉ việc riêng để tập trung tăng cường tuần tra phòng, chống cháy rừng”, ông Dũng chia sẻ.

Tương tự tại Ban quản lý rừng đặc dụng Krông Trai, huyện Sơn Hòa những ngày này lực lượng quản lý bảo vệ rừng đều túc trực trong rừng. Ngoài canh phòng chống cháy, lực lượng nơi đây thường xuyên tuyên truyền bà con tại các cuộc họp thôn, buôn, cũng như vận động người dân ký cam kết phòng chống cháy rừng.

Vào mùa khô, lực lượng Ban quản lý rừng đặc dụng Krông Trai căng mình phòng, chống cháy rừng. Ảnh: KS.

Vào mùa khô, lực lượng Ban quản lý rừng đặc dụng Krông Trai căng mình phòng, chống cháy rừng. Ảnh: KS.

Ông Huỳnh Tấn Trương, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng Krông Trai, cho biết, đơn vị có tổng diện tích tự nhiên hơn 13.700 ha, trong đó khoảng 7.000 ha rừng tự nhiên và 200 ha rừng trồng được phân bố trên địa bàn 6 xã gồm Krông Pa, Eachà Rang, Suối Trai, Cà Lúi, Sơn Phước và Suối Bạc của phía Tây huyện Sơn Hòa, tiếp giáp tỉnh Gia Lai.

Do đặc điểm lịch sử để lại nhiều năm, người dân canh tác len lỏi trong vùng lõi của rừng do đơn vị quản lý nên việc bảo vệ rừng, cũng như phòng chống cháy rừng gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc đẩy mạnh tuyên truyền người dân tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng là hết sức quan trọng và cần thiết.

Theo ông Huỳnh Tấn Trương, bước đầu đơn vị đã tuyên truyền vận động 50 hộ ký cam kết phòng chống cháy rừng. Hiện nay, anh em tiếp tục vận động bà con canh tác mía gần rừng ký cam kết, vì đây là một trong những trường hợp dễ gây xảy cháy rừng do đốt thực bì. Cũng như các hộ canh tác cây đậu đỏ, chăn nuôi gia súc đốt thực bì và đồng cỏ để cỏ mới mọc lên.

Ông Huỳnh Tấn Trương, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng Krông Trai, cho biết, để quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng hiệu quả, đơn vị đang xin chủ trương quy hoạch lại, điều chỉnh ranh giới rừng để đưa dân sống, canh tác trong vùng lõi rừng của đơn vị quản lý ra ngoài, từ đó thu hồi đất phục hồi trồng lại rừng. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ có kế hoạch hàng năm lấy đất rừng của người dân khai thác trái phép, để phục hồi lại rừng với diện tích khoảng 50 ha/năm.

Phải tuần tra 24/24 giờ

Ông Lê Văn Bé, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Phú Yên, cho biết tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có hơn 253.671 ha đất có rừng. Trong đó, hơn 126.974 ha rừng tự nhiên; 106.990 ha rừng trồng (bao gồm 3.012,19 ha rừng cao su) và hơn 19.706 ha đất có rừng trồng chưa thành rừng.

Lực lượng Ban Quản lý Rừng phòng hộ Tây Hòa tuần tra rừng, nghỉ mệt bên bờ suối. Ảnh: KS.

Lực lượng Ban Quản lý Rừng phòng hộ Tây Hòa tuần tra rừng, nghỉ mệt bên bờ suối. Ảnh: KS.

Theo ông Lê Văn Bé, hiện toàn tỉnh có hơn 63.762 ha rừng, trong đó 444,43 ha cấp cháy I (vùng ít nguy hiểm); 1.366,09 ha cấp cháy II (vùng nguy hiểm trung bình); 11.790,56 ha cấp cháy III (vùng nguy hiểm); 25.600,66 ha cấp cháy IV (vùng rất nguy hiểm); 24.560,48 ha cấp cháy V (vùng cực kỳ nguy hiểm), tập trung hầu hết các huyện, thị xã, thành phố

Trong khi đó, theo dự báo, từ tháng 5/2023 trở đi khả năng cao El-Nino sẽ chiếm ưu thế dẫn đến thời tiết nắng nóng và khô hạn, Chi cục Kiểm lâm đã đề ra một số giải pháp ứng phó thời tiết này trong công tác phòng, chống cháy rừng.

Cụ thể, các đơn vị, chủ rừng phải thực hiện phương châm “phòng là chính, chữa cháy khẩn trương, kịp thời và triệt để” khi xảy ra cháy rừng; đồng thời thực hiện chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ” đảm bảo an toàn theo thứ tự ưu tiên: Người, tài sản, các công trình, phương tiện, thiết bị tham gia chữa cháy rừng.

Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm 2023, Chi cục đã xây dựng văn bản tham mưu Sở NN-PTNT đề nghị UBND tỉnh ban hành hoặc trực tiếp ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chuyên ngành về phòng cháy, chữa cháy rừng nhằm triển khai công tác thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh trên cơ sở văn bản chỉ đạo của Trung ương và UBND tỉnh.

Chi cục Kiểm lâm yêu cầu các chủ rừng phải thực hiện phương châm 'phòng là chính, chữa cháy khẩn trương, kịp thời và triệt để. Ảnh: KS.

Chi cục Kiểm lâm yêu cầu các chủ rừng phải thực hiện phương châm “phòng là chính, chữa cháy khẩn trương, kịp thời và triệt để. Ảnh: KS.

Đối với các Ban quản lý rừng phòng hộ/đặc dụng, các chủ rừng, Chi cục Kiểm lâm Phú Yên đề nghị chủ động rà soát, bổ sung các vùng trọng điểm cháy rừng trên cơ sở bản đồ phân vùng trọng điểm cháy rừng và xây dựng, thực hiện phương án phòng cháy chữa cháy rừng trên lâm phần được giao; xây dựng, tổ chức thực hiện các quy định, nội quy, điều kiện an toàn, biện pháp về phòng cháy chữa cháy rừng theo quy định.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Kiện toàn Ban Chỉ huy, các tổ, đội bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong hoạt động phòng cháy chữa cháy rừng; xây dựng các tình huống giả định và tổ chức thực tập xử lý sự cố cháy rừng trên diện tích được giao quản lý.

Đảm bảo kinh phí hoạt động phòng cháy chữa cháy rừng và chủ động, sẵn sàng nhân lực, nguồn lực, phương tiện, trang thiết bị cho công tác phòng cháy chữa cháy rừng; rà soát, kiểm tra, vận hành các phương tiện, trang thiết bị chữa cháy để ứng cứu kịp thời khi có xảy ra cháy rừng.

Người đứng đầu Chi cục Kiểm lâm Phú Yên còn lưu ý các chủ rừng phải đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy rừng đối với các vùng trọng điểm cháy rừng. Trong đó, chú trọng các biện pháp như tăng cường tuần tra canh gác lửa rừng, nhất là trong thời kỳ cao điểm mùa khô phải tuần tra 24/24 giờ trong ngày; tổ chức các hoạt động xây dựng, tu sửa công trình gồm: bảng, biển báo, bảng nội quy, đường tuần tra bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, đường băng cản lửa và áp dụng các biện pháp làm giảm vật liệu cháy. Xử lý thực bì để trồng rừng, vệ sinh rừng sau khai thác và làm giảm vật liệu cháy trong rừng theo đúng quy định…

Theo Chi cục Kiểm lâm Phú Yên, về lâu dài, để công tác phòng, chống cháy rừng có hiệu quả, Chi cục Kiểm lâm tham mưu Sở NN-PTNT đề xuất kiến nghị UBND tỉnh xem xét, phân bổ nguồn kinh phí để thực hiện Đề án Nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Những công nghệ 'chia lửa' cho lực lượng giữ rừng

Rừng đầu nguồn đóng vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai. Việc ứng dụng công nghệ trong bảo vệ rừng đầu nguồn giúp nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.